Khóa luận Tìm hiểu hoạt động của phòng lưu chiểu Thư viện Quốc gia Việt Nam
Trong thời đại thông tin bùng nổ ngày nay, nhu cầu cập nhật thông tin của con người ngày càng tăng do đó các loại hình phương tiện chuyển tải chúng cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Trong đó các ấn phẩm văn hoá đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày. Có thể nói, xuất bản phẩm dân tộc là tấm gương phản ánh đầy đủ cuộc sống xã hội của một đất nước trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, trình độ khoa học và kỹ thuật Chính vì vậy, nhà nước ta luôn coi trọng việc thu nhận, bảo quản lâu dài các giá trị văn hoá cho những thế hệ mai sau nghiên cứu, học tập, kế thừa những cái hay, cái dẹp, cái tinh tuý đã được sách vở, báo chí ghi lại. Chế độ lưu chiểu văn hoá phẩm là một trong những hình thức quản lý của Nhà nước đối với loại hình sách, báo, tạp chí cũng như các xuất bản phẩm khác. Việc quản lý ấn phẩm xuất bản trên lãnh thổ quốc gia được Nhà nước giao cho Bộ Văn hoá Thông tin, Cục xuất bản, Vụ báo chí và Thư viện Quốc gia Việt Nam là cơ quan duy nhất trong cả nước có nhiệm vụ nhận lưu chiểu tất cả các xuất bản phẩm trên lãnh thổ Việt Nam. Thư viện Quốc gia là trung tâm đầu não của hệ thống thư viện trong cả nước, là nơi cung cấp tài liệu, tri thức phong phú nhất, có thể đáp ứng nhu cầu của hầu hết các đối tượng bạn đọc. Thư viện Quốc gia tiêu biểu cho nền văn hoá của dân tộc Việt Nam, lưu trữ đầy đủ nhất các tài liệu trong nước và nước ngoài. Ngoài ra Thư viện Quốc gia còn là nơi mà công tác nghiệp vụ thư viện được chuẩn hoá và được thực thi tất cả các công đoạn trong qui trình xử lý tài liệu. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc tàng trữ đời đời xuất bản phẩm dân tộc, để đi sâu nghiên cứu công tác lưu chiểu ấn phẩm tại TVQG, tôi đã chọn đề tài: “Tìm hiểu hoạt động của phòng lưu chiểu Thư viện Quốc gia Việt Nam” làm đề tài khoá luận của mình. Ngoài phần Lời nói đầu và Phụ lục, phần chính văn được chia làm ba chương: Chương I : Khái quát về Thư viện Quốc gia Việt Nam và công tác lưu chiểu Chương II: Hoạt động của phòng lưu chiểu Thư viện Quốc giaViệt Nam Chương III : Kết luận và khuyến nghị Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi đã sử dụng một số phương pháp như nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế, phỏng vấn kinh nghiệm của các cán bộ thư viện và phân tích tổng hợp thông tin. Tuy có sự nỗ lực của bản thân song do trình độ còn hạn chế, thời gian không nhiều nên khoá luận không tránh khỏi những sơ sót nhất định. Kính mong các thày giáo, cô giáo, các cán bộ thư viện và các bạn góp ý để khoá luận có ý nghĩa thiết thực hơn. Tôi xin gửi lời chân thành cảm ơn tới Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hiển, chú Võ Quang Uẩn và các cán bộ phòng lưu chiểu Thư viện Quốc gia đã nhiệt tình giúp đỡ để tôi có thể hoàn thành khoá luận tốt nghiệp này.