Đề tài Thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam: Thực trạng, các vấn đề và giải pháp
Khu vực DNN&V trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề về thất nghiệp, tệ nạn xã hội; nâng cao hiệu quả nền kinh tế, huy động được nguồn lực trong xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực DNN&V thời gian qua chưa mạnh mẽ, chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết các DNN&V có khả năng cạnh tranh thấp, năng lực sản xuất hạn chế, thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh, trình độ quản lý yếu kém, thiếu đội ngũ thợ giỏi, thợ lành nghề. Có nhiều nguyên nhân hạn chế khả năng cạnh tranh của các DNN&V, một trong những nguyên nhân chính là do các DNN&V ở nước ta chưa có thói quen sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh (DVPTKD), đồng thời các tổ chức cung ứng DVPTKD cũng chưa thực sự phát triển. Các DNN&V vẫn hoạt động dưới hình thức “tự cung, tự cấp” có nghĩa là từ mình tạo ra các dịch vụ để hỗ trợ kinh doanh như tìm kiếm thị trường, tuyển lao động, các vấn đề về pháp lý, đào tạo, kiểm toán,. mà chưa sử dụng từ các tổ chức, doanh nghiệp mang tính chuyên nghiệp. Việc hoạt động dưới hình thức "tự cung, tự cấp" đã làm cho các DNN&V mặc dù rất hạn chế về nguồn lực nhưng vẫn phải đảm đương nhiều khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh và vì vậy làm giảm hiệu quả và đôi khi dẫn tới vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Trong khi đó, kinh nghiệm cho thấy các nước trên thế giới đã vận hành một cách có hiệu quả hệ thống thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh nhằm phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các DNN&V. Nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường DVPTKD ở Việt Nam, thông qua đó hỗ trợ các DNN&V nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, Ban Nghiên cứu Cải cách và Phát triển doanh nghiệp đề nghị được nghiên cứu đề tài “Thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam- Thực trạng, các vấn đề và giải pháp”