Luận văn Các tội phạm tình dục theo quy định của luật hình sự Việt Nam và một số nước trên thế giới

Trong xu thế hội nhập quốc tế cùng với việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được cải thiện, đời sống nhân dân ngày được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện tượng tội phạm ngày càng gia tăng gây nhức nhối trong xã hội, một trong số đó là vấn đề các tội xâm phạm tình dục có xu hướng diễn biến hết sức phức tạp, gây quan ngại đối với toàn thể xã hội. Đây không chỉ là vấn nạn ở Việt Nam mà còn là vấn nạn ở nhiều nơi trên thế giới. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trên phạm vi toàn quốc, ngành tòa án đã xét xử trong năm 2011 là 1.352 vụ về các tội phạm tình dục với 1.568 bị cáo; năm 2012 đã xét xử 1.604 vụ với 1.864 bị cáo; năm 2013 đã xét xử 1.903 vụ với 2.140 bị cáo; năm 2014 đã xét xử 2.107 vụ về với 2.393 bị cáo; năm 2015 đã xét xử 1.846 vụ với 2.012 bị cáo. Số liệu này cho thấy, giai đoạn từ năm 2011 – 2014 số vụ và số bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội phạm tình dục đều tăng liên tục. Riêng năm 2015 số vụ và bị cáo đưa ra xét xử về các tội phạm này có sự giảm nhẹ, song không đáng kể. Như vậy, có thể thấy tội phạm về tình dục ở nước ta rất đáng lo ngại. Mặt khác,“Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef), trên toàn thế giới, 1/5 nữ giới và 1/7 nam giới đã từng bị xâm hại tình dục, 9% đến 25% trẻ em ở khu vực Châu Á đã phải chịu đựng nhiều mức độ xâm hại thể chất khác nhau, theo khảo sát 30% cả bé trai và bé gái đã từng phải chịu đựng cưỡng bức tình dục ”

doc93 trang | Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 5531 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Các tội phạm tình dục theo quy định của luật hình sự Việt Nam và một số nước trên thế giới, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI HOÀNG THỊ NGỌC BÍCH CÁC TỘI PHẠM TÌNH DỤC THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC HÀ NỘI – NĂM 2016 DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT BLHS : Bộ luật Hình sự BLTTHS : Bộ luật tố tụng hình sự TNHS : Trách nhiệm hình sự CTTP : Cấu thành tội phạm TANDTC : Tòa án nhân dân tối cao Nxb : Nhà xuất bản CHND : Cộng hòa nhân dân MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong xu thế hội nhập quốc tế cùng với việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được cải thiện, đời sống nhân dân ngày được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện tượng tội phạm ngày càng gia tăng gây nhức nhối trong xã hội, một trong số đó là vấn đề các tội xâm phạm tình dục có xu hướng diễn biến hết sức phức tạp, gây quan ngại đối với toàn thể xã hội. Đây không chỉ là vấn nạn ở Việt Nam mà còn là vấn nạn ở nhiều nơi trên thế giới. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trên phạm vi toàn quốc, ngành tòa án đã xét xử trong năm 2011 là 1.352 vụ về các tội phạm tình dục với 1.568 bị cáo; năm 2012 đã xét xử 1.604 vụ với 1.864 bị cáo; năm 2013 đã xét xử 1.903 vụ với 2.140 bị cáo; năm 2014 đã xét xử 2.107 vụ về với 2.393 bị cáo; năm 2015 đã xét xử 1.846 vụ với 2.012 bị cáo. Số liệu này cho thấy, giai đoạn từ năm 2011 – 2014 số vụ và số bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội phạm tình dục đều tăng liên tục. Riêng năm 2015 số vụ và bị cáo đưa ra xét xử về các tội phạm này có sự giảm nhẹ, song không đáng kể. Như vậy, có thể thấy tội phạm về tình dục ở nước ta rất đáng lo ngại. Mặt khác,“Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef), trên toàn thế giới, 1/5 nữ giới và 1/7 nam giới đã từng bị xâm hại tình dục, 9% đến 25% trẻ em ở khu vực Châu Á đã phải chịu đựng nhiều mức độ xâm hại thể chất khác nhau, theo khảo sát 30% cả bé trai và bé gái đã từng phải chịu đựng cưỡng bức tình dục” Xem Để đấu tranh phòng chống tội phạm tình dục, nhà nước cần tiến hành đồng bộ các biện pháp khác nhau, trong đó, biện pháp hình sự đóng vai trò vô cùng quan trọng. BLHS năm 1999 (BLHS hiện hành) quy định về các tội phạm về tình dục đã góp phần quan trọng vào đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Tuy nhiên, theo thời gian, xã hội Việt Nam ngày càng biến đổi hết sức nhanh chóng, Bộ luật này đã bộc lộ những bất cập nhất định. Những bất cập, tồn tại này cũng ảnh hưởng nhất định đến việc áp dụng BLHS trên thực tế. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập quốc tế, nghiên cứu so sánh với quy định của pháp luật hình sự nước ngoài, từ đó học tập kinh nghiệm về lập pháp hình sự nhằm hoàn thiện luật là rất cần thiết. Do đó, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu một cách toàn diện quy định của BLHS hiện hành về các tội phạm tình dục, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm lập pháp hình sự của nước ngoài, chỉ rõ những bất cập của BLHS hiện hành cần phải sửa đổi, bổ sung, đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm làm cho các quy định này ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 tuy đã được Quốc hội thông qua, nhưng chưa có hiệu lực. Do vậy, việc tìm ra những bất cập của Bộ luật này để phục vụ cho việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung sắp tới là rất thiết thực. Với lí do trên, tác giả đã chọn và nghiên cứu đề tài: “Các tội phạm tình dục theo quy định của luật hình sự Việt Nam và một số nước trên thế giới” làm luận văn thạc sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Các tội xâm phạm tình dục là một vấn đề luôn dành được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn. Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu liên quan đến đề tài này bao gồm: * Luận văn thạc sĩ gồm có: - “Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trong Luật hình sự Việt Nam và đấu tranh phòng chống loại tội phạm này”, Tác giả Trịnh Thị Thu Hương, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2004; - “Tội giao cấu với trẻ em theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành”, tác giả Trần Thùy Chi, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2011; - “Tội hiếp dâm – so sánh giữa Bộ luật hình sự Việt Nam và Bộ luật hình sự một số nước”, tác giả Bùi Thị Quyên, Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2013. * Sách chuyên khảo gồm có: + “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, tác giả Trần Văn Luyện, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000; *Bài viết trên tạp chí gồm có: + “Về các tội phạm tình dục trong luật hình sự Việt Nam”, tác giả Dương Tuyết Miên, Tạp chí Luật học, số 06, năm 1998; +“Một số ý kiến khi áp dụng tình tiết định khung “Nhiều người hiếp một người”, tác giả Nguyễn Thị Tuyết, Tạp chí Toà án nhân dân, số 03/1999; + “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người – so sánh giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 1985”, tác giả Nguyễn Ngọc Hoà, Tạp chí Luật học số 1, năm 2001; + “Những điểm mới cơ bản về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người trong Bộ luật Hình sự năm 1999”, tác giả Trần Văn Luyện, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3, năm 2001; +“Hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm tình dục trẻ em”, Tác giả Phạm Mạnh Hùng, Tạp chí Toà án nhân dân, số 12/2002; +“Về tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự”, Tác giả Nguyễn Hiển Khanh,Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 02/2004; +“Luật hình sự Việt Nam nhìn từ góc độ tiếp cận giới”, tác giả Nguyễn Tuyết Mai, Tạp chí Luật học, số 03/2007; +“Một vài ý kiến trao đổi về tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự”, tác giả Đỗ Việt Cường, Tạp chí Kiểm sát, số 23/2008; + “Trao đổi về tội hiếp dâm theo Điều 111 Bộ luật hình sự”, tác giả Đỗ Xuân Nam, Tạp chí Kiểm sát, số 07/2009; + “Những bất cập và phương hướng hoàn thiện quy định về một số tội xâm phạm nhân phẩm của con người trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999”, tác giả Phạm Văn Báu, Tạp chí Luật học, số 01/2010; + “Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người”, tác giả Đỗ Đức Hồng Hà, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 08 (169) năm 2010; + “Một số ý kiến trao đổi về tội giao cấu với trẻ em”, tác giả Phạm Văn Nhớ, Tạp chí Kiểm sát, số 11/2010; + “Bàn về một số dấu hiệu pháp lý của tội hiếp dâm”, Tác giả Bùi Thị Quyên, Tạp chí Toà án nhân dân, số 23/2012; + “So sánh dấu hiệu định tội của tội hiếp dâm trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành với Bộ luật hình sự của một số nuớc và một số kiến nghị”, tác giả Dương Tuyết Miên, Bùi Thị Quyên, Tạp chí Toà án nhân dân, số 7/2013; + “Truy cứu trách nhiệm hình sự tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em – khó khăn, vướng mắc và kiến nghị”, tác giả Hoàng Quảng Lực, Tạp chí Toà án nhân dân, số 13/2014; + “Một số vướng mắc trong xét xử trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em chưa đủ 13 tuổi có tính chất loạn luân”, Tác giả Vũ Hải Anh, Tạp chí Nghề Luật, số 01/2015; + “Về quy định đối với các tội hiếp dâm - hiếp dâm trẻ em”, Tác giả Trần Hà Bảo Khuyên, Tạp chí Toà án nhân dân, số 11/2015; + “Bình luận về các tội phạm về tình dục trong chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)”, tác giả Dương Tuyết Miên, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Số chuyên Sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015. + “Một số điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 về nhóm các tội phạm tình dục”, tác giả Vũ Hải Anh, tạp chí Nghề luật, sô 3/2016. Ngoài ra, các giáo trình của các cơ sở đào tạo luật trên cả nước đều đề cập đến nhóm các tội xâm phạm tình dục như: Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, tập 1 của Trường ĐH Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010; Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam của Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2007; Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, phần các tội phạm của Học viện Cảnh sát nhân dân, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, năm 2012. Một số sách bình luận khoa học về BLHS cũng đề cập đến nhóm tội này Các công trình trên ở các mức độ khác nhau đã làm rõ về vấn đề lí luận cũng như thực tiễn áp dụng, vướng mắc ở một sô tội phạm tình dục hoặc một tội nhất định. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện về các tội phạm tình dục theo BLHS năm 1999 có so sánh với BLHS một số nước trên thế giới, đồng thời cũng có sự liên hệ đánh giá quy định tương ứng của BLHS năm 2015, đề xuất những giải pháp góp phần hoàn thiện quy định của các Bộ luật này. Vì lí do đó, việc tác giả lựa chọn đề tài “Các tội phạm tình dục theo quy định của Luật hình sự Việt Nam và một số nước trên thế giới” là hoàn toàn cần thiết. 3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của đề tài là làm sáng tỏ một cách có hệ thống và toàn diện những quy định của BLHS Việt Nam hiện hành, có sự liên hệ, đánh giá với BLHS năm 2015 và BLHS của một số nước trên thế giới về các tội phạm tình dục. Do BLHS hiện hành (BLHS năm 1999) vẫn đang được áp dụng, do vậy, tác giả sẽ đề xuất những giải pháp hoàn thiện luật Bộ luật hiện hành trên cơ sở chỉ ra những bất cập của Bộ luật này. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 tuy đã được Quốc hội thông qua nhưng đã bị lùi hiệu lực do phát hiện có một số sai sót, do vậy, tác giả cũng sẽ nghiên cứu BLHS năm 2015, đề xuất giải pháp hoàn thiện trên cơ sở đánh giá bất cập của bộ luật này, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm tình dục trên thực tế. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, tác giả đặt ra những nhiệm vụ sau: - Phân tích các dấu hiệu định tội, đường lối xử lý của các tội xâm phạm tình dục theo BLHS năm 1999, tìm ra những bất cập của Bộ luật này khi quy định về các tội trên; - Đánh giá quy định của BLHS năm 2015 đối với các tội xâm phạm tình dục, chỉ ra những điểm mới cũng như những bất cập còn tồn tại; - Phân tích các dấu hiệu định tội, đường lối xử lý đối với các tội phạm tình dục của BLHS một số nước. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho nước ta trong việc quy định về các tội phạm tình dục. - Tìm ra được giải pháp hoàn thiện BLHS năm 1999 và đặc biệt là BLHS năm 2015. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các quy định của BLHS Việt Nam năm 1999, BLHS năm 2015 đối với các tội phạm tình dục. Bên cạnh đó, luận văn cũng nghiên cứu qui định của BLHS của một số nước trên thế giới về các tội phạm tình dục. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn được nghiên cứu dưới góc độ luật hình sự. Tác giả tập trung nghiên cứu quy định của BLHS năm 1999 về các tội phạm tình dục. Bên cạnh đó, tác giả cũng liên hệ đánh giá về quy định của BLHS năm 2015 về nhóm tội này. Tác giả cũng có nghiên cứu quy định của BLHS một số nước (Liên bang Nga, Trung Quốc) về các tội phạm tình dục. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Phương pháp luận tác giả sử dụng nghiên cứu luận văn là phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về hình sự và cải cách tư pháp. Phương pháp nghiên cứu được tác giả sử dụng là phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp 6. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, bảng chữ viết tắt và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2 chương: Chương 1: Quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 về các tội phạm tình dục Chương 2: Quy định của Bộ luật hình sự một số nước trên thế giới về các tội phạm tình dục và phương hướng hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về nhóm tội này CHƯƠNG 1 QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 1999 VỀ CÁC TỘI PHẠM TÌNH DỤC ...................... Các tội xâm phạm tình dục là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về nhân phẩm, danh dự của con người (trong đó chủ yếu là phụ nữ) Xem Dương Tuyết Miên, Về các tội phạm tình dục trong Luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Luật học số 6/1998, tr44. . Trong phạm vi chương 1, tác giả sẽ phân tích quy định của BLHS Việt Nam hiện hành (BLHS năm 1999) về dấu hiệu định tội, đường lối xử lý đối với các tội xâm phạm tình dục, đồng thời chỉ ra bất cập còn tồn tại của Bộ luật này. BLHS hiện hành quy định 7 Điều luật về các tội phạm tình dục. Đó là các tội: - Tội hiếp dâm (Điều 111 BLHS); - Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS); - Tội cưỡng dâm (Điều 113 BLHS); - Tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 BLHS); - Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 BLHS); - Tội dâm ô đối với trẻ em (Điều 116 BLHS); - Tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256 BLHS). Sau đây, tác giả sẽ phân tích cụ thể từng tội danh. 1.1. Tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em (Điều 111, Điều 112 BLHS) 1.1.1. Dấu hiệu định tội của tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em *Tội hiếp dâm (Điều 111 BLHS) Căn cứ khoản 1 Điều 111 BLHS có thể hiểu: “Tội hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ”. Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (tập 1), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr423. Khách thể của tội hiếp dâm là quyền bất khả xâm phạm về tình dục của người phụ nữ. Đây là một quyền hết sức quan trọng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Do đó, bất kì hành vi xâm phạm tình dục nào cũng là vi phạm pháp luật và đều phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Chủ thể của tội phạm theo Luật hình sự Việt Nam phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu TNHS. Thực tiễn xét xử ở Việt Nam từ trước đến nay đều thừa nhận chủ thể của tội hiếp dâm là chủ thể đặc biệt - nam giới. Nữ giới chỉ có thể tham gia trong vụ đồng phạm hiếp dâm với vai trò là người xúi giục, giúp sức hay tổ chức. Hành vi khách quan của tội hiếp dâm được mô tả ở khoản 1 Điều 111 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ ”. Như vậy, hành vi khách quan của tội hiếp dâm là hành vi giao cấu với người phụ nữ trái với ý muốn của họ bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác. Ví dụ: Khoảng 21h ngày 24/2/2007 (tức ngày mồng 8 tết) Luận, Doanh, May, Động đi chơi, tới gần đường rẽ vào nghĩa trang gặp đôi nam nữ thanh niên là Tùng và Thu. Luận, Doanh, May, Động đã chặn đôi nam nữ lại. Động và May lôi chị Thu về phía bờ ruộng gần đó, cả hai khống chế lột hết quần áo của chị Thu và lần lượt thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân mặc dù nạn nhân đã van xin xin tha. (Theo Bản án số 21/2008/HSST ngày 28/10/2008 của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). CTTP tội hiếp dâm đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi giao cấu với nạn nhân, nhưng không đòi hỏi hành vi giao cấu phải đã kết thúc về mặt sinh lí. Tội hiếp dâm là tội phạm có CTTP hình thức vì nhà làm luật chỉ mô tả dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan và không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của CTTP. Hành vi giao cấu trái ý muốn của người phạm tội được thực hiện bằng một trong các thủ đoạn sau: - Thủ đoạn dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân chống lại việc giao cấu như xô ngã, vật ngã, túm tóc, bóp cổ, trói, đánh, đấm, đá, đạp - Thủ đoạn đe dọa dùng vũ lực là làm cho ý chí của người phụ nữ bị tê liệt, buộc họ phải chịu sự giao cấu mà không dám kháng cự như dọa giết, dọa gây thương tích cho nạn nhân... - Thủ đoạn lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là lợi dụng người phụ nữ vì lý do nào đó không thể chống cự được hành vi giao cấu trái với ý muốn của mình như lợi dụng người phụ nữ đang trong tình trạng ốm đau, bị ngất, bị bệnh tâm thần, bị tàn tật - Thủ đoạn khác là những thủ đoạn (ngoài ba thủ đoạn trên) giúp cho người phạm tội có thể thực hiện được việc giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ. Theo thực tiễn xét xử, những thủ đoạn này có thể là lợi dụng người phụ nữ đang trong tình trạng không có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn như say rượu, bị cho sử dụng các chất ma túy gây ảo giác, bị dùng chất kích dục Tình trạng này có thể do hoặc không do người phạm tội gây ra. Do không thể bao quát được hết các thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để thực hiện việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, nhà làm luật quy định về “thủ đoạn khác” là cần thiết tránh việc bỏ lọt tội phạm. Đối với đa phần các tội phạm về tình dục, người phạm tội đều có hành vi giao cấu. Trong đó, hành vi giao cấu ở các tội này chỉ khác nhau ở thái độ của nạn nhân đối với hành vi. Theo đó, thái độ của nạn nhân đối với hành vi giao cấu của người phạm tội ở tội hiếp dâm là trái ý muốn (tội cưỡng dâm là miễn cưỡng, tội giao cấu với trẻ em là thuận tình). Vì vậy, nội hàm của khái niệm giao cấu có thể được xác định chung cho những tội luật có quy định về hành vi giao cấu. Cho đến nay, ở nước ta chỉ có một văn bản duy nhất mô tả cụ thể thế nào là hành vi giao cấu. Đó là Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục số 329-HS2 ngày 11/5/1967 của TANDTC. Văn bản này đã định nghĩa giao cấu là: “sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn sâu vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không” Xem Tòa án nhân dân tối cao, Hệ thống hóa các văn bản về hình sự, Hà Nội, năm 1975, trang 389 .Cách định nghĩa tại văn bản này ở thời điểm ra đời đã thể hiện quan điểm rất tiến bộ, góp phần bảo vệ tốt hơn danh dự, nhân phẩm của nữ giới. “Tuy nhiên, hiện nay hành vi tình dục của con người ngày càng đa dạng, không chỉ nhằm mục đích sinh sản mà còn nhằm đem lại những khoái cảm bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, hành vi tình dục không chỉ diễn ra ở bộ phận sinh dục mà còn có thể diễn ra ở bộ phận khác trên cơ thể”.Xem Bùi Thị Quyên, Bàn về một số dấu hiệu pháp lý của tội hiếp dâm, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 12/2013, tr28-36 Do đó, xuất phát từ mục đích bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về tình dục không nên bó hẹp khái niệm giao cấu ở “sự cọ sát dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ...” vì trong các trường hợp như nam giới đưa dương vật vào miệng hoặc hậu môn của nữ giới hoặc trường hợp nam giới đưa miệng, tay, vật thể vào âm hộ hoặc hậu môn của phụ nữ ... thì quyền bất khả xâm phạm về tình dục của nữ giới cũng đã bị xâm hại. Hoặc trong nhiều trường hợp hành vi của người phạm tội về bản chất đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục của nạn nhân, khiến nạn nhân tổn thương sâu sắc nhưng lại không bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý về tội nhẹ hơn tội hiếp dâm. “Thực tế ở Việt Nam đã xảy ra trường hợp nam giới dùng vũ lực có hành vi đưa dụng cụ tình dục, tay vào âm đạo nạn nhân trái ý muốn của nạn nhân nhưng lại xử về tội làm nhục người khác” Xem Dương Tuyết Miên, Bình luận về các tội phạm về tình dục trong chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Số chuyên Sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự/2015, tr131 trong khi thực chất hành vi này là phạm tội hiếp dâm theo quy định của nhiều nước trên thế giới. Như vậy, rõ ràng việc quy định nội hàm của hành vi giao cấu theo cách hiểu truyền thống như hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn đến việc xử lý chưa nghiêm minh, bỏ lọt tội phạm. Cho nên, theo tác giả cần coi những trường hợp nêu trên thuộc nội hàm của giao cấu và khái niệm giao cấu cần phải được mở rộng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tình hình tội phạm hiện này. Mặt khác, chuẩn mực quốc tế khi đề cập đến tội hiếp dâm cũng như hiếp dâm trẻ em cũng xác định giao cấu theo nghĩa rộng. Công ước của Hội đồng Châu Âu đã mô tả về hành vi giao cấu của tội hiếp dâm cũng như hiếp dâm trẻ em là: hành vi thực hiện một cách có chủ ý thuộc một trong các trường hợp: “a) ép buộc quan hệ tình dục bằng cách thâm nhập âm đạo, hậu môn hay bằng miệng của người khác bằng bất kì bộ phận nào của cơ thể hay bằng bất kì vật thể nào mà không được sự đồng ý của nạn nhân, b)ép buộc thực hiện quan hệ tình dục
Luận văn liên quan