Đề tài Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002

Xử phạt vi phạm hành chính là một dạng hoạt động áp dụng luật hành chính, là quá trình các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền căn cứ vào pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để ban hành các quyết định xử phạt. Việc hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính là đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay nhằm đảm bảo việc xử phạt đúng đắn. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính phải được thực thi nghiêm chỉnh từ phía các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và đúng theo các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, trong đó việc xác định thẩm quyền và thủ tục xử phạt có ý nghĩa rất quan trọng.

doc12 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2106 | Lượt tải: 6download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC BÀI LÀM ĐẶT VẤN ĐỀ Xử phạt vi phạm hành chính là một dạng hoạt động áp dụng luật hành chính, là quá trình các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền căn cứ vào pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… để ban hành các quyết định xử phạt. Việc hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính là đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay nhằm đảm bảo việc xử phạt đúng đắn. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính phải được thực thi nghiêm chỉnh từ phía các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và đúng theo các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, trong đó việc xác định thẩm quyền và thủ tục xử phạt có ý nghĩa rất quan trọng. NỘI DUNG Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Vấn đề thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Chương IV của Pháp lệnh với 14 điều ( từ Điều 28 đến Điều 42 ). Đây là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính bởi nó đặt cơ sở pháp lý cho việc xác định những cơ quan nào, những chức danh nào trong các cơ quan quản lý thuộc bộ máy nhà nước được quyền nhân danh Nhà nước để “phán xét” và quyết định việc xử lý đối với vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc tiến hánh xử phạt vi phạm hành chính cũng phải căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản, trực tiếp liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức được trao quyền xử phạt hành chính đã được quy định cụ thể trong Pháp luật, chẳng hạn như vấn đề phân định thẩm quyền xử phạt, vấn để xác định thẩm quyền xử phạt đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt cụ thể, vấn đề xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp phạt tiền v.v… Chương IV của Pháp lệnh quy định cụ thể tất cả 74 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Quy địnhn thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cụ thể của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh cụ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các cơ quan có thẩm quyền xử phạt được nêu cụ thể tại các điều của Chương này, đó là: Công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, kiểm lâm, thuế, quản lý thị trường, tòa án nhân dân, thi hành án; Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc cơ quan Thanh tra chuyên ngành; Quy định thẩm quyền xử phạt của một số chức danh cụ thể thuộc một số cơ quan xuất phát từ nhu cầu bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong các hoạt động đó: Giám đốc Cảng vụ Hàng hải, Giám đóc Cảng vụ Hàng không, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính: Quy định nguyên tắc phân định thẩm quyền xử phạt theo chức năng quản lý nhà nước theo lãnh thổ (của Ủy ban nhân dân ) và chức năng quản lý nhà nước theo ngành ( của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt khác ngoài Ủy ban nhân dân các cấp ); Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể trong Chương IV là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính và quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt của các chức danh được quy định cụ thể tại Chương này trong trường hợp phạt tiền. Thẩm quyền xử phạt của các chức danh cụ thể quy định trong Pháp lệnh được xác định trên cơ sở tất cả các căn cứ sau: Một là, đối với thẩm quyền được áp dụng hình thức phạt tiền: được căn cứ vào mức phạt tối đa của khung hình phạt tiền quy định cho vi phạm hành chính cụ thể và mức phạt tiền quy định cho chức danh đó trong Pháp lệnh. Hai là, đối với thẩm quyền áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm: được căn cứ vào quy định của văn bản về xử phạt vi phạm hành chính có quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi cụ thể đó hay không; Pháp lệnh có quy định chức danh đó có được áp dụng hình thức phạt tịch thu tang vật, phương tiện hay không, nếu có trị giá của tang vật, phương tiện vi phạm quy định cho chức danh đó được áp dụng và thực tế trị giá của tang vật, phương tiện vi phạm của vi phạm hành chính; Ba là, đối với thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép: được căn cứ vào quy định của văn bản về xử phạt vi phạm hành chính có quy định tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi cụ thể đó hay không; Pháp lệnh có quy định chức danh đó được áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép hay không và quy định của pháp luật có liên quan đối với loại giấy phép cụ thể cần phải áp dụng hình thức phạt này trong vụ vi phạm hành chính cụ thể. Bốn là, đối với thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: được căn cứ vào quy định của văn bản về xử phạt vi phạm hành chính có quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi cụ thể đó hay không, nếu có thì đó là biện pháp gì; Pháp lệnh có quy định chức danh đó được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó hay không. Việc xem xét thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp cụ thể được xác định sau khi đã tính đến tất cả các căn cứ trên đây. Trường hợp không thỏa mãn được các căn cứ đã được “pháp lý hóa” đối với vụ việc vi phạm hành chính cụ thể thì phải chuyển vụ vi phạm đến chức danh thỏa mãn các căn cứ xử phạt nêu trên để chức danh đó quyết định xử phạt theo thẩm quyền được Pháp lệnh quy định cho họ. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Chương VI Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính là một trong những chương quan trọng của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 vì những quy định của chương này và việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định đó đảm bảo cho việc xử phạt được khách quan, chính xác, góp phần bảo vệ pháp chế, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Chính vì vậy, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 không chỉ quy định về nội dung ( về nguyên tắc xử phạt, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt…) mà còn quy định cả về thủ tục xử phạt. Cũng như Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 1989, và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1985, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 vẫn duy trì hai loại thủ tục: thủ tục đơn giản và thủ tục xử phạt có lập biên bản. Thủ tục đơn giản (Điều 54 Pháp lệnh) Thủ tục đơn giản là loại thủ tục được áp dụng trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng. Để giải quyết nhanh chóng đối với vụ vi phạm nhỏ, đơn giản, rõ ràng, Pháp lệnh đã nâng mức phạt tiền được xử phạt theo thủ tục đơn giản từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng. Đây là một trong những điểm mới của Pháp lệnh. Theo quy định tại Điều 54 Pháp lệnh, người có thẩm quyền khi tiến hành xử phạt theo thủ tục đơn giản không phải lập biên bản, mà xử phạt ngay bằng việc ra Quyết định xử phạt. Nội dung quyết định xử phạt theo thủ tục đơn giản cũng ngắn gọn hơn so với thủ tục có lập biên bản, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo những thông tin sau đây: họ, tên, địa chỉ của người vi phạm, hành vi vi phạm, địa điểm xảy ra vi phạm, điều, khoản, tên văn bản được áp dụng để xử phạt; ngày, tháng, năm ra quyết định (đây là điểm mới so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995), họ, tên, chức vụ người ra quyết định. Trong trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức phạt tiền. Người ra quyết định xử phạt phải giao cho người bị xử phạt quyết định xử phạt. Pháp lệnh cũng có điểm bổ sung mới, quy định rõ: “cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ người có thẩm quyền xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.”. Thủ tục xử phạt có lập biên bản Điều 55 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định: 1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản. Trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản đó phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt. Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay sau khi xác định được người có hành vi vi phạm. Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển thì người chỉ huy tàu bay, tàu biển có trách nhiệm lập biên bản để chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt khi tàu bay, tàu biển về đến sân bay, bến cảng. 2. Trong biên bản về vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp người vi phạm hoặc tên, địa chỉ tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt (nếu có); tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có); lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ. Trong trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không có mặt tại địa điểm xảy ra vi phạm thì biên bản được lập xong phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến. 3. Biên bản phải được lập thành ít nhất hai bản; phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trong trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. 4. Biên bản lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm một bản; nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt. Tính hợp lý của các quy định hiện hành về thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Tính hợp lý của các quy định hiện hành về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 thì mặc dù nội dung quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính vẫn được kết cấu tại chương IV với tên chương giữ nguyên như vậy nhưng nội dung chương dã được bổ sung nhiều quy định mới nhằm khắc phục những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện các quy định thuộc nội dung của chương này trong Pháp lệnh cũn và cũng là để nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống vi phạm hành chính trong tình hình mới. Một điểm chung về quy định thẩm quyền xử phạt trong pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 là quy định tăng thẩm quyền phạt tiền cho các chức danh ở cơ sở nhằm thực hiện chủ trương phân cấp mạnh cho cơ sở trong thực hiện xử lý vi phạm hành chính, đồng thời cũng quy định tăng thẩm quyền phạt tiền cho các chức danh thuộc cơ quan chuyên ngành nhằm khắc phục tình trạng vụ việc bị dồn đẩy lên trên và chuyền sang Ủy ban Nhân dân các cấp quá nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải và ùn tắc trong xử phạt vi phạm hành chính những năm qua. Việc quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở chữa bệnh cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện thay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 cũng vì mục đích như vậy. Pháp lệnh không chỉ tăng thẩm quyền phạt tiền cho các chức danh mà còn quy định thêm một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục hải quan, Cảnh sát biển, Giám đốc cảng vụ… Ví dụ: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi năm 2007) quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đưcọ quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh (khoản 6, 7 Điều 29). Đây là hai trong số năm biện pháp xử lý hành chính khác được quy định trong Pháp lệnh. Cả hai biện pháp này trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 đều quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền áp dụng. Có thể nói, việc quy định thẩm quyền này cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyên là một điểm rất mới trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, thể hiện tinh thần phân cáp mạnh về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho cơ sở đi đôi với việc quy định trình tự, thủ tục xét duyệt chặt chẽ, khoa học, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống vi phạm hành chính trong tình hình mới. Khoản 5 và 6 Điều 30 của Pháp lệnh quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, quản chế hành chính. Sở dĩ quyền quyết định áp dụng hai biện pháp này vẫn quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có quyền áp dụng là xuất phát từ tính chất, đối tượng áp dụng của hai biện pháp này, đó là những đối tượng lưu manh, côn đồ, có hành vi làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội thường xuyên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú nhất định hoặc đối tượng có hành vi phương hại đến an ninh quốc gia, việc áp dụng các biện pháp này rất nhạy cảm đối với an ninh trật tự xã hội, có ảnh hưởng lớn đến quyền tự do cá nhân của đối tượng, thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với đối tượng bị áp dụng nên cần thiết phải quy định thẩm quyền áp dụng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tại Điều 31 của Pháp lệnh, thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt thuộc lực lượng Công an nhân dân được quy định tăng lên trung bình gấp 5 lần so với chức danh tương ứng quy định trong Pháp lệnh năm 1995, trừ thẩm quyền của chiến sỹ Công an nhân dân, của Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sỹ Công an nhân dân và của Giám đốc Công an cấp tỉnh thì vẫn được giữ nguyên. Lý do của việc quy định tăng thẩm quyền phạt tiền của nhiều chức danh nhưng lại giữ nguyên thẩm quyền phạt tiền của một số chức danh khác là căn cứ vào yêu cầu thực tế xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thuận tiện và phù hợp yêu cầu thực tế của công tác xử phạt vi phạm hành chính. (Ví dụ: việc giữ nguyên thẩm quyền phạt tiền của chiến sỹ Công an nhân dân đến 100.000 đồng vì quy định về xử phạt theo thủ tục đơn giản được áp dụng đối với trường hợp phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000 đồng và như vậy chiến sỹ Công an nhân dân trong khi thi hành công vụ có quyền ra quyết định xử phạt tại chỗ đối với những vi phạm hành chính đơn giản, rõ ràng, lần đầu hoặc có tình tiết giảm nhẹ mà hành vi đó được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa đến 100.000 đồng mà không phải lập biên bản hoặc chuyển lên cấp trên.) Tính hợp lý của các quy định hiện hành về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi năm 2007) duy trì hai loại thủ tục là thủ tục đơn giản và thủ tục có lập biên bản. Việc chia thủ tục xử phạt thành hai loại có ý nghĩa là: đối với vụ việc đơn giản, rõ ràng như điều khiển xe vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đi ngược chiều… thì người có thẩm quyền xử phạt có thể ra quyết định xử phạt ngay; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ, vụ việc được giải quyết nhanh chóng, đơn giản. Điều đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước và người thi hành công vụ mà còn cho cả cá nhân, tổ chức vi phạm. Nhưng đối với những vụ việc phức tạp, đòi hỏi phải xác minh, làm rõ những tình tiết vi phạm thì việc lập biên bản là rất cần thiết để đảm bảo việc xử phạt được khách quan, chính xác, không phạt oan cá nhân, tổ chức. Để ngăn chặn hành vi vi phạm và thực tiễn các biện pháp khôi phục tình trạng ban đầu đã vi phạm, Điều 53 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi năm 2007) quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm hành chính.”. Ví dụ: khi phát hiện việc đào đường hoặc xây nhàn trái pháp luật, người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm và lập biên bản về hành vi vi phạm. Việc đình chỉ hành vi vi phạm là bước đầu tiên và được áp dụng đối với thủ tục xử phạt đơn giản cũng như thủ tục có lập biên bản. Để phù hợp với thực tế đa dạng, phong phú của cuộc sống, đảm bảo tính linh hoạt, không “bó tay” cơ quan nhà nước, Pháp lệnh không quy định cụ thể hình thức của lệnh đình chỉ, tuy nhiên cần hiểu đây là lệnh viết (bằng văn bản), lệnh miệng hoặc bằng các hình thức khác (chẳng hạn bằng còi hoặc biển hiệu của người, cơ quan có thẩm quyền). Theo quy định tại Điều 64 của Pháp lệnh, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải thi hành quyết định xử phạt trong thời hạn là 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Như vậy, so với Pháp lệnh năm 1995, thời hạn tự nguyện thi hành quyết định xử phạt được quy dài gấp đôi (Pháp lệnh năm 1995 quy định là 5 ngày). Sở dĩ Pháp lệnh kéo dài thời hạn như trên vì trong rất nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt ở ngoài địa bàn cư trú hoặc địa bàn đóng trụ sở hoặc trong trường hợp bị xử phạt với một khoản tiền rất lớn do vậy cần có thời gian để cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể chuẩn bị tiền để nộp phạt, không bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp mạnh và kiên quyết. Đây là quy định tạo thuận lợi cho đối tượng vi phạm hành chính có điều kiện để tự nguyện thi hành quyết định xử phạt. KẾT THÚC VẤN ĐỀ Hoàn thiện các quy định về xử phạt hành chính, trong đó có các quy định về thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính là nhu cầu cấp thiết hiện nay vì vi phạm hành chính xảy ra rất phổ biến, gây nhiều tác hại về kinh tế - xã hội. Việc xử lý đúng đắn các vi phạm hành chính phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những quy định đúng đắn về thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài việc hoàn thiện các quy định xử phạt vi phạm hành chính, việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính, nhất là các văn bản liên quan đến thẩm quyền và thủ tục xử phạt giúp cho những người có thẩm quyền cũng như người dân dễ dàng xử lý các vụ việc liên quan đến vi phạm hành chính. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý – “Bình luận khoa học Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002” – Nhà xuất bản Tư pháp – Hà Nội – Năm 2005. Tạp chí Dân chủ & Pháp Luật – “Số chuyên đề về Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002” – Hà Nội – Tháng 9 năm 2002. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; sửa đổi năm 2007 – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Hà Nội – năm 2007. Trường Đại học Luật Hà Nội – “Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam” – Nhà xuất bản Công an nhân dân – Hà Nội – năm 2011.
Luận văn liên quan