Luận văn Đánh giá tính hướng về cộng đồng của chương trình đào tạo hệ đại học chính quy tại trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế Thành phố Hồ Chí Minh từ phía sinh viên Y1 đến Y6 trong năm học 2002-2003
Việc lượng giá các chương trình giảng dạy Y khoa đang trở thành điều bắt buộc phải làm đối với các trường Đại học Y khoa cũng như đối với tất cả các trường đại học khác. Công tác lượng giá sẽ phải cho phép kiểm tra tính phù hợp giữa các nhu cầu của xã hội và những chỉ tiêu đào tạo các bác sĩ. Công tác này cũng cho phép từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo và các nguồn sử dụng sẽ giúp đạt được các chỉ tiêu. Công tác lượng giá các trường Đại học Y đang áp dụng một cách hệ thống, từ những năm 50 tại Mỹ và Canada. Tại Châu Âu, công tác lượng giá các trường đại học y đã được mở ra qua việc đánh giá các trường đại học cấp quốc gia [23] Vào đầu thập niên 90, một số các trường đại học y thành viên của hội đồng quốc tế các khoa trưởng các trường đại học y trong khối pháp ngữ (CIDMEF) đã tự nguyện tham gia vào một diễn tập lượng giá. Đó là các trường đại học ở Tunis, Beyrouth (Đại học St Joseph) và Louvain (UCL). Sau đó hội đồng đã triệu tập một nhóm công tác soạn thảo một chính sách và một quy trình lượng giá các chương trình giảng dạy và các trường dựa trên các thực nghiệm nói trên và các nhu cầu được dự đoán (cuộc họp của văn phòng thường trực ở Beyrouth, năm 1994). Trong hội nghị diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11/1995, hội đồng đã thông qua một văn bản mang tên: KHUNG PHƯƠNG PHÁP LUẬN LƯỢNG GIÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY Y KHOA VÀ CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y. Trong cuộc họp ở Dakar vào năm 1997, hội đồng đã thành lập hội đồng lượng giá cùng với hội đồng sư phạm và hội đồng khoa học. Theo chính sách hiện tại của CIDMEF, công tác lượng giá này chủ yếu có tính cách đào tạo, hoàn toàn không có tính khiển trách, hoặc so sánh, cũng như không có yêu cầu đồng bộ hóa. Công tác lượng giá nhắm tới việc cải thiện chất lượng đào tạo thông qua một quy trình năng động huy động cả trường đại học, các giảng viên và các sinh viên và thông qua việc phát triển một nền văn hóa lượng giá trong trường đại học. Trung Tâm Đào Tạo và Bồi Dưỡng Cán Bộ Y Tế TP.HCM được thành lập vào ngày 15.3.1989 theo quyết định số 59/CT của Thủ Tướng Chính Phủ với mục tiêu : “Đào tạo bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng”. Trong mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa các trường đại học, TTĐT&BDCBYT luôn ý thức được tầm quan trọng của việc chuyển giao kiến thức và kỹ thuật công nghệ. Vì vậy, TTĐT&BDCBYT là một trong những trung tâm tham khảo của Tổ chức y tế thế giới và đồng thời cũng là thành viên tích cực của CIDMEF, của AUF [24]. Từ khi thành lập cho đến nay Trung Tâm Đào Tạo và Bồi Dưỡng Cán Bộ Y Tế TP. HCM đã không ngừng điều chỉnh và từng bước hoàn thiện “chương trình đào tạo hướng về cộng đồng” sao cho ngày càng sát hợp hơn với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng dân cư TP.HCM. Để làm được điều này, TTĐT&BDCBYT đã tiến hành nghiên cứu nhiều công trình lượng giá quá trình dạy học hệ đại học. Trong số đó có công trình nghiên cứu lớn là “Lượng giá quá trình dạy học hệ đại học tại Trung Tâm Đào Tạo và Bồi Dưỡng Cán Bộ Y Tế TP.HCM (lượng giá 10 năm: 1989 - 1999)”[5]. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này chỉ dựa trên quan điểm của các giảng viên. Trong khi đó, sự hiểu biết của chúng ta về việc giáo dục y khoa “hướng về cộng đồng” của các khối bộ môn theo nhận định của các sinh viên đang được đào tạo theo hệ đại học chính quy vẫn chưa được rõ ràng, sáng tỏ và đầy đủ. Điều này đã thúc đẩy nhóm chúng tôi mạnh dạn bước vào lĩnh vực nghiên cứu lượng giá sâu hơn. Với đề tài nghiên cứu này, chúng tôi hy vọng rằng đây có thể là một tài liệu tham khảo cho các bộ môn giảng dạy khối khoa học cơ bản, y học cơ sở, y học lâm sàng và y học cộng đồng trong việc xây dựng kết cấu các bài giảng sao cho phù hợp hơn với tính giáo dục “hướng về cộng đồng”, góp phần ngày một hoàn thiện hơn chương trình đào tạo bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng của Trung Tâm Đào Tạo và Bồi Dưỡng Cán Bộ Y Tế Thành Phố Hồ Chí Minh.