Khóa luận Tìm hiều vấn đề tự do hoá tài chính ở Việt Nam
Trong gần ba thập kỷ qua, xu hướng tự do hoá tài chính với mục tiêu chính là phát triển một hệ thống tài chính dựa trên cơ sở thị trường, hội nhập vào thế giới nhằm huy động tiết kiệm, phân bổ các nguồn lực một cách có hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng ( World bank - 1989), đã hình thành và ngày càng chi phối sâu sắc nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong khi đó ở Việt Nam, tự do hoá tài chính vẫn còn là một thuật ngữ mới mẻ và vì Việt Nam không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ vừa qua trong khu vực, nhiều người cho rằng xu hướng trên vẫn chưa được hình thành ở đây. Thực tế là ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thực hiện rất nhiều những cải cách về thể chế, chính sáchvà cơ chế quản lý có liên quan đến nền kinh tế tài chính mà về bản chất là đang thực hiện tự do hoá tài chính. Quá trình đó bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta trong những năm qua, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần được nghiên cứu sâu hơn về lý luận và đánh giá chính xác thực trạng để từ đó đề ra một lộ trình thực hiện tự do hoá tài chính hợp lí, có thể khai thác được những lợi ích đồng thời tránh được những rủi ro mà tự do hoá tài chính có thể mang lại. Với ý nghĩa ấy, em quyết định chọn nghiên cứu đề tài "Tìm hiều vấn đề Tự do hoá tài chính ở Việt Nam" cho khoá luận tốt nghiệp của mình. Dựa trên hệ thống lý thuyết về tự do hoá tài chính, đặc biệt là lý thuyết của trường phái tân cổ điển, và những thực tế về quá trình thực hiện tự do hoá tài chính ở Việt Nam từ năm 1989 đến nay, đề tài cố gắng tìm hiểu bản chất và vai trò của tự do hoá tài chính để thấy được sự cần thiết của nó đối với quá trình phát triển kinh tế của nước ta đồng thời đánh giá thực trạng đổi mới tài chính và nêu lên một số nhận xét gợi mở về định hướng tự do hoá tài chính ở Việt Nam. Phù hợp với trình tự lôgic đó, kết cấu của đề tài gồm ba chương: Chương 1. Khái luận về tự do hoá tài chính: được bắt đầu bằng việc nghiên cứu khái niệm tự do hoá tài chính và nội dung các khía cạnh cơ bản của tự do hoá tài chính. Sau đó, các vấn đề về trình tự tự do hoá tài chính, những lợi ích và mặt trái của tự do hoá tài chính tiếp tục được trình bày và cuối cùng là tóm tắt quá trình tự do hoá trên thế giới. Chương 2. Tự do hoá tài chính ở Việt Nam: dựa trên những luận điểm phân tích ở chương 1, khẳng định sự cần thiết phải tiến hành tự do hoá tài chính tại Việt Nam, sau đó đi sâu vào nghiên cứu và đánh giá quá trình tự do hoá tài chính ở Việt Nam từ sau đổi mới, đặc biệt là từ năm 1989 đến nay. Chương 3. Một số quan điểm cơ bản và định hướng giải pháp thực hiện tự do hoá tài chính ở Việt Nam trong thời gian tới: phân tích và dự báo bối cảnh trong nước và quốc tế tác động đến quá trình tự do hoá tài chính ở Việt Nam đồng thời nêu lên những quan điểm cần quán triệt trong quá trình thực hiện tự do hoá tài chính. Kết thúc chương 3 là một số kiến nghị về định hướng thực hiện và các điều kiện cần thiết đảm bảo cho tự do hoá tài chính được thực hiện thành công ở Việt Nam.