Giới thiệu chung về Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam – Vinaconex
Những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ XX, nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp cao. Để giải quyết vấn đề thất nghiệp, Nhà nước đã hợp tác với các nước Đông Âu và Liên Xô, đưa người lao động Việt Nam sang các nước đó làm việc. Trong bối cảnh đó, vào năm 1982 Bộ Xây Dựng đã chủ trương đưa các đơn vị thi công xây dựng đi làm việc ở nước ngoài. Với chủ trương đó, tổ chức thi công xây dựng đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài được thành lập ở Askhabat thuộc nước Cộng hoà Tuôcmênia, Liên Xô cũ. Sau đó các đơn vị thi công xây dựng khác được thành lập ở một loạt các nước Liên Xô, Bulgaria, Tiệp Khắc, Algeria, Irag và một số nước Đông Âu khác. Sau đó 3 năm, năm 1985 số người lao động Việt Nam làm việc ở các công ty xây dựng ở nước ngoài đã tăng lên rất nhanh. Tại Algeria có hơn 1200 CBCN tại Bulgaria có trên 3500 CBCN thuộc 6 công ty, tại Liên Xô có hơn 1500 CBCN làm việc tại công ty VINAVLASTROL, tại I rag có gần 6000 CBCN thuộc 4 công ty. Với sự hình thành và phát triển rất nhanh của các công ty xây dựng ở nước ngoài, tháng 3 năm 1988 Bộ Xây Dựng đã quyết định thành lập Ban quản lý Hợp tác lao động và xây dựng nước ngoài. Và sau đó để phù hợp với các chức năng nhiệm vụ được giao, với việc chuyển hẳn sang hoạt động kinh doanh, hạch toán kinh tế, Bộ Xây Dựng ra quyết định số 1118/BXD-TCLĐ ngày 27/09/1988 chuyển Ban quản lý Hợp tác lao động và xây dựng nước ngoài thành công ty Dịch vụ và xây dựng nước ngoài, tên giao dịch quốc tế là VINACONEX. Đến năm 1990, số lượng CBCN ở nước ngoài đã lên tới 13000 người, làm việc trong 15 công ty và xí nghiệp xây dựng. Thời gian những năm đầu thập kỷ 90 tình hình chính trị thế giới có những biến động to lớn. Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ và chiến tranh I rag xảy ra đã làm cho VINACONEX mất hết thị trường ở nước ngoài. Đại bộ phận lực lượng lao động xây dựng của VINACONEX ở nước ngoài phải rút về nước. Đúng vào thời kỳ đó nền kinh tế nước ta chuyển hẳn sang cơ chế thị trường, phần lớn các công ty, xí nghiệp xây dựng không còn nhận được kế hoạch Nhà nước giao, không còn được Nhà nước bao cấp như trước nữa. Hàng nghìn cán bộ công nhân xây dựng phải tự lo sản xuất, tự kiếm việc làm, mở thêm nghề phụ và một phần không ít đã phải nghỉ việc chế độ. Do không còn được bao cấp nên đại bộ phận lao động từ nước ngoài hồi hương không được tiếp nhận trở lại đơn vị cũ. Trước tình hình đó, ngày 10/08/1991 Bộ Xây Dựng ra quyết định số 432/BXD-TCLĐ chuyển công ty Dịch vụ và xây dựng nước ngoài thành Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam – VINACONEX. Tổng công ty VINACONEX lúc đó có nhiệm vụ thu nạp hết số lao động từ nước ngoài trở về. Để làm được việc này, VINACONEX đã xin thành lập 4 công ty. Lãnh đạo 4 công ty này chính là những cán bộ quản lý, những giám đốc, phó giám đốc các công ty xây dựng ở nước ngoài trở về nước. Cùng với lực lượng các kỹ sư xây dựng, các công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao và có đủ ở các ngành nghề, các công ty mới thành lập đã có được một nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên cả 4 công ty này đều có một đặc điểm nổi bật đó là không có xe máy thiết bị, công cụ thi công, không được cấp vốn cố định và vốn lưu động, không được cấp trụ sở làm việc.