Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng nói chung và người bị hại nói riêng là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ người bị hại là người mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại nặng nề nhất, là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong số những người tham gia tố tụng. Vì vậy, người bị hại cần phải được bảo vệ kịp thời, thậm chí ngay khi họ bị đe dọa gây thiệt hại. Một trong những công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ người bị hại đó là pháp luật TTHS. Thực tế cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau mà quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại chưa được bảo vệ tốt và kịp thời; trong quá trình giải quyết vụ án hình sự dường như cơ quan có thẩm quyền chưa xem người bị hại như một bên của quá trình tố tụng để có sự quan tâm cần thiết. Thực tế trên đây bắt nguồn từ vấn đề nhận thức thế nào là người bị hại, phạm vi người bị hại, người bị hại xuất hiện từ thời điểm nào? Họ cần được bảo vệ như thế nào, quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng đối với người bị hại ra sao vẫn chưa có sự nhận thức và hành động thống nhất, dẫn đến nhiều quy định pháp luật đặc biệt là pháp luật TTHS đang còn bỏ ngỏ hoặc có quy định nhưng chưa đủ những phương tiện cần thiết để bảo vệ cho người bị hại. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến các khía cạnh nêu trên của vấn đề người bị hại.
7 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 1947 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Vấn đề người bị hại trong tố tụng hình sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGƯỜI BỊ HẠI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
LÊ TIẾN CHÂU*
*ThS. luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng nói chung và người bị hại nói riêng là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ người bị hại là người mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại nặng nề nhất, là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong số những người tham gia tố tụng. Vì vậy, người bị hại cần phải được bảo vệ kịp thời, thậm chí ngay khi họ bị đe dọa gây thiệt hại. Một trong những công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ người bị hại đó là pháp luật TTHS. Thực tế cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau mà quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại chưa được bảo vệ tốt và kịp thời; trong quá trình giải quyết vụ án hình sự dường như cơ quan có thẩm quyền chưa xem người bị hại như một bên của quá trình tố tụng để có sự quan tâm cần thiết. Thực tế trên đây bắt nguồn từ vấn đề nhận thức thế nào là người bị hại, phạm vi người bị hại, người bị hại xuất hiện từ thời điểm nào? Họ cần được bảo vệ như thế nào, quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng đối với người bị hại ra sao… vẫn chưa có sự nhận thức và hành động thống nhất, dẫn đến nhiều quy định pháp luật đặc biệt là pháp luật TTHS đang còn bỏ ngỏ hoặc có quy định nhưng chưa đủ những phương tiện cần thiết để bảo vệ cho người bị hại. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến các khía cạnh nêu trên của vấn đề người bị hại.
1. Về khái niệm người bị hại
Pháp luật TTHS của các nước không có sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ người bị hại. Chẳng hạn luật TTHS của Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga hay Việt nam dùng thuật ngữ “người bị hại”, trong khi đó luật TTHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì dùng thuật ngữ “người tố cáo”. Ngoài ra người bị hại còn được gọi là “người bị thiệt hại”, hay gọi là “nạn nhân”, hay “dân sự nguyên cáo”. Chúng tôi cho rằng sử dụng thuật ngữ như thế nào phải thể hiện được bản chất, nội dung, các điều kiện và sự chặt chẽ của thuật ngữ, vì vậy theo chúng tôi sử dụng thuật ngữ người bị hại là phù hợp hơn cả. Vấn đề đặt ra là thế nào là người bị hại?
Người bị hại là một khái niệm quen thuộc trong khoa học pháp lý về TTHS, dường như không cần phải luận bàn. Tuy nhiên thế nào là người bị hại, phạm vi người bị hại…thì cho đến nay vẫn chưa có sự nhận thức thống nhất, các ý kiến còn khác nhau. Để có sự nhận thức đầy đủ và thống nhất về khái niệm người bị hại theo chúng tôi cần tiếp cận khái niệm này dưới những góc độ khác nhau:
- Dưới góc độ ngôn ngữ có thể hiểu người bị hại là con người cụ thể trong xã hội, chịu sự tác động tiêu cực của sự việc, hành vi hoặc bất kỳ sự tác động nào khác khác dẫn đến những thiệt thòi, mất mát hay tổn thương cho chính họ. Tất nhiên sự tác động đó là trái với ý muốn của người bị hại và họ tiếp nhận một cách thụ động. Thiệt hại gây ra cho người bị hại có thể là thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất và không cần phải giới hạn mức độ thiệt hại.
- Dưới góc độ ngôn ngữ pháp lý thì người bị hại là “người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại chỉ có thể là thể nhân bị người phạm tội làm thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản chứ không thể là pháp nhân”.[1]
- Dưới góc độ pháp luật thực định: Điều 51 Bộ luật TTHS Việt Nam quy định: “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”. Pháp luật một số nước cũng có quy định tương tự. Chẳng hạn, Điều 53 Bộ luật TTHS Liên bang Nga quy định: “Người bị hại là người bị tội phạm gây thiệt hại về tinh thần, thể chất hoặc tài sản. Người tiến hành điều tra, dự thẩm viên, thẩm phán, tòa án ra quyết định công nhận là người bị hại”. Còn khoản 1 Điều 43 Bộ luật TTHS của Tiệp khắc trước đây quy định: “Người bị hại là người bị tội phạm gây thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản, tinh thần hoặc những thiệt hại khác”. Bộ luật TTHS Rumani cũng có quy định tương tự. Điều đó cho thấy pháp luật các nước có sự thống nhất trong định nghĩa người bị hại: Người bị hại là con người cụ thể; thiệt hại gây ra đó là tinh thần, thể chất, tài sản hoặc những thiệt hại khác; những thiệt hại đó do tội phạm gây ra. Tuy nhiên những quy định trên chưa làm rõ những vấn đề quan trọng như: thiệt hại do tội phạm gây ra có bao hàm những thiệt hại gián tiếp? Thiệt hại đó có mối liên hệ nhân quả với hành vi phạm tội? Thiệt hại đó có phải do bất kỳ tội phạm nào gây ra? Và có xem là người bị hại không trong trường hợp hành vi phạm tội chưa gây thiệt hại gì cho người đó? Về vấn đề này có ý kiến cho rằng: trong trường hợp phạm tội chưa đạt, tức là chưa gây thiệt hại gì thì không thể công nhận một cá nhân, tổ chức là người bị hại.[2] Trong khi đó ý kiến khác lại cho rằng không chỉ khi tội phạm đã hoàn thành, mà cả trong trường hợp phạm tội chưa đạt, khi chưa gây ra thiệt hại gì do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của kẻ phạm tội, người có nguy cơ bị xâm hại cũng được gọi là người bị hại.[3]
Về vấn đề này chúng tôi cho rằng cần căn cứ vào các loại cấu thành tội phạm cũng như tính chất của sự thiệt hại để xác định người bị hại. Trong khoa học luật hình sự, tội phạm có hai loại cấu thành cơ bản, đó là tội phạm có cấu thành vật chất và tội phạm có cấu thành hình thức.
Đối với các loại tội phạm có cấu thành vật chất bắt buộc phải có hậu quả xảy ra và hậu quả đó thường là thiệt hại về thể chất và vật chất. Trong trường hợp này sự thiệt hại gây ra cho người bị hại phải là những thiệt hại cụ thể, thiệt hại đó phải có tính hiện tại và xác định; sự thiệt hại không thể không cụ thể, chưa xác định, hoặc có tính chất mơ hồ, chưa hoặc sắp xảy ra. Sự thiệt hại đó phải là thiệt hại trực tiếp do chính tội phạm gây ra, thiệt hại đó phải có mối liên hệ nhân quả với hành vi phạm tội. Điều cơ bản khi xác định thiệt hại của người bị hại đó là sự thiệt hại do một tội phạm được Luật hình sự quy định, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người bị thiệt hại, các quyền đó được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, sự thiệt hại mà người bị hại phải gánh chịu không phải có nguồn gốc từ hành vi không phù hợp pháp luật của người bị thiệt hại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không chấp nhận quan điểm cho rằng thiệt hại do tội phạm gây ra cũng có thể là thiệt hại gián tiếp, thiệt hại đó có thể không có mối liên hệ nhân quả với hành vi phạm tội.
Đối với các tội có cấu thành hình thức thì thiệt hại gây ra cho người bị hại thường là thiệt hại về tinh thần, vì vậy thiệt hại đó có thể không cụ thể, khó có thể định lượng được. Vì vậy chúng tôi đồng tình với ý kiến cho rằng không chỉ trong trường hợp tội phạm đã hoàn thành, mà cả trong trường hợp phạm tội chưa đạt, khi chưa gây ra thiệt hại gì do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của kẻ phạm tội, người có nguy cơ bị xâm hại cũng được gọi là người bị hại, người bị hại phải được coi là bất kỳ người nào khi mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ là khách thể của tội phạm cho dù tội phạm đó chưa hoàn thành do những nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của họ.
Để hiểu rõ hơn khái niệm người bị hại, cần phân biệt với một số khái niệm đồng nghĩa hoặc giáp ranh như: người bị hại với nạn nhân, người bị hại với đối tượng tác động của tội phạm. Theo chúng tôi đây là những khái niệm gần nhau nhưng không đồng nhất với nhau.
Thứ nhất: Nạn nhân có phải là người bị hại không? Trả lời câu hỏi này có quan điểm cho rằng người bị hại chính là nạn nhân của tội phạm. Theo chúng tôi điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nội dung khái niệm người bị hại có nội hàm hẹp hơn so với khái niệm nạn nhân của tội phạm. Như đã biết, hành vi phạm tội luôn gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Để gây ra những thiệt hại cho những quan hệ này, hành vi phạm tội đã tác động gây thiệt hại cho một số cá nhân, tổ chức. Trong khi đó “Nạn nhân của tội phạm là những cá nhân, tổ chức bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại, gây ra những thiệt hại về thể chất, về tinh thần, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác”.[4] Như vậy, nạn nhân của tội phạm ngoài cá nhân còn có thể là tổ chức, pháp nhân; thiệt hại của nạn nhân không chỉ về thể chất, về tinh thần, về tài sản mà còn có thể bao hàm những thiệt hại về các quyền và các lợi ích hợp pháp khác, thiệt hại đó có thể bao gồm cả những thiệt hại gián tiếp; hơn nữa nạn nhân chỉ khi tham gia quan hệ pháp luật TTHS mới được xem là người bị hại.
Thứ hai: Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động đến, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Đối tượng tác động của tội phạm không chỉ là con người mà còn bao gồm các đối tượng vật chất khác và các hoạt động bình thường của chủ thể. Trong khi đó con người – nạn nhân bị tội phạm xâm phạm về thể chất, tinh thần và các quyền tự do dân chủ, họ chính là một trong số các đối tượng tác động của tội phạm. Như vậy có thể khẳng định rằng khái niệm người bị hại, nạn nhân, đối tượng tác động của tội phạm mặc dù có những điểm tương đồng, chồng lấn… nhưng về bản chất, đặc trưng của chúng là hoàn toàn khác nhau.
Vấn đề cần được đặt ra để luận bàn đó là: Trong trường hợp tổ chức hoặc pháp nhân bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại thì họ có phải là người bị hại không? Vấn đề này theo quan sát của chúng tôi đã được đưa ra tranh luận ở các diễn đàn khác nhau và đã có nhiều ý kiến khác nhau khi đề cập đến vấn đề này. Khái quát lại có hai loại ý kiến sau đây:
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng người bị hại chỉ có thể là thể nhân, một con người cụ thể; tổ chức hoặc pháp nhân không thể là người bị hại. Bởi lẽ khái niệm “người” ở đây là đề cập đến con người cụ thể. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần… do hành vi phạm tội gây ra, mà thể chất và tinh thần thì chỉ có và gắn liền với con người, một thể nhân cụ thể, thiệt hại này không thể xảy ra đối với pháp nhân hay tổ chức. Đi xa hơn, ý kiến này còn cho rằng thiệt hại do tội phạm gây ra có thể gây ra những mất mát, đau đớn về tinh thần, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cho người thân của người bị hại nhưng cũng không thể xem người thân đó là người bị hại. Tham khảo quy định trong Bộ luật TTHS của các quốc gia như đã viện dẫn trên cho thấy các quốc gia này đều quan niệm người bị hại trong vụ án hình sự chỉ có thể là con người cụ thể chứ không phải một pháp nhân, một cơ quan nhà nước hay một tổ chức xã hội, cho dù thiệt hại gây ra là thiệt hại trực tiếp, và đây cũng là quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam thể hiện rõ trong Điều 51 Bộ luật TTHS Việt Nam.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng: ngoài cá nhân là người bị hại, trong trường hợp tổ chức, pháp nhân bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại thì phải xem tổ chức hoặc pháp nhân đó là người bị hại. Cần phải quan niệm khái niệm người bị hại theo nghĩa rộng của từ này. Lập luận cho luận điểm của mình, những người theo quan điểm này cho rằng trong thực tế hành vi phạm tội không chỉ gây ra thiệt hại cho cá nhân, hành vi phạm tội trong thực tế còn nhắm đến để gây thiệt hại cho pháp nhân, tổ chức. Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho pháp nhân, tổ chức là rất đa dạng, không thuần túy là thiệt hại về tài sản. Trong thực tế, tổ chức, pháp nhân có thể bị thiệt hại cả về vật chất lẫn thiệt hại về tinh thần, chẳng hạn một doanh nghiệp bị giả mạo về thương hiệu, bị vu khống làm mất uy tín trong kinh doanh… Về vấn đề này, tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật TTHS Ba Lan quy định: người bị hại là người hoặc pháp nhân mà lợi ích hợp pháp của họ bị hậu quả của tội phạm trực tiếp xâm hại hoặc bị đe dọa. Điều 53 Bộ luật TTHS Hungary cũng có quan điểm tương tự.
Ý kiến cho rằng người bị hại chỉ có thể là cá nhân, vậy tổ chức, pháp nhân bị tội phạm trực tiếp xâm hại, pháp nhân, tổ chức đó sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì? Theo quy định của Bộ luật TTHS Việt Nam thì trong trường hợp này pháp nhân, tổ chức sẽ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự khi có đơn yêu cầu. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là chưa thật sự hợp lý, bởi lẽ:
- Thứ nhất: Đối với các tổ chức, pháp nhân mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước khi bị tội phạm gây thiệt hại tổ chức, pháp nhân đó không có đơn yêu cầu thì họ sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì? Tài sản của nhà nước liệu có được đảm bảo?
- Thứ hai: Đối với các doanh nghiệp mà tài sản thuộc sở hữu cá nhân, của một nhóm người cùng góp vốn kinh doanh (công ty TNHH, công ty hợp danh…) trong quá trình hoạt động lại bị kẻ phạm tội gây thiệt hại, vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình chủ sở hữu tài sản đó chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự, liệu có hợp lý? Liệu có đảm bảo sự bình đẳng trong khi về thực chất tài sản đó đều là của cá nhân?
- Thứ ba: nếu cho rằng tổ chức, pháp nhân bị kẻ phạm tội trực tiếp xâm hại về tài sản sẽ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự thì sẽ không có sự phân biệt với thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gián tiếp gây ra. Chẳng hạn khi đánh nhau với B, A đã gây ra một số thiệt hại về tài sản của C.
- Thứ tư: nếu quan niệm rằng hành vi gây thiệt hại cho pháp nhân, tổ chức là thiệt hại về tài sản như định nghĩa tại Điều 52 Bộ luật TTHS Việt Nam thì chúng ta phải giải thích như thế nào khi thiệt hại do tội phạm gây ra cho tổ chức, pháp nhân là thiệt hại về thương hiệu, về uy tín trong kinh doanh…?
Thực chất vấn đề có nên thừa nhận tổ chức, pháp nhân là người bị hại trong trường hợp họ bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại đã được đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 1988 vào những năm 2000. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau vấn đề này đã tạm gác lại. Chúng tôi cho rằng xã hội đã có những thay đổi lớn theo hướng tích cực, xu hướng hội nhập khu vực và thế giới đã trở thành xu thế tất yếu. Những lý do chưa đồng tình với quan điểm cho rằng nên xem tổ chức, pháp nhân là người bị hại không còn lý do để tồn tại, đã đến lúc chúng ta cần xem xét tất cả các lý lẽ để thừa nhận tổ chức và pháp nhân là người bị hại nhằm góp phần đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại.
Từ những lập luận trên chúng tôi đề xuất khái niệm về người bị hại như sau:
“Người bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”.
Khái niệm này bao hàm các đặc điểm của người bị hại như sau:
- Thứ nhất, về chủ thể, người bị hại là cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức khác;
- Thứ hai, thiệt hại do tội phạm gây ra có thể là thiệt hại về thể chất, thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về vật chất. Tuy nhiên, cần lưu ý là hậu quả của sự thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc trong tất cả các trường hợp.
- Thứ ba, thiệt hại của người bị hại phải là đối tượng tác động của tội phạm, tức là phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả gây ra cho người bị hại. Đây là điều kiện quan trọng để phân biệt giữa người bị hại và nguyên đơn dân sự hay các đương sự khác trong vụ án hình sự.
- Thứ tư, người bị thiệt hại chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại khi và chỉ khi được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận.
2. Thực trạng và một số kiến nghị góp phần đảm bảo quyền của người bị hại
Như đã biết, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người bị hại, đó có thể là những thiệt hại vô cùng lớn mà người bị hại phải gánh chịu, vì vậy Nhà nước cần phải có biện pháp cụ thể để bảo vệ người bị hại, khôi phục lại trạng thái ban đầu hoặc kịp thời khắc phục thiệt hại do tội phạm gây ra đối với họ. Bên cạnh đó, người bị hại là người biết được các tình tiết của vụ án nên họ cũng phải có nghĩa vụ công dân trong việc giúp các cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Do vậy, khi tham gia tố tụng, người bị hại có một số quyền và phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định.
Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của người bị hại được quy định tại Điều 51 BLTTHS. Theo quan sát của chúng tôi, pháp luật TTHS về quyền và lợi ích của người bị hại qua quá trình tồn tại và phát triển ngày càng được bổ sung, sửa đổi đầy đủ và hoàn thiện hơn. Chẳng hạn phạm vi kháng cáo của người bị hại không chỉ giới hạn trong phạm vi tăng nặng hình phạt mà còn cho phép người bị hại kháng cáo theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo; hoặc chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật TTHS năm 1988 và chế định này ngày càng được mở rộng… Nội dung các quyền và nghĩa vụ của người bị hại về cơ bản là phù hợp và được các cơ quan có thẩm quyền nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Tuy nhiên qua quá trình áp dụng cũng đã bộc lộ một số bất cập trong các quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng. Cụ thể là các vấn đề sau đây:
* Vấn đề liên quan đến đại diện hợp pháp của người bị hại:
- Thứ nhất, khoản 5 Điều 51 Bộ luật TTHS quy định: “Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền được quy định tại điều này”. Như vậy trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất khi tham gia tố tụng thì đại diện hợp pháp của họ có được tham gia tố tụng và có được hưởng các quyền của người bị hại không? Theo tinh thần nội dung Điều 51 Bộ luật TTHS thì người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp này được tham gia tố tụng nhưng không được thực hiện các quyền của người bị hại. Tuy nhiên, theo tinh thần của quy định tại Điều 59 Bộ luật TTHS thì người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của người bị hại. Nội dung các quyền của người này không khác nhiều so với nội dung các quyền quy định cho người bị hại (Điều 51). Vì vậy, thực tế gặp trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng thường cho phép đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất sử dụng các quyền của người bị hại như tinh thần của khoản 5 Điều 51 Bộ luật TTHS. Để khắc phục bất cập này theo chúng tôi cần thiết phải bổ sung nội dung này vào Điều 51 Bộ luật TTHS.
- Thứ hai, Bộ luật TTHS chỉ quy định trường hợp người bị hại chết mà chưa quy định trường hợp người bị hại mất tích. Vậy trường hợp người bị hại được xác định là mất tích thì vấn đề người đại diện hợp pháp của họ được quy định và giải quyết như thế nào? Họ có được phép tham gia tố tụng và được thực hiện các quyền của người bị hại không? Thực tiễn giải quyết vụ án cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết không thống nhất với nhau. Vì vậy, theo chúng tôi Bộ luật TTHS cần bổ sung trường hợp trên theo hướng thừa nhận người đại diện hợp pháp của người bị hại mất tích được tham gia tố tụng và được thực hiện các quyền của người bị hại.
- Thứ ba, trong hai trường hợp nêu trên cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được ai là người đại diện hợp pháp, hoặc người bị hại thực tế cũng không còn ai là người đại diện hợp pháp thì giải quyết như thế nào? Người thân của người bị hại có được tham gia tố tụng không và với tư cách gì? Về vấn đề này chưa có sự nhận thức và áp dụng thống nhất. Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này: Người thân của người bị hại cũng được xem là người đại diện hợp pháp[5]; người thân của người bị hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan[6]; người thân của người hại trong các trường hợp trên chính là người bị hại và với tư cách đó họ cần phải tham gia vào vụ án[7]; người thân của người bị hại là người đại diện của người bị hại và là người bị hại.[8] Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cần được nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng cũng như đảm bảo các quyền của người bị hại. Theo chúng tôi người thân của người bị hại chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp, khi tham gia tố tụng họ có các quyền của người bị hại. Trường hợp người bị hại không còn ai là người thân thì cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bảo vệ quyền lợi cho họ.
- Thứ tư, trong trường hợp người đại diện hợp pháp của người bị hại có quy