Luận án Ứng dụng quản trị nguồn lực doanh nghiệp của các doanh nghiệp bán lẻ trên thế giới: Bài học kinh nghiệm và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam

Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ kể từ 11/1/2015 khiến thị trường bán lẻ trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài với lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, và phương pháp quản trị hiện đại tạo ra thách thức lớn đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ cũng đang có xu hướng phát triển các kênh bán lẻ hiện đại, bán lẻ trực tuyến, bán lẻ đa kênh tích hợp, cửa hàng tiện ích. tạo nên diện mạo mới của thị trường bán lẻ và gia tăng áp lực lên các kênh bán lẻ truyền thống. Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan) đã và đang mở rộng hoạt động trên thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập. Nếu không có những sự thay đổi rõ rệt trong việc nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ sớm bị thất bại ngay trên chính thị trường nội địa. Để vượt qua những thách thức này doanh nghiệp bán lẻ cần tăng cường áp dụng những công cụ quản lý hiện đại giúp nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực. Trong đó, quản trị nguồn lực doanh nghiệp - ERP là giải pháp công nghệ thông tin và quản trị cho các doanh nghiệp trong tối ưu hóa hiệu quả sử dụng, khai thác các nguồn lực của doanh nghiệp. Trên thế giới, ERP đã được các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh triển khai từ những năm 1990 nhằm quản trị thông tin tổng thể trong doanh nghiệp bao gồm hệ thống kế toán, hàng tồn kho, nhân lực Mặc dù hệ thống ERP được ra đời nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý các nguồn lực tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên, ngành bán lẻ hiện nay lại được coi là ngành có tốc độ tăng trưởng ứng dụng ERP lớn nhất. Tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản. việc ứng dụng ERP tại các doanh nghiệp bán lẻ đã trở nên phổ biến. Các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ như Walmart, Amazon đều đã triển khai ERP và coi đây là hệ thống thông tin đóng vai trò quyết định đến thành công của việc vận hành và quản lý hoạt động bán lẻ.

docx198 trang | Chia sẻ: thientruc20 | Lượt xem: 486 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Ứng dụng quản trị nguồn lực doanh nghiệp của các doanh nghiệp bán lẻ trên thế giới: Bài học kinh nghiệm và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG LUẬN ÁN TIẾN SỸ ỨNG DỤNG QUẢN TRỊ NGUỒN LỰC DOANH NGHIỆP (ENTERPRISE RESOURCE PLANNING – ERP) CỦA CÁC DOANH NGHIỆP BÁN LẺ TRÊN THẾ GIỚI: BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CẠNH TRANH VÀ ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG Ngành: Kinh doanh NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN Hà Nội - 2019 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG LUẬN ÁN TIẾN SỸ ỨNG DỤNG QUẢN TRỊ NGUỒN LỰC DOANH NGHIỆP (ENTERPRISE RESOURCE PLANNING – ERP) CỦA CÁC DOANH NGHIỆP BÁN LẺ TRÊN THẾ GIỚI: BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CẠNH TRANH VÀ ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG Ngành: Kinh doanh Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh Mã số: 9340101 NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS Phạm Thị Hồng Yến PGS, TS Nguyễn Văn Thoan Hà Nội - 2019 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ một công trình khoa học nào khác. Tác giả luận án Nguyễn Thị Hồng Vân LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn PGS, TS Phạm Thị Hồng Yến và PGS, TS Nguyễn Văn Thoan đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, động viên và tạo mọi điều kiện cho tôi để tôi có thể hoàn thành luận án. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu trường Đại học Ngoại thương, Ban Chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh, Khoa Sau đại học, Bộ môn Thương mại điện tử cùng các thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè đã tạo điều kiện thuận lợi và nhiệt tình giúp đỡ để tôi có thể hoàn thành chương trình học tiến sĩ tại trường. Tôi xin chân thành cảm ơn các chuyên gia đến từ Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cùng các doanh nghiệp đã hỗ trợ tôi nhiệt tình trong quá trình nghiên cứu, thu thập dữ liệu, điều tra khảo sát, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin và đưa ra những góp ý, nhận xét rất hữu ích và quý báu để tôi hoàn thiện luận án của mình. Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới bố mẹ hai bên gia đình, chồng và các con đã tin tưởng, động viên, khích lệ, tạo động lực để tôi phấn đấu hoàn thành chương trình học. Tôi xin trân trọng cảm ơn! Tác giả luận án Nguyễn Thị Hồng Vân MỤC LỤC DANH MỤC THUẬT NGỮ VÀ TỪ VIẾT TẮT Viết tắt Thuật ngữ Tiếng Anh Giải thích thuật ngữ CNTT Công nghệ thông tin DN Doanh nghiệp DNBL Doanh nghiệp bán lẻ DNKS Doanh nghiệp khởi sự HTTT Hệ thống thông tin HTX Hợp tác xã KD Kinh doanh NCS Nghiên cứu sinh Các thuật ngữ tiếng Anh AI Artificial intelligence Trí tuệ nhân tạo AP Account Payables Kế toán phải trả AR Account Receivalbes Kế toán phải thu B2C Business to consumer Doanh nghiệp và người tiêu dùng Back-end Phần mềm quản lý các hoạt động hỗ trợ BI Business Intelligence Trí tuệ doanh nghiệp Brick and mortar Bán lẻ truyền thống BSC Balance score cards Thẻ điểm cân bằng Click and mortar Bán lẻ truyền thống kết hợp thương mại điện tử Cloud ERP Phần mềm ERP đám mây CRM Customer relationship management Quản trị quan hệ khách hàng CSFs Critical Success Factors Các yếu tố quyết định thành công EBI Electronic Business Index Chỉ số thương mại điện tử EFA Exploratory Factor Analysis Phân tích nhân tố ERP Enterprise Resource Planning Kế hoạch hóa nguồn lực doanh nghiệp/ Quản trị nguồn lực doanh nghiệp Front-end Phần mềm quản lý các hoạt động giao dịch với khách hàng INV Inventory Management Quản lý kho JIT Just-in-Time Đúng sản phẩm - với đúng số lượng - tại đúng nơi - vào đúng thời điểm KPI Key Performance Indicator Chỉ số đo lường hiệu quả công việc PO Purchasing Order Quản lý mua hàng Pure click Bán lẻ trực tuyến OM Order Management Quản lý đơn đặt hàng Omni channel retail Bán lẻ đa kênh tích hợp On-premise ERP Phần mềm ERP cài đặt tại doanh nghiệp RFID Radio Frequency Identification Thẻ nhận dạng tần số vô tuyến ROA Return on assets Tỷ số lợi nhuận ròng rên tài sản ROE Return on equity Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu ROE ROI Return on investment Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn đầu tư ROS Return on sale Tỷ số lợi nhuận ròng trên doanh thu SaaS Software-as-a-service Phần mềm được cung cấp như một dịch vụ SAP SAP Công ty phần mềm SAP SCM Supply chain management Quản trị chuỗi cung ứng SFA Sales Force Automation Tự động hoá đội ngũ bán hàng SPSS Statistical Package for the Social Sciences Phần mềm thống kê sử dụng trong nghiên cứu điều tra xã hội học TAM Technology Acceptance Model Mô hình chấp nhận công nghệ TOE Technology–Organization–Environment Công nghệ-Tổ chức-Môi trường USD United States Dollar Đồng đô la Mỹ VSIC Vietnam Standard Industrial Classification Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 1: Thông tin điều tra doanh nghiệp lần 1 21 Bảng 2: Thông tin điều tra doanh nghiệp lần 2 21 Bảng 1.1: Mã phân ngành Kinh tế Việt Nam (VSIC) 38 Bảng 1.2: Lợi ích của việc ứng dụng ERP trong doanh nghiệp bán lẻ 43 Bảng 1.3: Các giá trị kinh doanh mà hệ thống ERP đem lại 43 Bảng 1.4: Khung các nhóm yếu tố thành công chủ chốt CSFs 47 Bảng 1.5: Đánh giá hiệu quả ứng dụng ERP bằng các chỉ số tài chính 50 Bảng 1.6: Đánh giá hiệu quả ứng dụng ERP bằng các chỉ số phi tài chính 51 Bảng 1.7: Các giai đoạn đổi mới mô hình tăng trưởng tại Việt Nam 54 Bảng 1.8. Những nội dung chủ yếu của đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam 56 Bảng 2.1: Top 10 nhà bán lẻ toàn cầu 2016 (đơn vị: triệu USD) 61 Bảng 2.2: Các phần mềm ERP của các nhà cung cấp hàng đầu thế giới 67 Bảng 2.3: So sánh việc triển khai hệ thống ERP tại Walmart, Amazon và Nordstrom 75 Bảng 2.4: Đánh giá việc ứng dụng ERP tại Walmart, Amazon, Nordstrom, Wumart, MC Group, và Target 84 Bảng 3.1. Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach's Alpha trong SPSS 113 Bảng 3.2: Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach's Alpha trong SPSS đối với từng nhân tố 114 Bảng 3.3. Kết quả phân tích EFA lần 1 115 Bảng 3.4. Kết quả phân tích EFA lần 2 116 Bảng 3.5. Kết quả hồi quy đa biến 118 Bảng 3.6. Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu 120 DANH MỤC CÁC HÌNH Hình 1: Phương pháp phân tích nội dung 13 Hình 2: Quy trình nghiên cứu của luận án 16 Hình 1.1: Mô hình quản trị nguồn lực doanh nghiệp 27 Hình 1.2: Mô hình luồng thông tin trong quản trị nguồn lực doanh nghiệp 28 Hình 1.3: Minh hoạ các mô đun chức năng của phần mềm ERP 29 Hình 1.4: Quy trình triển khai dự án ERP 33 Hình 1.5: Mô hình chấp nhận công nghệ TOE 45 Hình 1.6: Mô hình đánh giá thành công của việc ứng dụng ERP của Zhu và cộng sự 46 Hình 1.7: Mô hình nghiên cứu đề xuất 60 Hình 2.1 Các loại phần mềm ERP 66 Hình 2.2: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng ERP tại Walmart 68 Hình 2.3: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng ERP tại Amazon.com 71 Hình 2.4: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng ERP tại Nordstrom 73 Hình 2.5: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng ERP tại Wumart 77 Hình 2.6: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng ERP tại MC Group 80 Hình 2.7: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng ERP của Target tại Canada 82 Hình 3.1: Các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam (tháng 1 năm 2018) 95 Hình 3.2: Thị phần các loại hình bán lẻ ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam 97 Hình 3.4: Tình hình sử dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp tại các doanh nghiệp bán lẻ 99 Hình 3.5: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng tới việc ứng dụng ERP tại các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam 111 Hình 3.6: Biểu đồ kết quả hồi quy đa biến 119 Hình 3.7: Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu 121 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ kể từ 11/1/2015 khiến thị trường bán lẻ trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài với lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, và phương pháp quản trị hiện đại tạo ra thách thức lớn đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ cũng đang có xu hướng phát triển các kênh bán lẻ hiện đại, bán lẻ trực tuyến, bán lẻ đa kênh tích hợp, cửa hàng tiện ích... tạo nên diện mạo mới của thị trường bán lẻ và gia tăng áp lực lên các kênh bán lẻ truyền thống. Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan) đã và đang mở rộng hoạt động trên thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập. Nếu không có những sự thay đổi rõ rệt trong việc nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ sớm bị thất bại ngay trên chính thị trường nội địa. Để vượt qua những thách thức này doanh nghiệp bán lẻ cần tăng cường áp dụng những công cụ quản lý hiện đại giúp nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực. Trong đó, quản trị nguồn lực doanh nghiệp - ERP là giải pháp công nghệ thông tin và quản trị cho các doanh nghiệp trong tối ưu hóa hiệu quả sử dụng, khai thác các nguồn lực của doanh nghiệp. Trên thế giới, ERP đã được các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh triển khai từ những năm 1990 nhằm quản trị thông tin tổng thể trong doanh nghiệp bao gồm hệ thống kế toán, hàng tồn kho, nhân lực Mặc dù hệ thống ERP được ra đời nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý các nguồn lực tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên, ngành bán lẻ hiện nay lại được coi là ngành có tốc độ tăng trưởng ứng dụng ERP lớn nhất. Tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản... việc ứng dụng ERP tại các doanh nghiệp bán lẻ đã trở nên phổ biến. Các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ như Walmart, Amazon đều đã triển khai ERP và coi đây là hệ thống thông tin đóng vai trò quyết định đến thành công của việc vận hành và quản lý hoạt động bán lẻ. Tại Việt Nam, quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP đã được nhắc đến từ những năm 2000, tuy nhiên, việc ứng dụng ERP tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ còn rất hạn chế. Cụ thể, có khoảng 11% doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã ứng dụng ERP. Chỉ có những doanh nghiệp có quy mô lớn, vốn lớn, số lượng hàng bán nhiều thì mới triển khai áp dụng hệ thống ERP như SaigonCoop, Nguyễn Kim, Trần Anh, Thế giới di động. Những doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế triển khai ứng dụng ERP từ hỗ trợ của công ty mẹ ở nước ngoài, điều này cũng gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bán lẻ nội địa, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần có những bước chuyển mình nhanh chóng để tồn tại trên chính thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh và đổi mới mô hình tăng trưởng. Để có thể trụ vững và phát triển, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam một mặt cần phải nghiên cứu xu hướng tiêu dùng trong nước nhằm định hướng phát triển cho ngành bán lẻ, mặt khác cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại để có thể tối ưu hóa các nguồn lực doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên chính thị trường nội địa. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các chủ trương và chính sách để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra: “Mở rộng thị trường nội địa, phát triển mạnh thương mại trong nước”, đồng thời “Chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam.” Để làm được điều đó, các doanh nghiệp bán lẻ cần có công cụ mạnh để xây dựng kế hoạch kinh doanh nhanh chóng và tức thời dựa trên các báo cáo theo thời gian thực, kiểm soát khối lượng hàng hóa lớn tại các cửa hàng và kho hàng có vị trí phân tán, quản lý và chăm sóc khách hàng trên nhiều kênh bán lẻ tích hợp. Việc ứng dụng ERP một mặt đem lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong việc chủ động kiểm soát và phối kết hợp các nguồn lực, cắt giảm chi phí, cải tiến quy trình kinh doanh. Mặt khác, trên thực tế cho thấy đây là quá trình không dễ dàng với đa số các doanh nghiệp, chỉ một số doanh nghiệp ứng dụng ERP thành công, nhiều doanh nghiệp thất bại hoặc gặp rất nhiều khó khăn và phải kéo dài thời gian triển khai ERP. Hơn nữa, ứng dụng ERP đòi hỏi đầu tư lớn và nhiều yếu tố quan trọng khác như sự quyết tâm của ban lãnh đạo doanh nghiệp, sự sẵn sàng tham gia và chấp nhận của con người sử dụng hệ thống, yêu cầu cải tiến quy trình doanh, và sự chấp nhận của đối tác. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm ứng dụng quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) của các nhà bán lẻ trên thế giới từ đó rút ra bài học và đề xuất các giải pháp phù hợp cho các nhà bán lẻ Việt Nam là cần thiết và có giá trị thực tiễn. Do đó, Nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài “Ứng dụng quản trị nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise resource planning – ERP) của các doanh nghiệp bán lẻ trên thế giới: bài học kinh nghiệm và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh và đổi mới mô hình tăng trưởng” làm đề tài tiến sỹ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu 2.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), tổng quan nghiên cứu về ERP, quy trình triển khai dự án ERP trong doanh nghiệp, vai trò và tác động của ERP đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các yếu tố đảm bảo thành công (critical success factors - CSFs) của dự án ERP, những xu hướng phát triển ERP. Tiêu biểu trong đó có: Nghiên cứu tổng quan về ứng dụng ERP: Esteves và Pastor (2001), Al-Mashari (2002), Moon (2007), Schlichter (2010) là các nghiên cứu điển hình đưa ra những báo cáo thống kê về các nghiên cứu, bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành về ERP. Các nghiên cứu này đã tổng hợp và thống kê các chủ đề chính được các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới thảo luận và phân tích về ERP như hoạt động triển khai hệ thống ERP, vận hành hệ thống ERP, vai trò và lợi ích của hệ thống ERP tác động lên hoạt động kinh doanh, các yếu tố đảm bảo thành công (CSFs) của ERP, vai trò của ERP trong chuỗi cung ứng (SCM), phần mềm ERP, các tình huống ứng dụng thành công hoặc thất bại ERP. Những nghiên cứu mang tính chất tổng hợp này là tài liệu có nhiều giá trị tham khảo đối với Nghiên cứu sinh trong việc khái quát hóa tổng quan nghiên cứu, chỉ ra các vấn đề đã được thừa nhận, những xu hướng trong nghiên cứu về ERP qua các giai đoạn (1970 - 1999, 2000 - 2005, 2005 - 2010, 2010 - 2018), và chỉ ra các điểm trống nghiên cứu về ERP. Các nghiên cứu về tác động của việc triển khai ERP tới hoạt động kinh doanh, tới phản ứng của thị trường đối với doanh nghiệp: Nghiên cứu của Hayes và cộng sự (2001) về phản ứng của thị trường khi các công ty công bố triển khai ERP. Nghiên cứu chỉ ra rằng các phản hồi tích cực lại đến hầu hết các công ty nhỏ và hoạt động tốt hơn là các công ty lớn. Còn thị trường thì lại phản hồi tích cực với các nhà cung cấp ERP lớn, như PeopleSoft và SAP, các công ty này có các phản hồi tích cực hơn hẳn các nhà cung cấp ERP nhỏ khác. Kế thừa nghiên cứu này của Hayes và cộng sự, nghiên cứu của Hunton và cộng sự (2003) phân tích tác động của hệ thống ERP tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và so sánh giữa các công ty có triển khai và không triển khai ERP dựa trên các chỉ số tài chính ROA, ROS, ROI. Kết quả nghiên cứu của Hunton và cộng sự (2003) cũng chỉ ra các tác động tích cực của việc áp dụng ERP tới kết quả hoạt động kinh doanh, và có kết quả nhất quán với công bố trước đó của Hayes và cộng sự (2001). Các nghiên cứu sau này về tác động của ERP tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như Nicolaou và cộng sự (2006), Wieder và cộng sự (2006),... cũng chỉ ra các kết quả tương tự trong các bối cảnh tại các thị trường khác nhau như tại Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc... Đặc biệt, nghiên cứu của Wieder và cộng sự (2006) có chỉ ra chỉ có các doanh nghiệp ứng dụng cả 2 hệ thống ERP và SCM (quản trị chuỗi cung ứng) thì có kết quả hoạt động cao hơn đáng kể ở cấp độ quy trình kinh doanh (business process level). Một cách tiếp cận khác để đánh giá tác động của việc ứng dụng ERP tới kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được phân tích trong nghiên cứu của Murphy và cộng sự (2002). Nghiên cứu này đánh giá tầm quan trọng của các lợi ích vô hình quan trọng của dự án ERP và giải thích mô hình để có thể đưa các yếu tố này bổ sung vào các kỹ thuật đánh giá truyền thống (sử dụng các công cụ tài chính như ROA, ROI mà Hayes, Hunton và các cộng sự đã làm). Các lợi ích vô hình (không đo lường được bằng các chỉ tiêu tài chính) được đề cập đến bao gồm: gia tăng sự hài lòng của khách hàng, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong tổ chức, xây dựng mối liên kết chiến lược, xây dựng sự linh hoạt cho những thay đổi của hệ thống trong hiện tại và tương lai, hỗ trợ thay đổi trong tổ chức, tạo môi trường học tập, trao quyền cho nhân viên, và xây dựng tầm nhìn chung cho doanh nghiệp. Tóm lại, các lợi ích vô hình được tạo nên trên nền tảng hiệu quả ra quyết định, tri thức, và hợp tác. Nghiên cứu của Murphy và cộng sự (2002) có giá trị to lớn để giúp các nghiên cứu mở rộng nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng ERP trong doanh nghiệp mà không dựa trên các chỉ số tài chính. Ngoài ra, các nghiên cứu đánh giá về tác động tích cực của ERP tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng các yếu tố đánh giá phi tài chính có thể kể đến là nghiên cứu của Kang (2008), Zhu và cộng sự (2010), Ruivo và cộng sự (2014), Beheshti (2010). Trái lại, nghiên cứu của Hawking và cộng sự (2004), chỉ ra tác động tiêu cực của việc triển khai SAP ERP tới 12 chỉ số đánh giá hiệu quả doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu được luận giải do bản thân các doanh nghiệp tại Australia được lựa chọn trong nghiên cứu tại thời điểm đó. Các nghiên cứu về triển khai ERP (ERP implementation) và quy trình triển khai dự án ERP: nghiên cứu của Marnewick và cộng sự (2005) đã đưa ra một mô hình giải thích sự phức tạp của hệ thống ERP cho các nhà quản lý một cách phi kỹ thuật và dễ hiểu. Nghiên cứu của này chỉ ra hệ thống ERP không chỉ là phần mềm mà còn bao gồm cả quy trình kinh doanh và quản lý trong doanh nghiệp. Để triển khai thành công ERP cần có sự hiểu biết rõ ràng về các thành phần khác nhau của hệ thống và sự tích hợp trong doanh nghiệp. Các tác giả nhấn mạnh mô hình này có thể áp dụng cho bất kỳ hệ thống ERP nào và không phụ thuộc vào nhà cung cấp và giúp xác định phạm vi của dự án ERP. Bên cạnh đó, các cuốn sách của Wallace và Kremzar (2001), Chorafas (2001), Monk và Wagner (2013), là những cuốn sách tiêu biểu đề cập đến việc ứng dụng ERP trong doanh nghiệp trên các khía cạnh công nghệ và quản lý. Các nghiên cứu về các yếu tố quyết định thành công (CSFs) của dự án ERP: có rất nhiều nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá tác động của các yếu tố tới thành công của dự án ERP, điển hình phải kể đến nghiên cứu của Rockart (1979) đã đưa ra phương pháp mới để đánh giá yếu tố quyết định công (CSFs) vào năm 1979, sau đó phương pháp đánh giá CSFs được sử dụng rộng rãi để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công và thất bại của việc triển khai ERP. Một nghiên cứu nền tảng cho việc đánh giá thành công của dự án ERP đó là mô hình TOE (Technology - Organization - Environment: Công nghệ - Tổ chức - Môi trường) được phát triển bởi DePietro và cộng sự (1990). Mô hình TOE là mô hình đánh giá việc áp dụng công nghệ vào bối cảnh của tổ chức, bao gồm cả công nghệ và quy trình, quy mô, đặc điểm và nguồn lực của công ty, bao gồm cả cấu trúc ngành và bối cảnh kinh tế. Các nghiên cứu sau này của các tác giả như Zouaghi và cộng sự (2012), Ram và cộng sự (2013), Ağaoğlu và cộng sự (2015), Nah và cộng sự (2015) đã đưa ra các phân tích đánh giá CSFs của dự án ERP trên nhiều góc độ khác nhau từ phía nhà quản lý đến người dùng, trước và sau khi triển khai dự án ERP. Các nghiên cứu của Esteves và Pastor (2001) và Villari và cộng sự (2014) đi sâu phân tích vai trò của người dùng tới sự thành công của dự án ERP. Các nghiên cứu này là những tài liệu tham khảo hữu ích cho việc đánh giá thực trạng ứng