Luận văn Đặc điểm thơ Sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ

Thơ sijo ra đời cùng lúc với việc Tống Nho du nhập vào Korea, và sự phát triển của sijo cũng đi song song với qua trình Tống Nho khẳng định địa vị độc tôn trong tư tưởng chính trị và học thuật Korea, do đó việc sáng tác và thưởng thức sijo đã bị chi phối một cách sâu sắc bởi lý luận văn học dòng Nho gia của Trung Hoa với tư tưởng chủ đạo là “Văn sở dĩ tải đạo dã”. Chu Đôn Di viết: Văn là để chở đạo. Bánh xe, càng xe được trang sức mà không dùng thì chỉ là đồ trang sức phí công, huống chi là chiếc xe không chở gì? Văn từ chỉ là nghệ thuật thôi, đạo đức mới là thực. Dốc sức vào cái thực rồi dùng nghệ thuật viết ra nó [6, tr.105] Và: Đạo là gốc rễ của văn. Văn là cành lá của đạo. Gốc rễ của nó là ở đạo, cho nên phát ra từ văn đều là đạo. [6, tr.104] Tư tưởng này đã du nhập và trở thành “kim chỉ nam” trong việc sáng tác và thưởng thức văn chương Korea từ cuối thời Koryeo đến đầu thời Choseon.

pdf88 trang | Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 2178 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Đặc điểm thơ Sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn Đặc điểm thơ Sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử nghiên cứu đề tài: 3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài: 7. Kết cấu của đề tài: Chương 1. Đặc điểm thơ sijo từ điểm nhìn lịch sử văn học 1.1 Vị trí sijo trong nền văn học Korea 1.2 Nguồn gốc thơ sijo 1.3 Bối cảnh ra đời và phát triển thơ sijo 1.3.1 Bối cảnh lịch sử- chính trị 1.3.2 Bối cảnh tư tưởng - văn hóa 1.4 Tiến trình thơ sijo 1.4.1 Sijo cuối thời Koryeo 1.4.2 Sijo thời Choseon 1.4.3 Sijo hiện đại Chương 2. Đặc điểm sijo từ góc nhìn thể loại 2.1 Phân loại sijo 2.1.1 Phân loại theo độ dài của lời thơ: 2.1.2 Phân loại theo đặc điểm âm nhạc 2.2.3 Phân loại theo vùng miền 2.2 Thi luật của sijo 2.2.1 Pyeong sijo 2.3.2 Eot sijo và Saseol sijo 2.3.3 Sijo hiện đại Chương 3. Đặc điểm thơ sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ 3.1 “Đạo”và “Mỹ” 3.2 “Tình” và “Hận” 3.3 “Phong lưu” và “Khoái lạc” KẾT LUẬN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Chương 3. Đặc điểm thơ sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ 3.1 “Đạo” và “ Mỹ” Thơ sijo ra đời cùng lúc với việc Tống Nho du nhập vào Korea, và sự phát triển của sijo cũng đi song song với qua trình Tống Nho khẳng định địa vị độc tôn trong tư tưởng chính trị và học thuật Korea, do đó việc sáng tác và thưởng thức sijo đã bị chi phối một cách sâu sắc bởi lý luận văn học dòng Nho gia của Trung Hoa với tư tưởng chủ đạo là “Văn sở dĩ tải đạo dã”. Chu Đôn Di viết: Văn là để chở đạo. Bánh xe, càng xe được trang sức mà không dùng thì chỉ là đồ trang sức phí công, huống chi là chiếc xe không chở gì? Văn từ chỉ là nghệ thuật thôi, đạo đức mới là thực. Dốc sức vào cái thực rồi dùng nghệ thuật viết ra nó [6, tr.105] Và: Đạo là gốc rễ của văn. Văn là cành lá của đạo. Gốc rễ của nó là ở đạo, cho nên phát ra từ văn đều là đạo. [6, tr.104] Tư tưởng này đã du nhập và trở thành “kim chỉ nam” trong việc sáng tác và thưởng thức văn chương Korea từ cuối thời Koryeo đến đầu thời Choseon. Từ thời Koryeo, mối quan hệ giữa văn và đạo và tác dụng giáo hóa của văn chương đã được chú ý nhiều. Trong cuốn sách phê bình văn học thời Koryeo tên là “Bổ nhàn tập”, tác giả Thôi Tư (1188-1260) đã viết: Văn là cánh cửa đi vào chính đạo. Vì vậy không nên viết những lời trái với đạo lý. Tuy nhiên, nói một cách sinh động và khích lệ tinh thần để gây cảm tình đối với người nghe thì đôi khi cũng cần phải nói một cách cứng rắn và khác thường, huống chi đến làm thơ. Thơ có phú, tỉ, hứng làm căn bản. Vì vậy, văn phong cần phải khác thường, quả quyết, ý nghĩa phải sâu sắc, lời nói phải rõ ràng mới tạo được cảm tình đối với người đọc và làm cho người đọc giác ngộ ra vấn đề. Họ sẽ hiểu ra ý nghĩa sâu sắc và đẹp đẽ của bài thơ, và cuối cùng họ sẽ trở về với chính đạo. [28, tr.419] Đến thời Choseon, vấn đề này trở thành trung tâm của việc phê bình văn học. Trong lời tựa của Jeong Dojeon (Trịnh Đạo Truyền, 鄭道傳1342– 1398) ở đầu cuốn sách Mogeunjip (牧隱集- Tuyển tập các tác phẩm của Yi Saek (李穡, 1328 – 1396), tác giả đã khẳng định: “Văn là chiếc xe chở đạo” [36, tr.317] Cũng như Jeong Dojeon, So Kojong (Từ Cư Chính, 徐巨正 (1420- 1488), Cho Wi (梅溪 曺偉, 1454-1503) và nhiều nhà nho khác cũng thống nhất rằng “Văn là phương tiện chở đạo”. [36, tr.317] Yi I (Lý Nhĩ, 1536-1584) cho rằng các kinh sách (văn) chính là cánh cổng dẫn đến đạo. [36, tr.317] Những tác gia kể trên cũng chính là những người trực tiếp tham gia sáng tác sijo, vì thế trong sijo, nền tảng mỹ học quan trọng nhất chính là “đạo”. “Đào sơn thập nhị khúc” của Yi Hwang chính là tác phẩm mẫu mực trong việc dùng sijo để “tải đạo”. Tác phẩm yeon-sijo này gồm tất cả 12 khúc. Tiền lục khúc viết về đạo trong thiên nhiên, hậu lục khúc viết về đạo học của con người. Thiên nhiên trong bài thơ mang vẻ đẹp giản dị và tự nhiên, là biểu hiện cho quy luật của tạo hóa: Lan nở trong thung lũng Nên thơm thật tự nhiên Trên triền núi mây bay Nên đẹp không giả tạo Không thể nào quên nổi Cảnh đẹp thế gian này! (“Đào sơn thập nhị khúc” của Yi Hwang, khúc thứ tư) (Bản dịch nghĩa: Hoa lan nở trong thung lũng nên thơm một cách tự nhiên. Mây trắng bay trên núi nên đẹp một cách tự nhiên. Không thể nào quên được cảnh đẹp giữa thế gian này.) Chương một và hai của bài thơ này sử dụng phép lặp “thơm một cách tự nhiên”, “đẹp một cách tự nhiên” (tác giả dùng Hán tự “Tự nhiên”). Tác giả muốn nhấn mạnh tiêu chí của cái đẹp là tuân theo quy luật của tạo hóa. Nguyên nhân làm nên hương thơm của hoa lan là vì nó nở ở đúng môi trường tự nhiên sinh ra nó: trong thung lũng, cũng như mây, nguyên nhân làm nên cái đẹp của mây là vì nó bay trên núi cao- đúng như lẽ thường tình. Tác giả dùng kết cấu “vì... nên”, để lý giải vẻ đẹp. Tất cả những đối tượng miêu tả đều xuất hiện trong bối cảnh bình thường nhất. Chính cái bình thường đó làm nên vẻ đẹp cho nó, bởi nó tuân theo quy luật của hóa công. Trong mắt nhìn của Yi Hwang, quy luật của tạo hóa thật nhiệm màu, trời đất sinh ra vạn vật tự nó đã có một sự hài hòa sâu sắc, từ thiên nhiên cho đến con người: Gió xuân, hoa phủ núi Đêm thu nguyệt rạng lầu Vẻ đẹp bốn mùa ấy Cũng giống con người ta Trời đất vốn hài hòa Vô thủy và vô chung (Bản dịch nghĩa: Hoa che phủ núi trong gió xuân, trăng chiếu sáng trên lâu đài trong đêm thu. Vẻ đẹp của bốn mùa cũng giống với con người. Sự sâu sắc của sự hòa hợp trời đất là vô thủy vô chung) (“Đào sơn thập nhị khúc” của Yi Hwang, khúc thứ sáu) Hai đối tượng thiên nhiên được tác giả lựa chọn miêu tả trong khúc thứ sáu này là hoa và trăng. Tác giả lựa chọn thời điểm và không gian hợp lý nhất để chiêm ngưỡng chúng: hoa trên núi giữa mùa xuân, và trăng ngắm từ lầu cao trong đêm thu. Điều đó không chỉ vì tuân theo hệ thống ước lệ, tượng trưng trong thi pháp Trung Hoa, mà còn nhắm đến dụng ý truyền tải thông điệp: phải phán xét tất cả mọi đối tượng trong hoàn cảnh phù hợp nhất, theo đúng lý của vũ trụ. Lấy hai mùa xuân, thu làm đại diện cho bốn mùa luân chuyển, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp: tự nhiên sinh ra mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp đó đến từ sự hài hòa của trời đất. Tự nhiên có cái lý của nó, đạo của tự nhiên thật sâu sắc và sẽ trường tồn mãi mãi (“vô thủy và vô chung”). Lý biểu hiện trong thiên nhiên như thế nào, thì trong con người cũng như thế ấy (“Vẻ đẹp của bốn mùa cũng giống với con người”). Sự tồn sinh của con người chính là do đạo. Đắm mình trong thiên nhiên để khám phá và suy ngẫm về lý lẽ của trời đất là một trong những cách học hỏi của người quân tử, bên cạnh đó, cũng không thể quên con đường học đạo qua sách vở: Cuộc đời cứ trôi qua Thấy thật là thanh sạch Đọc bao nhiêu sách vở Vui thú chẳng điểm dừng Nói rằng chẳng phong lưu Còn là gì khác nhỉ? (Bản dịch nghĩa: Cuộc đời trôi qua, cảm thấy thật thanh sạch Bằng cuộc sống đọc nhiều sách, việc vui vẻ không kết thúc. Nói rằng chẳng phong lưu thì đó là gì?) (“Đào sơn thập nhị khúc” của Yi Hwang, bài thứ 7) Con đường quan trọng nhất để tu đạo là phải thực hành, bởi như đã nói, thuyết Minh triết của Yi Hwang coi trọng kiến thức thực nghiệm. Yi Hwang nhắn gửi hậu thế phải đi theo con đường cổ nhân đã vạch ra, phấn đấu không ngừng nghỉ để hoàn thiện nhân cách của mình: Cổ nhân không thấy ta Ta cũng không thấy người Dẫu không gặp cổ nhân Đã có đường người vạch Con đường ở phía trước Ta sẽ phải làm sao? (Bản dịch nghĩa: Cổ nhân không thể thấy tôi của ngày nay và tôi cũng không thể gặp mặt người xưa Dù không thể gặp mặt người xưa nhưng con đường cổ nhân đã đi lại đang nằm phía trước, Con đường đó đang ở phía trước nên tôi hay bất kì ai sẽ phải làm thế nào?) (“Đào sơn thập nhị khúc” của Yi Hwang, bài thứ chín) Trong khúc thứ chín, tác giả nhấn mạnh: dù không thấy bóng dáng người xưa, và dù người xưa cũng không còn sống để theo dõi, phán xét, chấm chỉnh hậu thế, nhưng họ đã để lại cho chúng ta điều quý nhất là “con đường” (“đạo”). Con đường ấy ở ngay phía trước mặt chúng ta, trước câu hỏi: “Con đường đó đang ở phía trước nên tôi hay bất kì ai sẽ phải làm thế nào?”, đương nhiên câu trả lời chỉ có một: “phải đi theo”. Đó chính là thực nghiệm. Và một khi đã đi, thì suốt đời không bao giờ được ngừng lại trên hành trình “hành đạo”: Non xanh từ thuở xưa Và sẽ xanh mãi mãi Nước chảy cứ chảy hoài Chẳng bao giờ ngưng nghỉ Chúng ta đừng ngừng lại Hãy sống thật thanh cao! (Bản dịch nghĩa: Non xanh sẽ luôn xanh và nước chảy sẽ không biết ngừng lại Chúng ta cũng đừng ngừng lại và hãy sống một cách cao đẹp! ) (“Đào sơn thập nhị khúc” của Yi Hwang, bài thứ mười một) Với những tác phẩm của mình, Yi Hwang muốn giúp người đọc nhận ra lý trong tự nhiên, hướng người quân tử đi theo chính đạo, suốt đời học tập, tu dưỡng nhân cách không bao giờ ngừng nghỉ. Tư tưởng của Yi Hwang trở thành nội dung trung tâm trong sijo của trường phái Yong Nam, chẳng hạn, nhà thơ Kwõn Homun (1532-1587) lặp lại tư tưởng đó trong tác phẩm “Nhàn cư thập bát khúc”, với bài ca sau đây: Trời làm trong không gian lộng gió Làm sáng tỏ trăng tròn trên cao Trong vườn tre và trên rào thông Tuyệt tinh khiết, không vương hạt bụi A! Cuộc sống! Mới tươi, nồng nhiệt Với cây đàn và sách thánh nhân. (Bản dịch nghĩa: Tự nhiên làm trong trẻo không gian lộng gió và làm sáng tỏ trăng tròn, Trong vườn tre, trên rào thông, không một hạt bụi. Cuộc sống của tôi mới tươi mới và nồng nhiệt làm sao, cùng với cây đàn tam thập lục và những cuốn sách.) Trong bài thơ này, không gian trở nên lộng gió tươi mát, trăng trở nên tròn đầy sáng trong đều là nhờ nguồn lực tự nhiên (lý). Trong không gian thanh khiết ấy, chủ thể trữ tình hiện ra với khuôn mặt của một nho sĩ “nhàn cư”, đắm mình vào sách vở. Ở đây, con người sống hòa hợp với thiên nhiên, nhận ra con đường của mình thông qua chiêm nghiệm quy luật tự nhiên và đọc nhiều sách thánh hiền. Một đại diện khác của Nho học Korea sống cùng thời với Yi Hwang là Yi I (Lý Nhĩ李 珥, tự là Lật Cốc粟谷, 1536-1584). Yi I đã “tải đạo” bằng tác phẩm yeon-sijo “Cao sơn cửu khúc ca”- một tác phẩm phỏng theo “Vô Diệm cửu đàm” của Chu Hy. Ngay từ khúc ca đầu tiên, tác giả đã dẫn đắt người đọc vào đạo học của Nho gia: Người đời ai biết đến Cao sơn cửu khúc ca Nên cắt cỏ làm nhà Bạn bè ta kéo đến Nhớ tới núi Vô Diệm Học đạo Chu Hy a! (Bản dịch nghĩa: Người đời không biết đến Cao sơn cửu khúc ca nên cắt cỏ làm nhà ở, bạn bè kéo đến theo. A! Hãy liên tưởng đến núi Vô Diệm mà học đạo Chu Tử.) (“Cao sơn cửu khúc ca” của Yi I, bài thứ nhất) Bối cảnh “Cao sơn” được liên tưởng với núi Vô Diệm mà Chu Hy từng sống, nơi đó tác giả cùng bạn bè “Đặt rượu giữa rừng thông” ngồi cùng nhau đàm đạo (bài thứ hai). Tác giả đã nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của núi, rừng thông, vách đá, hồ nước, và cũng như thiên nhiên trong “Đào sơn thập nhị khúc” của Yi Hwang, đất trời trong mắt nhìn của Yi I cũng mang trong mình nó vẻ đẹp của “đạo”: Một năm chốn sỏi đá Cảnh đẹp bởi hài hòa (Dịch nghĩa: Một năm đã qua ở chốn sỏi đá vô tri hài hòa nên cảnh đẹp.) (“Cao sơn cửu khúc ca” của Yi I, bài thứ mười) Tác giả nói rõ: chính sự “vô tri” mà “hài hòa” của sỏi đá đã tạo nên sức sống tươi đẹp cho nó. Đó là gì nếu không phải là “đạo”? Và tác giả nhắn gửi đến người đọc thông điệp: “Hãy hưởng thú phong lưu tu học, ngâm thơ giữa nơi này” (bài thứ sáu). Tiếp nối Yi Hwang và Yi I, các tác gia sijo từ thế kỷ XVI trở về sau luôn khắc họa trong thơ của mình khung cảnh thiên nhiên đẹp một cách hài hòa, tự nhiên, giản dị, thể hiện “cái lý” của tự nhiên. Khung cảnh ấy nhắc nhở người ta rằng đất trời có đạo, và con người cũng vậy, cho nên sống phải hài hòa, phải theo quy luật của tạo hóa và quy luật hành xử của con người. Bởi thế, đi liền với quan niệm “văn tải đạo” là chức năng giáo hóa của thi ca. Nhà phê bình văn học thời Choseon Kim Chongjik (Kim Tông Trực) cho rằng: “Văn là một kỹ xảo thứ yếu, thơ còn ít quan trọng hơn. Nhưng để chỉ dẫn con người tu thân, đạt được sự chuyển biến về đạo đức, và làm cho đạo truyền tới ngày nay, cũng như truyền cho các thế hệ sau mãi mãi không dừng, có thể nhờ đến thơ văn.” [36, tr.317] So Kojong (Từ Cư Chính) trong “Đông nhân thi thoại” cho rằng “Những bài thơ hay sẽ làm độc giả cảm động, đồng thời cũng làm cho bản tính của con người trở nên thanh khiết hơn.” [36, tr.317] Cuối thời Choseon, Wi Paekkyu (1727-1798) cho rằng văn học làm hoàn thiện nhân cách con người: “Không có văn chương, con người không thể trở thành một người hoàn hảo được”. [36, tr.317] Chong Yagyong (1762-1836) nhấn mạnh chức năng của thơ ca : “Không ủng hộ những người thống trị và không quan tâm đến sự thịnh vượng của một đất nước thì không phải là thơ”, “Không tán dương hay đả kích, không đề cao đức hạnh hay phê phán sự đồi bại thì không phải là thơ.” [36, tr.317] Những quan niệm trên đây đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc sáng tác sijo. Sijo là thể thơ để ca hát, nhưng không phải chỉ là ca hát mua vui, mà hầu như mỗi bài thơ đều mang trong nó một thông điệp nhắn gửi người ta sống tốt hơn, đẹp hơn. Nhà nghiên cứu Choi Seung-beom trong bài viết “The Mot of the Choson Sonbi” đã khắc họa lại hình ảnh của một “Sonbi” (nho sĩ) biểu hiện trong thơ sijo: Sijo hướng người ta đến một mẫu hình “Sonbi” hội tụ đầy đủ năm nét đẹp nhân cách: Thứ nhất là lòng trung thành với triều đình, thứ hai là tính cách chính trực, sẵn sàng từ chối những của cải có nguồn gốc không trong sạch, thứ ba là tình yêu đất nước, thứ tư là lối sống giản dị, thanh nhàn, và thứ năm là không ngừng tu thân theo đạo đức Nho gia. [47] Từ cuối thời Koryeo, nhà thơ- học giả lỗi lạc Byeon gye rang (卞季良1369 – 1430) đã để lại bài sijo giáo huấn nhắc nhở con người sống theo đạo: Hãy làm điều ta thích Chớ làm điều chẳng ưa Dẫu người ta đưa đẩy Đừng làm điều không hay Hãy sống đúng với mình Như ý mệnh trời sinh! (Bản dịch nghĩa: Hãy làm điều ta thích, chớ làm điều không ưa Mặc người ta xui khiến, những điều không thiện, xin đừng làm theo! Hãy sống đúng với mình, theo ý mệnh tạo hóa sinh ra) Thời Choseon, nhà thơ Chong Cheol đã sáng tác mười sáu bài “Huấn dân ca”với mục đích dạy dân chúng sống theo những quy tắc đạo đức giản dị, thiết thực, biết giữ cương thường đạo lý. Bài sijo sau đây nói về ân nghĩa của cha mẹ đối với con cái: Cha sinh thành ra ta, mẹ dưỡng dục Nếu không có hai đấng sinh thành, liệu thân thể này có được ra đời? Ơn dưỡng dục rộng như trời bể mênh mông, biết đến bao giờ mới đền đáp được (“Huấn dân ca” của Chong Cheol, bài số 1) Chính vì ân nghĩa ấy, mà con cái phải biết lấy chữ “Hiếu” làm đầu: Lúc cha mẹ còn sống, hãy cố gắng làm tròn chữ Hiếu Đến lúc cha mẹ ra đi rồi , có đau khổ bao nhiêu cũng chẳng làm được gì Ở đời , có một việc không bao giờ làm lại được, ấy chính là phụng dưỡng cha mẹ (“Huấn dân ca” của Chong Cheol, bài số 4) Tình cảm anh em được đề cập trong bài sijo: Anh à, em à, thử chạm vào da thịt mình mà xem Được ai sinh thành thì dáng hình sẽ giống thế Đã cùng được uống dòng sữa mẹ mà lớn lên, thì ai ơi xin đừng thay lòng đổi dạ (“Huấn dân ca” của Chong Cheol, bài số 2) Tình cảm vợ-chồng cũng được nhắc đến: Ông trời sinh ra cơ thể, tạo ra từng cặp vợ chồng Lúc sinh thời, cùng sống, cùng già, cùng chết ở một nơi Với mối quan hệ như thế, ai có thể ngu ngốc mà nghi ngờ (“Huấn dân ca” của Chong Cheol, bài số 5) Ngoài tình cảm gia đình, trong “Huấn dân ca” còn có những bài nói về nghĩa vua-tôi: Tuy khoảng cách giữa vua và bách tính giống như trời và đất Nhưng bất cứ những việc gì dân làm, vua cũng đều biết hết Bách tính chúng ta sao có thể hưởng thụ một mình? (“Huấn dân ca” của Chong Cheol, bài số 3) Sijo làm công việc “khuyến thiện, trừng ác”. Bài sijo sau đây khích lệ mọi người làm việc tốt: Dân làng ơi, hãy cùng nhau làm việc tốt Người sinh ra mà không làm được việc tốt. Thì có khác gì con bò con ngựa đội “gat” lên đầu rồi ăn cơm (“Huấn dân ca” của Chong Cheol, bài số 8) Và dạy người ta lánh xa điều ác: Đừng ham mê cờ bạc, trộm cắp Làm cho nhà khuynh gia bại sản, sao có thể oán giận được người ngoài Nước cũng có quốc pháp, chẳng phải thế sao? (“Huấn dân ca” của Chong Cheol, bài số 15) Truyền thống “tải đạo” vẫn được tiếp nối cho đến tận thế kỷ XX. Sijo thời khai sáng là những bài hát đánh thức tình yêu nước, phổ cập giáo dục, khuyến khích gìn giữ đạo đức. Sijo thời thuộc địa đã đi song hành cùng chính trị, là công cụ đắc lực để kêu gọi người công dân cống hiến mình cho Tổ quốc, chẳng hạn như trong bài “Hãy đứng lên” (나오라) của Yi Byeong Ki (李秉岐, 1891-1968): Người con gái xinh đẹp lang thang buổi sớm mai Cuộc đời đã vứt bỏ, chẳng thể làm được chi! Trước khi nở nụ cười, hãy để nước mắt rơi Sau cái chết bất hạnh, hãy cùng nhìn lại đi! Hãy đứng lên mạnh mẽ, đánh đuổi lũ gian tà Tay cầm lên công cụ, dứt khoát chớ chần chừ! Sijo thế kỷ XX thổi vào lòng người niềm tin vào đạo, tin vào sự chiến thắng của công lý, của một dân tộc có chính nghĩa: Ngọn cờ! Người là sức mạnh, dùng hết sức mình để giương cao và đứng đầu Luôn luôn tin vào chiến thắng , người luôn bay cao Cả hôm nay cũng vậy, trước sự chiến đấu hiên ngang của người, cả địa cầu cũng run rẩy (Ngọn cờ- Yi Ho U) Với tư tưởng xuyên suốt là “đạo”, sijo đã tự tạo cho nó một sức sống lâu bền bởi hợp với truyền thống văn học Á Đông. Nhưng nếu chỉ “tải đạo” một cách trực tiếp, khô khan, thì có lẽ sijo đã không có được sức hấp dẫn đến thế. “Đạo” qua sijo thấm vào lòng người một cách rất tự nhiên, bởi sijo còn là thể thơ của “Mỹ”. Trong sijo có sự hài hòa giữa vẻ đẹp hình thức với nội dung thể hiện. Điều này cũng là do ảnh hưởng của tư tưởng văn học dòng Nho gia Trung Hoa. Các nhà nho thời Koryeo đến Choseon luôn ghi nhớ ý kiến của Khổng Tử: “Văn chất hài hòa thì mới đạt đến trình độ quân tử” (Văn chất bân bân nhiên hậu quân tử). Họ coi trọng việc “tải đạo”, nhưng để đạo thấm vào lòng người, thì trước hết phương tiện tải đạo- tức văn- cũng phải đẹp, hấp dẫn và thống nhất với “đạo”. Giữa thời Choseon, nhà phê bình văn học Ho Kyun (1569-1618) cùng với Yi Sugwang (1563-1628) cho rằng phải giữ gìn tính thống nhất về nội dung và hình thức. Họ đề cao một loại văn chương đạt được sự hài hòa cả về “khí”, “cốt” và kỹ thuật viết. Ho Kyun và Yi Sugwang đánh giá cao sự uyên bác, trí thông minh và sự chuyên cần của một nhà thơ. Họ nhấn mạnh những khó khăn trong việc sáng tạo ra một tác phẩm văn chương nghệ thuật. Văn chương không còn bị xem là một “kỹ năng nhỏ”, mà là một môn nghệ thuật đòi hỏi cố gắng suốt đời. [36, tr.319] Một nhà phê bình khác là Chang Yu (Trương Duy, 1587-1638) ví “tu từ giống như hoa, nội dung giống như quả.” [16, tr.196] Ông cho rằng “điều quan trọng là cần phải có quả còn hơn chỉ có hoa. Nhưng để có thể truyền đạt đầy đủ đạo chứa đựng trong nội dung thì cần phải tu từ.” [16, tr.196] Các nhà thơ chú ý đến hình thức biểu hiện không chỉ do theo quan niệm “văn chất bân bân” của Trung Hoa, mà còn do chính truyền thống mỹ học của Korea. Người Korea được cả thế giới thừa nhận là có năng khiếu thẩm mỹ cao. Họ cũng tự nhận mình là một dân tộc thích cái đẹp. Sống giữa một thiên nhiên đa dạng, phong phú, thay đổi theo từng mùa, người Korea có một tâm hồn tinh tế, mẫn cảm. Vẻ đẹp trong thiên nhiên Korea là vẻ đẹp tươi tắn, duyên dáng và hài hòa, cho nên nghệ thuật Korea luôn tràn đầy màu sắc và những đường nét tỉ mỉ, mềm mại. Người Korea có một khái niệm chỉ cái đẹp là “meot”. “Meot” là một từ thuần Hàn. Chúng tôi tạm dùng từ “mỹ” để thay thế “meot”, mặc dù “mỹ” không diễn tả đúng hoàn toàn ý nghĩa của từ “meot”. Các tiêu chí của “meot” đã được tích lũy dần trong kinh nghiệm thẩm mỹ của người Hàn qua hàng ngàn năm,