Đề tài Văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá ở tỉnh Hà Tĩnh hiện
Gia đình là tế bào của xã hội. Trong tiến trình phát triển của lịch sử, gia đình có một vị trí và vai trò đặc biệt. Từ gia đình, con người được sinh ra và trưởng thành cả về thể chất và nhân cách. Với hai chức năng cơ bản: tái sinh con người để duy trì nòi giống và xã hội hoá cá nhân để hình thành nhân cách, gia đình sẽ tồn tại mãi trong đời sống của nhân loại. Sức mạnh trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc, xã hội - phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại, phát triển của gia đình và văn hoá gia đình. Từ lâu, vấn đề này được thế giới rất quan tâm. Liên Hợp Quốc đã lấy năm 1994 là "Năm quốc tế gia đình". Các quốc gia trên thế giới cũng nhận thức rõ rằng, củng cố sự vững chắc của gia đình là nhân tố quan trọng để ổn định và phát triển đất nước. Ở Việt Nam, vấn đề gia đình đang được đặt ra với vị trí mang tầm chiến lược quốc gia. Từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã bàn đến trách nhiệm của gia đình trong việc giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ, coi trọng xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, giá trị gia đình một lần nữa được Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hoá, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Sở dĩ gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi cuộc đời con người cũng như đối với sự trường tồn và phát triển của xã hội như vậy, chính là do những giá trị của văn hóa gia đình. Trong vấn đề gia đình, văn hoá gia đình có vị trí quan trọng, là nền tảng cho gia đình tồn tại và cơ sở bền vững của gia đình. Văn hoá gia đình vừa là mục tiêu, giá trị phải hướng tới, vừa là cơ sở thúc đẩy sự phát triển bản thân gia đình, nhằm phát triển con người và xã hội. Với tư cách là một thiết chế xã hội văn hoá, gia đình Việt Nam trong truyền thống và hiện đại, vẫn là nơi hội tụ, gắn kết mỗi thành viên trong gia đình với nhau. Khi vui người ta luôn san sẻ cùng gia đình và khi buồn cũng tìm sự an ủi, chở che từ gia đình. Bởi thế, đối với mỗi con người Việt Nam mang tâm hồn Việt, gia đình là nơi thiêng liêng nhất, thực sự là nơi ẩn náu của sự yên ổn, sự kính trọng và tình thương yêu. Nét đẹp trong văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam đã góp phần làm phong phú hơn lên bản sắc văn hoá của dân tộc, ngày nay những giá trị đó cần được kế thừa và phát huy.