Việt Nam là đất nước thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp. Trong lịch
sử hình thành và phát triển, do hoàn cảnh địa lý - lịch sử khá đặc biệt, nước ta
thường xuyên bị xâm lược bởi các cường quốc như Trung Hoa, Mông Cổ,
Pháp, Mỹ cũng như tiếp nhận rất nhiều nền văn hóa ngoại lai. Một điều lạ
lùng là nước Việt Nam nhỏ bé lại không hề bị đồng hóa bởi bất cứ một nền
văn hóa nào khác. Điều này chỉ có thể được lý giải bởi một đặc trưng cơ bản
của văn hóa Việt Nam, đó là tính dung hợp - sự tổng hợp nhiều yếu tố khác
nhau và biến đổi linh hoạt để tạo nên cái mới. Vì thế, các hiện tượng văn hóa
ngoại lai khi du nhập vào Việt Nam thường bị biến đổi sao cho phù hợp với
văn hóa truyền thống. Công giáo ở Việt Nam cũng là một hiện tượng như vậy
179 trang |
Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 2649 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
MAI DIỆU ANH
¶NH H¦ëNG CñA TÝN NG¦ìNG TRUYÒN THèNG
VIÖT NAM §ÕN §êI SèNG §¹O CñA NG¦êI C¤NG GI¸O
ë GI¸O PHËN BïI CHU – NAM §ÞNH HIÖN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
CHUYÊN NGÀNH : CNDVBC & CNDVLS
Mã số: 62 22 03 02
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1.GS.TS. Nguyễn Hùng Hậu
2. PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương
HÀ NỘI – 2015
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực.
Những kết luận của luận án chưa từng được công bố trong bất
cứ công trình nào.
Tác giả luận án
Mai Diệu Anh
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 7
1.1. Những công trình nghiên cứu về tín ngưỡng truyền thống Việt Nam và
đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định 7
1.2. Những công trình nghiên cứu về thực trạng ảnh hưởng của tín
ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời sống đạo của người Công
giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định hiện nay 16
1.3. Những công trình nghiên cứu về giải pháp chung và giải pháp cụ
thể nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu
cực của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời sống đạo của
người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu 25
1.4. Những vấn đề mà luận án kế thừa và những vấn đề nghiên cứu đặt ra 28
Chương 2: TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM VÀ ĐỜI SỐNG ĐẠO
CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO Ở GIÁO PHẬN BÙI CHU - NAM ĐỊNH -
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN 31
2.1. Tín ngưỡng truyền thống Việt Nam và tín ngưỡng truyền thống
Việt Nam ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định 31
2.2. Công giáo và đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi
Chu - Nam Định 50
Chương 3: ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
ĐẾN ĐỜI SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO Ở GIÁO PHẬN
BÙI CHU - NAM ĐỊNH - THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN 68
3.1. Thực trạng ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời
sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định 68
3.2. Nguyên nhân của thực trạng 102
Chương 4: DỰ BÁO XU HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM GÓP PHẦN
PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG
TIÊU CỰC CỦA TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM ĐẾN
ĐỜI SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO Ở GIÁO PHẬN BÙI
CHU - NAM ĐỊNH 113
4.1. Dự báo xu hướng ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống Việt
Nam đến đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu
- Nam Định 113
4.2. Một số giải pháp nhằm góp phần phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế
ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời
sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định 119
KẾT LUẬN 140
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 143
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 144
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT
Viết đầy đủ
Chính trị quốc gia
Chủ nghĩa duy vật biện chứng
Chủ nghĩa duy vật lịch sử
Hà Nội
Hội đồng nhân dân
Nhà xuất bản
Trang
Ủy ban nhân dân
Viết tắt
CTQG
CNDVBC
CNDVLS
HN
HĐND
Nxb
Tr.
UBND
1
MỞ ĐẦU
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
Việt Nam là đất nước thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp. Trong lịch
sử hình thành và phát triển, do hoàn cảnh địa lý - lịch sử khá đặc biệt, nước ta
thường xuyên bị xâm lược bởi các cường quốc như Trung Hoa, Mông Cổ,
Pháp, Mỹ cũng như tiếp nhận rất nhiều nền văn hóa ngoại lai. Một điều lạ
lùng là nước Việt Nam nhỏ bé lại không hề bị đồng hóa bởi bất cứ một nền
văn hóa nào khác. Điều này chỉ có thể được lý giải bởi một đặc trưng cơ bản
của văn hóa Việt Nam, đó là tính dung hợp - sự tổng hợp nhiều yếu tố khác
nhau và biến đổi linh hoạt để tạo nên cái mới. Vì thế, các hiện tượng văn hóa
ngoại lai khi du nhập vào Việt Nam thường bị biến đổi sao cho phù hợp với
văn hóa truyền thống. Công giáo ở Việt Nam cũng là một hiện tượng như vậy.
Lịch sử Công giáo ở Việt Nam đã thừa nhận giáo phận Bùi Chu - Nam
Định là điểm đến đầu tiên của các giáo sĩ phương Tây nhằm truyền bá tôn
giáo này. Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã viết “Gia
Tô: Theo sách Dã lục (một loại dã sử), thì ngày 1 tháng 3 năm Nguyên Hòa
thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông người Tây Dương tên là Ynêkhu lén lút
đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao
Thủy ngấm ngầm truyền giáo về tà đạo Gia Tô” [150, tr.301]. Do vậy, năm
1533 được giáo sử Công giáo lấy làm thời điểm đánh dấu hoạt động truyền
giáo ở Việt Nam. Cũng từ đó, Công giáo phát triển lan rộng toàn đất nước
Việt Nam, mở đầu cho sự giao lưu giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa
phương Tây nói chung, văn hóa Công giáo nói riêng.
Công giáo là một tôn giáo mang đậm tính khuôn mẫu, lý tính của
truyền thống văn hóa phương Tây, vì vậy trong một thời gian dài, về mặt quan
phương, tôn giáo này không thể hòa đồng với văn hóa Việt Nam. Sự xung đột
giữa Công giáo với văn hóa truyền thống, đặc biệt là với tín ngưỡng thờ cúng
Tổ tiên người Việt đã gây nên bao trăn trở với các tín đồ Công giáo.
2
Với Công đồng Vatican II (1962 - 1965), lịch sử Giáo hội đã bước sang
một trang mới. Sau Công đồng Vatican II, tinh thần Canh tân và Thích nghi đã
được Giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp nhận, triển khai từng bước nhằm đưa
Công giáo hoà hợp với văn hoá dân tộc, khắc phục những xung đột của đời
sống đạo Công giáo đối với văn hóa truyền thống. Tinh thần Canh tân và
Thích nghi của Công đồng Vatican II phù hợp với đường lối, chủ trương nhất
quán mà Đảng và Nhà nước ta đưa ra, đó là tôn trọng tự do tôn giáo nói chung,
Công giáo nói riêng, giữ gìn và trân trọng những giá trị văn hoá tốt đẹp của
Công giáo, đảm bảo sự tự do sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ.
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới và trong nước đang diễn biến hết sức phức
tạp. Trong sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, xu thế hòa
bình, hợp tác, phát triển vẫn là một xu thế lớn. Xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến
tranh cục bộ, can thiệp, khủng bố diễn ra gay gắt. Vì vậy, đối với tín ngưỡng,
tôn giáo, Đảng ta xác định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín
ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất
nước; tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động
viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng
góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. [52, tr.51].
Trước tác động của hội nhập, của kinh tế thị trường, đời sống đạo của
người Công giáo Việt Nam có những biểu hiện phức tạp. Trong bối cảnh đó,
phát triển môi trường sinh hoạt tôn giáo tự do, lành mạnh để các tín đồ thực
hiện tốt phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị văn hóa,
đạo đức tốt đẹp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thiết nghĩ vấn đề
đó sẽ được giải quyết một cách hiệu quả nếu tập trung nghiên cứu trước hết vào
vùng đất mà các giáo sỹ truyền đạo đặt chân đầu tiên tới Việt Nam, nơi khởi
nguồn cho sự hình thành và phát triển Công giáo ở Việt Nam - giáo phận Bùi
Chu - Nam Định. Ở nơi đây, ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, đặc biệt là
3
tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của người Công giáo đang diễn ra
sôi động, nhiều màu sắc. Tuy chỉ nghiên cứu về một giáo phận cụ thể nhưng
luận án phần nào cho thấy bức tranh ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống
Việt Nam tới đời sống đạo của người Công giáo ở Việt Nam nói chung.
Với những lý do trên, đề tài “Ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống
Việt Nam đến đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam
Định hiện nay” có tính lý luận và thực tiễn cấp thiết.
2. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
- Mục đích của luận án
Luận án tập trung làm rõ thực trạng ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền
thống Việt Nam đến đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu -
Nam Định hiện nay, nguyên nhân của thực trạng; đưa ra dự báo xu hướng, từ
đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn
chế những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời
sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu hiện nay.
- Nhiệm vụ của luận án
Để thực hiện mục đích trên, luận án thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
- Khái quát tín ngưỡng truyền thống Việt Nam vùng đồng bằng Bắc bộ,
tín ngưỡng truyền thống Việt Nam ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định.
- Khái lược vài nét về Công giáo, lịch sử giáo phận Bùi Chu.
Làm rõ khái niệm đời sống đạo, đời sống đạo của người Công giáo, từ
đó chỉ rõ những nét đặc thù trong đời sống đạo của người Công giáo ở giáo
phận Bùi Chu - Nam Định.
- Làm rõ thực trạng ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của tín ngưỡng truyền
thống Việt Nam đến đời sống đạo Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam
Định hiện nay, nguyên nhân của thực trạng.
- Dự báo xu hướng và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy những
ảnh hưởng tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng
4
truyền thống Việt Nam đến đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận
Bùi Chu - Nam Định hiện nay.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
- Đối tượng nghiên cứu:
Luận án tập trung nghiên cứu đời sống đạo của người Công giáo dưới ảnh
hưởng của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định.
- Phạm vi nghiên cứu của đề tài: Luận án nghiên cứu trong phạm vi
giáo phận Bùi Chu - Nam Định, thời gian tập trung vào giai đoạn từ sau Công
đồng Vatican II (1962 - 1965) đến nay.
Tuy rằng tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là khá đa dạng, nhưng
trong khuôn khổ luận án, nghiên cứu sinh chỉ tập trung vào 3 loại hình tín
ngưỡng: tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, tín ngưỡng Thành Hoàng làng và tín
ngưỡng thờ Mẫu. Đồng thời, luận án chỉ nghiên cứu ảnh hưởng một chiều: tín
ngưỡng truyền thống Việt Nam ảnh hưởng đến đời sống đạo của người Công
giáo Bùi Chu - Nam Định ra sao.
4. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Cơ sở lý luận
Luận án sử dụng cơ sở lý luận là CNDVBC và CNDVLS, quan điểm
của chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách
của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài ra, luận án còn dựa vào các văn kiện Đại hội Đảng, các nghị
quyết của Trung ương, tài liệu của các cấp ủy đảng và chính quyền ở tỉnh
Nam Định và các địa phương nằm trong khu vực giáo phận Bùi Chu - Nam
Định hiện nay có liên quan đến đề tài.
- Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và
chủ nghĩa duy vật lịch sử; kết hợp với các phương pháp cụ thể như phương
pháp triết học tôn giáo, phương pháp phân tích - tổng hợp, kết hợp giữa lý
luận và thực tiễn, phương pháp điều tra phỏng vấn sâu, phương pháp điền dã
5
dân tộc học và quan sát tham dự Ngoài ra, phương pháp chuyên gia cũng
được đề tài áp dụng nhằm tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu chuyên gia
và các nhà hoạt động quản lý thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu.
5. ĐIỂM MỚI CỦA LUẬN ÁN
- Luận án khái quát đặc trưng các tín ngưỡng truyền thống Việt Nam,
và đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định.
- Luận án làm rõ thực trạng những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực và
những nguyên nhân ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời
sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định hiện nay.
- Luận án đưa ra dự báo về xu hướng và đề xuất một số giải pháp nhằm
phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tín
ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời sống đạo của người Công giáo ở giáo
phận Bùi Chu - Nam Định hiện nay.
6. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN
- Ý nghĩa khoa học: Đề tài luận án được thực hiện để góp thêm sự nhận
biết về ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời sống đạo
của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định, đem lại những giá trị
văn hóa với tính cách là nền tảng tinh thần cho người Công giáo ở giáo phận
Bùi Chu - Nam Định.
- Ý nghĩa thực tiễn: Luận án đưa ra xu hướng và đề xuất một số giải
pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tín
ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời sống đạo của người Công giáo ở giáo
phận Bùi Chu - Nam Định hiện nay.
Sản phẩm của luận án sẽ là tài liệu tham khảo cho các cơ quan, cá nhân
nghiên cứu, giảng dạy về tôn giáo, các cơ quan chức năng làm công tác tôn giáo.
7. KẾT CẤU CỦA LUẬN ÁN
Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục, phụ lục, danh mục tài liệu tham
khảo, luận án gồm 4 chương, 10 tiết:
6
Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài
luận án.
Chương 2: Tín ngưỡng truyền thống Việt Nam và đời sống đạo của
người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định - Một số vấn đề lý luận.
Chương 3: Ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đến đời
sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định hiện nay -
Thực trạng và nguyên nhân.
Chương 4: Dự báo xu hướng và một số giải pháp nhằm góp phần phát
huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng truyền
thống Việt Nam đến đời sống đạo của người Công giáo ở giáo phận Bùi Chu -
Nam Định.
7
Chương 1
TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TÍN NGƯỠNG TRUYỀN
THỐNG VIỆT NAM VÀ ĐỜI SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO Ở GIÁO
PHẬN BÙI CHU - NAM ĐỊNH
1.1.1. Những công trình nghiên cứu về tín ngưỡng truyền thống
Việt Nam và tín ngưỡng truyền thống Việt Nam ở giáo phận Bùi Chu -
Nam Định
1.1.1.1. Những công trình nghiên cứu về tín ngưỡng truyền thống
Việt Nam
Trước hết, phải kể đến cuốn sách “Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam
hiện nay” do nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn chủ biên [194]. Cuốn sách
này đề cập tới thờ cúng Tổ tiên ở ba cấp độ: quốc gia: thờ Vua Hùng; làng:
thờ thần Thành Hoàng; dòng họ, gia đình: thờ tổ tiên. Nhà nghiên cứu Đặng
Nghiêm Vạn khẳng định thờ cúng Tổ tiên là một bộ phận văn hóa dân tộc, là
tâm linh của cả cộng đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Lê Trung
Vũ đề cập tới các phong tục trong vòng đời người Việt truyền thống như các
lễ tiết trong năm (Tết Nguyên đán, tết Thượng nguyên, tết mồng 3 tháng 3...),
các nghi lễ nông nghiệp; các lễ thức đời thường (sinh con, hôn lễ, lễ tang...).
Trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” [158], tác giả Trần
Ngọc Thêm miêu tả khái quát các loại hình tín ngưỡng Việt Nam như tín
ngưỡng Phồn thực (thờ sinh thực khí và thờ hành vi giao phối), tín ngưỡng
sùng bái tự nhiên (thờ Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước; thờ động vật và thực vật),
tín ngưỡng sùng bái con người (thờ Thổ Công, thờ thần Thành Hoàng, Tứ bất
tử). Tác giả chỉ rõ các loại hình tín ngưỡng trên cũng như những bộ phận khác
của văn hóa, là tấm gương phản ánh trung thành những đặc trưng nông nghiệp
lúa nước, biểu hiện sự tôn trọng và gắn bó mật thiết với thiên nhiên, nguyên
lý âm dương, khuynh hướng đề cao nữ tính, tính đa thần
8
Cuốn sách “Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam” của
Nguyễn Đức Lữ [131] đề cập đến các loại hình tín ngưỡng dân gian Việt Nam
như tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc, tín
ngưỡng Thành Hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng Phồn thực. Tác giả
cuốn sách chỉ rõ các loại hình tín ngưỡng dân gian trên phản ánh rõ nét đặc
trưng của văn hóa dân tộc, thể hiện rõ nét tinh thần uống nước nhớ nguồn
nhưng bản thân nó cũng chứa đựng khả năng dẫn đến hiện tượng phản giá trị,
biểu hiện mê tín dị đoan cần phải bị phê phán, tẩy trừ.
Cuốn sách “Các hình thái tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam” của
Nguyễn Đăng Duy [25] dành nhiều sự quan tâm tới các tín ngưỡng truyền
thống ở Việt Nam như: tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thần,
tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng ở các dân tộc ít người. Theo tác giả, tín
ngưỡng không phải là một bộ phận của tôn giáo mà tồn tại với tư cách một
hình thái ý thức xã hội bên cạnh tôn giáo, không phải tồn tại với ý nghĩa
niềm tin nhằm cứu cánh cho cái chết như tôn giáo mà là niềm tin cầu mong
cho hiện thực cuộc sống.
Cuốn sách “Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam” do Ngô Đức
Thịnh chủ biên [161] nghiên cứu sáu loại hình tín ngưỡng dân gian: thờ cúng Tổ
tiên, thờ Thành Hoàng làng, thờ Chử Đồng Tử, thờ Đức Thánh Trần, tín ngưỡng
nghề nghiệp và đạo Mẫu. Ngoài ra, một số hình thức văn hóa nghệ thuật dân gian
có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như múa, nhạc, tranh tượng thờ, văn học
dân gian, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng được tác giả đề cập.
Ngoài ra còn rất nhiều công trình về tín ngưỡng truyền thống Việt Nam,
phong tục tập quán truyền thống do các học giả trong nước nghiên cứu như: “Việt
Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh [1]; “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ
Quỳnh [152]; “Tín ngưỡng làng xã” của Vũ Ngọc Khánh [118]; “Việt Nam phong
tục” của Phan Kế Bính [14]; “Phong tục thờ cúng trong gia đình người Việt” của
Toan Ánh [5]; “Văn hóa tâm linh” của Nguyễn Đăng Duy [26]
9
Có thể thấy rằng các tài liệu nghiên cứu tín ngưỡng truyền thống Việt
Nam khá phong phú, nhưng nghiên cứu tín ngưỡng truyền thống dưới góc độ
triết học thì số lượng còn hạn chế. Trong đó, tiêu biểu là công trình “Những
khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng
bằng Bắc Bộ hiện nay” của Trần Đăng Sinh [155] đã trình bày những khía
cạnh triết học của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ,
minh chứng rõ cơ sở hình thành, tồn tại, những yếu tố tích cực và tiêu cực,
thực trạng và xu hướng vận động của nó, từ đó nhằm định hướng đúng đắn
cho hoạt động thờ cúng tổ tiên ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh hoạt động
thờ cúng tổ tiên trong các gia đình, dòng họ, trong các lễ hội diễn ra khá phổ
biến ở khắp các địa phương trong cả nước, việc nghiên cứu trên là cần thiết và
có ý nghĩa thực tiễn cấp thiết.
Cũng tiếp cận dưới góc độ triết học, Luận án Tiến sỹ Triết học của
Nguyễn Hữu Thụ “Khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người
Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ” [165] lại tập trung nghiên cứu cơ sở hình thành,
lịch sử phát triển, điện thờ, một số nghi lễ cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu của
người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó, tác giả phân tích quan niệm về
con người và tự nhiên trong tín ngưỡng thờ Mẫu, chỉ rõ xu hướng vận động
cùng những kiến nghị nhằm phát huy những giá trị tích cực, hạn chế những
tác động tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vùng đồng bằng Bắc
Bộ trong giai đoạn hiện nay.
Thông qua các tài liệu nghiên cứu về tín ngưỡng truyền thống Việt Nam,
đặc biệt là các tài liệu tiếp cận tín ngưỡng dưới góc độ triết học, tác giả có sự
kế thừa nhằm luận chứng cơ sở kinh tế - xã hội làm nảy sinh quan niệm của
người Việt truyền thống trong các tín ngưỡng, từ đó chi phối các nghi lễ thực
hành tín ngưỡng. Đây là cơ sở khoa học quan trọng giúp tác giả phân tích ảnh
hưởng của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam tới đời sống đạo của người
Công giáo vùng giáo phận Bùi Chu - khu vực ghi dấu ấn đậm nét của các tín
ngưỡng truyền thống - trong chương 3 của luận án.
10
1.1.1.2. Những công trình liên quan đến tín ngưỡng truyền thống
Việt Nam ở giáo phận Bùi Chu - Nam Định
Cuốn sách “Địa chí Hải Hậu” của Huyện ủy - UBND huyện Hải Hậu,
tỉnh Nam Định [81], từ trang 560 đến trang 615 đề cập đến vấn đề phong
tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo vùng đất Hải Hậu, Nam Định được hình
thành từ điều kiện tự nhiên khá đặc thù. Cuốn sách đã chỉ ra Nam Định là
một địa phương có địa bàn trọng yếu, vị thế đặc biệt, một vùng kinh tế xã
hội với bản sắc riêng, trong đó có các tín ngưỡng truyền thống Việt Nam.
Cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường 1930 - 2000” của Ban
Chấp hành Đảng bộ huyện Xuân Trường [7], từ trang 19 đến trang 24 đề cập
tới tín ngưỡng, văn hóa của vùng đất này.
Một cách tổng quát, cuốn sách “Địa chí Nam Định” của Tỉnh ủy -
HĐND - UBND tỉnh Nam Định [168], từ trang 659 đến trang 687 khái quát
đặc trưng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo tỉnh Nam Định.
Đây là những tài liệu có giá trị, được nghiên cứu sinh kế thừa để đưa vào
xây