Khóa luận Thời cơ và thách thức đối với việc phát triển nền kinh tế bền vững ở Việt Nam trong những năm tới
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Nhưng để đảm bảo cho sự tăng trưởng ấy luôn được lâu dài, ổn định, tránh được những hệ quả của nó đến cuộc sống của con người, môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên trong hiện tại và tương lai lại không phải là điều dễ dàng với bất kỳ quốc gia nào. Xuất phát từ thực tế trên khái niệm “phát triển kinh tế bền vững” đã ra đời. Theo thời gian, phát triển kinh tế bền vững đã trở thành một vấn đề chung, mang tính toàn cầu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm và hướng tới. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giữ ở mức độ cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng HĐH, kết cấu hạ tầng KT-XH ngày càng hoàn thiện. Bộ mặt đất nước ngày càng khởi sắc. Song nền kinh tế Việt Nam có thực sự phát triển bền vững khi sự tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là theo chiều rộng; tập trung đầu tư chủ yếu cho những công trình mang lại lợi ích trực tiếp mà rất ít đầu tư cho tái tạo các tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; tỷ lệ đói nghèo, thất nghiệp cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp; ô nhiễm môi trường Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam 2001-2010, Đảng ta xác định: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Như vậy Phát triển kinh tế bền vững là con đường tất yếu mà Việt Nam phải hướng tới. Vậy Việt Nam có những thời cơ và thách thức gì để phát triển một nền kinh tế bền vững? Và làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam thực sự phát triển bền vững? Đây thực sự là những câu hỏi khó cho một vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Xuất phát từ thực trạng trên tôi đã quyết tâm đi tìm câu trả lời còn đang để ngỏ. Đó cũng là lý do tôi quyết định chọn đề tài “ Thời cơ và thách thức đối với việc phát triển nền kinh tế bền vững ở Việt Nam trong những năm tới”. Mặc dù bản thân đã rất cố gắng nhưng đây thực sự là một vấn đề hết sức mới mẻ mà một sinh viên năm cuối như tôi rất khó có thể tiếp cận một cách toàn diện được. Chính vì vậy với đề tài này tôi chỉ có tham vọng bước đầu tìm hiểu phần nào những thời cơ và thách thức về việc phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam và đưa ra một số giải pháp. Nội dung của khoá luận được chia làm 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung về phát triển nền kinh tế bền vững. Chương 2: Thực trạng và quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam. Chương 3: Thời cơ và thách thức đối với việc phát triển nền kinh tế bền vững ở Việt Nam.