Khóa luận Bước đầu khảo sát quy trình chuyển gen chịu hạn Gmnac vào giống đậu tương đvn9 thông qua vi khuẩn agrobacterium tumefaciens
Đậu tương [Glycine max (L.) Merrill.] còn gọi là đậu nành là một cây trồng cạn ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Khó có thể tìm thấy một cây trồng nào có tác dụng nhiều mặt như cây đậu tương. Sản phẩm của nó làm thực phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu. Vì thế cây đậu tương được gọi là "Ông Hoàng trong các loại cây họ đậu". Ngoài ra, đậu tương là cây trồng lý tưởng trong hệ thống luân canh do khả năng cải tạo đất tốt (Ngô Thế Dân và cs, 1999)[2], (Trần Văn Điền, 2007)[4]. Diện tích đậu tương ở nước ta hiện nay đạt khoảng 200.000 ha với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha (Clive James, 2008)[15], (FAO Statistic Database, 2007)[16]. Để tăng sản lượng đậu tương, ngoài mở rộng thêm diện tích trong cơ cấu luân canh thì tăng năng suất là giải pháp chính. Sử dụng đậu tương biến đổi gen là một tiến bộ quan trọng trong nghành trồng đậu tương của trên toàn thế giới hiện nay. Hiện diện tích trồng đậu tương biến đổi gen trên thế giới năm 2008 lên đến 125 triệu ha (Clive Jame, 2008)[15]. Vì vậy, ở nước ta, cần thiết nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng công nghệ này để tăng năng suất đậu tương. Việc tạo giống đậu tương biến đổi gen từ các giống đậu tương trồng ở Việt Nam đòi hỏi các nghiên cứu tiến hành có hệ thống. Ở Việt Nam đã xây dựng thành công hệ thống tái sinh và bước đầu nghiên cứu đánh giá khả năng đáp ứng chuyển nạp gen của các giống đậu tương địa phương (Trần Thị Cúc Hoà, 2007)[8], (Trần Thị Cúc Hoà, 2008)[9]. Mặt khác, đậu tương là một cây trồng cạn, ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Là một nguồn quan trọng của dầu thực vật và protein. Những yêu cầu dành cho dầu đậu tương và protein được tăng lên, sự cải thiện về chất lượng và sản xuất đậu tương thông qua sự biến nạp gen và chức năng di truyền học đã trở thành một vấn đề quan trọng trên khắp thế giới. Để nâng cao năng suất đậu tương, vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng tạo được bộ giống đậu tương năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và các yếu tố bất thuận của môi trường, trong đó tạo giống đậu tương chịu hạn là mục tiêu hàng đầu của giai đoạn 2007-2011, đồng thời đó cũng là yêu cầu bức xúc hiện nay của sản xuất. Trong hàng loạt các yêu cầu cần phải có để tạo được giống cây trồng chuyển gen thì việc xây dựng quy trình biến nạp thuận lợi và có hiệu quả là một trong những đòi hỏi cần thiết. Do phạm vi nghiên cứu của đề tài quá rộng và đậu tương là đối tượng khó nuôi cấy, vì vậy với mong muốn góp phần hoàn thiện quy trình chuyển gen ở đậu tương nên chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài: "Bước đầu khảo sát quy trình chuyển gen chịu hạn GmNAC vào giống đậu tương ĐVN9 thông qua vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens".