Đồ án Đánh giá ảnh hưởng của thời gian lưu bùn và chất dinh dưỡng đến tính chất lắng của bùn hoạt tính
Hiện nay có nhiều phương pháp xử lý nước thải như : cơ học, lý học, hoá học, sinh học. Trong đó xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học bao gồm hiếu khí và kị khí được sử dụng nhiều trong xử lý nước thải vì nó đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả. Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học thực chất là lợi dụng sự sống và hoạt động của các vi sinh vật để thực hiện dạng phân hủy khác nhau. Nhiệm vụ của các công trình kĩ thuật xử lý nước thải bằng phương pháp này là tạo điều kiện sống và hoạt động tốt nhất cho các vi sinh vật để phân hủy chất hữu cơ được nhanh chóng. Tuy nhiên, xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học là một công nghệ phức tạp bởi đó là quá trình phát triển của vi sinh vật xảy ra trong các điều kiện hoá lý liên quan đến sự chuyển hoá và năng lượng tế bào vi sinh vật. Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hiếu khí - bùn hoạt tính muốn hiệu quả đòi hỏi một quần thể vi sinh vật sống tốt hay nói khác hơn bùn hoạt tính phải có khả năng phân hủy chất hữu cơ và lắng tốt. Tuy nhiên không phải lúc nào bùn cũng lắng tốt như mong muốn, khi vận hành quá trình này, ta thường gặp phải bùn dạng khối khó lắng, bùn dạng bọt váng, bùn phát triển phân tán . Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này liên quan tới thời gian lưu bùn cũng như nhu cầu dinh dưỡng. Vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng lên khả năng lắng của bùn là một việc rất cần thiết.