Tội phạm có hai hình thức lỗi” là một trong
những vấn đề phức tạp của luật hình sự. Trong lập
pháp thì “tội phạm có hai hình thức lỗi” là vấn đề còn
bỏ ngỏ. Còn trong lý luận và thực tiễn, mặc dù vấn đề
này đã được đề cập khá nhiều, song cũng chưa được
nhận thức một cách thống nhất, đầy đủ và do đó, còn
có không ít những sai lầm trong việc định tội danh
cũng như giải quyết một số vấn đề khác có liên quan
như áp dụng nguyên tắc xử lý; xác định tuổi chịu
trách nhiệm hình sự; xác định tái phạm, tái phạm
nguy hiểm v.v
16 trang |
Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 2429 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Loại tội phạm có hai hình thức lỗi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VỀ LOẠI TỘI PHẠM CÓ HAI HÌNH THỨC
LỖI
LÔ VĂN LÝ
ThS. GV Khoa luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.
HCM
1. “Tội phạm có hai hình thức lỗi” là một trong
những vấn đề phức tạp của luật hình sự. Trong lập
pháp thì “tội phạm có hai hình thức lỗi” là vấn đề còn
bỏ ngỏ. Còn trong lý luận và thực tiễn, mặc dù vấn đề
này đã được đề cập khá nhiều, song cũng chưa được
nhận thức một cách thống nhất, đầy đủ và do đó, còn
có không ít những sai lầm trong việc định tội danh
cũng như giải quyết một số vấn đề khác có liên quan
như áp dụng nguyên tắc xử lý; xác định tuổi chịu
trách nhiệm hình sự; xác định tái phạm, tái phạm
nguy hiểm v.v… Vì vậy, tiếp tục nghiên cứu, trao đổi
làm sáng tỏ hơn nữa về tội phạm có hai hình thức lỗi
là việc làm rất cần thiết.
2. Như chúng ta đã biết, thường thì một loại tội phạm
chỉ có thể được thực hiện với một hình thức lỗi: hoặc
là cố ý hoặc là vô ý. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự
(BLHS), nhà làm luật có quy định trách nhiệm hình
sự (TNHS) tăng nặng đối với nhiều trường hợp cố ý
phạm tội, nhưng vô ý gây hậu quả nguy hại cho xã
hội. Trong những trường hợp phạm tội như vậy, thì
trong cùng một loại tội sẽ có cả hai hình thức lỗi – cố
ý và vô ý. Sự hiện diện của cả hai hình thức lỗi trong
cùng một loại tội thường được gọi là hình thức “hỗn
hợp lỗi” hoặc “lỗi pha trộn”.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng các thuật ngữ
trên đều không chính xác, vì trong thực tế (cũng như
trên cơ sở lý luận về lỗi), thì không có sự tồn tại của
bất kỳ một hình thức lỗi “pha trộn” hay “hỗn hợp”
thứ ba nào khác, mà các hình thức lỗi cố ý và vô ý
cùng tồn tại độc lập với nhau, mặc dù trong cùng một
loại tội phạm. Sự cùng tồn tại độc lập của cả hai hình
thức lỗi trong cùng một loại tội chỉ có thể có ở những
loại tội phạm có hình thức lỗi cố ý và có cấu thành
tăng nặng. Trong những loại tội này, thì cố ý là hình
thức lỗi bắt buộc của cấu thành cơ bản (cố ý đối với
hành vi), còn vô ý là lỗi của cấu thành tăng nặng (vô
ý đối với hậu quả tăng nặng). Những loại tội này có
thể được gọi bằng một thuật ngữ chính xác hơn là
“tội phạm có hai hình thức lỗi”.
Cơ sở lý luận về sự tồn tại của loại tội phạm với hai
hình thức lỗi chính là cách thức quy định của nhà làm
luật về loại tội phạm đặc thù này. Tính đặc thù của
loại tội này thể hiện ở chỗ về mặt chủ quan, dường
như nó được “ghép” từ hai loại cấu thành với hai hình
thức lỗi hoàn toàn khác nhau, tồn tại độc lập với nhau
(một cấu thành có lỗi cố ý và cấu thành kia là lỗi vô
ý) mặc dù trong cùng một loại tội. Ở đây, trên nguyên
tắc, mỗi một cấu thành tội phạm đều có thể tồn tại
một cách hoàn toàn độc lập, nhưng khi được “ghép”
lại với nhau, thì chúng lại tạo thành một loại tội phạm
khác với những dấu hiệu pháp lý rất đặc thù. Các cấu
thành tội phạm với tính cách là những bộ phận hợp
thành của loại tội được “ghép” này thường xâm phạm
đến những khách thể trực tiếp khác nhau (như sức
khỏe và tính mạng của con người trong tội cố ý gây
thương tích (Điều 104), nhưng chúng cũng có thể
xâm hại đến cùng một loại khách thể trực tiếp (như
hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp trong Tội ép
buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật (Điều 297)
hoặc Tội bức cung (Điều 299)…). Ở đây cần nhấn
mạng rằng các bộ phận nếu được tách riêng ra, thì
chúng cũng vẫn thỏa mãn được tính chất tội phạm
của chúng.
Như vậy, tính đặc thù trong cấu trúc mặt chủ quan
(lỗi) của loại tội phạm có hai hình thức lỗi này xuất
phát từ sự đặc thù trong cấu trúc mặt khách quan của
nó. Cụ thể là sự tồn tại độc lập của hai hình thức lỗi
khác nhau được quy định bởi sự tồn tại của hai “đối
tượng” độc lập của thái độ tâm lý của chủ thể: cố ý
(trực tiếp hoặc gián tiếp) đối với hành vi và loại hậu
quả là dấu hiệu định tội (cấu thành cơ bản) và vô ý
(cẩu thả hoặc quá tự tin) đối với hậu quả đóng vai trò
là dấu hiệu định khung tăng nặng (cấu thành tăng
nặng).
Nghiên cứu quy định của BLHS năm 1999, thấy rằng
loại tội phạm có hai hình thức lỗi chiếm tỷ lệ không
nhiều và chúng thường được thiết kế theo những mô
hình sau:
- Loại thứ nhất gồm những tội có cấu thành vật chất
có hai loại hậu quả luật định với vai trò khác nhau
của mỗi loại hậu quả. Loại hậu quả thứ nhất có ý
nghĩa định tội, còn loại hậu quả thứ hai nghiêm trọng
hơn sẽ đóng vai trò là dấu hiệu định khung tăng nặng.
Ở những loại tội này, thì về nguyên tắc, hậu quả của
cấu thành tăng nặng là những thiệt hại gây ra cho một
khách thể phụ khác (hậu quả phụ, hậu quả kéo theo)
chứ không phải là khách thể trực tiếp của loại tội này.
Chẳng hạn, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của người khác (Điều 104) có khách thể
trực tiếp là sức khỏe của con người, nhưng trường
hợp gây hậu quả chết người (khoản 3 và 4 của điều
luật) lại có khách thể là tính mạng của con người.
Hoặc như Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
(Điều 143) có khách thể trực tiếp là quyền sở hữu về
tài sản, nhưng trường hợp vô ý gây chết người hoặc
gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác (hậu
quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo
các khung tăng nặng), thì khách thể bị xâm hại còn là
sức khỏe và tính mạng của con người…
- Loại thứ hai là những tội có cấu thành hình thức
trong đó hậu quả không có giá trị bắt buộc để định tội
danh, mà chỉ có ý nghĩa định khung tăng nặng. Cấu
thành tăng nặng của những loại tội này là những
trường hợp phạm tội đã gây ra những hậu quả làm
thiệt hại, về nguyên tắc, cho một khách thể phụ khác,
chứ không phải là khách thể trực tiếp của loại tội này.
Những hậu quả định khung tăng nặng này có thể
được nhà làm luật xác định rõ trong cấu thành tăng
nặng của các tội như gây chết người trong Tội cướp
giật tài sản (khoản 4 Điều 136), Tội đua xe trái phép
(khoản 2 Điều 207); gây bệnh tật cho nạn nhân như
trong các Tội hiếp dâm, Tội cưỡng dâm, Tội giao cấu
với trẻ em (Điều 111, 112, 113, 114), Tội tổ chức sử
dụng trái phép chất ma túy (Điều 197) v.v…. Bên
cạnh đó, hậu quả tăng nặng cũng có thể chỉ được nhà
làm luật quy định bằng những khái niệm mang tính
ước lượng như gây hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất
nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… như
trong Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
(khoản 3 Điều 123), Tội buôn lậu (khoản 2, 3 và 4
Điều 153) v.v…. Sở dĩ hậu quả tăng nặng trong
những loại tội này thường được nhà làm luật quy
định bằng những khái niệm mang tính ước lượng như
trên có lẽ là vì trong thực tế, các loại tội này có thể
gây ra những loại hậu quả rất khác nhau và vấn đề
này hiện nay chưa được cơ quan chức năng giải thích
một cách thống nhất và đầy đủ. Tuy nhiên, căn cứ
vào lý luận và thực tiễn xét xử, thì tùy trường hợp mà
hậu quả đó có thể được hiểu là những thiệt hại về thể
chất như chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của người khác trong Tội dùng nhục
hình (Điều 298); thiệt hại về tài sản (nhưng không
phải là tài sản bị chiếm đoạt) trong Tội cướp giật tài
sản (Điều 136) hoặc là những thiệt hại phi vật chất
như công luận căm phẫn, lên án mạnh mẽ; làm mất
uy tín của cơ quan, tổ chức trong Tội nhận hối lộ
(Điều 279), Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 295);
làm cho tình hình chấp hành pháp luật lỏng lẻo; gây
mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; làm hư hỏng, mất
mát nhiều cán bộ… trong Tội buôn lậu (Điều 153),
Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều
174) v.v…. Tất cả các loại tội nêu trên đều có nét đặc
trưng của loại tội phạm có hai hình thức lỗi theo dạng
cấu thành hình thức: Hậu quả không có ý nghĩa định
tội mà chỉ có ý nghĩa định khung tăng nặng và trong
cấu thành tăng nặng của những loại tội này, thì lỗi đối
với hành vi là lỗi cố ý và lỗi đối với hậu quả tăng
nặng là lỗi vô ý.
Nhận thức đúng và thống nhất về loại tội phạm có hai
hình thức lỗi có nhiều ý nghĩa thực tiễn rất quan
trọng sau đây:
- Thứ nhất, định đúng tội danh: Cụ thể là, trong một
số trường hợp cụ thể cho phép phân biệt chính loại
tội có hai hình thức lỗi với những tội cố ý thuần túy
và với loại tội vô ý khi chúng đều có những dấu hiệu
khách quan giống nhau. Chẳng hạn, đối với trường
hợp gây thương tích cho người khác mà có hậu quả
chết người thì: Nếu người phạm tội cố ý đối với hành
vi gây thương tích và cố ý đối với hậu quả chết người
(mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân chết) thì
trường hợp này cấu thành Tội giết người (Điều 93
BLHS); nếu người phạm tội cố ý đối với hành vi gây
thương tích nhưng vô ý (cẩu thả hoặc quá tự tin) đối
với hậu quả chết người, thì trường hợp này chỉ cấu
thành Tội cố ý gây thương tích (Điều 104); còn trong
trường hợp nếu người phạm tội vô ý đối với hành vi
gây thương tích và vô ý cả đối với hậu quả chết
người, thì đây là các tội vô ý làm chết người (các
Điều 98, 99 BLHS).
- Thứ hai, hiểu đúng về tội phạm với hai hình thức lỗi
có ý nghĩa định tội đối với những trường hợp có dấu
hiệu của “tổng hợp trừu tượng” – trường hợp người
phạm tội chỉ thực hiện một hành vi nhưng gây thiệt
hại cho nhiều khách thể. Trong những trường hợp
này, nếu lỗi của người phạm tội đối với hậu quả phụ
(thiệt hại cho khách thể khác) là lỗi cố ý, thì về
nguyên tắc, phải định nhiều tội; còn nếu lỗi đối với
hậu quả phụ là lỗi vô ý, thì chỉ định một tội tương
ứng với khách thể chính, nhưng theo khung tăng
nặng là đủ. Chẳng hạn, trường hợp cướp, cướp giật,
hủy hoại tài sản hoặc đua xe trái phép… làm chết
người có thể được giải quyết như sau: Nếu lỗi đối với
hậu quả chết người là cố ý, thì về nguyên tắc là phải
xử lý về hai tội cướp tài sản (Điều 133), cướp giật tài
sản (Điều 136), hủy hoại tài sản (Điều 143), Tội đua
xe trái phép (Điều 207) và Tội giết người (Điều 93);
còn nếu lỗi đối với hậu quả chết người là vô ý, thì
đây chính là trường hợp phạm tội với hai hình thức
lỗi và do đó chỉ cần định một tội cướp, cướp giật, hủy
hoại tài sản hoặc đua xe trái phép theo các khung
hình phạt tăng nặng của các điều luật tương ứng là
đủ.
Ngoài những ý nghĩa trên, thì việc thống nhất nhận
thức rằng các trường hợp phạm tội với hai hình thức
lỗi vẫn là phạm loại tội cố ý còn có ý nghĩa trong việc
áp dụng nguyên tắc nghiêm trị đối với “người cố ý
gây hậu quả nghiêm trọng” (khoản 2 Điều 3); xác
định tái phạm, tái phạm nguy hiểm theo Điều 49, xác
định tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại
Điều 12 BLHS…
3. Tóm lại, tội phạm có hai hình thức lỗi là loại tội
trong đó có sự “kết hợp” đồng thời (chứ không pha
trộn) giữa hai hình thức lỗi cố ý phạm tội và vô ý
phạm tội (sự kết hợp giữa cố ý trực tiếp với cố ý gián
tiếp hoặc vô ý do quá tự tin với vô ý do cẩu thả sẽ
không tạo thành các tội với hai hình thức lỗi). Các
hình thức lỗi khác nhau được “kết hợp” này là các
thái độ tâm lý khác nhau của chủ thể đối với những
“biểu hiện” khác nhau có giá trị pháp lý khác nhau:
cố ý với hành vi và hậu quả định tội và vô ý với hậu
quả tăng nặng. Hai hình thức lỗi chỉ có thể có trong
loại tội phạm có hình thức lỗi cố ý có cấu thành tăng
nặng và trong các tội này, thì lỗi vô ý chỉ có thể có
đối với hậu quả đóng vai trò là dấu hiệu định khung
tăng nặng (các tội vô ý hoặc tội cố ý, nhưng chỉ có
một khung hình phạt hoặc chỉ có cấu thành cơ bản và
cấu thành giảm nhẹ thì không có hai hình thức lỗi).
Nhận thức thống nhất về loại tội có hai hình thức lỗi
có ý nghĩa rất lớn đối với việc định tội danh; áp dụng
nguyên tắc xử lý; xác định tái phạm, tái phạm nguy
hiểm và xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuy
nhiên, trong thực tế thì những hoạt động này còn có
nhiều hạn chế. Lý do một phần là vì trong BLHS của
ta chưa có những quy định cụ thể ở Phần chung về
loại tội phạm có hai hình thức lỗi. Vì vậy, để tạo cơ
sở pháp lý cho hoạt động nhận thức và áp dụng pháp
luật được thống nhất, thì nên chăng việc bổ sung vào
BLHS một điều luật về dấu hiệu pháp lý và nguyên
tắc xác định trách nhiệm hình sự đối với trường hợp
phạm tội này như sau:
Điều 10a: Nếu khi thực hiện tội phạm mà người
phạm tội không cố ý gây ra hậu quả nghiêm trọng,
nhưng pháp luật có quy định hình phạt nghiêm khắc
hơn đối với hậu quả đó, thì người phạm tội sẽ chỉ
phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả nghiêm
trọng này trong trường hợp, nếu người phạm tội thấy
trước được hậu quả có thể xảy ra nhưng tin rằng hậu
quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được
hoặc là mặc dù người phạm tội không thấy trước hậu
quả, nhưng có thể thấy trước và buộc phải thấy trước
được hậu quả đó.
1 Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Đại học Luật Hà
Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, H., 1999, tr.
144; Hình luật xã hội chủ nghĩa – phần chung,
Trường Cao đẳng kiểm sát Hà Nội, 1983, tr. 143 –
144.
2 Kiều Đình Thụ, Tìm hiểu Luật hình sự Việt Nam,
TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 119 – 122; Luật hình sự
Cộng hòa Liên bang Nga – phần chung, Spartac, M.,
1997, tr. 153 – 155 (tiếng Nga); Lê Cảm, Hoàn thiện
chế định lỗi trong Luật hình sự Việt Nam hiện hành:
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Tòa án
nhân dân, số 1/1999, tr. 30 – 31; Trần Văn Độ, Lỗi
trong luật hình sự (chương IV trong sách Những vấn
đề lý luận của việc đổi mới pháp luật hình sự trong
giai đoạn hiện nay, GS-TS Đào Trí Úc chủ biên),
Nhà xuất bản Công an nhân dân, H., 1994, tr. 62 –
63.
3 Tài liệu tập huấn chuyên sâu Bộ luật hình sự năm
1999, Ban chỉ đạo tập huấn Bộ luật hình sự, H., 2000,
tr. 143 – 328; Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp),
Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm
1999, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H., 2001, tr.
168 – 169.
4 Nghị quyết số 4 ngày 29-11-1986 của HĐTP Tòa
án nhân dân tối cao (chương II); Thông tư liên tịch số
2 ngày 7-1-1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện
Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp
dụng Điều 186 và 188 Bộ luật hình sự; Thông tư liên
tịch số 1 ngày 25-11-1996 của TANDTC,
VKSNDTC, BTP, BNV hướng dẫn xử lý các hành vi
liên quan đến pháo nổ (mục A); Thông tư liên tịch số
10 ngày 31-12-1996 của TANDTC, VKSNDTC,
BTP, BNV hướng dẫn xử lý các hành vi đua xe trái
phép (mục I); Thông tư liên tịch số 1 ngày 2-1-1998
của TANDTC, VKSNDTC, BNV hướng dẫn áp dụng
một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Bộ luật hình sự ngày 10-5-1997 (mục 1 phần B);
Nghị quyết số 1 ngày 1-9-1998 của HĐTP TANDTC
hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình
sự (Tiết 7).