Đề tài Truyền thống pháp điển hóa qua các triều đại phong kiến Việt Nam

Hiện nay, khi Chương trình xây dựng pháp luật của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đã là con số gồm 3 chữ số, vấn đề bảo đảm tính đồng bộ giữa số lượng và chất lượng văn bản luật được ban hành phải được đặt ra nghiêm túc. Một trong những hướng nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, nâng cao hiệu quả của từng văn bản luật được ban hành là tăng số lượng các bộ luật có tính chuyên ngành về từng lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước đưa các bộ luật này trở thành hình thức văn bản chủ yếu của hệ thống pháp luật nước nhà. Với tinh thần đó, điều quan trọng là phải thấy được quá trình ra đời, phát triển, trở thành truyền thống của hoạt động pháp điển hóa pháp luật trong lịch sử xã hội Việt Nam.

doc11 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 1945 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Truyền thống pháp điển hóa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRUYỀN THỐNG PHÁP ĐIỂN HÓA QUA CÁC TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN VIỆT NAM Tác giả: TS. Nguyễn Đình Lộc Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội Hiện nay, khi Chương trình xây dựng pháp luật của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đã là con số gồm 3 chữ số, vấn đề bảo đảm tính đồng bộ giữa số lượng và chất lượng văn bản luật được ban hành phải được đặt ra nghiêm túc. Một trong những hướng nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, nâng cao hiệu quả của từng văn bản luật được ban hành là tăng số lượng các bộ luật có tính chuyên ngành về từng lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước đưa các bộ luật này trở thành hình thức văn bản chủ yếu của hệ thống pháp luật nước nhà. Với tinh thần đó, điều quan trọng là phải thấy được quá trình ra đời, phát triển, trở thành truyền thống của hoạt động pháp điển hóa pháp luật trong lịch sử xã hội Việt Nam.  1. Hình thư đời Lý - Bộ luật pháp điển hóa đầu tiên của Việt Nam   1.1. Xã hội Việt Nam trong suốt một giai đoạn dài hơn mười thế kỷ đã rơi vào nạn Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc từ Hán đến Đường lần lượt chiếm đoạt, nô dịch đất nước và con người Việt Nam. Năm 938, khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, dân tộc Việt Nam mới bắt đầu thời kỳ độc lập lâu dài.  Ngô, Đinh, Lê là ba triều đại độc lập, tự chủ đầu tiên, nhưng chỉ tồn tại được trong thời gian rất ngắn: nhà Ngô 5 năm (939-944); nhà Đinh 12 năm (968-980); còn nhà Tiền Lê là 19 năm (981-1009). Tuy về công việc lập pháp chưa làm được gì nhiều, nhưng chắc chắn trong việc điều hành, quản lý xã hội, các triều đại này cũng đã dùng đến pháp luật, nhưng đó chủ yếu chỉ là những quy định có tính nhất thời, tình thế.  1.2. Hình thư đời Lý - Bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam, đã mở ra thời kỳ trở thành truyền thống pháp điển hóa pháp luật Việt Nam.  Năm 1009, Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra triều Lý (1009-1225). “Sang đời Lý, nhất là trong khoảng thế kỷ XI, công việc xây dựng đất nước bước vào quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển của dân tộc và của quốc gia phong kiến độc lập”[1]. Chính quyền trung ương tập quyền được củng cố; kinh tế phát triển, địa vị của nước Đại Việt so với các quốc gia láng giềng được nâng cao; hoạt động lập pháp của triều Lý bắt đầu được đẩy mạnh.  Năm 1042 (Minh Đạo nguyên triều), vua Lý Thái Tông - đời vua thứ hai - thấy “buổi đầu trong nước việc hình ngục kiện cáo phiền nhiễu, pháp quan câu nệ luật văn, chuộng xử nghiêm khắc, phần nhiều oan uổng sai lầm...”. Vua lấy làm thương dân mới sai quan Trung thư san định luật lệnh[2] “châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra loại bài, biến thành điều khoản, làm thành sách Hình thư cho một triều đại, để cho người xem dễ hiểu, sách làm xong cho xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện”[3].  Đáng tiếc là, bộ Hình thư của triều Lý đã không còn. Theo Phan Huy Chú, tác giả Lịch triều hiến chương loại chí, trong phần “Văn tịch chí” thì, khi xâm lăng nhằm đặt trở lại ách đô hộ lên dân tộc Việt, triều đại nhà Minh tiếp tục thực hiện dã tâm đồng hóa người Việt, đã cho tịch thu hết các văn thư, sách vở của dân ta mang về Kim Lăng tiêu hủy. Tuy Bộ luật không còn, nhưng những thông tin về bộ luật vẫn được ghi chép trong nhiều bộ sử, tiêu biểu là Lịch triều hiến chương loại chí, phần Hình luật chí của Phan Huy Chú. Ngoài ra, nó còn được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu hoặc một số bộ sử khác.  Có nhiều phán đoán về sự tiếp thu của Hình thư đời Lý đối với nhiều quy định, chế định của pháp luật nhà Đường. Điều đó có thể xảy ra và không có gì đáng ngạc nhiên. Xét theo tính chất của hai triều đại nhà Đường, nhà Lý đều là những nhà nước phong kiến quân chủ có tính tập quyền cao nhưng xã hội đời Đường có trình độ phát triển cao hơn. Ngay cả trong trường hợp triều đại nhà Đường chưa từng xâm lược, đô hộ Việt Nam và thực thi chính sách ngu dân, đồng hóa tàn bạo nhưng là quốc gia phong kiến láng giềng, nói chung có trình độ phát triển cao hơn và trong lĩnh vực pháp luật có một bộ luật thể hiện trình độ pháp điển hóa cao thì đến lượt mình, triều đại nhà Lý khi có nhu cầu ban hành bộ Hình thư chắc chắn phải tìm đến bộ luật của nhà Đường để tham khảo và có thể tiếp thu, vận dụng những chế định pháp luật có tính phổ biến, phù hợp. Đây là hiện tượng mang tính quy luật trong mối quan hệ giữa các quốc gia, xã hội.  Nhưng nhà Đường cũng đô hộ Âu Lạc đến 300 năm và đương nhiên, khi xem “An Nam đô hộ phủ” là thuộc quốc của mình thì với dã tâm đồng hóa cả dân tộc Việt, nhà Đường nhất định mở rộng phạm vi áp dụng pháp luật của triều đại mình đến cả xứ “man di” này. Vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật của nhà Đường và của các triều đại trước đó, tiêu biểu là Hán, Tùy đã bám được vào đời sống của dân tộc Việt đến mức nào và các triều đại tự chủ đầu tiên có thái độ như thế nào đối với các hệ thống pháp luật đô hộ này.  Các nhà Ngô - Đinh - Lê với thời gian tồn tại rất ngắn, lại trong buổi đầu tự chủ, có thể thấy ảnh hưởng của pháp luật nhà Đường nói chung, của cả thời Bắc thuộc đối với pháp luật các triều đại trên là điều không thể tránh khỏi, nhưng không có gì đáng kể.  Đến triều đại nhà Lý, cũng phải ở năm thứ 33 của bản triều, tức năm 1042 và đến đời vua thứ hai - Lý Thái Tông mới sai Trung thư xây dựng Hình thư - bộ luật thành văn đầu tiên mà lịch sử biết đến của nước ta. Trong khi xây dựng bộ luật, việc tham khảo, tiếp thu các chế định pháp luật ra đời trước đó nhiều thế kỷ (ban bố năm 653 của nhà Đường[4]) và vẫn đang có ảnh hưởng lớn đối với các triều đại về sau ở ngay Trung Quốc, là điều dễ hiểu và cần thiết. Điều đó không phụ thuộc vào việc trước đó luật nhà Đường đã có ảnh hưởng ở Việt Nam như thế nào.  Trong chỉ dụ của mình, Lý Thái Tông chỉ ra một cách khái quát về nguồn pháp luật cần được xem xét, san định là “luật lệnh” và trước hết phải là “luật lệnh” của bản thân triều Lý. Đó chỉ là những luật lệnh có tính đơn hành. Chính vì những luật, lệnh ấy chỉ ở dạng đơn hành nên mới cần san định, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra loại bài, biến thành điều khoản để ban hành thành sách (bộ luật). Đúng như Phan Huy Chú đã chỉ rõ: “Nước Việt ta, các triều dựng nước đều định hình chương, nhà Lý có ban Hình thư, nhà Trần có định hình luật đều đã tham chước xưa nay, để nêu thành phép tắc lâu dài”[5].  Nói là “tham chước xưa nay” thì có thể hiểu rất rộng, vừa của trong nước, vừa của nước ngoài, vừa từ thời Bắc thuộc hoặc các vương triều Hán, Tùy, Đường của Trung Hoa. Dù là “san định luật lệ” hoặc “tham chước xưa nay” thì vua Lý Thái Tông cũng chỉ đề cập đến nội dung của vấn đề có tính nguyên tắc, dành cho người được giao việc vừa là một địa bàn rất rộng để lựa chọn, cân nhắc, vừa không yêu cầu phải đặc biệt lưu ý đến một chủ thể cần được ưu tiên đặt lên hàng đầu nào.  Sau khi Hình thư được ban bố, các đời vua Lý sau có bổ sung. Chẳng hạn, năm 1125, vua Nhân Tông có chiếu: “Phàm kẻ đánh người đến chết thì đày làm khao giáp, đánh 100 trượng, thích 50 chữ vào mặt”[6]. Năm 1139, vua Anh Tông định phép chuộc ruộng, nhận ruộng, trong đó có ý “có kẻ tranh nhau ruộng ao, dùng khí giới đánh người chết hay bị thương thì bị 80 trượng, xử tội đồ lấy ruộng ao trả lại cho người chết hoặc bị thương”. Giết người hoặc làm chết người mà chỉ bị những hình phạt như trên đã bị Ngô Thì Sỹ, nhà sử học thế kỷ 18 phê phán: “sát nhân giả tử” là phép cổ. Nay tội giết người mà cũng xử phạt như tội đánh người bị thương, thật là không có thứ bực, mất cả sự cân nhắc nặng nhẹ…[7].  Xét từ góc nhìn pháp điển hóa, pháp luật đời Lý nói chung và Hình thư nói riêng, trực tiếp là chỉ dụ của vua Lý Thái Tông sai Trung thư san định luật lệnh phải được xem là một sự kiện đặc sắc. Đáng chú ý, lý do của việc san định luật lệnh, ban bố Hình thư là tình trạng việc kiện tụng trong nước nhiều phiền nhiễu, khắc nghiệt đối với dân, thậm chí còn gây oan uổng đối với dân và đây không phải là sự oan sai thông thường mà là một sự oan sai quá đáng và vua lấy làm thương dân. Điều này nói lên đầy đủ đạo lý của chủ trương san định luật lệ, ban bố Hình thư, một chủ trương thấm đậm tình người của người đứng đầu triều đại. Vua không ra chỉ dụ chung chung thuần túy đạo lý mà cùng với chủ trương san định luật lệ, nhà vua còn chỉ rõ cách thức phải theo để đạt được mục đích: san định luật lệnh - tham chước[8] cho thích dụng với thời thế - chia ra loại bài - biên thành điều khoản - làm thành sách hình thư - của một triều đại - để cho người xem dễ hiểu.  Một chỉ dụ hoàn chỉnh về nội dung và nói theo ngôn ngữ ngày nay, đây là một chỉ dụ thật đặc sắc về pháp điển hóa. Nhìn bằng con mắt đời nay cũng thấy khó mà bổ sung, thêm bớt gì vào đây, từ phương diện đạo lý đến từng bước đi, quy trình phải thực hiện và kết quả phải đạt tới[9].  Theo quan điểm này, việc làm đầu tiên là phải san định luật lệ. “San định luật lệ” là “sửa chữa cho gọn và quy định cho nhất trí”[10]. Một định nghĩa khác coi “san định là sửa sang lại một văn bản cổ bằng cách bỏ đi những đoạn cho là không hợp, xác định lại những chỗ còn nghi ngờ, sắp xếp lại”[11]. Riêng từ “san” được Đào Duy Anh định nghĩa: “dọn bớt đi cho gọn”[12]. Tìm thuật ngữ tương đồng trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002) thì đó là “rà soát”, “chỉnh lý”... (các điều 8, 26, 45a). Một công việc quan trọng được tiến hành song song với việc “san định” luật lệnh là “tham chước xưa nay”, nghĩa là “thêm bớt cho vừa”[13]. Trên cơ sở xem xét, tham khảo, so sánh, tra cứu các thông tin đủ loại cần thiết nhằm làm sao cho “thích dụng” với thời thế. Thuật ngữ “thích dụng” ở đây được dùng thật “đắc địa”, tức phải phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của công việc thực tại, thi hành, áp dụng pháp luật. Từng thuật ngữ, từng từ được dùng, được đặt rất đúng chỗ với sự diễn đạt cô đọng, súc tích, chứng tỏ nhận thức về pháp điển hóa của nhà vua, của triều đình nhà Lý thật sâu sắc, chuẩn xác, theo một lô gíc chặt chẽ. Mục tiêu rất rõ, nhưng hoàn toàn không dễ dàng. Sự thích dụng với thời thế cũng phải “để cho người xem dễ hiểu”.  Yêu cầu này tưởng như là bình thường, giản đơn, thật ra lại chính là biểu hiện của một thuộc tính, của một nhân cách mang đậm tính nhân văn, nhân bản, cũng có thể nói là tính đại chúng của người đứng đầu một nước trong xã hội phong kiến, vương quyền. ở La Mã trước đây có nguyên tắc: một người không được lấy lý do không biết pháp luật để vi phạm, làm trái pháp luật. Pháp luật do nhà vua ban hành, người dân có nghĩa vụ phải biết và nghiêm chỉnh chấp hành; nếu làm trái pháp luật, họ phải bị trừng phạt. Các vua nhà Lý về mặt này có thái độ hoàn toàn khác, Lý Thánh Tông đã chỉ ra điều đơn giản nhưng thật cơ bản: dân vì không hiểu luật mà mắc vào tội. Cũng vì vậy, vua lấy làm thương và chỉ đạo cho cấp dưới phải khoan hồng, dù tội nặng hoặc nhẹ. Cụ thể: Lý Thánh Tông (1023-1072), đời vua thứ ba lên ngôi năm 1054, mùa hạ, tháng tư, khi vua nghe xử kiện ở điện Thiên Khánh, Đổng Thiên công chúa đứng hầu bên, vua chỉ vào công chúa mà bảo ngục lại rằng: “Ta làm cha mẹ dân, lòng yêu dân cũng như yêu con ta đây. Nhân dân vì không biết luật mà sa vào hình pháp, ta rất thương. Từ nay về sau, không cứ tội nặng, tội nhẹ, đều nên khoan hồng”[14].  Có thể nói, san định luật lệnh, tham chước xưa nay là khâu cơ bản, quan trọng của hoạt động pháp điển hóa của bất kỳ thời đại nào; nhưng không phải bao giờ nó cũng nhận được sự quan tâm đầy đủ, thích đáng của các ông vua, vị chúa và nói chung của các nhà lập pháp. Và có thể khẳng định, cách đây 1000 năm mà quan niệm của Lý Thái Tông và nói chung của triều đại nhà Lý về pháp điển hóa không khác gì nhiều lắm so với quan niệm ngày nay. Thật đáng trân trọng và tự hào.  Thực tế lịch sử giúp chúng ta thấy được tất cả tính đặc sắc riêng biệt, tân kỳ, nếu không nói là sáng tạo của nền pháp luật dân tộc đời Lý với Hình thư của Lý Thái Tông nói riêng và việc thi hành, áp dụng nó xứng đáng trở thành niềm tự hào của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam trong những điều kiện lịch sử không nhẹ nhàng, thanh thoát sau một ngàn năm Bắc thuộc. Đó là nền pháp luật mang đậm tính nhân văn, nhân bản thể hiện đầy đủ tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, tự tôn dân tộc, đặc sắc riêng biệt không có dấu ấn của nền pháp luật Bắc thuộc hoặc của phương Bắc mà mang tính chất đối lập; đối lập với chính hệ thống pháp luật của quốc gia đã thống trị mình hơn cả ngàn năm. Nền pháp luật đó ngay từ đầu mang tính pháp điển hóa, biết tiếp thu, kế thừa, tham chước xưa nay để trở thành cái riêng, khác của mình mở đầu cho truyền thống pháp điển hóa hệ thống pháp luật Việt Nam mang đậm tính nhân văn, nhân bản và theo cách nói của nhà sử học Ngô Sỹ Liên, là “vua thành thực thương dân, khoan rộng việc hình, cũng là vua tôi thân nhau, không ngăn cách trên dưới, phong độ trung hậu, dễ dãi có thể trông thấy được”[15].  2. Bộ luật Hồng Đức và truyền thống pháp điển hóa pháp luật Việt Nam   Tiếp sau nhà Lý là các triều đại Trần, Lê, Nguyễn lần lượt trị vì đất nước hơn 700 năm (1226 -1945). Mỗi triều đại trong những điều kiện lịch sử cụ thể theo cách của mình đều tiến hành pháp điển hóa và ban bố các các văn bản pháp điển hóa: nhà Trần có Hình luật, nhà Lê có Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng ĐứcB), nhà Nguyễn có Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long).  Cũng với những văn bản pháp điển hoá, “theo Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, năm 1230, vua Trần định thể lệ làm ra các sách chép về việc hình. Năm 1244, lại định hình luật một lần nữa. Năm 1341, vua Trần Dụ Tông giao cho Nguyễn Trung Ngạn và Trương Hán Siêu cùng soạn ra “Hình thư” để ban hành”[16]. Nhưng pháp luật triều Trần bị đương thời và cả hậu thế chê trách. Theo sách “Cố tự sao” của Trần Cương Trung mà Phan Huy Chú đã chép lại thì luật hình đời nhà Trần rất nghiêm. Kẻ trộm cắp và nô tỳ trốn đi khi bị bắt đều phải chặt ngón chân và giao cho chủ cũ được toàn quyền định đoạt về định mệnh hoặc cho voi giày[17]. Về mặt đó, pháp luật nhà Trần thua kém pháp luật nhà Lý. Thêm nữa, “nhà Trần được nước là do cướp ngôi vua nhà Lý, về hình pháp không lập ra kỷ cương phép tắc gì, chỉ tuỳ ý định mà buộc tội nặng nhẹ, hình phạt thảm khốc đến là cùng”[18].  Pháp luật nhà Lê, tiêu biểu là Bộ luật Hồng Đức, pháp luật nhà Nguyễn, tiêu biểu là Bộ luật Gia Long vốn thuộc hai triều đại, hai dòng họ trị vì đất nước gần như tiếp liền nhau và đều là kết quả của những công trình pháp điển hoá công phu với kỹ thuật lập pháp đạt trình độ cao. Tuy nhiên, người ta tranh luận nhiều về tên gọi, niên đại của Bộ luật Hồng Đức còn vấn đề này không đặt ra đối với Bộ luật Gia Long vì tính quá rõ ràng của nó.  2.1. Niên đại của Bộ luật nhà Lê  Một trong những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, đó là vấn đề niên đại của Quốc triều hình luật. Điều này có vẻ như thuần tuý kỹ thuật, nhưng thực ra có tầm quan trọng hàng đầu, vì nó có quan hệ trực tiếp với chủ đề đang được xem xét: tính pháp điển hoá sâu sắc của nó thuộc truyền thống đặc biệt quý báu của quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện pháp luật với tính cách là một bộ phận cấu thành hữu cơ của nền văn hoá Việt Nam.  Đinh Gia Trinh trong tác phẩm “Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt Nam” đã dứt khoát lấy năm 1483 làm niên đại và đặt tên cho Bộ luật là Bộ luật 1483. Cũng theo Đinh Gia Trinh thì, Quốc triều hình luật được ban hành dưới triều vua Lê Thánh Tông trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1460-1497) trên cơ sở tập hợp có hệ thống các luật lệ của các vua nhà Lê trước đó và có sửa đổi, bổ sung thêm một số điều khoản mới[19].  Tác giả người Pháp, R. Deloustal, Chánh thông dịch viên tại Sở Tư pháp Đông Dương, người dịch sang tiếng Pháp Quốc triều hình luật theo Hình luật chí của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí và hiệu đính, bổ sung theo Lê triều hình luật mà trên bìa có đề 1777 là năm in, đã đem năm in 1777 làm niên đại của Bộ luật Hồng Đức[20].  Theo Vũ Thị Nga, người có công đối chiếu và phát hiện sự tương đồng về lời văn của Quốc triều hình luật với lời văn của nhiều luật, lệnh, chỉ do chính Lê Thái Tổ ban bố, đã khẳng định: theo ghi chép của chính sử về các sự kiện lập pháp của nhà Lê sơ, có thể nhận định rằng Quốc triều hình luật được ban hành dưới triều vua Lê Thái Tổ[21].  Một số tác giả khác, từ Vũ Văn Mẫu, Hầu Văn Liêm, Nguyễn Quang Quỳnh đến InsuYu, mỗi người đều có những nhận định của mình về niên đại này.  Trong số các khẳng định, nếu dứt khoát cho rằng Quốc triều hình luật được ban hành năm 1777 như tác giả người Pháp thì rõ ràng không đủ thuyết phục, vì, phải đồng ý với Vũ Văn Mẫu, khi ông viết: đến năm 1777, vào quãng thời Lê Mạt, vận nhà Lê đã suy vi, giặc cướp nổi lên như ong, trong triều thì chúa Trịnh cướp quyền đâu phải lúc nhà Lê san định và ban hành bộ luật mới[22]. Lấy năm 1483 để khẳng định và đặt tên cho Quốc triều hình luật như Đinh Gia Trinh cũng có phần khiên cưỡng, vì theo Hầu Văn Liêm cũng như một vài tác giả khác, 1483 chỉ là năm Lê Thánh Tông ra lệnh soạn thảo Bộ luật[23]; còn khẳng định Quốc triều hình luật được ban hành dưới triều Lê Thái Tổ e còn quá sớm. Lê Thái Tổ chỉ ở ngôi có 5 năm. 5 năm để bắt tay vào xây dựng triều đình mới và tổ chức nhân dân xây dựng lại xã hội Đại Việt mới, khi mọi việc vẫn còn lạ lẫm, mới mẻ thì thật khó có thể xây dựng, ban hành được cả bộ luật lớn, bảo đảm như Quốc triều hình luật. Tất nhiên, trong 5 năm trị vì đất nước, Lê Thái Tổ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và thông tin, theo ngôn ngữ ngày nay, đó là những văn bản đơn hành về từng lĩnh vực, từng loại sự việc.  Tất nhiên, chúng ta không được lẫn lộn: với bề dày chiến đấu, với tư cách thủ lĩnh phong trào, sau ngày chiến thắng, Lê Lợi trở thành Lê Thái Tổ với niên hiệu Thuận Thiên, nhân danh trời đất, Lê Thái Tổ có thể có nhiều ý tưởng về xây dựng triều đại họ Lê, xây dựng đất nước. Lê Lợi có thể và trên thực tế, vạch ra nhiều ý tưởng cả về mặt lập pháp là lĩnh vực mới mẻ, còn rất ít kinh nghiệm. Có lần, Lê Thái Tổ đã chỉ ra cho triều đình, bá quan: “từ xưa đến nay, việc cai trị trong nước tất phải có phép, nếu không sẽ loạn. Bởi thế, nên bắt chước đời xưa mà dựng phép, để dạy tướng tá, quan quân và thứ dân, khiến cho đều biết đâu là điều thiện, điều ác. Điều thiện thì làm, điều ác thì tránh, không đến nỗi phạm pháp. Vua ban tờ chiếu rằng: Đạo kinh luân, thiên hạ phải tính ban đầu để yên lúc cuối, phải lập pháp luật để lưu về sau”[24].  Đúng là ngôn từ của một vị vua khai sáng, mở đầu cho một triều đại. Nhưng từ ý tưởng lớn lao, tốt đẹp đó đến một văn bản mang đậm tính pháp điển hoá cao như Quốc triều hình luật thì không đơn giản. Và nói đến pháp điển hoá phải thấy rằng, có thể và hoàn toàn hợp logic là dù Quốc triều hình luật ra đời vào triều vua nào, Lê Thái Tông (1434-1442), Lê Nhân Tông (1453-1459), hoặc Lê Thánh Tông (1460-1497), thì những quy định và có khi cả luật, lệnh, chỉ do Lê Thái Tổ ban hành với tư cách là những văn bản đơn hành vẫn có thể được thu hút vào Bộ luật trên cơ sở san định, bảo đảm sự thống nhất nội tại của toàn bộ luật. Cũng vì vậy, không nên ngạc nhiên nếu Quốc triều hình luật với tính cách là một sản phẩm pháp điển hoá mãi đến đời Nhân Tông hoặc Thánh Tông mới được ban hành mà nội dung lại có những quy định, những luật, lệnh ban hành từ đời Lê Thái Tổ.  Đó không chỉ là cách làm luật và làm pháp luật nói chung của người xưa, của cha ông chúng ta, mà ngày nay cũng vậy. Đọc Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình ta sẽ thấy không chỉ nhiều ý tưởng mà cả lời văn, quy định của những văn bản pháp luật hết hiệu lực thi hành đã được thu hút vào các văn bản pháp luật này. Và cũng không nên quá ngạc nhiên nếu ta gặp nhiều chế định, khái niệm của pháp luật dân sự La Mã vẫn còn chỗ trong Bộ luật Dân sự. Đời sống hiện thực pháp luật là như vậy.  Trở lại với ý tưởng pháp điển hoá của Quốc triều hình luật, điều hoàn toàn có thể khẳng định và đa số các tác giả đã phát biểu ý kiến về niên đại và về Quốc triều hình luật cũng đều thống nhất rằng, Quốc triều hình luật không phải là công trình của một đời vua, cũng không phải được ra đời như sản phẩm của một hoạt động lập pháp đơn lẻ, cá biệt, đơn hành. Nó là thành quả trí tuệ trên cơ sở phản ánh thực tế đời sống xã hội Việt Nam tham chiếu xưa nay của cả triều Lê, mà chủ yếu là củ
Luận văn liên quan