Hoàn thiện công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm với việc tăng cường quản trị ở Công ty cổ phần chè Kim Anh
Ở nước ta trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh có sự quản lý vĩ mô của nhà nước, các doanh nghiệp cần phải cố gắng sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất với chi phí tối thiểu và lợi nhuận tối đa. Khi nói đến nền kinh tế thị trường là nói đến sự cạnh tranh giữa những người sản xuất với nhau, giữa người sản xuất với người tiêu dùng để giành lấy lợi nhuận, để chiếm lĩnh thị trường,. và “trong kinh doanh lợi nhuận không chia đều cho những ai muốn có “. Khi tham gia thị trường, mục đích cuối cùng của các đơn vị sản xuất kinh doanh là lợi nhuận. Để đạt được mục đích đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải sử dụng tốt nhất các nguồn lực sản xuẩt trên cơ sở tính toán và lựa chọn phương án sản xuất tối ưu. Trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp cần phải tổ chức, quản lý chặt chẽ, hạch toán chính xác và đầy đủ các chi phí cho sản xuất kinh doanh và bằng mọi cách để giảm thiểu chi phí đó, tăng mức độ chênh lệch giữa hao phí cá biệt của mình với lượng hao phí lao động xã hội tính cho đơn vị sản phẩm sản xuất ra. Mức độ chênh lệch này được thể hiện thông qua giá bán của hàng hoá đó trên thị trường và nó chịu tác động mạnh mẽ của các quy luật kinh tế như: quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị,. . Để tồn tại và đứng vững trên thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiến hành sử dụng các công cụ quản lý kinh tế trong đó kế toán là công cụ quản lý quan trọng và hữu hiệu nhất,nó có vai trò đặc biệt trong quản lý, điều hành và kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh. Cơ chế thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải thường xuyên quan tâm đến chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm. Bởi vì việc tính đúng và tính đủ chi phí thực tế bỏ ra trong quá trình sản xuất sản phẩm, phân tích chúng một cách khoa học và khách quan sẽ giúp cho doanh nghiệp hình dung được quá trình đầu tư sản xuất và hiệu quả kinh doanh của mình. Từ đó có biện pháp cụ thể cho vấn đề tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao mức chênh lệch giữa giá vốn và giá bán, thu được hiệu quả kinh tế cao nhất. Hơn thế nữa đó còn là cơ sở để doanh nghiệp có kế hoạch trong việc cân đối, dự trữ các yếu tố đầu vào của sản xuất, kịp thời sử lý các biến động về giá cả của sản phẩm trên thị trường từ đó có thể nâng cao mức doanh lợi và tiết kiệm chi phí sản xuất một cách triệt để. Do vậy kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm luôn được coi là công tác trọng tâm của kế toán các doanh nghiệp sản xuất. Công ty cổ phần chè Kim Anh là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè hương tiêu thụ trong nước và chè đen xuất khẩu trên cơ sở nguồn vốn tự có do các cổ đông đóng góp và một phần vốn của nhà nước. Với dây truyền sản xuất có quy mô lớn và hiện đại sản phẩm của Công ty được sản xuất ra với khối lượng lớn, phong phú về chủng loại có chất lượng cao được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và bạn hàng thế giới tín nhiệm. Hoạt động trong cơ chế thị trường đã tạo cho Công ty sự năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành sản xuất. Tuy nhiên sự cạnh tranh nghiệt ngã của thị trường luôn đặt ra cho ban lãnh đạo công ty vấn đề bức xúc là làm sao tiết kiệm hơn nữa chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm để thu được lợi nhuận cao nhất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong thời gian thực tập tốt nghiệp tại Công ty, được bộ môn kế toán và sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô đặc biệt là cô giáo hướng dẫn Nguyễn Minh Phương cùng với sự giúp đỡ của ban lãnh đạo công ty em đã mạnh dạn đi sâu và nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm với việc tăng cường quản trị tại Công ty cổ phần chè Kim Anh “.Đề tài được trình bày theo ba phần dưới đây: PHẦN I: Cơ sở lý luận về hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong doanh nghiệp sản xuất. PHẦN II:Thực trạng hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại công ty cổ phần chè Kim Anh. PHẦN III:Một số ý kiến nhằm hoàn thiện công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại công ty cổ phần chè Kim Anh.