Khóa luận Giải pháp nhằm mở rộng hoạt động cho vay đối với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tại chi nhánh ngân hàng công thương Đống Đa
1.Tính cấp thiết của đề tài: Có thể khẳng định rằng sau hơn một thập niên thực hiện công cuộc đổi mới ,cùng với thành phần kinh tế Quốc Doanh, thành phần kinh tế ngoài Quốc Doanh(NQD) đã có những bước phát triển nhanh chóng và ngày càng khẳng định được vai trò vị trí của mình trong nền kinh tế, hàng năm thành phần kinh tế này đã đóng góp khoảng vào 60%_65% GDP, 40%_45% cho ngân sách Nhà nước và thu hút hơn 80% lao động cho xã hội. Nhờ có chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, kinh tế NQD mới thực sự có điều kiện để phát huy lợi thế của mình trong công cuộc đổi mới .Với đặc điểm hoạt động linh hoạt, uyển chuyển, năng động và tính tự chủ cao, nhạy bén thích ứng với cơ chế thị trường .Kinh tế NQD đã nhanh chóng hoà nhập với kinh tế thị trường, tạo ra nhiền sản phẩm cho xã hội, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm thất nghiệp và là đối tác cạnh tranh sôi động với kinh tế Quốc Doanh góp phần tích cực vào sự phồn vinh của đất nước. Vai trò và vị trí quan trọng của thành phần kinh tế NQD đòi hỏi phải có cơ chế và chính sách quản lý thích hợp, tạo điều kiện cho thành phần kinh tế này phát huy mạnh mẽ mọi tiềm năng, thế mạnh của mình. Trên thực tế, trong những năm gần đây nhận thức được tiềm năng to lớn của thành phần kinh tế NQD, các NHTM đã đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với thành phần này, tạo điều kiện cho kinh tế NQD phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng góp phần vào sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian thực tập tại Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đống Đa em nhận thấy hoạt động cho vay vốn đối với khu vực kinh tế NQD trong những năm gần đây chưa tương xứng với nhu cầu vốn thực tế của thành phần này. Vì vậy sau một thời gian nghiên cứu và được sự giúp đỡ của thày TS.Hoàng Xuân Quế và sự giúp đỡ của các cô, các chú phòng tín dụng NQD ở Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đống Đa, em đã lựa chọn đề tài: ”Giải pháp nhằm mở rộng hoạt động cho vay đối với thành phần kinh tế ngoài Quốc Doanh tại Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đống Đa” 2.Mục đích nghiên cứu : Mục đích nghiên cứu đề tài là xem xét một cách tổng quát và có hệ thống thực trạng mở rộng và nâng cao chất lượng đầu tư tín dụng đối với thành phần kinh tế trên địa bàn quận Đống Đa .Trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng đối với thành phần kinh tế NQD trên địa bàn. 3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Đề tài lấy hoạt động cho vay đối với thành phần kinh tế NQD tại chi nhánh NHCT Đống Đa trong những năm ngần đây làm đối tượng nghiên cứu. 4.Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu khoá luận đã sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lê nin để nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn. Kết hợp với phương pháp điều tra khảo sát, phân tích tổng hợp, thống kê để đánh giá tình hình thực tế. Sử dụng các bảng biểu đồ để chứng minh, rút ra kết luận. 5.Kết cấu đề tài: Ngoài phần mở đầu và kết luận, khoá luận được kết cấu gồm 3 chương : + Chương I: Lý luận chung về hoạt động cho vay của Ngân hàng đối với thành phần kinh tề ngoài Quốc Doanh. + Chương II: Thực trạng cho vay đối với thành phần kinh tế ngoài Quốc Doanh tại Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đống Đa . + Chương III: Giải pháp nhằm mở rộng hoạt động cho vay đối với thành phần kinh tế ngoài Quốc Doanh tại Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đống Đa.