Luận án Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay

1. Tính cấp thiết của đề tài Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ lâu và thực sự tư tưởng Phật giáo đã trở thành một góc trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Từ đó có thể nói rằng, bên cạnh hình ảnh "cây đa, bến nước, sân đình" thì hình ảnh mái chùa cũng là biểu tượng thân thương, thấm sâu vào tiềm thức và trở thành một trong những giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Đó là nét chung nhất cho sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam, mà chủ yếu là dân tộc Kinh. Khi chọn đề tài này chúng tôi xuất phát từ ba lý do cơ bản như sau: Thứ nhất, xuất phát từ thực tiễn của đạo đức. Trong những năm gần đây, nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền kinh tế thị trường cũng bộc lộ những hiện tượng đáng lo ngại về lối sống và đạo đức. Điều này đã được các nghị quyết của Đảng chỉ ra. Thực ra, kinh tế thị trường là sản phẩm của nhân loại, nhưng hiện nay ở nước ta, mặt tiêu cực của nó gắn với chủ nghĩa tư bản đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Đó là chưa nói đến sự ảnh hưởng của đạo đức phong kiến trong một số không ít cán bộ lãnh đạo và quản lý của chúng ta đang là vấn đề đáng phải quan tâm. Tiếp theo là trong sự nghiệp đào tạo con người, việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay chiếm một vị trí rất quan trọng. Nó không những chỉ ở mặt chiến lược mà còn nhằm mục tiêu trước mắt là ngăn chặn sự thoái hóa, sa đọa về lối sống, đạo đức, trước sự tác động của nền kinh tế thị trường cùng với những mặt tiêu cực của văn hóa ngoại lai. Mục tiêu về công tác giáo dục của Đảng và Nhà nước ta là đào tạo ra những con người có tầm trí tuệ cao, thể chất cường tráng, đời sống tinh thần và đạo đức trong sáng, giàu bản lĩnh và thực sự có ý thức trách nhiệm công dân. Để đạt được mục tiêu đó thì ngoài các nhiệm vụ khác, chúng ta cũng phải coi lại những giá trị đạo đức truyền thống, tìm ra những thành tố nào có thể góp phần cho việc giảng dạy đạo đức trong nhà trường, đi đôi với việc giáo dục đạo đức và lối sống cho toàn xã hội. Đó cũng là một vấn đề cần đặt ra và phải giải quyết. Thứ hai, xuất phát từ nền văn hóa dân tộc. Nhìn từ góc độ văn hóa đã thấy rằng, những bài học lịch sử của nhân loại về chiến tranh để lại cho hậu thế thì có thể gọi chiến tranh văn hóa là nguy hại nhất, mà công cụ phục vụ cho nó khi cần thiết là chiến tranh quân sự. Chiến tranh văn hóa đã từng xóa sổ không ít những quốc gia, thậm chí cả những vùng rộng lớn trên thế giới. Do vậy, chúng ta có thể khẳng định bằng hình ảnh rằng, văn hóa là cái hồn của dân tộc, mất văn hóa là mất dân tộc. Từ đó, chúng ta giữ được nền văn hóa truyền thống của dân tộc là chúng ta giữ được đất nước. Mặt khác, khi đề cập đến đời sống văn hóa của dân tộc thì không thể bỏ qua một bộ phận cấu thành nó, đó là đạo đức Phật giáo. Từ những ý nghĩa cao cả và thiêng liêng ấy nên khi xây dựng một nền văn hóa hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đòi hỏi chúng ta cũng cần phải nghiên cứu những giá trị đạo đức Phật giáo và tác động biện chứng của nó với nền văn hóa, đạo đức của dân tộc. Thứ ba, xuất phát từ quan điểm đấu tranh giữa chính trị và tôn giáo. ở góc độ tôn giáo mà xét thì tôn giáo là một hệ tư tưởng, một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, bởi vì ngoài việc thăng hoa của cuộc sống đời thường thì mục tiêu đi đến hạnh phúc tột cùng của nó không phải ở trần thế. Tôn giáo ra đời rất sớm, sống dai dẳng và tồn tại đến ngày nay. Trong lịch sử loài người đã có những thời kỳ tôn giáo đóng vai trò quan trọng, thậm chí có khi chỉ đạo cả những thể chế chính trị xã hội và hiện nay ảnh hưởng của nó vẫn sâu đậm trong tư tưởng của nhân dân, nhất là niềm tin của họ. Hiện nay, trong cuộc đấu tranh niềm tin thì tôn giáo là một hiện trạng đáng chú ý, nhất là hiện tượng tôn giáo đang chấn hưng, đi đôi với việc xuất hiện nhiều "tôn giáo mới" trong nước và trên thế giới. Tất cả những lý do và sự thôi thúc như trên, chúng tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải nghiên cứu đề tài "Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay". 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Ngoài số lượng kinh, luật, luận của Phật giáo được tích lũy cả hơn 2500 năm, theo chúng tôi còn có những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài vào những năm của thế kỷ XX và hiện nay. Những công trình này sẽ được liệt kê cụ thể trong phần danh mục tài liệu tham khảo, ở đây chỉ xin điểm qua một số tài liệu đáng lưu ý: Cuốn "Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay" do Giáo sư Nguyễn Tài Thư chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. Phần viết về Phật giáo, các tác giả đã tập trung vào các khái niệm từ, bi, hỉ, xả cùng các giá trị tư tưởng của Phật giáo với tư tưởng của con người Việt Nam. Cuốn "Đạo đức học Phật giáo" do Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu giới thiệu và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1995 là những bài tham luận của nhiều tác giả. Nội dung cuốn sách này, các tác giả đã nêu những cơ sở và nhiều phạm trù đạo đức Phật giáo, phân tích để cắt nghĩa rõ thêm nội dung của chúng như giới, hạnh, nguyện, thiện, ác v.v. Cuốn "Việt Nam văn minh sử lược khảo" của Giáo sư Lê Văn Siêu, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu Sài Gòn 1972. Nội dung cuốn sách khi bàn về lịch sử văn minh Việt Nam, tác giả đã chứng minh những đặc điểm của Phật giáo để tạo cho tôn giáo này xâm nhập một cách dễ dàng vào Việt Nam. Cuốn "Có một nền đạo lý Việt Nam" của Giáo sư Nguyễn Phan Quang, Nxb TP. Hồ Chí Minh 1996. Trong cuốn sách này, tác giả đã cho người đọc thấy sự hòa nhập của đạo đức Phật giáo trong đạo lý dân gian Việt Nam. Cuốn "Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam", tập 1 của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hùng Hậu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002. Phần khai thác ở nội dung cuốn sách là tác giả đã khái quát những nét cơ bản về quá trình du nhập cũng như ảnh hưởng của Phật giáo với dân tộc Việt Nam v.v. Ngoài những công trình nghiên cứu có tính chất chuyên đề thì đạo đức Phật giáo còn được bàn xen kẽ, rải rác trong các tác phẩm văn học, mỹ học, sử học và tôn giáo học v.v. Nhận xét chung thì tất cả những công trình nghiên cứu mà chúng tôi có dịp tham khảo đều mang tính nghiêm túc và rất đáng trân trọng. ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, các tác giả đã đề cập những vấn đề cần thiết để xây dựng một nền đạo đức. Tuy nhiên, ở từng góc độ tiếp cận và quan điểm khác nhau nên các tác giả đều có hướng đi của mình để đến mục đích riêng. Từ đó, theo chúng tôi thì hiện nay chưa thấy một công trình nào bàn có tính hệ thống về công việc mà chúng tôi sẽ tiến hành. Xuất phát từ những suy nghĩ, phát hiện như thế đã chỉ cho chúng tôi những việc cần phải làm. 3. Mục đích, nhiệm vụ của luận án Mục đích của luận án là từ góc độ triết học thâm nhập vào cơ sở và hệ thống đạo đức Phật giáo để tìm ra sự ảnh hưởng của nó trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam truyền thống và hiện nay. Qua đó, tìm ra đặc điểm của sự ảnh hưởng đạo đức Phật giáo ở Việt Nam và quan điểm ứng xử với đạo đức Phật giáo. Theo mục đích trên thì nhiệm vụ trọng tâm của luận án là tiếp cận cơ sở, đặc điểm, những phạm trù cơ bản, những mô hình, giá trị phổ quát của hệ thống đạo đức Phật giáo. Tiếp cận truyền thống, tín ngưỡng, triết lý, tâm lý, đạo đức cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Qua đó, góp phần lý giải cho việc du nhập Phật giáo vào Việt Nam, đồng thời sự dung hợp và ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam từ truyền thống đến hiện nay. Từ cơ sở đó, góp phần đưa ra những giải pháp định hướng cho việc ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Cơ sở lý luận chủ yếu của luận án là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, những nguyên lý, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo. Về phương pháp nghiên cứu, trước hết phải có thái độ khách quan vì nó là tiêu chuẩn số một để có quan điểm nhận xét, đánh giá đối tượng nghiên cứu được rõ ràng, chính xác hơn. Một số phương pháp phổ biến được áp dụng cho đề tài là: Lịch sử và lôgic; phương pháp so sánh; phương pháp phân tích tổng hợp; phương pháp thống kê v.v. 5. Những đóng góp của luận án Thông qua việc giải quyết nhiệm vụ để đạt mục đích như trên, luận án cố gắng đưa ra một số thành tố mới. Chúng tôi khái quát nội dung nghiên cứu để xây dựng chúng theo hệ thống riêng của mình. Từ đó, lý giải về sự ràng buộc lẫn nhau giữa các phạm trù giáo lý với các phạm trù đạo đức Phật giáo. Bên cạnh đó, một số quan niệm, một số phạm trù đạo đức Phật giáo cũng cần phải bàn thêm. Góp phần tìm ra nguyên nhân, đặc điểm của sự dung hợp và ảnh hưởng lẫn nhau giữa đạo đức Phật giáo với đạo đức Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại. Khái quát vai trò của đạo đức Phật giáo trong việc dung hợp, tham gia giáo dục lối sống và đạo đức hiện nay. Qua đó, kiến nghị những giải pháp để đạo đức Phật giáo phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong việc ảnh hưởng đến đời sống đạo đức của xã hội ta hiện nay. 6. Ý nghĩa thực tiễn của luận án Kết quả của luận án góp phần dùng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu và giảng dạy môn Đạo đức học. Luận án cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong việc giảng dạy các môn học như: Lịch sử triết học phương Đông; Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam. 7. Giới hạn đề tài Phạm vi của luận án là từ góc độ triết học Mác - Lênin để nghiên cứu một hệ thống đạo đức của một tôn giáo cụ thể, du nhập và ảnh hưởng đến một nền đạo đức của một dân tộc cụ thể. Từ đó, tuy nội dung luận án có sử dụng các tư liệu, luận cứ, luận chứng cho việc chuyển tải ý tưởng hoặc so sánh để làm nổi bật những vấn đề nghiên cứu, nhưng trọng tâm của đề tài là tuân thủ theo tên gọi của nó. 8. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 3 chương, 6 tiết.

doc182 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 8932 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan