Luận văn Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng
I. Ý nghĩa của đề tài nghiên cứu: Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là một quy luật khách quan và tất yếu, nó là một cơ chế vận động của thị trường. Kết quả của cạnh tranh sẽ làm cho một số doanh nghiệp bị thua cuộc và bị gạt ra khỏi thị trường, trong khi một số doanh nghiệp khác vẫn tồn tại và phát triển hơn nữa. Cũng chính nhờ sự cạnh tranh không ngừng mà nền kinh tế thị trường vận động theo hướng ngày càng nâng cao năng suất lao động xã hội, đảm bảo sự thành công cho mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Mọi doanh nghiệp, mọi ngành nghề đều phải tự mình vận động để đứng được trong cơ chế này. Doanh nghiệp nào không thích nghi được sẽ phải phá sản và bị gạt ra khỏi thị trường thay vào đó thị trường lại mở đường cho các doanh nghiệp nào biết nắm thời cơ, biết phát huy tối đa những thế mạnh của mình, biết khắc phục những điểm yếu để giành thắng lợi trong cạnh tranh. Các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và của Lâm Đồng nói riêng cũng không nằm ngoài sự vận động liên tục của thị trường. Đặc biệt khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn. Những năm gần đây ngành chế biến gỗ của Việt Nam nói chung đã có những bước khởi sắc đáng kể, trở thành một trong những ngành dẫn đầu về xuất khẩu. Tuy nhiên ngành chế biến gỗ của ta vẫn còn rất sơ khai và non yếu. Đặc biệt là sự yếu kém của ngành chế biến gỗ Lâm Đồng, một trong những vùng có trữ lượng nguyên liệu lớn của cả nước ta. Lâm Đồng với hơn 63% diện tích đất là rừng nhưng các doanh nghiệp chế biến gỗ của Lâm Đồng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, chưa trở thành ngành kinh tế chủ lực của Lâm Đồng và cũng chưa có một doanh nghiệp nào có tên tuổi trong ngành chế biến gỗ của cả nước. Trước thực trạng này, việc đề ra các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ Lâm Đồng là một yêu cầu khách quan và cấp thiết đối với sự phát triễn kinh tế, xã hội chung của tỉnh Lâm Đồng. Là người hoạt động nhiều năm trong ngành chế biến,khai thác gỗ với biết bao trăn trở, những kinh nghiệm tích lũy được; Với mong muốn được góp phần nào vào việc phân tích và giải quyết yêu cầu này, tạo thêm cơ sở để ngành chế biến gỗ Lâm Đồng xác định được các giải pháp để vượt qua thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành từ đó tạo ra những thế lực vững chắc cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh nhà, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng” làm đề tài cho luận văn Thạc sỹ của mình II. Mục tiêu nghiên cứu : Trên cơ sở phân tích tình hình phát triển của các doanh nghiệp chế biến gỗ Lâm Đồng trong thời gian qua, xác định, phân tích các yếu tố cấu thành và các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu và những kiến nghị nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Lâm đồng, đưa ngành chế biến gỗ Lâm Đồng đi lên, cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong cả nước. III. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu là những doanh nghiệp chế biến gỗ nhỏ và vừa trên phạm vi địa bàn tỉnh Lâm Đồng. IV. Phương pháp nghiên cứu : Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là duy vật biện chứng, dựa vào quan sát, phân tích, nhận định (thông qua các cơ quan chức năng, các chuyên gia, các kết quả nghiên cứu đã công bố trước đây) về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ; thông qua khảo sát một số doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm đồng và dựa vào những kinh nghiệm thực tế mà người viết có được trong suốt thời gian hoạt động trong ngành chế biến gỗ. V. Kết cấu của đề tài: Đề tài được chia làm 3 chương, nội dung của từng chương được thể hiện như sau: Chương 1: Cơ sở lý luận của đề tài. Chương 2: Đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng. Chương 3: Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng.