Hoà nhập cùng đất nước trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Thanh Hoá đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực. Với tốc độ kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình an ninh trật tự xã hội được đảm bảo. Song sự phát triển của nền kinh tế cũng nảy sinh và tồn tại những mặt trái của nó, đó là sự tha hoá trong lối sống, đạo đức, sự xuất hiện một bộ phận thanh thiếu niên có lối sống tiêu cực, lệch lạc về nhận thức, muốn hưởng thụ về vật chất nhưng lại không chịu lao động nên đã dấn thân vào con đường tội phạm. Đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các tệ nạn xã hội cũng như các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản . trong đó cướp tài sản là loại tội diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Trước tình hình tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng, bên cạnh việc đề cao cảnh giác, chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn tình hình tội phạm và dần loại trừ hành vi phạm tội đó ra khỏi đời sống xã hội. Để góp phần nhỏ bé của mình vào công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, em đã mạnh dạn chọn đề tài "Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương" làm bài viết chuyên đề cuối khoá cho mình.
Đề tài gồm có 4 phần, trong đó nêu rõ quá trình tìm hiểu thu thập thông tin, phương pháp thu thập và thực trạng của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, qua đó tìm ra nguyên nhân và các giải pháp phòng chống loại tội phạm này một cách có hiệu quả. Đề tài còn nêu lên một số nhận xét và kiến nghị về hoạt động phòng ngừa của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội cướp tài sản trên địa bàn.
Là một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, do kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, việc nghiên cứu thu thập tài liệu còn ở giới hạn nhất định nên chuyên đề không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong các thầy cô giáo và các bạn đóng góp ý kiến để chuyên đề của em được hoàn thiện hơn.
24 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 3889 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phần I
Giới thiệu chuyên đề
Hoà nhập cùng đất nước trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Thanh Hoá đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực. Với tốc độ kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình an ninh trật tự xã hội được đảm bảo. Song sự phát triển của nền kinh tế cũng nảy sinh và tồn tại những mặt trái của nó, đó là sự tha hoá trong lối sống, đạo đức, sự xuất hiện một bộ phận thanh thiếu niên có lối sống tiêu cực, lệch lạc về nhận thức, muốn hưởng thụ về vật chất nhưng lại không chịu lao động nên đã dấn thân vào con đường tội phạm. Đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các tệ nạn xã hội cũng như các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản ... trong đó cướp tài sản là loại tội diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Trước tình hình tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng, bên cạnh việc đề cao cảnh giác, chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn tình hình tội phạm và dần loại trừ hành vi phạm tội đó ra khỏi đời sống xã hội. Để góp phần nhỏ bé của mình vào công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, em đã mạnh dạn chọn đề tài "Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương" làm bài viết chuyên đề cuối khoá cho mình.
Đề tài gồm có 4 phần, trong đó nêu rõ quá trình tìm hiểu thu thập thông tin, phương pháp thu thập và thực trạng của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, qua đó tìm ra nguyên nhân và các giải pháp phòng chống loại tội phạm này một cách có hiệu quả. Đề tài còn nêu lên một số nhận xét và kiến nghị về hoạt động phòng ngừa của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội cướp tài sản trên địa bàn.
Là một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, do kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, việc nghiên cứu thu thập tài liệu còn ở giới hạn nhất định nên chuyên đề không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong các thầy cô giáo và các bạn đóng góp ý kiến để chuyên đề của em được hoàn thiện hơn.
Phần II
I. Quá tRình thu thập, thời gian thu thập, phương pháp
thu thập
1. Quá trình thu thập và thời gian thu thập tài liệu
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá (gọi tắt là VKS tỉnh) là địa điểm nơi em thực tập. Với vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, VKS tỉnh Thanh Hoá đã góp phần đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Với sự nỗ lực của toàn đơn vị cùng sự phối hợp với các cơ quan Công an, Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án .... VKS tỉnh đã góp phần không nhỏ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản, sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.
Vì chọn đề tài "Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp phòng chống tội cướp tài sản ở địa phương" nên ngay từ đầu thời gian thực tập tại VKS tỉnh Thanh Hoá, trên cơ sở những yêu cầu của chuyên đề thực tập, em đã nghiên cứu các hồ sơ vụ án, đọc cáo trạng, đồng thời chú trọng việc thu thập, nắm bắt các thông tin, số liệu về tình hình tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu tháng 2/2008 là thời gian em nghiên cứu hồ sơ các vụ cướp tài sản của những năm trước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Qua nghiên cứu hồ sơ, đọc cáo trạng, em đã nắm bắt được tình hình cụ thể của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Đầu tháng 3/2008, được sự cho phép của Viện trưởng VKS tỉnh, em đã qua phòng thống kê lấy số liệu về tội cướp tài sản trong 3 năm 2005, 2006, 2007.
Cuối tháng 3/2008, em qua phòng kiểm sát điều tra án kinh tế của VKS tỉnh xin các báo cáo tổng kết của các năm 2005, 2006, 2007 làm cơ sở để viết chuyên đề thực tập.
Cùng với việc nghiên cứu, thu thập tài liệu để viết chuyên đề, những buổi đi cùng kiểm sát viên tham dự các phiên toà xét xử các vụ cướp tài sản và một số vụ án khác đã giúp em có những kiến thức thực tế rất bổ ích phục vụ cho chuyên đề thực tập của mình.
Vì thời gian thực tập là 3 tháng (từ ngày 7/1/2008 đến 20/4/2008) nên quá trình thu thập và thời gian thu thập tài liệu có nhiều hạn chế, tuy nhiên đó cũng là khoảng thời gian cần thiết giúp em có thể thu thập được những thông tin chính xác phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của mình. Tất cả các số liệu, thông tin mà em đã thu thập đều được VKS tỉnh Thanh Hoá thống kê đầy đủ.
2. Phương pháp thu thập
Với thời gian nghiên cứu có hạn, để những thông tin đưa ra được đầy đủ, khách quan, bao quát được toàn bộ vấn đề cần tìm hiểu, em đã sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp kết hợp với các phương pháp như : Thống kê, điều tra xã hội học dựa trên những kết quả khảo sát, thu thập và trao đổi với cán bộ phòng án kinh tế của VKS tỉnh Thanh Hoá để tổng kết thực trạng công tác phòng ngừa tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị mang ý nghĩa ứng dụng thiết thực vào công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này.
II. Nguồn thu thập thông tin
Với mong muốn chuyên đề thực tập của mình được hoàn chỉnh cũng như các con số được trình bày trong chuyên đề có sự chính xác, em đã thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn.
Nguồn để thu thập thông tin cho việc nghiên cứu đề tài này là các văn bản, tài liệu có liên quan đến các vụ cướp tài sản. Cụ thể là những văn bản, tài liệu sau:
1. Báo cáo tổng kết năm của phòng kiểm sát điều tra án kinh tế của VKS tỉnh Thanh Hoá trong năm 2005, 2006, 2007.
2. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Bộ luật Tố tụng hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Cáo trạng số 29/KSĐT ngày 29/11/2006 của VKS tỉnh Thanh Hoá.
5. Cáo trạng số 42/KSĐT ngày 18/11/2007 của VKS tỉnh Thanh Hoá.
6. Tạp chí Kiểm sát năm 2005, 2006, 2007.
7. Tội phạm ở Việt Nam - Nguyên nhân và giải pháp, NXB Công an nhân dân.
1. Các thông tin thu thập được
Tại sổ thống kê các vụ án hình sự trong 3 năm 2005, 2006, 2007 của VKS tỉnh Thanh Hoá cho thấy:
Năm 2005: VKS 2 cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra mới 81 vụ với tổng số 178 bị can; đã giải quyết 75 vụ, 156 bị can và kiểm sát xét xử 72 vụ, 148 bị cáo.
Về mức hình phạt: Tù từ 3 năm trở xuống có 68 bị cáo (trong đó có 46 bị cáo được hưởng án treo), tù từ 3 - 7 năm có 76 bị cáo, tù từ 7 - 15 năm có 3 bị cáo, tù trên 15 năm có 1 bị cáo.
Năm 2006: VKS 2 cấp đã kiểm sát điều tra mới 83 vụ với tổng số 171 bị can, đã giải quyết 75 vụ, 157 bị can và kiểm sát xét xử 71 vụ, 133 bị cáo.
Về mức hình phạt: Tù từ 3 năm trở xuống có 77 bị cáo (trong đó có 39 bị cáo được hưởng án treo), tù từ 3 - 7 năm có 48 bị cáo, tù từ 7 - 15 năm có 8 bị cáo.
Năm 2007: Trong năm, VKS 2 cấp đã kiểm sát điều tra mới 72 vụ với tổng số 179 bị can; đã giải quyết 55 vụ, 125 bị can và và kiểm sát xét xử 51 vụ, 110 bị cáo.
Về mức hình phạt: Tù từ 3 năm trở xuống có 42 bị cáo (trong đó có 20 bị cáo được hưởng án treo), tù từ 3 - 7 năm có 33 bị cáo, tù từ 7 - 15 năm có 35 bị cáo.
Đa phần các bị cáo có tuổi đời còn rất trẻ từ 16 - 18, số còn lại từ 18 - 30. Các bị cáo đều có trình độ văn thấp, không có công ăn việc làm, trong đó có một số đối tượng nghiện hút, một số học sinh bỏ học...
- Dưới đây là một vụ điển hình về tội cướp tài sản mà VKS tỉnh Thanh Hoá đã thụ lý giải quyết:
Ngày 29/11/2006, VKS đã ra bản cáo trạng số 29/KSĐT truy tố trước Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá để xét xử đối với Nguyễn Sỹ Công (sinh ngày 30/03/1986, trình độ văn hoá 3/12) và Lê Cao Huy (sinh ngày 05/ 07/1986, trình độ văn hoá 5/12) đều trú tại thôn Trung Kỳ, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá về tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Tối ngày 11/09/2006, sau khi ăn cơm ở nhà ông Biên ở thôn Trung Kỳ, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá xong, Nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy đi xe đạp mang theo 02 tuýp nước (loại phi 15, dài 50cm) đi xuống khu vực xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn chơi. Khoảng gần một tiếng sau, Huy về nhà cất xe đạp, sau đó Huy và Công đi bộ xuống khu vực giáp ranh giữa phường Trung Sơn và xã Quảng Cư thuộc thị xã Sầm Sơn; Công và Huy vào nhà ông Kỳ lấy trộm bưởi đem ra đường ngồi ăn. Lúc đó có anh Trần Trí Do ở xã Quảng Tiến đi xe đạp đèo chị Vũ Thị Thanh ở xã Quảng Cư đi qua, Huy cầm quả bưởi đang ăn dở ném vào tay anh Do, anh Do nói "Bay làm gì đấy, tao kêu ông Vạn này !", ngay lập tức anh Huy và Công cầm gậy sắt đuổi theo anh Do và chị Thanh, Huy dùng gậy sắt đánh vào tay trái anh Do, cây sắt văng xuống đất, lúc đó Công tiếp tục dùng gậy sắt đánh anh Do làm anh bị choáng và chảy máu. Theo lời khai của Công và Huy, mục đích đánh anh Do là nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng anh Do và chị Thanh bỏ chạy nên bọn chúng chưa lấy được gì.
Công và Huy tiếp tục đi xuống bờ biển phía Đông giáp ranh giữa xã Quảng Cư và thôn Trung Kỳ, phường Trung Sơn, quan sát thấy anh Ngô Hữu Loát ở xã Quảng Cư và chị Ngô Thị Hương ở xã Quảng Tiến đang ngồi tâm sự, Công và Huy tiến lại gần từ phía sau dùng gậy sắt đánh vào đầu và người anh Loát, Công nói "Có bao nhiêu tiền thì bỏ ra ngay". Do bị đánh, anh Loát lấy tiền trong túi đưa cho Huy 50.000 đồng, chị Hương thấy anh Loát bị đánh nên van xin Công và Huy. Công thấy chị Hương đeo đồng hồ ở tay trái liền dùng tay giật chiếc đồng hồ và xô chị Hương ngã. Chị Hương van xin "Đồng hồ là kỷ vật của mẹ em, các anh cho em xin". Công quay lại ném chiếc đồng hồ xuống bãi cát, sau đó chúng bỏ đi.
Chưa dừng lại ở đó, Công và Huy lại tiếp tục đi xuống phía Nam giáp ranh giữa bãi biển thôn Trung Kỳ và Bắc Kỳ thuộc phường Trung Sơn, nhìn thấy anh Trần Trí Hậu và chị Bùi Thị Loan đều ở xã Quảng Tiến đang ngồi tâm sự, Công và Huy tiến lại gần từ phía sau anh Hậu, dùng gậy sắt đánh vào người, vào đầu anh Hậu. Do bị đánh bất ngờ, anh Hậu bỏ chạy, Công và Huy đuổi theo dùng gậy sắt đánh vào đầu anh Hậu làm anh ngã gục xuống bãi cát. Công và Huy lục soát túi quần, áo anh Hậu để lấy tiền nhưng không lấy được gì. Công quay lại chỗ chị Loan dùng tay vật chị Loan xuống bãi cát và nói "Mày có tiền không", chị Loan van xin rồi nói "Trong người có gì thì móc hết đi rồi tha cho anh ấy", lúc này Huy chạy lại lục soát túi quần chị Loan và lấy hết số tiền của chị (theo báo cáo của chị Loan tổng số tiền bị mất là 400.000 đồng). Sau khi lấy được tiền, Huy đưa cho Công cầm. Công và Huy quay lại chỗ anh Hậu, thấy anh Hậu vẫn nằm trên bãi cát, Công tháo dây thắt lưng của anh Hậu, sau đó chúng đi lại khu vực bãi sứa phía Bắc thì bị Công an bắt, thu giữ toàn bộ số tiền và tài sản mà Công và Hậu vừa chiếm đoạt được.
Do bị Công và Hậu dùng gậy sắt tấn công các anh: Trần Trí Do, Ngô Hữu Loát, Trần Trí Hậu bị thương phải vào bệnh viện điều trị. Trong quá trình điều trị anh Do chi phí hết 1.350.000 đồng, gia đình các bị can đã bồi thường 800.000 đồng; anh Loát chi phí hết 987.862 đồng, gia đình các bị can đã bồi thường 800.000 đồng; anh Hậu chi phí hết 2.138.000 đồng, gia đình các bị can đã bồi thường 1.500.000 đồng; số tiền còn lại Công và Huy phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án này, Nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy đều là những đối tượng không chịu học tập, lao động, rèn luyện, có nhận thức pháp luật kém. Hành vi của Công và Huy đã dùng gậy sắt là loại hung khí nguy hiểm tấn công nhiều người, liên tục trong một thời gian ngắn để chiếm đoạt tài sản của họ. Hành vi đó đã xâm phạm sức khoẻ, tài sản của người khác, do vậy cần phải được xử lý nghiêm trước pháp luật.
Tại phiên toà, các bị cáo Nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo khai do chơi bời, đua đòi nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản để lấy tiền chi tiêu cá nhân. Hành vi của các bị cáo đã phạm tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự như quyết định truy tố của VKS tỉnh Thanh Hoá là hoàn toàn có căn cứ.
Hội đồng xét xử Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá quyết định tuyên bố các bị cáo Nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy phạm tội cướp tài sản.
Chiếu theo khoản 2 Điều 133, các điểm g, h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự: Xử phạt Nguyễn Sỹ Công 7 năm tù giam về tội cướp tài sản và Lê Cao Huy 7 năm tù giam về tội cướp tài sản. Thời hạn tù của 2 bị cáo tính từ ngày tạm giam 11/9/2006.
Phần III
I. Thực trạng tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
1. Số lượng vụ cướp tài sản trong những năm qua luôn có sự biến động
Thời gian vừa qua tình hình tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng diễn ra hết sức phức tạp và vẫn có chiều hướng gia tăng, thiệt hại cho xã hội ngày càng nghiêm trọng, có lúc tình hình tội phạm trở nên nhức nhối đáng báo động. Nhiều vụ phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới phát hiện và triệt phá được vì phần lớn các bị can đều là những con nghiện, trình độ văn hoá thấp, không có công ăn việc làm lại có nhiều tiền án, tiền sự nên có tư tưởng chống đối, không khai báo và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che dấu hành vi phạm tội của mình.
Từ năm 2005 đến năm 2007 số vụ cướp tài sản mà Toà án 2 cấp đã thụ lý cùng với số lượng bị cáo có sự biến động rõ rệt:
Năm
2005
2006
2007
Thụ lý (vụ)
72
71
51
Bị cáo
148
133
110
Bảng 1: Thống kê của VKS tỉnh Thanh Hoá về việc xét xử các vụ cướp tài sản trên địa bàn trong các năm 2005, 2006, 2007.
Theo thống kê của VKS tỉnh thì năm 2005, Toà án 2 cấp đã xét xử 72 vụ với 148 bị cáo, đến năm 2006 đã giảm xuống còn 71 vụ, 133 bị cáo. Như vậy, so với năm 2005, tỷ lệ số vụ cướp tài sản năm 2006 đã giảm xuống còn 98,6%. Qua đó cho thấy số vụ cướp tài sản của năm 2006 có giảm đi nhưng không đáng kể (giảm 1 vụ/15 bị cáo).
Năm 2007, số vụ cướp tài sản đã giảm đi 20 vụ so với năm 2006 với tổng số 110 bị cáo. Như vậy so với năm 2006 thì năm 2007 tỷ lệ này đã giảm xuống rõ rệt chỉ còn 71,8%.
Mặc dù về nguyên tắc đòi hỏi: "Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật". Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại tội phạm xảy ra nhưng chưa được phát hiện, điều tra. Theo số liệu thống kê của VKS tỉnh Thanh Hoá trong 3 năm cho thấy số vụ cướp tài sản chưa được phát hiện trong năm 2005 là 14 vụ, năm 2006 là 8 vụ và năm 2007 là 11 vụ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là do người dân không tố giác tội phạm, nạn nhân sợ việc tố giác sẽ bị trả thù hoặc không thích tiếp xúc với các cơ quan bảo vệ pháp luật ... Mặt khác, do chưa tìm ra được chứng cứ buộc tội đối với thủ phạm nên số lượng tội phạm ẩn vẫn còn rất nhiều.
2. Tội cướp tài sản thường xảy ra tại một số địa bàn trọng điểm.
Thanh Hoá có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố và 24 huyện. Những vụ cướp tài sản thưởng xảy ra ở một số huyện như: Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Tĩnh Gia, Cẩm Thuỷ, Thường Xuân ... Đây là các địa bàn tập trung đông dân cư và có nền kinh tế phát triển hơn so với các địa bàn khác trong tỉnh.
Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia - nơi có khu công nghiệp Nghi Sơn là địa điểm thu hút rất nhiều lao động tập trung về đây. Cùng với sự phát triển của khu công nghiệp là sự xuất hiện những dịch vụ giải trí không lành mạnh kéo theo những tệ nạn xã hội, làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện mất ổn định. Tại khu vực thị trấn Còng của huyện Tĩnh Gia, trong năm 2005 đã xảy ra 4 vụ cướp tài sản. Các vụ cướp thường xảy ra vào ban đêm, các đối tượng cướp tài sản là những thanh niên thất nghiệp, bỏ học sớm, ăn chơi đua đòi và để có tiền tiêu sài, bọn chúng đã tụ tập thành nhóm rủ nhau đi cướp tài sản của người qua đường.
Đặc biệt, trong năm 2006, VKS tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Văn Tráng (ở xã Hải Bình - huyện Tĩnh Gia) cùng 18 đối tượng khác trong đó có 9 đối tượng là trẻ vị thành niên đã dùng hung khí nguy hiểm như dao, gậy, kiếm ra đường quốc lộ vào khoảng từ tháng 6/2005 đến tháng 8/2005, bọn chúng đã thực hiện 6 vụ cướp. Hiện nay đã khởi tố 13 bị can, còn các đối tượng khác đang điều tra để xử lý theo pháp luật.
Tại huyện Cẩm Thuỷ, trong 2 năm 2005 và 2006 đã xảy ra 7 vụ cướp tài sản. Điển hình là vụ cướp Taxi tại thị trấn Cẩm Thuỷ: Vào khoảng 12h, ngày 12/10/2006, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Văn Chiến và Lê Xuân Mai cùng trú tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ đã thuê xe Taxi Mai Linh (BKS - 4125) do anh Hồ Hữu Xâm điều khiển từ Thành phố Thanh Hoá đến thị trấn Cẩm Thuỷ thì bị 3 tên Lâm, Chiến và Mai dùng dao nhọn khống chế, cướp đi 1.300.000 đồng, 01 chiếc điện thoại di động, 01 chiếc nhẫn vàng cùng xe Taxi.
Tất cả các vụ án trên đều đã được đưa ra xét xử, các đối tượng phạm tội đã phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật. Bên cạnh những địa bàn trọng điểm trên, các vụ cướp tài sản còn xảy ra rải rác ở một số huyện như Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nga Sơn, Lang Chánh ... Tuy nhiên, nhiều vụ cướp có giá trị không lớn, gây hậu quả không nghiêm trọng và chỉ bị xử phạt hành chính.
Qua các vụ án trên cho thấy, nhiều vụ án có đông người tham gia, có sự thống nhất, phân công kế hoạch rõ ràng và các bị can đều đồng phạm với nhau ở mức độ phức tạp, các đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chủ yếu là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Các đối tượng này thường dùng thủ đoạn phạm tội như: Trực tiếp tấn công người bị hại, dùng các công cụ phạm tội nguy hiểm như thanh sắt, ống kim loại, dao, kiếm ... để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Hành vi của bọn chúng rất táo bạo và liều lĩnh đối mặt với người bị hại, khống chế họ rồi chiếm đoạt tài sản như trường hợp của nguyễn Sỹ Công và Lê Cao Huy như đã nêu ở phần trên là một ví dụ điển hình.
3. Tính chất, mức độ và hậu quả của tội cướp tài sản
Việc áp dụng hình phạt đối với các bị cáo phạm tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá theo bảng thống kê sau:
Năm
Tổng số
bị cáo
Tù từ 3 năm trở xuống
Tù từ 3 - 7 năm
Tù từ 7 - 15 năm
Tù trên 15 năm
2005
148
68
76
3
1
2006
133
77
48
8
0
2007
111
42
33
35
0
Bảng 2: Một số hình phạt Toà án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội cướp tài sản trong năm 2005, 2006, 2007.
Qua bảng thống kê cho thấy:
Năm 2005: Số bị cáo bị áp dụng khung hình phạt tù từ 3 năm trở xuống và tù từ 3 - 7 năm chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các bị cáo. Có 68 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm trở xuống (trong đó có 46 án treo), chiếm tỷ lệ 45,9% và 76 bị cáo bị phạt tù từ 3 - 7 năm chiếm 39% tổng số bị cáo.
Năm 2006: có 77 bị cáo bị áp dụng mức phạt tù từ 3 năm trở xuống (trong đó có 39 án treo) chiếm gần 58% trong tổng số bị cáo trong khi năm 2005 tỷ lệ này chỉ chiếm 45,5%, tù từ 3 - 7 năm chiếm 36%, tù từ 7 - 15 năm chiếm 6% trong tổng số các bị cáo.
Năm 2007: Số bị cáo bị áp dụng khung hình phạt tù từ 3 năm trở xuống chiếm vị trí cao trong tổng số bị cáo - chiếm tỷ lệ 38%; số bị cáo bị áp dụng mức phạt tù từ 3 - 7 năm chiếm 30%, tù từ 7 - 15 năm chiếm 32% trong tổng số các bị cáo.
Như vậy, trong thời gian qua do tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên những hình phạt mà Toà án áp dụng ngày càng nghiêm khắc đối với những đối tượng phạm tội cướp tài sản. Với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi cướp tài sản đã đe doạ trực tiếp đến quyền sở hữu, đến tính mạng, sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Vì vậy, những hành vi đó cần phải được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.
Trên đây là toàn bộ thực trạng của tội cướp tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh hoá trong các năm 2005, 2006, 2007. Dự báo trong những năm tới loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và tính chất. Vì vậy đòi hỏi các cơ quan chức năng mà đặc biệt là cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tìm ra nguyên nhân phát sinh tội phạm. Đồng thời, đề ra giải pháp hữu hiệu để chủ động tấn công và phòng ngừa tội phạm, từ đó mới hạn chế được tội phạm và hậu quả có thể xảy ra.
II. Nguyên nhân làm phát sinh tội cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Mỗi tội phạm xảy ra thường không phải do một nguyên nhân mà là kết quả của tập hợp hàng loạt các tình huống tác động đến con người cụ thể. Trong những năm qua, các vụ cướp tài sản trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, có năm giảm so với cùng kỳ năm trước, có năm lại tăng lên. Việc tăng, giảm các vụ án này do rất nhiều nguyên nhân. Qua những vụ cướp