Luận án Bình đẳng về giới trong gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay

1. Tính cấp thiết của đề tài Ngày nay, sự tiến bộ của con người được xem là tiêu chuẩn cao nhất của phát triển xã hội. Sự phát triển xã hội đòi hỏi phải đem lại công bằng, bình đẳng cho mọi người (cả nam và nữ) trong cơ hội và điều kiện cống hiến cũng như hưởng thụ các thành quả của phát triển. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN), cuộc cách mạng được xem là triệt để nhất trong lịch sử nhân loại. Trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN, Đảng cộng sản Việt Nam luôn coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, việc chăm lo phát triển nguồn lực con người là một nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Chăm lo phát triển nguồn lực con người hướng vào cả nam và nữ với các tiêu chí: phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tình cảm, đạo đức. Cuối thế kỷ XX, các quốc gia đều đạt các thành tựu quan trọng về phát triển con người. Nhưng đem so sánh chỉ số phát triển giữa nam và nữ, chúng ta nhận thấy rằng sự phát triển năng lực của phụ nữ ở tất cả các quốc gia còn thấp hơn nam giới, đặc biệt tại các quốc gia chậm phát triển. Là một nước nông nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở Việt Nam trong những thập kỷ tới tập trung trước hết cho nông nghiệp và nông thôn, quá trình này đòi hỏi phải phát huy mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người. Các thống kê cho thấy, phụ nữ chiếm 56% lao động trong nông, lâm nghiệp, đảm đương 75% công việc của nhà nông, họ đang góp phần quan trọng đưa Việt Nam vào hàng thứ hai về xuất khẩu gạo và cà phê trên thế giới. Phụ nữ nông thôn không chỉ tham gia sản xuất mà còn làm phần lớn công việc gia đình đồng thời họ cũng tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Tuy nhiên, so với nam giới, phụ nữ nông thôn còn rất hạn chế về trình độ, năng lực, họ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đưa nông nghiệp, nông thôn bước vào nền kinh tế hàng hóa. Mặc dù có sự đóng góp lớn cho phát triển nhưng xã hội cũng như gia đình chưa đánh giá hết cống hiến của người phụ nữ, họ còn chịu nhiều thiệt thòi trong phát triển cá nhân. Chẳng hạn, phụ nữ chiếm số đông trong những người mù chữ, những người mắc bệnh tật và ít có cơ hội, điều kiện học hành, vui chơi giải trí. Sự hạn chế cơ hội phát triển ở phụ nữ trực tiếp làm giảm sút phúc lợi gia đình và xã hội đồng thời là một cản trở đối với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Nông thôn đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) với bề dày lịch sử phát triển được xem như điển hình của nông thôn Việt Nam, nơi còn bảo lưu khá đậm nét nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước. Tuy nhiên, ngày nay ĐBSH cũng là nơi chuyển mình khá mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới. Truyền thống và hiện đại (bao gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực) đang được phản ánh trong cuộc sống gia đình, đặc biệt trong quan hệ về giới. Sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn sẽ như thế nào nếu như phụ nữ vẫn phải chịu những thiệt thòi, bất công ngay từ trong gia đình; nếu sự phát triển năng lực của phụ nữ còn gặp nhiều trở ngại ngay từ trong gia đình. Đây là những câu hỏi đang đặt ra bức thiết cho các nhà hoạch định chiến lược phát triển nông thôn, phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn cũng như phát triển gia đình khi nhân loại đang bước vào nền văn minh trí tuệ. Thực tế này đã thôi thúc tôi chọn vấn đề "Bình đẳng về giới trong gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay" làm đề tài của luận án. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Vấn đề giải phóng phụ nữ được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đề cập rất sớm trong nhiều tác phẩm. Ở Việt Nam, vấn đề giải phóng phụ nữ cũng được Đảng cộng sản Việt Nam quan tâm ngay từ khi mới thành lập (năm 1930). Từ góc độ nghiên cứu lịch sử, trong tác phẩm "Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại" (1975), của giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội (tái bản lần thứ hai) đã đề cập khá sâu sắc vị thế người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và ngoài xã hội suốt chiều dài lịch sử, từ khi khai phá nền văn minh của dân tộc cho đến những năm 60. Song, có lẽ việc nghiên cứu về phụ nữ và gia đình ở Việt Nam chỉ được đặt ra và giải quyết như một bộ môn khoa học mới từ năm 1987 với sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ (sau đổi thành Trung tâm Nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ năm 1993). Cho đến nay, ở Việt Nam đã có nhiều trung tâm nghiên cứu về phụ nữ và gia đình như: - Trung tâm Nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia. - Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển. - Trung tâm Nghiên cứu lao động nữ thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. - Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo về phụ nữ - Đại học Quốc gia Việt Nam. - Khoa Phụ nữ học - Trường đại học Mở, thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù thời gian chưa nhiều nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự tâm huyết của nhiều nhà khoa học, một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu phụ nữ và gia đình Việt Nam đã được đặt ra, xem xét và có hướng giải quyết đúng đắn, trong đó có những chủ đề nghiên cứu về phụ nữ, gia đình nông thôn. Năm 1989, chính sách giao đất cho hộ nông dân sử dụng lâu dài đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho kinh tế hộ gia đình phát triển, song cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới đối với gia đình và người phụ nữ nông thôn. Nhiều trung tâm nghiên cứu đã hướng các ưu tiên hoạt động của mình vào khu vực này. Năm 1990, việc nghiên cứu phụ nữ và gia đình có một bước tiến đáng kể: nghiên cứu phụ nữ, gia đình trong mối tương quan giữa nam và nữ, gắn nó với sự phát triển của đất nước. Một loạt vấn đề về lý luận, nghiên cứu, khảo sát thực tế, xây dựng chính sách đáp ứng giới được đặt ra, trao đổi thảo luận để tìm hướng giải quyết. Nhiều công trình nghiên cứu được tiến hành độc lập hoặc tổ chức theo liên ngành mà kết quả đã được công bố trên các sách, báo, tạp chí. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu sự bình đẳng giới trong gia đình ở nông thôn. Nhiều tác giả đã tập trung nghiên cứu và xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị như: "Phụ nữ, giới và phát triển" (1996) của tiến sĩ Trần Thị Vân Anh và tiến sĩ Lê Ngọc Hùng, Nxb Phụ nữ, Hà Nội; "Phụ nữ và bình đẳng giới trong đổi mới ở Việt Nam" (1998) của giáo sư Lê Thi, Nxb Phụ nữ, Hà Nội;. là những tác phẩm đặt cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu phụ nữ và gia đình theo phương pháp tiếp cận giới - một phương pháp nghiên cứu mới mẻ nhưng rất hiệu quả. Nhiều đề tài nghiên cứu cấp bộ đã được tiến hành và nghiệm thu như: "Vai trò của phụ nữ nông thôn trong phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Hồng" (1996 - 1997) và "Phụ nữ nông thôn và việc phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở một số xã vùng đồng bằng sông Hồng" (1995 - 1996) là hai đề tài cấp Bộ của Trung tâm Nghiên cứu khoa học về phụ nữ và gia đình. Nhiều công trình được đăng trên các sách và tạp chí đã đề cập một phần thực trạng sự bình đẳng giới trong gia đình ở nông thôn ĐBSH. Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, nhiều tác phẩm đã đề cập tới việc xây dựng các chính sách như: "Chính sách xã hội đối với phụ nữ nông thôn" (1998) của tiến sĩ Lê Thị Vinh Thi, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội; "Gia đình Việt Nam ngày nay" (1996) do giáo sư Lê Thi chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội;. đã đặt cơ sở cho việc hoạch định các chính sách phát triển nông thôn theo hướng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu giới. Thời gian gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về phụ nữ và gia đình cũng đang tiến hành các điều tra cơ bản về gia đình ở ĐBSH, một số công trình đã được công bố trên các sách báo và tạp chí của trung tâm. Các công trình nghiên cứu kể trên là những tư liệu tham khảo hết sức quan trọng để chúng tôi thực hiện đề tài của luận án. Nhưng nhìn chung, các nghiên cứu mới đặt vấn đề trên diện rộng, chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu một cách cơ bản và có hệ thống về bình đẳng giới trong gia đình ở nông thôn ĐBSH trong công cuộc đổi mới. Trước tình hình đó, khi chọn đề tài này, tác giả luận án mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc nghiên cứu "Bình đẳng về giới trong gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay" cả về phương diện lý luận và thực tiễn dưới giác độ của chuyên ngành chủ nghĩa cộng sản khoa học. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án 3.1. Mục đích của luận án Làm rõ thực trạng bình đẳng về giới trong gia đình ở nông thôn ĐBSH trong công cuộc đổi mới. Đề xuất phương hướng cơ bản, các giải pháp chủ yếu nhằm giảm dần sự bất bình đẳng về giới, tiến tới thực hiện bình đẳng giới trong gia đình ở nông thôn ĐBSH. 3.2. Nhiệm vụ của luận án Để thực hiện mục đích đề ra, chúng tôi tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau đây: - Hệ thống hóa, khái quát hóa những quan điểm của các nhà tư tưởng XHCN không tưởng đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ trong gia đình. Kết hợp phương pháp tiếp cận giới trong việc xem xét và lý giải vấn đề bình đẳng về giới trong gia đình. - Tìm hiểu quan hệ nam nữ trong gia đình truyền thống, từ đó rút ra những nét độc đáo của sự bình đẳng về giới trong gia đình ở Việt Nam trong lịch sử. - Đánh giá thực trạng mối quan hệ giới trong gia đình nông thôn ĐBSH trong công cuộc đổi mới. - Đề xuất các phương hướng cơ bản và giải pháp chủ yếu nhằm giảm dần sự bất bình đẳng về giới, tiến tới thực hiện bình đẳng giới trong gia đình nông thôn ĐBSH. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu quan hệ giới trong gia đình, cụ thể là quan hệ giữa nam và nữ, đặc biệt là mối quan hệ giữa vợ và chồng trong gia đình ở nông thôn ĐBSH. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án làm rõ quan hệ giới trong gia đình nông thôn ĐBSH từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986) cho đến nay. Tài liệu được khai thác chủ yếu từ năm 1986, đặc biệt từ năm 1996, khi sự nghiệp đổi mới đã phát huy tác dụng toàn diện đến đời sống gia đình nông dân ở nông thôn. Luận án sử dụng các công trình nghiên cứu đã được công bố về quan hệ về giới trong gia đình ở nông thôn ĐBSH của nhiều nhà khoa học và kết quả điều tra của bản thân tác giả tại một số địa bàn của nông thôn ĐBSH. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu - Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giải phóng phụ nữ, về gia đình. - Luận án kế thừa phương pháp tiếp cận giới để tìm hiểu, phân tích, lý giải thực trạng sự bình đẳng về giới trong gia đình. - Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu: lôgíc và lịch sử, phân tích và tổng hợp, kết hợp nghiên cứu lý thuyết với điều tra xã hội học. 6. Những đóng góp mới về khoa học của luận án - Từ góc độ triết học, chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học, bước đầu luận án đã kết hợp chặt chẽ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam với phương pháp tiếp cận giới trong xem xét, lý giải vấn đề bình đẳng giới. Sự kết hợp này được coi là bước phát triển lôgíc của quá trình nhận thức, làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học về giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ. - Từ việc khảo sát thực tiễn quan hệ về giới trong gia đình ở nông thôn ĐBSH, luận án đề xuất phương hướng cơ bản và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao sự bình đẳng về giới trong gia đình, coi đây như một điều kiện, tiền đề quan trọng nhằm phát huy nguồn nhân lực ở nông thôn hiện nay. 7. Ý nghĩa thực tiễn của luận án Với các đóng góp mới về khoa học trên đây, luận án góp phần nghiên cứu những vấn đề lý luận về quan hệ giới trong gia đình nói chung, gia đình nông thôn nói riêng. Luận án cũng cung cấp thêm các cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược phát triển nông thôn trong sự nghiệp CNH, HĐH, gắn với chăm lo phát triển con người và hướng các ưu tiên cho phát triển phụ nữ. Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy về gia đình, về giới, thuộc chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học trong hệ thống các trường Đảng hoặc các trường đào tạo cán bộ nữ, các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. 8. Kết cấu của luận án Luận án gồm: Mở đầu; 3 chương (6 tiết); kết luận; những công trình của tác giả công bố có liên quan đến luận án; danh mục tài liệu tham khảo và phần phụ lục.

doc182 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 4383 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Bình đẳng về giới trong gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLuận án Chính.DOC
  • docBB-COSO.DOC
  • docBIA-TS1.DOC
  • docBIA-TT1.DOC
  • docCAMDOAN1.DOC
  • docDANHSA~1.DOC
  • docKETLUA~1.DOC
  • docMUCLUC~1.DOC
  • docMUCLUC1.DOC
  • docTOMTAT.DOC
  • docVIETTAT1.DOC
  • docXNSUAC~1.DOC
  • docYKIENX~1.DOC
Luận văn liên quan