Đề tài Thạch Lam với Tự lực Văn Đoàn

Sự dồn nén của lịch sử trong 15 năm (1930 - 1945) về mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá, tư tưởng. đã tạo cho xã hội Việt Nam một diện mạo phong phú và phức tạp. Đặc biệt văn học thời kì này hơn lúc nào hết, toả sáng như một hiện tượng lạ, đạt đến độ hoàn toàn hiện đại. Để làm nên điều kỳ diệu đó, cần phải tính đến công lao của Tự lực văn đoàn, đã góp phần hiện đại hoá nền văn học Việt Nam nói chung, văn xuôi nói riêng về mọi phương diện. Tuy nhiên qua sàng lọc của thời gian đến nay có những tác giả, tác phẩm đã bị trả về cho dĩ vãng nhưng cũng có những sáng tác vẫn còn nguyên giá trị và thậm chí ngày càng rực rỡ hơn. Trong số rất ít tác giả, tác phẩm đạt đến độ trường tồn đó, phải kể đến Thạch Lam - một thành viên của Tự lực văn đoàn. Nhìn chung việc đánh giá Tự lực văn đoàn của độc giả và giới nghiên cứu từng thời kỳ có khen, chê, sự chào đón, hoặc phê phán là khác nhau, thậm chí có nhiều ý kiến trái ngược, đối lập nhau; nhưng về nhà văn Thạch Lam và các sáng tác của ông thì hầu như dư luận đều khá nhất trí, mặc dù không phải lúc nào cũng được chú ý hoàn toàn. Càng ngày, khi đã lắng đọng và hội đủ điều kiện để nhìn lại những di sản văn hoá với con mắt biện chứng, lịch sử, chúng ta nhìn nhận vấn đề càng sâu sát hơn, đúng đắn hơn, nhất là từ thời kì đổi mới sau 1986. Có thể nói chúng ta tiến được một bước dài trong việc định chân giá trị các sáng tác trước 1945. Về tổ chức văn học Tự lực văn đoàn và vai trò, vị trí đóng góp của các thành viên, chúng ta cũng nhìn nhận bình tĩnh hơn, chuẩn xác hơn, phân rõ được mặt tích cực, mặt hạn chế một cách thoả đáng, có tình có lí hơn. Riêng về nhà văn Thạch Lam, những năm trước 1975, nhìn chung được bàn nhiều trong giới trí thức đô thị miền Nam, tập trung ở Sài Gòn. Còn ở miền Bắc dư luận chỉ mới dừng lại ở một số kết luận ổn định và thận trọng. Từ sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là sau 1986 đến nay, nhiều công trình đã được công bố, nhiều hội thảo đã được tổ chức và Thạch Lam được khẳng định là một tác giả có nhiều đóng góp đặc sắc, nhất là về truyện ngắn. Tuy nhiên, xu hướng gắn kết Thạch Lam với Tự lực văn đoàn để nghiên cứu trong quan hệ trong và ngoài tổ chức mình còn chưa nhiều và chưa đúng mức. Mặt khác, sự quan tâm của giới phê bình, nghiên cứu văn học mới cơ bản tập trung đi sâu vào các phương diện nội dung, nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam; một số người đã nghiên cứu dưới góc độ thi pháp để tìm những đặc trưng nghệ thuật, hoặc cái đẹp trong truyện ngắn. Một vài công trình có mở rộng để tìm mối liên hệ gắn kết Thạch Lam với các tác giả gần hoặc cùng phong cách để phát hiện dòng phong cách đặc sắc riêng mà Thạch Lam là người có ảnh hưởng lớn, nhưng cũng mới xoay quanh tâm điểm truyện ngắn. Thấp thoáng có tác giả bộc lộ ý tưởng đi vào sự nghiệp văn chương Thạch Lam với đầy đủ các sáng tác của ông nhưng cũng mới chỉ dừng ở mức một chuyên khảo còn nhiều hạn hẹp. Việc nghiên cứu các tác phẩm của Thạch Lam, bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, tiểu luận với cái nhìn tổng thể, thống nhất về sự nghiệp văn chương của một tác giả có phong cách độc đáo, một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, một hệ thống quan niệm, tư tưởng nghệ thuật nhất quán để từ đó đánh giá chính xác những đóng góp cũng như phát hiện và khẳng định giá trị nổi bật của toàn bộ văn chương Thạch Lam thì chưa có công trình nào dày dặn và đủ độ. Một vấn đề khác, chúng tôi thấy cũng cần nhấn mạnh là để định chân giá trị các sáng tác của Thạch Lam, cũng như tìm hiểu tư tưởng, tình cảm, quan điểm nghệ thuật Thạch Lam, chúng ta không thể không đặt nhà văn trong mối liên hệ mật thiết với Tự lực văn đoàn. Như Giáo sư Phong Lê đã chỉ rõ: "Đời văn Thạch Lam ngắn ngủi nhưng được hưởng tất cả ưu thế và thuận lợi của Văn đoàn mình" [111,191]. Vì vậy, muốn hiểu sâu Thạch Lam phải gắn Thạch Lam với Tự lực văn đoàn và để hiểu đầy đủ Tự lực văn đoàn phải chú trọng nghiên cứu Thạch Lam. Bởi vì có thể nói những ưu điểm, nhược điểm của Tự lực văn đoàn đều có ở Thạch Lam mà chủ yếu là trong mối quan hệ Thạch Lam với Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo. Thế nhưng, Thạch Lam lại không hoà tan trong văn đoàn mà vươn lên để khẳng định một phong cách độc đáo, có sức cộng hưởng lớn, lan rộng, vươn xa, có khả năng tạo lập dòng phong cách nghệ thuật mới, gồm Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ Tốn. Cho nên nghiên cứu Thạch Lam chúng ta vừa "không tách Thạch Lam ra khỏi khuynh hướng chung của Tự lực văn đoàn" [111,191], vừa đặt trong sự đối sánh để " thấy rõ sự khác biệt không ít ở tính chất tiến bộ và nhân đạo trong sáng tác Thạch Lam"[111,191] Đồng thời, cũng cần mở rộng để xem xét Thạch Lam trong tiến trình phát triển của văn xuôi hiện đại nói chung, truyện ngắn nói riêng trước 1945, nhất là với truyện ngắn của các tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng hiện thực và lãng mạn như Nam Cao, Nguyễn Tuân. Như thế, chúng ta sẽ có một nhận thức đầy đủ toàn diện hơn. Vì vậy, chúng tôi chọn vấn đề Thạch Lam với Tự lực văn đoàn làm đề tài nghiên cứu chính của luận án.

doc198 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 4361 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Thạch Lam với Tự lực Văn Đoàn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan