Xu thế toàn cầu hoá kéo theo sự phát triển cực thịnh của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong thời gian gần đây là một trong những biến đổi lớn của nền chính trị quốc tế. Quốc gia dân tộc không còn là những chủ thể duy nhất và chi phối đời sống quốc tế. NGOs đã có tiếng nói riêng của mình và buộc các chủ thể khác phải lắng nghe và tôn trọng nó. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những luận điểm khác nhau về vai trò của các tổ chức phi chính phủ. Liệu chúng đơn thuần chỉ là thành phần mới nổi hay là một chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế?
Trong giới hạn của một bài khoá luận môn, người viết chỉ có thể giới thiệu các nét chính về khái niệm, phân loại và cách nhìn nhận về NGOs của từng lý thuyết quan hệ quốc tế để rồi từ đó phân tích một vài nét nổi trội trong vai trò của chủ thể này đối với nền chính trị quốc tế đương đại nhằm trả lời cho câu hỏi nêu trên.
Do sự hạn chế về nguồn tài liệu và hiểu biết về vấn đề này, bài viết không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong sự góp ý của giáo viên để người thực hiện có thể hoàn thiện hơn nữa bài viết của mình.
11 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 3327 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Vai trò của Tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong nền chính trị quốc tế hiện đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU………………………………………………………………...2
I. Nhìn nhận về NGOs dưới lăng kính của lý thuyết quan hệ quốc tế….3-4
Chủ nghĩa Hiện thực…………………………………………………...3
Chủ nghĩa Tự do………………………………………………………..3
Chủ nghĩa Kiến tạo…………………………………………………..3-4
II. Nhìn nhận NGOs dưới lăng kính thực tiễn…………………………...4-6
Khái niệm NGOs……………………………………………………..4-5
Phân loại NGOs……………………………………………………...5-6
III. Vai trò của NGOs trong nền chính trị quốc tế hiện đại.…………...6-10
Khái quát về cách thức thiết lập vai trò của NGOs………………….6-7
Vai trò của NGOs trong nền chính trị quốc tế……………………...7-10
LỜI KẾT…………………………………………………………………….11
LỜI MỞ ĐẦU
Xu thế toàn cầu hoá kéo theo sự phát triển cực thịnh của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong thời gian gần đây là một trong những biến đổi lớn của nền chính trị quốc tế. Quốc gia dân tộc không còn là những chủ thể duy nhất và chi phối đời sống quốc tế. NGOs đã có tiếng nói riêng của mình và buộc các chủ thể khác phải lắng nghe và tôn trọng nó. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những luận điểm khác nhau về vai trò của các tổ chức phi chính phủ. Liệu chúng đơn thuần chỉ là thành phần mới nổi hay là một chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế?
Trong giới hạn của một bài khoá luận môn, người viết chỉ có thể giới thiệu các nét chính về khái niệm, phân loại và cách nhìn nhận về NGOs của từng lý thuyết quan hệ quốc tế để rồi từ đó phân tích một vài nét nổi trội trong vai trò của chủ thể này đối với nền chính trị quốc tế đương đại nhằm trả lời cho câu hỏi nêu trên.
Do sự hạn chế về nguồn tài liệu và hiểu biết về vấn đề này, bài viết không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong sự góp ý của giáo viên để người thực hiện có thể hoàn thiện hơn nữa bài viết của mình.
I. Nhìn nhận về NGOs dưới lăng kính của lý thuyết quan hệ quốc tế
1. Chủ nghĩa Hiện thực
Theo các nhà hiện thực, trong quan hệ quốc tế chủ thể chính yếu là quốc gia. Các quốc gia được nhìn nhận là một tổ chức chính trị đơn nhất, hành động một cách duy lí và chỉ quốc gia mới có quyền quyết định và định hình nền chính trị quốc tế. Các nhà hiện thực không phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của các chủ thể phi quốc gia tuy nhiên đối với họ các chủ thể này hầu như không có một tác động gì đáng kể.
Chủ nghĩa Hiện thực quan niệm đấu tranh là xu thế chính của quan hệ quốc tế. Theo họ, quan hệ quốc tế luôn ở trong tình trạng vô chính phủ, quốc gia chỉ có thể tự cứu để đảm bảo tối đa lợi ích của mình về mặt an ninh và quyền lực chứ không hề quan tâm đến những lợi ích dựa trên ý tưởng của các chủ thể NGOs.
2. Chủ nghĩa Tự do
Khác với các nhà hiện thực, những người theo chủ nghĩa Tự do công nhận sự tồn tại và vai trò của các loại hình chủ thể đa dạng khác nhau trong quan hệ quốc tế như quốc gia, các tổ chức quốc tế, các công ty, các nhóm xã hội và các cá nhân… Song các chủ thể theo lý luận của chủ nghĩa Tự do chưa phải là NGOs mà chỉ là các tổ chức liên quốc gia và các công ty xuyên quốc gia
Chủ nghĩa Tự do khẳng định và coi trọng xu thế hợp tác. Theo quan điểm của các nhà tự do, hợp tác là một trò chơi cùng thắng “win win” mà đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, lý luận của chủ nghĩa này chỉ nhấn mạnh hợp tác trong kinh tế, vốn là một lĩnh vực không thuộc phạm vi hoạt động của NGOs.
3. Chủ nghĩa Kiến tạo
Chủ nghĩa Kiến tạo là một dạng lý luận bổ sung cho chủ nghĩa Hiện thực và chủ nghĩa Tự do. Nếu chủ nghĩa Hiện thực cho rằng đấu tranh là xu thế chủ yếu của quan hệ quốc tế, chủ nghĩa Tự do coi trọng xu thế hợp tác thì chủ nghĩa Kiến tạo lại coi trọng hành vi của các chủ thể tồn tại trong đó và hợp tác hay đấu tranh thì đều phụ thuộc vào tương tác xã hội của các chủ thể đó.
Học thuyết của các nhà kiến tạo nhấn mạnh đến các khái niệm như giá trị, bản sắc, quy chuẩn hành vi và dùng những khái niệm này để đưa ra lý giải hoàn toàn thuyết phục về các hiện tượng quan hệ quốc tế. Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Kiến tạo về những giá trị và ý tưởng chung, có thể suy luận rằng NGOs ra đời và phát triển một phần là do giữa các chủ thể này có những giá trị và những niềm tin giống nhau. Hầu hết các NGOs đều hoạt động dựa trên tinh thần nhân đạo và là một bộ phận căn bản cấu thành nên xã hội dân sự của mỗi quốc gia.
II. Nhìn nhận NGOs dưới lăng kính thực tiễn
Khái niệm NGOs
Thực tế, NGOs đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới dưới nhiều dạng khác nhau. Nguồn gốc ban đầu của NGOs là những nhóm, tổ chức hoạt động tình nguyện, từ thiện, nhân đạo nhỏ. Nguyên tắc hoạt động của các tổ chức này là cứu trợ nhân đạo với những nạn nhân trong thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, đói nghèo…(những người gặp khó khăn hoạn nan - bất hạnh) không phân biệt đảng phái chính trị và khu vực địa lý.
Ngày nay, quan điểm về NGOs vẫn không thống nhất theo một định nghĩa nhất định nào mà nó được nhận thức trên từng quốc gia riêng biệt. Một số nước quan niệm NGOs là các tổ chức không phải là của chính phủ. Ở một số nước khác, luật pháp lại quy định NGOs là các chủ thể có tư cách pháp nhân, không thuộc chính phủ như các tổ chức tư nhân hay công cộng hoặc các Quỹ, các Viện…Các NGOs là các tổ chức phi lợi nhuận, được lập ra hợp pháp và có tư cách pháp nhân độc lập theo quy định của pháp luật của nước sở tại.
Còn theo Liên Hợp Quốc thì NGOs là bất kỳ tổ chức quốc tế nào được lập ra không phải do một thoả thuận liên chính phủ quốc tế. Nhưng NGOs có thể bao gồm các tổ chức thành viên do chính phủ cử ra với điều kiện thành viên đó không được can thiệp vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của tổ chức đó.
Dù rằng, mỗi nơi vẫn còn quan điểm khác nhau về khái niệm hay định nghĩa về NGOs nhưng với một NGOs bất kỳ đều có thể nhận thấy những điểm cơ bản là thành lập tự nguyện và hợp pháp, hoạt động phi lợi nhuận và không nằm trong bộ máy hành chính nhà nước.
Phân loại NGOs
Để mà liệt kê cụ thể và đầy đủ thì rất khó, ở đây ta xem xét trên phạm vi sáng lập hoạt động. Căn cứ vào đó, NGOs trên thế giới chia làm ba loại hình như sau:
a, NGOs mang tính chất quốc gia : Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc gia (National Non-Government Organizations, gọi tắt là NNGOs) là các tổ chức có các thành viên sáng lập trong cùng một quốc gia (cùng quốc tịch). Phạm vi hoạt động thường là trong một nước, phục vụ cho từng cộng đồng. Loại hình này được hình thành rất sớm trên thế giới.
Ví dụ ở Việt nam có: RDSC Trung tâm dịch vụ phát triển nông thôn (RDSC) là một cơ quan khoa học công nghệ ngoài nhà nước, chuyên đề về khoa học xã hội.
, CEPHAD Trung tâm Y tế công cộng và phát triển cộng đồng ( CEPHAD) là một tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 1995 trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). CEPHAD có chức năng tham gia hoạt động chăm sóc sức khoẻ, phòng chống HIV/AIDS và phát triển cộng đồng nhằm góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
, S-CODE Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững (S-CODE) được thành lập là kết quả của công tác phát triển cộng đồng đã được triển khai bởi một tổ chức phi chính phủ quốc tế Population and Development International (PDI) ở Việt Nam từ năm 1983 đến 2005.
…
b, NGOs mang tính chất quốc tế : Các tổ chức NGOs mang tính chất quốc tế (International Non-Government Organizations, gọi tắt là INGOs) là các tổ chức có các thành viên sáng lập ở nhiều quốc gia khác nhau (mang các quốc tịch khác nhau). Phạm vi hoạt động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số lượng của các INGOs ít hơn rất nhiều so với NNGOs. Và đặc biệt INGOs phải tuân thủ pháp luật của nước nhận sự tài trợ, giúp đỡ (nước sở tại INGOs đang hoạt động).
Ví dụ: UNDP UNDP là mạng lưới phát triển toàn cầu của Liên Hợp Quốc, tuyên truyền và vận động cho sự đổi mới và là cầu nối giữa các quốc gia với tri thức kinh nghiệm và nguồn lực để giúp người dân xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
, SAVE CHILD SAVE CHILD là tổ chức cứu trợ trẻ em hoạt động trong các lĩnh vực sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ trẻ em, tuổi thơ sớm phát triển và giáo dục tiểu học, trẻ em quyền, quản trị tốt, kinh tế, cơ hội, chuẩn bị và phản ứng khẩn cấp, và HIV / AIDS.
, GLOBALVILAGE Foundation Quỹ làng toàn cầu.
…
c, Tổ chức NGOs mang tính chất chính phủ : NGOs loại này do Chính phủ lập ra hoặc nguồn ngân sách hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ (Government Non-Government Organizations, gọi tắt là GONGOs).
Ví dụ: DED của Đức Tổ chức dịch vụ phát triển (DED) là tổ chức hợp tác phát triển trong lĩnh vực nhân sự của CHLB Đức.
, SNV của Hà Lan Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) là tổ chức phi chính phủ độc lập của Hà Lan được thành lập năm 1965. Đây là tổ chức cung cấp các dịch vụ tư vấn lớn nhất ở Hà Lan trong lĩnh vực hợp tác phát triển.
…
III. Vai trò của NGOs trong nền chính trị quốc tế hiện đại
1. Khái quát về cách thức thiết lập vai trò của NGOs
Trong quan hệ quốc tế, NGOs được coi là thành phần tiêu biểu nhất của loại hình chủ thể phi nhà nước. Trước đây, trong quan hệ quốc tế chỉ có nhà nước mới và chỉ nhà nước mới có vai trò. Tuy nhiên theo thời gian, NGOs đã đạt nhiều thành tựu trên trường quốc tế và các nhà phân tích đã không thể bỏ qua vai trò của NGOs với tư cách là một chủ thể của nền chính trị quốc tế.
NGOs ra đời vì những mục tiêu khác nhau và có những chức năng rất đa dạng trong xã hội. Tác động của NGOs rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường, nhân đạo, xoá đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực…Với phạm vi hoạt động rộng lớn như vậy, NGOs đã tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến quốc gia và các tổ chức quốc tế. Về cơ bản, các NGOs sử dụng các công cụ chính trị sau để gây ảnh hưởng đến nhóm chủ thể quốc gia và các tổ chức quốc tế từ đó tác động lên nền chính trị quốc tế:
Chính trị thông tin: Sử dụng thông tin với mục đích chính trị, đưa thông tin đó vào nơi có tác động lớn nhất. Dùng thông tin để trực tiếp gây áp lực với các chủ thể quốc gia. Hoặc thông qua thông tin để thúc đẩy người dân gây áp lực với các chủ thể quốc gia. Đinh Hương Thủy, khoá luận “NGOs và công tác vận động xoá đói giảm nghèo trong quan hệ quốc tế”, năm 2009, tr.22.
Chính trị biểu tượng: Sử dụng các biểu tượng, hành động để gây ấn tượng, tác động gián tiếp đến các quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Chính trị đòn bẩy: Sử dụng chủ thể mạnh để tác động, gây áp lực.
Chính trị trách nhiệm: Buộc các quốc gia và tổ chức quốc tế phải giữ lời hứa, chính sách hoặc nguyên tắc đã được công bố.
2. Vai trò của NGOs trong nền chính trị quốc tế
Các NGOs về cơ bản không có quyền lực bằng các chủ thể quốc gia nên chúng phải sử dụng quyền lực của thông tin, ý tưởng và chiến lược để thay đổi bối cảnh thông tin và giá trị trong đó nhóm chủ thể quốc gia và các tổ chức quốc tế ra chính sách.
a, Đối với nhóm chủ thể quốc gia
Đầu tiên, NGOs có thể tác động vào giai đoạn xây dựng vấn đề và lên chương trình nghị sự. Các NGOs cũng có thể tác động vào lập trường của nhà nước bằng cách gây áp lực buộc các nước phải có cam kết ràng buộc bằng việc tham gia ký kết công ước hoặc quy tắc ứng xử.
Tiếp theo, NGOs có thể tác động lên các bước thủ tục có tính thể chế của quốc gia. Qua việc thay đổi các thủ tục xây dựng chính sách các NGOs có thể tác động đến chính sách trong tương lai.
Quan trọng nhất NGOs có thể gây tác động lên sự thay đổi chính sách của quốc gia. NGOs có thể vận động để các chính phủ phải chuyển hướng chính sách của mình, hoạch định những chính sách phù hợp hơn với những gì mà các NGOs quan tâm.
Cuối cùng, NGOs có thể tác động lên hành vi của chính phủ. Để thực sự thay đổi, tác động lên chính sách là chưa đủ, các NGOs phải nỗ lực buộc chính phủ phải giữ lời, thực hiện theo đúng những gì mình đã hứa, tuyên bố (trong lập trường) và những gì ghi trong chính sách.
b, Đối với các tổ chức quốc tế
Tiếng nói của NGOs đối với các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế ngày càng được các nước và các tổ chức quốc tế lớn quan tâm. Tính đến năm 2006 đã có gần 2,870 NGOs có quy chế tham khảo ý kiến với Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) của LHQ (năm 1946 chỉ có 41 tổ chức được Hội đồng cho hưởng qui chế; năm 1993 có 978; năm 1997 có 1,356). Theo quy định, số NGOs này được phát biểu, tham gia thảo luận tại các cuộc họp của ECOSOC và đưa ra những đề mục quan tâm vào chương trình nghị sự của cơ chế này hoặc các tiểu ban trực thuộc Hội đồng. Năm 1986, UNDP thành lập riêng một vụ chuyên theo dõi và phối hợp hoạt động với các NGOs. Ngân hàng thế giới (WB) hàng năm đều tổ chức các Hội nghị tư vấn với NGOs. Sự tham gia của NGOs trên các diễn đàn khác về kinh tế, xã hội và phát triển ngày một tăng, đồng thời tổ chức những diễn đàn riêng của mình song song với những Hội nghị quốc tế. Với tiếng nói của mình, NGOs đã đóng góp đáng kể vào sự thành công của nhiều hội nghị quốc tế lớn trong những năm qua như Hội nghị Thế giới về Phụ nữ, Hội nghị Thế giới về Dân số và Phát triển, Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển xã hội , Hội nghị Thế giới về Môi trường...
c, Đánh giá
Như vậy, rõ ràng NGOs đã có những tác động nhất định đến chính sách của các quốc gia và tổ chức quốc tế để từ đó gây dựng được vị trí quan trọng trong nền chính trị quốc tế hiện đại. Đặc điểm nổi bật nhất về vai trò của NGOs là tạo ra một môi trường chính trị dân chủ hơn khi nó tạo điều kiện cho những thành phần yếu thế của xã hội nâng cao tiếng nói của mình. NGOs đại diện cho những tiếng nói đó để tác động đến những người có quyền quyết định thế giới. Đặc biệt, thông qua việc giám sát các chủ thể quốc gia, NGOs đã trở thành một thành phần kiểm tra và đối trọng với các chủ thể này. Qua đó, NGOs góp phần giảm bớt quyền lực tuyệt đối truyền thống của các chủ thể nhà nước nhằm xây dựng một nền chính trị có tính đòn bẩy và trách nhiệm cao hơn.
Tuy nhiên, NGOs vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, xuất phát từ việc quá rộng và quá tự do về đặc tính của nhóm chủ thể này. Một trong những vấn đề đặt ra khi nhắc đến NGOs là sự truy cứu trách nhiệm. NGOs sẽ phải chịu trách với ai và như thế nào?
Thứ hai là NGOs quốc tế lớn hiện nay chủ yếu đến từ các quốc gia phương Bắc - các nước phát triển. Chính vì thế đôi khi hoạt động của NGOs tại các nước đang phát triển bị coi là công cụ của chính phủ các nước phát triển can thiệp vào các nước này. Điều này tạo nên sự nghi kỵ về tính minh bạch trong hoạt động của NGOs.
Cuối cùng, do việc tồn tại quá nhiều NGOs trên khắp các lĩnh vực nên tạo ra một sự lộn xộn khó kiểm soát. Một số NGOs ra đời không có mục tiêu cụ thể ví dụ như các NGOs biểu tình chống Toàn cầu hoá nhưng không xác định được chống toàn cầu hoá là chống một cái gì cụ thể. Đây chỉ là cái cớ để tung hô rầm rộ hình ảnh của tổ chức.
LỜI KẾT
Có thể khẳng định NGOs không chỉ đơn thuần là một thành phần mới nổi trong quan hệ quốc tế. Thông qua quá trình vận động và phát triển của mình, NGOs tác động lên lập trường, chính sách, hành vi của quốc gia và tổ chức quốc tế từ đó thiết lập vị thế trong nền chính trị quốc tế hiện đại.
Tuy nhiên, chủ thể này vẫn còn tồn tại nhiều khiếm khuyết. Chính vì thế, để có thể khẳng định được vai trò của mình, NGOs cần phải chủ ý đến uy tín và sự minh bạch trong hoạt động nhằm buộc các quốc gia lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mình.