Luận văn Các giải pháp hoàn thiện và phát triển hoạt động Logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng Container đường biển vào thị trường Mỹ trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
1. Tính cấp thiết của đề tài: Doanh nghiệp là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ của xã hội nên mỗi doanh nghiệp đều phải liên kết chặt chẽ với thị trường ở đầu vào lẫn đầu ra của sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp có quyền tự chủ lựa chọn các yếu tố đầu vào và quyết định việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu ra. Thực hiện sự tự chủ này nghĩa là doanh nghiệp tổ chức quá trình tìm kiếm, tiếp nhận các nguồn lực sản xuất, tổ chức quá trình lưu thông và phân phối hàng hóa, dịch vụ. Đó chính là chức năng logistics tồn tại tất yếu trong mỗi doanh nghiệp. Hoạt động logistics trong giao nhận là một hình thứcmới xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây, đem lại nhiều lợi ích kinh tế như tối ưu hóa sử dụng thể tích, trọng tải container, tiết kiệm chi phí giao nhận vận tải, tổ chức vận chuyển có hệ thống phù hợp ngày cần hàng, cung cấp thông tin làm cơ sở phân tích, quản lý, hoạch định dây chuyền cung ứng, thúc đẩy thương mại điện tử, tuy nhiên những thách thức từ môi trường bên ngoài cũng như những hạn chế nội tại đã cản trở sự phát triển của hoạt động này. Do đó cần thiết có sự nghiên cứu, đánh giá thực trạng nhằm hoàn thiện và phát triển hoạt động logistics. Việc chọn hoạt động logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu vào thị trường Mỹ làm đối tượng nghiên cứu vì logistics được áp dụng tương đối phổ biến và tiêu biểu vàomặt hàng giày dép, kết quả nghiên cứu có khả năng mở rộng ra ứng dụng cho các ngành hàng khác như may mặc, cho các thị trường khác như EU, Nhật Bản, ; Mỹ là thị trường quốc gia lớn nhất cho hàng xuất khẩu của ViệtNam (kim ngạch năm 2003 đạt 4,55 tỷ USD); giày dép hiện đứng vị trí thứ 3 trong KNXK vào Mỹ, đạt 392,6 triệu USD năm 2003, tăng 54,8% (nguồn: Cục Thống kê Mỹ). Vì vậy,tác giả đã chọn đề tài Luận văn “Các giải pháp hoàn thiện và phát triển hoạt động logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng container đường biển vào thị trường Mỹ trên địa bàn Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam”. 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài: 2.1. Đúc kết một số lý luận về logistics. 2.2. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển logistics của các quốc gia Trung Quốc, Singapore và rút ra bài học cho Việt Nam. 2.3. Nghiên cứu thực trạng tổ chức hoạt động logistics củacác doanh nghiệp trên địa bàn Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng container vào thị trường Mỹ, nhận diện các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (phân tích SWOT). 2.4. Đề ra các địnhhướng chiến lược, giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện và phát triển hoạt động logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng container vào thị trường Mỹ. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: 3.1. Đối tượng nghiên cứu:là hoạt động logistics trong giao nhận bằng container đường biển cho giày dép xuất khẩu vào thị trường Mỹ trên địa bàn VKTTĐPN. Đối tượng doanh nghiệp mà tácgiả nghiên cứu bao gồm: - Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ. - Công ty thương mại, người mua, đại diện của một số tập đoàn sản xuất và tiêu thụ giày dép vào thị trường Mỹ. - Công ty cung cấp dịch vụ logistics cho giày dép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. 3.2. Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu về mặt không gian là các doanh nghiệp trên địa bàn VKTTĐPN tiêu biểu là 4 tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện nay VKTTĐPN được mở rộng thêm 3 tỉnh mới là Long An, Tây Ninh và Bình Phước, tuy nhiên tác giả chỉ khảo sát ở 4 tỉnh thành phố trên vì đây là địa bàn tập trung các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép,chiếm đến 79,71% KNXK giày dép cả nước (năm 2003). Phạm vi nghiên cứu về mặt thời gian chủ yếu từ năm 2000 (đánh dấu sự kiện Hiệp định thương mại Việt – Mỹ được ký ngày 13/7/2000) đến hết tháng 9 năm 2004. 4. Phương pháp nghiên cứu: 4.1. Phương pháp điều tra xã hội học:Để tiếp cận với thực tiễn hoạt động logistics, tác giả đã thực hiện điều tra xã hội học từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2004, kết hợp phỏng vấn và gửi bảng câu hỏi đến tổng số 162 công ty, kết quả nhận được trả lời từ 61 công ty trong đó có 54 phiếu phù hợp, sử dụng được. 4.2. Phương pháp phân tích thống kê, so sánh và tổng hợp: Kết hợp điều tra xã hội học với các số liệu nghiên cứu của các đề tài đã thựchiện, số liệu từ Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, từ các báo cáo phân tích của Bộ Thương mại, Hội đồng thương mại Việt Mỹ, từ Internet, để phân tích, đánh giá, so sánh và tổng hợp. 4.3. Phương pháp tư duy:tác giả sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và tư duy logic trong phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp. 5. Điểm mới của đề tài: Điểm mới của đề tài là nội dung nghiên cứu về logistics, đây là lĩnh vực còn tương đối mới về mặt lý luận ở nước ta, cho đến nay mới chỉ có một công trình nghiên cứu chuyên khảo của Phó Giáo sư Tiến sỹ Đoàn Thị Hồng Vân về logistics được xuất bản ở Việt Nam. Trước đây cũng đã có một số đề tài về thị trường Mỹ như “Những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ” (năm 2001) của Giáo sư Tiến sỹ Võ Thanh Thu,Luận văn Thạc sỹ về “Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng giày dép sang thị trường Hoa Kỳ” (năm 2003) của Lục Đan Mỹ Uyên, tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu nào về hoạt động logistics cho hàng giày dép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. 6. Kết cấu của Luận văn: Luận văn được thực hiện gồm 71 trang, chứa đựng 15 bảng, 4 hình vẽ và đồ thị, 10 Phụ lục, kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Tổng quan về Logistics. Chương 1 tập trung nghiên cứu lý luận về khái niệm Logistics, mối quan hệ giữa Logistics với Quản trị Dây chuyền cung ứng, vai trò và ý nghĩa của Logistics đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, xu hướng phát triểnLogistics trên thế giới, và kinh nghiệm phát triển Logistics của các quốc gia để rút ra bàihọc cho Việt Nam. Chương 2: Phân tích hoạt động Logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng container đường biển vào thị trườngMỹ trên địa bàn Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam. Trong chương này tác giả đi vào phân tích ngành sản xuất - xuất khẩu giày dép trên địa bàn VKTTĐPN, đặc điểm thị trường giày dép của Mỹ, phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động Logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng container đường biển vào thị trường Mỹ trên địa bàn VKTTĐPN, từ đó rút ra các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Chương 3: Các giải pháp hoàn thiện và phát triển hoạt động Logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng container đường biển vào thị trường Mỹ trên địa bàn Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam. Ở chương 3, tác giả xác định mục tiêu, quan điểm và căn cứ đề xuất giải pháp, xây dựng các định hướng chiến lược, cácgiải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện, phát triển hoạt động Logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng container đường biển vào thị trường Mỹ trên địa bàn VKTTĐPN.