Nguyễn Việt Hà, nhà văn trẻ đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay với nhan đề thật ấn tượng: "Cơ Hội Của Chúa", một tác phẩm ăn khách và gây xôn xao dư luận nhất từ sau giải phóng đến nay. Kẻ khen cũng nhiều, người chê cũng không thiếu. Riêng tôi khi đọc xong "Cơ Hội Của Chúa", tôi có cảm tưởng: xã hội, cuộc sống, con người, văn hóa, đạo đức, nhân sinh. kể cả niềm tin tôn giáo của dân tọc Việt Nam đã và đang bị đảo lộn tất cả. Mọi giá trị, mọi lãnh vực cuộc sống đều được tác giả đem ra mổ xẻ một cách thẳng thắn, đôi khi đến trắng trợn, khiến độc giả phải cật vấn chính mình và đặt lại giá trị cho cuộc sống mình trong thời buổi kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa hôm nay. Nhất là cuộc sống của giới trẻ, dường như họ bị mất phương hướng, mất hết ý nghĩa cuộc đời, đánh mất tình cảm thiêng liêng, và cả cái nền tảng đạo đức tâm linh thăm thẳm. Khi không còn niềm tin tôn giáo sâu xa để bám trụ vào, cuộc sống con người chỉ còn là những tháng ngày trống rỗng buông trôi, hoặc cuống cuồng chạy theo cái bát nháo xô bồ của một xã hội hưởng thụ và tiêu thụ, của nền văn minh vật chất đổi trao thời mở cửa. Một khi vật chất được lên ngôi, thì mọi thứ đều được đem ra trao đổi, ngay cả tình yêu và những giá trị tinh thần cao quý nhất cũng được đánh giá qua nhãn quan vật chất rẻ tiền. Mãnh lực của đồng tiền có thể thay trắng đổi đen, và chân lý cũng có thể bị lật ngược, nền văn hóa hưởng thụ có thể làm đảo lộn mọi thứ, như tác giả nhận định: "Ở thời gọi là kinh tế thị trường, cái xấu cái tốt đều hiện hữu bằng khuôn mặt rất thực". Ngay cả nhân phẩm, đạo đức của một con người cũng được cân đong qua giá trị của đồng tiền: "Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền, cái dung dịch siêu thượng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Ðạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật. Lịch sử nhân loại chứng kiến số người tự tử vì tiền gấp mười tám lần số người tự tử vì tình"[1].
73 trang |
Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 3581 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Giải thoát trong phật giáo và cứu độ trong kitô giáo theo chiều hướng hiện sinh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DẪN NHẬP
Nguyễn Việt Hà, nhà văn trẻ đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay với nhan đề thật ấn tượng: "Cơ Hội Của Chúa", một tác phẩm ăn khách và gây xôn xao dư luận nhất từ sau giải phóng đến nay. Kẻ khen cũng nhiều, người chê cũng không thiếu. Riêng tôi khi đọc xong "Cơ Hội Của Chúa", tôi có cảm tưởng: xã hội, cuộc sống, con người, văn hóa, đạo đức, nhân sinh. kể cả niềm tin tôn giáo của dân tọc Việt Nam đã và đang bị đảo lộn tất cả. Mọi giá trị, mọi lãnh vực cuộc sống đều được tác giả đem ra mổ xẻ một cách thẳng thắn, đôi khi đến trắng trợn, khiến độc giả phải cật vấn chính mình và đặt lại giá trị cho cuộc sống mình trong thời buổi kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa hôm nay. Nhất là cuộc sống của giới trẻ, dường như họ bị mất phương hướng, mất hết ý nghĩa cuộc đời, đánh mất tình cảm thiêng liêng, và cả cái nền tảng đạo đức tâm linh thăm thẳm. Khi không còn niềm tin tôn giáo sâu xa để bám trụ vào, cuộc sống con người chỉ còn là những tháng ngày trống rỗng buông trôi, hoặc cuống cuồng chạy theo cái bát nháo xô bồ của một xã hội hưởng thụ và tiêu thụ, của nền văn minh vật chất đổi trao thời mở cửa. Một khi vật chất được lên ngôi, thì mọi thứ đều được đem ra trao đổi, ngay cả tình yêu và những giá trị tinh thần cao quý nhất cũng được đánh giá qua nhãn quan vật chất rẻ tiền. Mãnh lực của đồng tiền có thể thay trắng đổi đen, và chân lý cũng có thể bị lật ngược, nền văn hóa hưởng thụ có thể làm đảo lộn mọi thứ, như tác giả nhận định: "Ở thời gọi là kinh tế thị trường, cái xấu cái tốt đều hiện hữu bằng khuôn mặt rất thực". Ngay cả nhân phẩm, đạo đức của một con người cũng được cân đong qua giá trị của đồng tiền: "Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền, cái dung dịch siêu thượng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Ðạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật. Lịch sử nhân loại chứng kiến số người tự tử vì tiền gấp mười tám lần số người tự tử vì tình"[1].
Xã hội Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ hôm nay dường như đã mất đi chỗ dựa tinh thần cao quý nhất. Sự lạc hướng này là hậu quả của một "thời mở cửa" tự do, của một xã hội tiêu thụ xả láng", thông tin "giật gân", quảng cáo "mát mẻ", văn hóa "bạo lực, khiêu dâm". Làm cho giới trẻ bị choáng ngợp và chỉ còn biết đi tìm "cơ hội" để kiếm tiền, để hưởng thụ, yêu vội, sống cuồng và chạy theo những cảm giác đam mê. Nếu ai đó còn giữ được một chút tình cảm tâm linh tôn giáo nào, thì theo tác giả, người đó là những người ủy mị, nhút nhát, và có vẻ như mang màu sắc mê tín dị đoan. Nói đúng hơn, đó là những con người cùng cực, đau khổ và thiếu thốn, họ đã bị thất bại trên đường đời, đã đi đến chỗ bế tắc, cùng đường rồi, nên chỉ còn cách duy nhất là cậy dựa, phó thác hoàn toàn vào một Thiên Chúa quyền năng nào đó để rồi an phận, ngủ quên trong niềm tin "khập khiễng" của mình, như lời tác giả nhắc đi nhắc lại hai ba lần trong tác phẩm: "Sự cùng quẫn cuối cùng của con người là cơ hội của Chúa"[2] Theo ý tác giả, những con người giàu có, đầy đủ, sung túc, dư thừa. không cần đến Chúa, chỉ những người yếu đuối, đau khổ khốn cùng mới cần đến Chúa mà thôi. Ðiều này được tác giả khai thác tối đa qua lối sống và cách diễn tả niềm tin của nhân vật Hoàng, "một con chiên" trí thức ngoan đạo, một "con người thành thật, trong sáng, không lếu láo",nhưng lại quá nhút nhát, không dám quyết định gì, ngay cả đến tình yêu và hạnh phúc của mình. Ðể rồi cuối cùng tình yêu tan vỡ, hạnh phúc cũng bay xa và tương lai thì mù mịt. chỉ còn lại những dằn vặt, khổ đau, nuối tiếc xót xa, ảo tưởng lê lết trong đời. Vì thế, tác giả đã đưa ra câu kết luận nghe có vẻ bi quan và chua xót, nhưng đó lại là một sự thật: "Những gì trong sáng quá thường hay khó tồn tại"[3]. Tác giả còn nhận định thêm: "Có phải thế chăng mà đến thời kinh tế thị trường nền văn minh của chúng ta hết sạch những nhà đạo đức thật"[4].
Thế kỷ XX đã khép lại, Năm Thánh cũng qua đi, nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới với dáng đi ngạo nghễ như một anh chàng "rô bô" khổng lồ, trong niềm tự hào về một nền văn minh kỹ thuật hiện đại, tiện nghi, cực nhanh, cực mạnh, thần kỳ và siêu tốc, nhưng cũng siêu thực dụng, siêu hưởng thụ và siêu vật chất hóa trong mọi lãnh vực. Tuy nhiên, những sản phẩm khoa học con người làm ra không thể đáp ứng nhu cầu tâm linh thăm thẳm, không thể thay thế cho những tình cảm và khát vọng sâu xa thầm kín trong nhịp đập của con tim. Văn hóa hưởng thụ và khoa học kỹ thuật không thể cứu độ hay giải thoát con người ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, cũng không thể đem lại tự do viên mãn và hạnh phúc thường lạc cho con người. Có chăng nó chỉ là một tai họa, như Nguyễn Việt Hà viết: "Con người đi vào thế kỷ XXI bằng tư thế ngã ngửa bởi cái hích bạo tàn của nề n văn minh kỹ trị được mệnh danh là tiên tiến. Phải chăng, sẽ là điều ác khi chúng ta quan niệm: con người là sinh vật cao cấp đã biết sử dụng máy móc"[5]. Hẳn thật, chưa bao giờ nhân loại khôn ngoan lanh lợi, biến hóa thần kỳ như hôm nay. Phải chăng khi mọi thứ đều trở nên sôi động, ồn ào, mau lẹ, rực rỡ, hào nhoáng, tiện nghi, siêu vi và siêu tốc, thì con người lại đang rơi vào một thảm họa lan tràn, phổ biến khắp địa cầu, một sự đổ vỡ sâu xa do chính hậu quả của sự "khôn ngoan", thông thái của con người làm ra! Chưa bao giờ nhân loại đông đảo, ồn ào, vui nhộn và tự do xiết chặt tay nhau đến thế, nhưng đồng thời cũng cô đơn trống rỗng biết bao! Chưa bao giờ, nhân loại đầy đủ, tiện nghi, sung sướng đến thế, nhưng cũng hụt hẫng, bơ vơ và đau khổ biết chừng nào! Chưa bao giờ con người khôn ngoan, hiểu biết và nắm bắt mọi sự trên đời đến thế, nhưng cũng bối rối, ngơ ngác và mù mịt về chính mình như thế! Phải chăng là do con người đã lạc bước trên đường đi, lối về? Phải chăng là do con người hời hợt trước những giá trị tinh thần, thờ ơ trước niềm tin tôn giáo, để rồi từ đó cũng đánh mất luôn sự an lạc và hạnh phúc chân thật?
Ðứng trước thực trạng của thế giới nói chung và của xã hội Việt Nam nói riêng, đặc biệt là giới trẻ, phải chăng nói đến niềm tin tôn giáo là dư thừa, nói đến đạo đức tâm linh là chuyện của "người thiên cổ". Như vậy, phải chăng ơn Cứu độ phổ quát của Ðức Giêsu và con đường Giải thoát của Ðức Phật là vô nghĩa, không cần thiết cho con người thời đại mới? Phải chăng văn minh vật chất có thể đem lại hạnh phúc đích thực cho con người? Phải chăng con người có thể tự mình giải quyết tất cả mọi bế tắc cuộc đời và mọi khát vọng tâm linh chỉ nhờ vào khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường và văn minh toàn cầu hóa? Phải chăng Thiên Chúa không còn có "cơ hội" để nhảy vào cuộc sống con người? Phải chăng, giáo lý cao siêu của Ðức Phật không còn khả năng hóa độ chúng sinh? Và phải chăng ơn Cứu Ðộ là hão huyền và "Thượng đế đã chết" như Nitzsche, ông tổ triết gia hiện sinh vô thần đã tuyên bố cách đây hơn một thế kỷ?
Không ! rất may là sau khi đã phơi trần bộ mặt thật có vẻ bi quan, đổ vỡ của xã hội Việt nam, nhất là về lối sống của giới trẻ, tác giả như muốn lật ngược lại thế cờ để khơi lên niềm hy vọng mới. Ðồng thời, tác giả cũng cho thấy niềm tin tôn giáo và đời sống tâm linh thăm thẳm của con người luôn luôn là một nhu cầu cấp thiết mà nền văn minh kỹ trị và văn hóa vật chất không thể giải quyết hay đáp ứng đủ. Cuối cùng, con người vẫn cần đến tôn giáo và không thể không trở về với tôn giáo để hoàn tất cuộc đời mình. Nhu cầu tâm linh vẫn còn đó và vai trò của tôn giáo không thể vắng bóng trong cuộc đời con người. Mặc dầu, từ những cái cụ thể, thực tế trong cuộc đời được tác giả lột tả phơi trần, khiến ta có cảm tưởng như tác giả có cái nhìn bi quan về tôn giáo và nền đạo đức tâm linh của xã hội Việt Nam. Nhưng không! đó chính là nỗi niềm ray rứt của tác giả đang khát khao đi tìm một lối thoát, một ý nghĩa đích thực cho cuộc đời. Nói đúng hơn, tác giả muốn tìm lại giá trị cuộc sống, muốn đặt niềm tin tôn giáo trên nền tảng tâm linh vững chắc không bị bóng dáng của vật chất hay đồng tiền bao phủ chứ không phải đặt trên những giá trị vật chất bọt bèo. Dẫu biết rằng, trên đường đi tìm chân lý, khi phải đối diện với thực tế, con người có thể bị bầm dập, khốn cùng, nhưng có như vậy giá trị nhân bản tâm linh mới cao quý, niềm tin mới sâu sắc và trong sáng hơn, như lời tác giả nhận định: " Khi đối diện với bất hạnh, con người ta trở nên gần Chúa. Ở người công chính, nỗi bất hạnh càng lớn, đức tin càng sâu sắc"[6]. Ðiều đó thật hiển nhiên, vì: "Mỗi người có một đức tin không thể chuyển trao được. và Thiên Chúa luôn đến với con người trong những lúc thiếu thốn, đau khổ, cô đơn."[7]. Do đó, nếu con người chỉ thật sự là người trong thế giới loài người, thì con người cũng chỉ thật sự sống sung mãn và hoàn thành bản thân mình trong một tôn giáo. Nếu không còn tôn giáo, con người sẽ mất đi cái điểm tựa và mục tiêu tối hậu của cuộc đời, để rồi họ chỉ còn biết loay hoay trong cõi đời ô trọc, chẳng biết đi về đâu: "Rời bàn tay Chúa, con người ta loay hoay tìm cái hoàn thiện bản thân mình. Nói một cách khác, loay hoay đi tìm phần linh thể mà Thiên Chúa đã ban cho ngay từ hồi còn oe oe khóc"[8].
Chỉ có sự thật, chỉ có chân lý mới giải thoát con người (x. Ga 8, 32), chỉ trong tôn giáo con người mới được Cứu độ và tự do đích thực. Quả vậy, đến với Phật giáo và Kitô giáo, con người sẽ tìm được câu trả lời cho những thắc mắc đã từng làm nhức nhối trái tim mình, sẽ tìm thấy giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời, sẽ hóa giải được nhưng nỗi khổ đau ràng buộc vây kín con người trong nghiệp chướng, luân hồi sinh tử, nơi bể khổ và tội lỗi trần gian. Mặc dù đây là hai con đường khác nhau nhưng đều đem lại ơn Cứu Ðộ và Giải Thoát cho hàng triệu triệu con người trên thế giới. Cũng như đã, đang và sẽ còn làm say mê biết bao trái tim đang khát khao tìm về cõi phúc chân thật. Ðiều đó chứng minh rằng chỉ trong tôn giáo con người mới có câu trả lời thỏa mãn cho vận mệnh của mình.
I. GIẢI THOÁT THEO PHẬT GIÁO
1/ Giải thoát quan trong Triết học, Tôn giáo Ấn độ
Ðược Giải thoát hay Cứu độ đó là khát vọng căn bản, sâu xa và thiết thực nhất của con người mọi thời mọi nơi. Thật vậy, "tất cả các tôn giáo, bất luận thuộc hình thái nào, đều lấy yêu cầu giải thoát làm bối cảnh"[9]. Tuy nhiên, dù cùng chủ trương giải thoát nhưng không phải tất cả các tôn giáo đều đồng quan điểm với nhau về nội dung giải thoát.
Nếu như ta đã từng sống hay có dịp tiếp xúc với những người dân quê, vùng sâu vùng xa, những người suốt ngày phải"đầu tắt mặt tối", "chân lấm tay bùn", vật lộn với miếng cơm manh áo trên "đồng chua nước mặn", trên "mảnh đất cày lên sỏi đá", thì thử hỏi giải thoát đối với họ là gì? Có lẽ họ sẽ trả lời ngay mà không cần suy nghĩ hay lý luận sâu xa: Giải thoát là bước ra khỏi cảnh đời cơ cực, lầm than, nghèo đói. Giải thoát là cơm ăn áo mặc, là không còn áp bức bất công, cũng như không phải sợ hãi phập phồng trước trăm ngàn đe dọa của bệnh, chiến tranh, của những quyền lực thiên nhiên huyền bí, hay những áp lực vô hình trên mạng sống con người. Cao hơn một chút, giải thoát là được tự do, ấm no và hạnh phúc, được học hành, vui chơi giải trí lành mạnh, cũng như được thỏa mãn những nhu cầu cần thiết về sinh hoạt tâm linh, tôn giáo... Thật vậy, đối với những người nghèo khổ, bệnh tật; những con người bần cùng trong xã hội, thì ước mơ giải thoát lớn nhất của họ không gì khác hơn là thoát khỏi mọi lo âu, bệnh tật, nghèo đói và áp bức bất công luôn luôn đè nặng trên tâm tư, tình cảm và đôi vai nhỏ bé của mình. Chính những nỗi cơ cực, thống khổ đó đã thôi thúc con người muốn vươn lên, ước mơ một cuộc sống tự do, an vui và hạnh phúc trường tồn. Từ đó hình thành nên những tư tưởng giải thoát trong triết học và tôn giáo khác nhau, ban đầu còn thô sơ thấp kém, thuần tự nhiên, nhưng dần dần nó được hình thành một cách có hệ thống và hướng tới chiều kích tâm linh siêu việt, vượt xa cái quan niệm bình dân thông thường.
Nếu chúng ta muốn tìm đến một quan niệm giải thoát có nền tảng sâu xa, chắc chắn chúng ta phải trở về với đất nước Ấn Ðộ cổ kính, với một nền văn hóa tâm linh lâu đời mà cao vút như dãy Himalaya sừng sững ngất trời quanh năm tuyết trắng. Chính nơi đây đã sản sinh ra những quan niệm giải thoát đầu tiên cho nhân loại. Chính nơi đây, tư tưởng giải thoát trong triết học và tôn giáo đã đạt đến đỉnh cao tột cùng, đã trở thành lẽ sống và đạo sống cho con người. Và cũng chính nơi đây, triết lý giải thoát: "luôn luôn là nguồn suối mãnh liệt, thôi thúc mọi suy nghĩ, tình cảm và hành động"[10] của con người, bao trùm và tham dự vào mọi chi tiết, mọi ngóc ngách của cuộc đời. Ðồng thời cũng có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần đạo đức, luân lý và xã hội của từng người dân Ấn Ðộ.
Tư tưởng giải thoát đó đã được hình thành rất sớm, ngay từ thời Véda (khoảng 1500-1000 TCN), được coi là đại biểu tối cổ cho tư tưởng giải thoát quan Ấn độ, dù tư tưởng này chưa có hệ thống mạch lạc, rõ ràng. Theo Kinh Véda, quan niệm giải thoát chủ yếu là "nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là những đe dọa đến sự sinh tồn, sống chết của con người với những lực lượng thiên nhiên mạnh mẽ huyền bí với một bên là ý chí, ước vọng muốn vươn lên để khẳng định sự tồn tại của bản thân con người cầu mong một cuộc sống an lành của những người dân Ấn độ cổ"[11]. Không chỉ cầu xin thần linh phù hộ, ban muôn phúc lộc, bình an mà họ còn cầu xin cho linh hồn mình sẽ được về trong một thế giới trường sinh bất tử. Con đường giải thoát đó, theo họ là cầu mong vào sự trợ giúp của thần thánh hơn là vào sức lực, trí tuệ của riêng mình, người dân Ấn độ tin rằng họ sẽ được giải thoát nếu họ chu toàn các nghi thức tế tự thần linh. Thần linh ở đây thường là những lực lượng biểu thị cho sức mạnh tự nhiên hay thiên nhiên được con người nhân cách hóa hay thần thánh hóa. Có thể nói, tư tưởng giải thoát trong kinh Véda rất gần với quan niệm giải thoát của người bình dân, vì vào thời kỳ này đời sống xã họi và nhận thức của con người còn thấp kém. Phải đợi đến triết lý giải thoát trong Upanishad (khoảng 800-600 TCN) thì ý nghĩa cao cả và đời sống tâm linh con người mới được phát huy mạnh mẽ.
Theo Upanishad, quan niệm giải thoát được xem như là sự xóa bỏ mọi ràng buộc của thế giới nhục dục, đưa Tiểu ngã (Atman) hay linh hồn cá biệt hòa nhập vào Ðại Ngã (Brahman) hay Tinh thần vũ trụ tối cao. Chừng nào chưa giác ngộ, chưa thực hiện được sự đồng nhất giữa Atman với Brahman thì con người còn bị ràng buộc trong thế giới giả tưởng, sinh tử luân hồi bất tận bởi nghiệp báo chi phối[12]. Như vậy, Upanishad đã khám phá ra con đường và cách thức giải thoát mới, dùng lý trí để lý giải những vấn đề nguồn sống của vũ trụ và khám phá ra bản chất đời sống tinh thần con người. Upanishad quan niệm, linh hồn cá biệt (Atman), tồn tại vĩnh viễn, tuyệt đối và bất diệt như Tinh thần vũ trụ tối cao (Brahman). Do đó, giải thoát là làm cho linh hồn bất tử đồng nhất với Ðại ngã tối cao, nhưng muốn giải thoát linh hồn khỏi luân hồi nghiệp báo đạt tới tình trạng đồng nhất với Brahman thì con người phải toàn tâm, toàn ý kiên trì tu luyện đạo đức và tri thức để diệt mọi dục vọng, lo âu, phiền não, xóa bỏ mọi sự ràng buộc bởi thế giới dục vọng biến ảo vô thường này, nhất là phải suy tư, chiêm niệm nội tâm "thực nghiệm tâm linh bằng nhận thức trực giác để nhận ra chân bản tính của vũ trụ" hầu đạt tới chân lý tối thượng tuyệt đối và hòa nhập vào bản thể tuyệt đối ấy[13].
Tóm lại, tư tưởng giải thoát trong triết học, tôn giáo Ấn Ðộ được bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên nghiệt ngã của đất nước, từ những nỗi thống khổ, cùng cực của con người và từ sự phân hóa giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, giai cấp quá khắt khe trong xã hội Ấn độ cổ thời. Ðể rồi cuối cùng, triết lý giải thoát Phật giáo ra đời đã kế thừa, chắt lọc, dung hợp được tất cả những tinh hoa của nền triết lý giải thoát cổ truyền, và phát triển nó một cách sâu rộng, hoàn chỉnh, vi diệu hơn, đồng thời cũng độc sáng hơn. Nhờ đó mà, giải thoát quan Phật giáo trở thành đỉnh cao của tư tưởng giải thoát trong triết học và tôn giáo Ấn Ðộ nói riêng cũng như của nhân loại nói chung.
Nhưng giải thoát quan Phật giáo là gì? Theo Linh mục Thiện Cẩm: Giải thoát theo nguyên ngữ tiếng phạn là Moksha, Mukti, cả hai đều bắt nguồn bởi từ gốc là chữ Muc, có nghĩa là: tự giải thoát, thoát khỏi, tách rời hay từ bỏ cái gì. Ở thể thụ động có nghĩa là được giải thoát, bị thiếu thốn hay bị tước đi cái gì. "Giải" có nghĩa là gỡ ra, cởi ra, chia tách ra hay giải thích cho rõ. "Thoát" có nghĩa là vượt ra khỏi sự trói buộc hay ràng buộc[14]. Như vậy, Giải thoát là trạng thái tinh thầ n con người vượt ra khỏi mọi sự ràng buộc của thế giới vô thường, là sự diệt hết hay dập tắt mọi ngọn lửa Tham, Sân, Si để đạt tới Niết Bàn với cái tâm tuyệt đối thanh tịnh, an lạc, không còn vọng động, bất sinh bất diệt, tự do tự tại bằng con đường tu luyện đạo đức, giữ nghiêm giới luật và tu luyện tri thức, thiền định, thực nghiệm tâm linh để đạt tới giác ngộ theo Tam Học: Giới, Ðịnh, Huệ[15].
Chung quy lại, mục đích của Phật giáo là đưa ra những phương tiện để con người thực hành giải thoát ra khỏi cảnh nô lệ đau thương, tương đối của phận người, nhờ đó mà con người được an vui, hạnh phúc thực sự. Vì thế: "Nhiệm vụ, mục đích tối cao của sự giải thoát trong triết lý đạo Phật chính là xóa bỏ sự vô minh, mê lầm của con người, đạt tới sự giác ngộ, với cái tâm sáng tỏ bản nhiên, nhận ra chân bản tính của mình và thực tướng của vạn vật, từ đó, dập tắt được ngọn lửa ái dục, thoát được mọi khổ não của cuộc đời"[16]. Ðó là giải thoát, là Niết Bàn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một vài khái niệm sơ lược, muốn thấu hiểu sâu xa về con đường giải thoát trong Phật giáo, chúng ta cần bước sang phần nền tảng đạo lý.
2. Ðạo lý giải thoát trong Phật giáo
Trước hết, chúng ta xác định rằng, giáo lý Ðức Phật chỉ có một, và mục đích tối cao của Phật giáo là đưa chúng sinh đến cuộc sống tự do, an lạc, giải thoát. Toàn bộ giáo lý của Ðức Phật đều nhắm vào mục tiêu tối hậu ấy. Có thể nói, xét về bản chất Phật giáo là Ðạo Thấy Biết; xét về pháp hành là Ðạo Tu Tâm; xét về mục đích là Ðạo Giải Thoát. Ðạo lý giải thoát ấy được thâu tóm trong giáo lý Tứ Diệu Ðế và Thập Nhị Nhân Duyên.
a) Tứ Diệu Ðế
Giáo lý đầu tiên Ðức Phật đem ra giảng dạy là Tứ Diệu Ðế, một chân lý nhiệm mầu, nhưng được trình bày một cánh khoa học và có hệ thống. Mục đích của Tứ Diệu Ðế cũng như của Ðạo Phật là nhằm giải thoát chúng sanh khỏi mọi đau khổ, luân hồi sinh tử. Ðây là phương pháp tu chứng tiệm tiến từ thấp lên cao. Nhờ phương pháp này, Ðức Phật đã độ vô số chúng sinh, chuyển hóa con người từ vô minh lầm lạc đi đến giác ngộ hoàn toàn. Giáo lý Tứ Diệu Ðế được coi là thiện pháp tuyệt hảo nhất, nó thâu tóm toàn bộ giáo lý Phật giáo. Tất cả các pháp môn tu tập khác của Phật giáo đều quy chiếu hay đặt nền trên đó:"Ví như tất cả dấu chân của loài động vật, đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này lớn nhất. Cũng vậy, chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ Thánh Ðế" (Trung bộ kinh I). Tứ Diệu Ðế gồm có: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Các yếu tố này liên kết chặt chẽ với nhau không thể tách rời.
- Khổ Ðế: (Dukkha): thực trang đau khổ của cuộc đời.
Hầu hết các dịch giả đều dịch Diệu đế thứ nhất (dukkha) là "chân lý cao cả về sự khổ". Dukkha là thực trạng, một sự thực về bản chất đau khổ của con người từ thể xác lẫn tâm hồn, ngược lại với chữ "sukha" là hạnh phúc, tiện nghi, sung sướng, thoải mái. Ðức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, sanh là khổ, già, bệnh, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ, chấp thủ thân ngũ uẩn là khổ" (Tương Ưng V). Dukkha được chia làm mười một loại khác nhau: Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ, Sanh Khổ, Lão khổ, Bệnh khổ, Tử khổ, Aí biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ.
Tuy nhiên, danh từ "dukkha" còn mang một nội dung sâu sắc và phong phú hơn nhiều, nó chứa đựng cả một nền triết lý về nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo. Dukkha là một danh từ rất khó phiên dịch, theo nghĩa thông thường về phương diện cảm giác dukkha là đau khổ hay phiền não. Nhưng nếu xét như là một chân lý trừu tượng thì dukkha hàm xúc ý nghĩa vô thường (du) và trống rỗng (kkha). Nghĩa là, thế gian là một ảo ảnh, không có chi thật (maya), tất cả chỉ là phù vân. Do đó