Kinh nghiệm Về việc khai thác và sử dụng đồ dùng dạy học môn Toán lớp 3
Thiết bị - đồ dùng dạy học có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong dạy học toán ở Tiểu học, nhất là trong tiến trình đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy học hiện nay ở tiểu học. Nó tạo điều kiện trực tiếp cho người dạy và người học phát huy năng lực hoạt động nhận thức, tiếp cận thực tiễn, nâng cao tính khách quan khoa học của kiến thức. Trên cơ sở hướng dẫn, điều khiển của giáo viên, học sinh được trực tiếp thao tác trên thiết bị - đồ dùng dạy học sẽ góp phần đắc lực cho việc hình thành các kiến thức và kĩ năng cơ bản, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, làm cho lao động sư phạm hiệu quả hơn. Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình Tiểu học nói riêng, theo nghị quyết của quốc hội ngày 9 -12 -2000 bao gồm việc xây dưng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, biên soạn sách giáo khoa mới, nâng cấp và đổi mới trang thiết bị dạy học, chuẩn hoá trường sở. Như vậy, thực chất đây là công cuộc đổi mới đồng bộ và toàn diện giáo dục Tiểu học nhằm góp phần đáp ứng phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp cận trình độ giáo dục Tiểu học của các nước phát triển trong khu vực và trên thể giới. Để đổi mới toàn diện và đồng bộ giáo dục Tiểu học nhằm đổi mới chương trình tiểu học mới, Ngành giáo dục và đào tạo đã đưa ra mười giải pháp tổng thể trong đó có giải pháp về tăng cường và chuẩn hoá cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục phục vụ dạy học. Việc tăng cường và chuẩn hoá về thiết bị đồ dùng dạy học đặt ra đối với người giáo viên tiểu học, đó là khả năng khai thác và sử dụng hợp lí thiết bị - đồ dùng dạy học trong việc dạy học nói chung và dạy toán nói riêng là một yêu cầu hết sức quan trọng đặt ra nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong việc triển khai và thực hiện chương trình, sách giáo khoa Tiểu học mới.