Luận án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay
1. Tính cấp thiết của đề tài Đoàn kết, đồng thuận là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Truyền thống đó đã góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi của công cuộc chống giặc ngoại xâm trước đây cũng như sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay. Vì thế, Đảng ta đã khẳng định đoàn kết dân tộc là động lực chủ yếu cho sự phát triển đất nước. Nhưng đoàn kết muốn đạt được một cách bền vững phải dựa trên cơ sở sự đồng thuận xã hội. Có như vậy, đoàn kết dân tộc mới được phát huy cả về bề rộng và bề sâu, trở thành yếu tố đảm bảo vững chắc cho sự phát triển của nước ta trong bối cảnh mới. Trải qua bao gian khổ hy sinh, đất nước đã độc lập, thống nhất Tổ quốc. Hơn ba mươi năm qua, chúng ta đã đạt được biết bao thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, hoà hợp dân tộc, song không phải không còn những nhân tố có thể dẫn đến gây mất đoàn kết, chia rẽ dân tộc. Đó là hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh kéo dài 1/3 thế kỷ; những sai lầm do chủ quan, duy ý chí trong sự lãnh đạo và quản lý đất nước; tàn dư của tư tưởng phong kiến và tâm lý của người sản xuất nhỏ; sự tác động của quá trình toàn cầu hoá và sự biến động của tình hình chính trị - xã hội trên thế giới. Những điều đó đang hàng ngày, hàng giờ gây nên những bất đồng trong xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước. Vì thế, nếu chúng ta không có một chiến lược để tạo nên sự đồng thuận xã hội thì không thể đưa đất nước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chiến lược đó chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở phát huy những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt, hay nói cách khác, dựa trên cơ sở đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội là điều kiện cơ bản để ổn định chính trị - xã hội, là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, là phương thức để xây dựng cơ sở chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước, là giải pháp có tính khả thi để tập hợp mọi nguồn lực nhằm phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Đồng thuận xã hội là một nguyện vọng chính đáng hàm chứa những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc cần phải được nghiên cứu. Trong những năm gần đây, chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết dựa trên sự đồng thuận xã hội đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng và được các tầng lớp nhân dân đồng tình, nhất trí. Xây dựng sự đồng thuận xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các tổ chức xã hội, mọi giai cấp, tầng lớp nhưng mỗi tổ chức có thể thực hiện theo những phương thức khác nhau. Trong hệ thống chính trị, do chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc mà còn là tổ chức tập hợp đông đảo, rộng rãi nhất mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, tôn giáo, thành phần kinh tế, cá nhân tiêu biểu mong muốn phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Sinh hoạt của Mặt trận dù ở diễn đàn nào, lĩnh vực nào cũng đều là nơi biểu thị ý chí thống nhất và sự đồng thuận xã hội. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, Mặt trận đã thể hiện được vai trò trong việc tập hợp lực lượng để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Nhưng trong bối cảnh mới hiện nay, Mặt trận thực hiện nhiệm vụ xây dựng sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc như thế nào là vấn đề chưa được nghiên cứu. Vì thế, nghiên cứu để làm rõ vai trò của Mặt trận với nhiệm vụ này, từ đó đề ra các giải pháp để Mặt trận phát huy vai trò của mình là một yêu cầu cần thiết và cấp bách nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng, mục tiêu đã định. Trên tinh thần đó, chúng tôi chọn vấn đề "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay" làm đề tài luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài 3. Mục tiêu, nhiệm vụ của luận án - Mục tiêu: Trên cơ sở làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay, luận án cung cấp những luận chứng, luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta, nhằm thực hiện một mục tiêu có tính chiến lược của Đảng ta về xây dựng sự đồng thuận xã hội. - Nhiệm vụ: Để đạt được mục đích trên, luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau: + Làm rõ khái niệm đồng thuận xã hội và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. + Phân tích, đánh giá thực trạng về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội, làm rõ những hạn chế và nguyên nhân cũng như những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng sự đồng thuận xã hội. + Đề xuất một số giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng sự đồng thuận xã hội. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu - Cơ sở lý luận: Luận án được thực hiện dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, đoàn kết và sự đồng thuận xã hội; về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử; dựa trên quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và xây dựng sự đồng thuận xã hội, về vai trò của các chủ thể chính trị trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội, trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc. - Phương pháp nghiên cứu: Luận án vận dụng tổng hợp những nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, trong đó chú trọng sử dụng phương pháp lôgic và lịch sử; phân tích và tổng hợp. Ngoài ra tác giải luận án còn sử dụng một số phương pháp của xã hội học trong điều tra, tổng kết thực tiễn. 5. Cái mới của luận án - Lần đầu tiên đặt ra và bước đầu nghiên cứu tương đối có hệ thống một chủ trương lớn của Đảng: xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay. - Luận chứng cơ sở khoa học và thực tiễn về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một thể chế chính trị quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta. - Đề xuất một cách hệ thống những quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Luận án có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập chính trị học, làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý và các cơ quan chức năng trong quá trình hoạch định chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội nói chung, chính sách đại đoàn kết dân tộc và xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay nói riêng. - Luận án là tài liệu bổ ích đối với cán bộ làm công tác dân vận nói chung, cán bộ Mặt trận Tổ quốc nói riêng trong định hướng hoạt động thực tiễn nhằm xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta trong tình hình mới. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình đã công bố liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương, 10 tiết.