Đề tài Tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của Hà Tĩnh
Công nghiệp là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ của nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình đô thị hóa. Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là kể từ thập kỷ 90 (thế kỷ XX) đến nay, công nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển toàn diện trên tất cả các mặt. Tuy vậy, để đạt mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, thì bản thân ngành công nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn và đóng góp nhiều hơn nữa. Trong khi đó, ngành công nghiệp còn gặp nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực. Vì vậy cần phải có những giải pháp đồng bộ trong chính sách phát triển công nghiệp của cả nước và từng địa phương. Thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, từ ngày tái lập tỉnh (1991) đến nay, công nghiệp ở Hà Tĩnh đã dần dần đóng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc thu hút các dự án mới trong ngành công nghiệp được triển khai có hiệu quả. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và một số làng nghề truyền thống được phục hồi. Cơ sở hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được cải thiện một bước đáng kể. Một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề tập trung được quy hoạch và xây dựng [17, tr.47]. Tỉnh đã hình thành được một số cơ sở công nghiệp tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo. Nhưng muốn đạt được mục tiêu như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra thì cần phải "tập trung mọi nguồn lực tạo bước phát triển đột phá về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp" [17, tr.76]. Trong khi đó, nhiều khó khăn đang đặt ra cho ngành công nghiệp của tỉnh, đó là: Thứ nhất, công nghiệp chưa tạo được tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chưa phát huy tối đa mọi nguồn lực trong các thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp.