Khóa luận Một số giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại ngân hàng công thương Ba Đình
Nghiệp vụ bảo lãnh Ngân hàng đã được bắt đầu sử dụng rộng rãi trên thế giới từ đầu thập niên 70 và ngày càng khẳng định được vai trò của nó trong các giao dịch kinh tế thế giới. Sự phát triển các nước công nghiệp và các nước sản xuất dầu hoả ở Trung Đông sau thế chiến thứ II đã cho phép họ có điều kiện thực hiện các dự án lớn trên thế giới như xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án công nghiệp, quốc phòng. Từ đó đã phát sinh nhu cầu bảo lãnh Ngân hàng. Bảo lãnh Ngân hàng đã bùng nổ và phát triển mạnh mẽ như một dịch vụ không thể thiếu được trong các giao dịch kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng chung của nền kinh tế Việt Nam là tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đẩy mạnh sự phát triển đất nước và tăng cường hoà nhập với khu vực cũng như trên thế giới. Để đảm bảo cho sự phát triển này, vốn cần cho nền kinh tế ví như máu dùng cho cơ thể sống. Với vai trò “Trái tim” - “xương sống” của nền kinh tế, hệ thống Ngân hàng đang trở mình trong công cuộc đổi mới và đa dạng hoá nghiệp vụ Ngân hàng. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt, việc hoàn thiện và phát triển các hoạt động của Ngân hàng là phương châm hướng đi cho sự tồn tại và phát triển của Ngân hàng. Xét cho cùng, đây là sự đáp ứng cho yêu cầu hiện đại hoá, đa dạng hoá hoạt động Ngân hàng và xu thế hội nhập của nền kinh tế. Có thể nói bảo lãnh là một trong những nghiệp vụ của Ngân hàng Thương mại hiện đại. Nó tuy còn mới mẻ với các Ngân hàng Việt Nam nói chung và Ngân hàng Công thương nói riêng tuy nhiên trong thời gian qua hoạt động bảo lãnh của hệ thống Ngân hàng Công thương đã phát triển mạnh mẽ hơn lúc nào hết, bảo lãnh đã góp phần không nhỏ trong giao dịch kinh tế của Ngân hàng và các doanh nghiệp. Sự phát triển và sự khởi sắc của nghiệp vụ bảo lãnh có rất nhiều tích cực, khẳng định được vị trí của nó trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh những mặt đã đạt được, bảo lãnh Ngân hàng còn những mặt hạn chế chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng đối với hệ thống Ngân hàng và cả nền kinh tế. Nhận thức được vấn đề trên, sau một thời gian thực tập tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ba Đình, em chọn đề tài : “Một số giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại Ngân hàng Công thương Ba Đình” cho khoá luận của mình với mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé để nghiên cứu nhằm nâng cao hơn nữa và hoàn thiện nghiệp vụ bảo lãnh của chi nhánh Ngân hàng Công thương Ba Đình trong thời gian tới. Ngoài phần nói đầu và kết luận, đề tài gồm 3 chương : Chương I : Những vấn đề cơ bản về nghiệp vụ bảo lãnh Ngân hàng. Chương II: Thực trạng hoạt động bảo lãnh tại chi nhánh Ngân hàng Công thương Ba Đình. Chương III : Một số giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại chi nhánh Ngân hàng Công thương Ba Đình.