Luận văn Khảo sát yếu tố dịch tễ học bệnh lý võng mạc tiểu đường tại bệnh viện mắt Thành phố Hồ Chí Minh từ 1/1/2001 đến 31/12/2003
ĐẶT VẤN ĐỀ Bệnh lý võng mạc tiểu đường (BLVMTĐ) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở các nước Âu – Mỹ cũng như tại Việt Nam. Đặc điểm dịch tễ học BLVMTĐ thay đổi tại các vùng khác nhau, trong khi đó chúng ta hiện chưa có nghiên cứu nào chú trọng đến tính chất dịch tễ học BLVMTĐ ở Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, chúng tôi đã mạnh dạn thực hiện đề tài “Khảo sát yếu tố dịch tễ học BLVMTĐ tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, từ 1/1/2001 đến 31/12/2003” bằng phương pháp nghiên cứu mô tả hồi cứu các trường hợp bệnh. KẾT QUẢ Sau khi thu thập, xử lý và phân tích các dữ liệu từ 89 hồ sơ, chúng tôi có kết quả sau: BLVMTĐ xảy ra với tỷ lệ 2,5 nữ : 1 nam. Tuổi đời trung bình 56,01 ± 10,00 năm. Bệnh nhân ở tỉnh chiếm 53,93%. Tuổi bệnh trung bình 4,69 ± 2,71 năm, tập trung ở nhóm dưới 5 năm. Có 51,69% bệnh nhân tiểu đường điều trị không liên tục. Bệnh nhân thuộc nhóm tiểu đường type 2 là 96,63%. Về lâm sàng, qua khảo sát 130 mắt BLVMTĐ: BLVMTĐ không tăng sinh chiếm 81,54% và BLVMTĐ tăng sinh chiếm 18,46%, vi phình mạch (73,08%), xuất tiết võng mạc (55,38%), xuất huyết võng mạc (31,54%), tân mạch (18,46%) và phù hoàng điểm (19,23%). Triệu chứng lâm sàng tại võng mạc phân bố trong BLVMTĐ tăng sinh chiếm tỷ lệ cao hơn so với giai đoạn không tăng sinh. Về tình trạng thị lực ở 178 mắt khảo sát, 51,12% mắt có thị lực ≤ 3/10, trong đó tỷ lệ mù là 19,66%. Tỷ lệ đục thủy tinh thể trên bệnh nhân tiểu đường là 43,26%. KẾT LUẬN Như vậy qua nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy có sự liên quan giữa các yếu tố dịch tễ học với BLVMTĐ. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu rộng hơn về vấn đề này. Quản lý tốt bệnh nhân tiểu đường, nâng cao kiến thức phòng và điều trị bệnh tiểu đường cũng như BLVMTĐ cho cộng đồng song song với việc kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở là rất cần thiết.