Luận án Quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Trong khi trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển thì các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Luật thuộc Đại học tổng hợp Virginia - Hoa Kỳ đã đưa ra một kết luận bất ngờ là: trong giai đoạn 1960-1992, sự tăng trưởng kinh tế của các nước theo hệ thống luật án lệ nhanh hơn và lớn hơn so với các nước theo hệ thống luật dân sự. Một trong những lý do của sự khác biệt đó là: pháp luật của các nước theo hệ thống luật án lệ đưa ra những bảo đảm tốt hơn đối với các quyền tài sản và quyền hợp đồng so với các nước theo hệ thống pháp luật dân sự [100]. Kết luận đã gây ra sự chú ý không chỉ của giới luật gia mà của cả các nhà quản lý. Có thể kiểm nghiệm kết luận này bằng chính thực tiễn của Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua. Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng chủ yếu là do Nhà nước đã đưa ra các quy định pháp luật bảo vệ quyền tự chủ của doanh nghiệp và tự do hợp đồng. Việc ban hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (1989), Bộ luật Dân sự (1995), Luật Thương mai (1997) và sau đó là Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005) thay thế các văn bản trên, đã đánh dấu những bước phát triển quan trọng của pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam. Quyền tự do hợp đồng đã từng bước được pháp luật bảo vệ. Sau 20 năm đổi mới, hệ thống các văn bản pháp luật về hợp đồng, về cơ bản, được xây dựng và hoàn thiện theo hướng ngày càng bảo đảm quyền tự do hợp đồng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, pháp luật về hợp đồng còn bộc lộ những bất cập, hạn chế trong việc bảo vệ quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, như: sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, hạn chế của các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về các hợp đồng trong những hoạt động thương mại đặc thù so với các quy định về hợp đồng của Bộ luật Dân sự (2005), nhất là các văn bản được ban hành trước Bộ luật Dân sự (2005). Ngay trong Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005) vẫn còn có những hạn chế trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng. Trong quá trình nước ta đang chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, dưới sức ép mạnh mẽ của tự do thương mại và quá trình toàn cầu hoá, pháp luật về hợp đồng của Việt Nam tuy đã được hoàn thiện nhưng vẫn còn ảnh hưởng của cơ chế cũ: Nhà nước vẫn còn can thiệp sâu vào quyền tự do khế ước, vừa không bảo vệ được trật tự công, đôi khi làm cho doanh nghiệp thế yếu và người tiêu dùng bị thiệt thòi trước các hành vi kinh doanh thiếu bình đẳng, lợi dụng vị thế thị trường gây thiệt hại cho đối tác. Việc bảo vệ quyền tự do xác lập hợp đồng của bên ở vị trí thế yếu trước các hành vi lạm dụng quyền tự do hợp đồng của bên có thế mạnh trong quan hệ hợp đồng chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể Trong thực tiễn giao kết hợp đồng ở Việt Nam đang tồn tại khá phổ biến việc các doanh nghiệp lạm dụng các “điều kiện thương mại chung”, các “hợp đồng mẫu” (hợp đồng được soạn trước), nhất là các hợp đồng được ký kết bởi các doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Do vậy, cần phải nghiên cứu xác định bản chất của các loại hợp đồng này. Các nhà lập pháp và Toà án, Thẩm phán cần phải tạo ra các công cụ pháp lý bảo vệ quyền tự do hợp đồng của bên yếu thế trước bên có thế mạnh hơn, bảo vệ sự “công bằng” trong giao kết hợp đồng [22]. Những hạn chế, bất cập này của pháp luật hợp đồng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện kịp thời. Do đó, tôi mạnh dạn chọn vấn đề: "Quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” làm đề tài luận án tiến sĩ luật học của mình. Việc này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở nước ta là vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trong những năm qua, giới nghiên cứu khoa học pháp lý đã có một số công trình, bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, như: "Pháp luật về hợp đồng” của TS Nguyễn Mạnh Bách (1995),"Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam" của PGS.TS Dương Đăng Huệ (2002), "Chế định hợp đồng kinh tế - Tồn tại hay không tồn tại" của GS.TS Lê Hồng Hạnh (2003), "Điều kiện thương mại chung và nguyên tắc tự do khế ước" của PGS.TS Nguyễn Như Phát (2003), "Điều chỉnh thông tin bất cân xứng và quản lý rủi ro trong pháp luật hợp đồng Việt Nam" của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (2003), "Một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi pháp luật Việt Nam về hợp đồng" (2004) và "Hoàn thiện pháp luật về biện pháp bảo đảm nhìn từ quyền tự do hợp đồng" của TS. Nguyễn Am Hiểu (2004), “Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và vấn đề cải cách pháp luật hợp đồng ở Việt Nam”của PGS.TS Phạm Hữu Nghị (2005), "Hoàn thiện chế định hợp đồng" của TS Phan Chí Hiếu (2005), Luận án tiến sĩ "Hợp đồng kinh tế vô hiệu và hậu quả của hợp đồng kinh tế vô hiệu" của Lê Thị Bích Thọ (2002), Luận án tiến sĩ "Chế độ hợp đồng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam giai đoạn hiện nay" của Phạm Hữu Nghị (1996) Đề tài này cũng thu hút được sự quan tâm chú ý của các tổ chức nghề nghiệp (như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các tổ chức và định chế quốc tế tại Việt Nam, như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Dự án Star Việt Nam Các tổ chức này cũng đã có một số nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong những công trình nghiên cứu trên, các tác giả đã tập trung luận giải một số vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật hợp đồng của Việt Nam. Tuy nhiên, do mục đích nghiên cứu của các công trình đặt ra khác nhau, nên các công trình này mới dừng lại ở một số vấn đề nghiên cứu cụ thể khi đề cập đến thực trạng pháp luật về hợp đồng của Việt Nam nhìn từ góc độ bảo đảm quyền tự do khế ước. Qua đó, các công trình chỉ ra một số hạn chế, bất cập nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện cụ thể, như: về tính thống nhất của pháp luật hợp đồng; hiệu lực của hợp đồng Chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, mang tính hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, nhằm đưa ra cơ sở khoa học, phương hướng, giải pháp việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam. Tuy vậy, các công trình nói trên là những tài liệu rất quí giá cho tác giả luận án tham khảo phục vụ việc nghiên cứu của mình. Luận án này sẽ nghiên cứu một cách đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại theo pháp luật Việt Nam và đưa ra những phương hướng, giải pháp để hoàn thiện. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Đối tượng nghiên cứu của luận án là: một số học thuyết, quan điểm luật học cơ bản về quyền tự do hợp đồng, hợp đồng và pháp luật về hợp đồng trong hoạt động thương mại; pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế và pháp luật của Việt Nam về hợp đồng trong hoạt động thương mại; thực tiễn xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu của luận án: việc giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận án đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại không nhằm đưa ra cách phân biệt truyền thống giữa hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự. Mục đích của việc giới hạn phạm vi nghiên cứu chỉ nhằm loại ra khỏi phạm vi nghiên cứu của luận án các hợp đồng dân sự không có mục đích kinh doanh (hợp đồng phục vụ mục đích tiêu dùng, hợp đồng lao động.). Tuy vậy, pháp luật về hợp đồng thương mại là một lĩnh vực pháp luật có nội dung rất rộng và phức tạp, không chỉ bao gồm các giao dịch thương mại nhằm cung cấp hay trao đổi hàng hoá, dịch vụ, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác (như: đầu tư, ngân hàng, chứng khoán, hàng hải, hàng không, sở hữu trí tuệ, xây dựng.). Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu ở những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. Khi phân tích thực trạng pháp luật về hợp đồng thương mại ở Việt Nam, tác giả giới hạn phạm vi đánh giá thực trạng pháp luật thông qua một số văn bản pháp luật cơ bản còn có những điểm hạn chế, bất cập chưa bảo đảm tốt quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Các lĩnh vực pháp luật thương mại có tính chuyên ngành cao, như: đầu tư, ngân hàng, chứng khoán, hàng hải, hàng không, sở hữu trí tuệ, xây dựng. là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sâu ở các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý khác. 4. Phương pháp nghiên cứu đề tài Khi nghiên cứu đề tài, tác giả luận án sử dụng phương pháp luận biện chứng duy vật của Chủ nghĩa Mác - Lênin và các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát trển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể, như: phương pháp tổng hợp, phân tích, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh luật học, phương pháp logic và lịch sử, nghiên cứu lý luận kết hợp với thực tiễn. 5. Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Trên cơ sở đó, luận án đề xuất các phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về hợp đồng, góp phần vào việc đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để đạt được mục đích trên, việc nghiên cứu đề tài có các nhiệm vụ sau: - Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại; vai trò, ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tự do hợp đồng. - Phân tích những nội dung cơ bản của pháp luật về hợp đồng. Đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của pháp luật Việt Nam hiện hành trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. - Đề xuất các quan điểm, phương hướng và những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. 6. Những đóng góp mới của luận án Luận án có những đóng góp mới sau: - Nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại; mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự với Luật Thương mại và các văn bản pháp luật chuyên ngành trong việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng thương mại; trên cơ sở đó xây dựng nguyên tắc áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật. - Xác định các yếu tố chi phối pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. - Xác định vai trò và sự tác động của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại và tác động của nó tới sự phát triển kinh tế - xã hội. - Đánh giá một cách khách quan thực trạng pháp luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. Trên cơ sở chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế, luận án khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. - Trên cơ sở nghiên cứu xu hướng phát triển và thực tiễn áp dụng pháp luật hợp đồng ở một số nước và ở Việt Nam, luận án đề xuất những phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án bao gồm 3 chương: Chương 1: Những vấn đề lý luận về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Chương 2: Thực trạng pháp luật về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. Chương 3: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Luan an - Nop Bao ve Nha nuoc.doc
- Ban sua LA sau BV co so.doc
- bia cong trinh.doc
- bia danh muc.doc
- bia ngoai.doc
- bia tom tat.doc
- bia tom tat.doc kin.doc
- Bia.doc
- cong trinh.doc
- HO SO BAO VE LA.rar