Luận văn Một số biện pháp bồi dưỡng năng lực kiến tạo kiến thức toán học cho học sinh Tiểu học

1. Lý do chọn đề tài Thế kỷ XX đánh dấu một sự khởi đầu của các trường phát tâm lý học nói chung, tâm lý học mang quan điểm kiến tạo nói riêng. Tâm lý học liên tưởng, tâm lý học phát sinh, tâm lý học hoạt động là những trường phái trong nhiều trường phái tâm lý được quan tâm nghiên cứu, ứng dụng nhiều vào các lĩnh vực khoa học khác nhau, trong đó có khoa học giáo dục. Ở nước ta đã có nhiều nhà khoa học sư phạm quan tâm nghiên cứu tư tưởng của các trường phái tâm lý nói trên, ứng dụng quan điểm kiến tạo nhận thức vào dạy - học nói chung, dạy - học toán nói riêng ở tất cả các cấp học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, tư tưởng kiến tạo trong các trường phái trên mang tính trừu tượng cao, mặt khác, việc nghiên cứu, ứng dụng vào dạy học ở nước ta vẫn còn là vấn đề mới mẻ. Cho nên, việc tiếp cận những quan điểm này vào dạy - học quả là một vấn đề khó khăn và nan giải, không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định hoặc chưa bao quát hết tất cả các cấp học. Chương trình môn Toán ở Tiểu học về cơ bản được xây dựng trên cơ sở các hoạt động của người học và người dạy, thể hiện quan điểm kiến tạo. Mỗi kiến thức toán trong chương trình được thiết kế dưới dạng cung cấp thông tin và chỉ dẫn các hoạt động học tập, nhằm làm cho người học, bằng hoạt động của mình, dưới sự điểu khiển của giáo viên, tự xây dựng nên kiến thức cho bản thân. Tuy nhiên, có rất nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở các trường Tiểu học, vì nhiều lý do, chưa có sự nhận thức đúng đắn về quan điển kiến tạo trong nội dung và chương trình môn Toán, dẫn đến việc đổi mới chậm được thực hiện, trong đó có đổi mới về phương pháp dạy - học. Hoạt động dạy - học toán của một số không ít giáo viên còn mang tính cung cấp kiến thức, ứng dụng vào các tình huống hơn là việc tổ chức hình thành kiến thức một cách tự nhiên, khoa học cho học sinh, trên cơ sở đó để phát triển kiến thức cho người học. Hoạt động nhận thức của học sinh Tiểu học một phần phụ thuộc vào các năng lực học tập của các em, trong đó có năng lực kiến tạo - một loại năng lực tự tạo, là sản phẩm của quá trình dạy - học. Nên hoạt động dạy học phải chú trọng vào việc hình thành và phát triển các thành tố cơ bản của năng lực kiến tạo, từ đó các em có thể vận dụng năng lực đó vào trong quá trình kiến tạo việc hiểu toán của mình. Việc nghiên cứu quan điểm kiến tạo trong các trường phái tâm lý học hiện đại, đến thời điểm hiện nay ở nước ta vẫn còn mang tính chất chung chung, chủ yếu thiên về việc tiếp cận nghiên cứu nhằm xác định một số luận điểm cơ bản của hoạt động dạy học theo quan điểm kiến tạo, hoặc thiết kế một số hoạt động dạy học theo quan điểm kiến tạo ở một số chủ đề toán ở các cấp trên Tiểu học. Gần đây có một vài tác giả quan tâm nghiên cứu quan điểm kiến tạo nhằm xác định một số thành tố của năng lực kiến tạo kiến thức toán học cho học sinh, nhưng chủ yếu vẫn tiếp cận ở các cấp học trên Tiểu học. Sự cần thiết tiếp cận nghiên cứu xác định năng lực kiến tạo kiến thức nói chung, kiến thức toán cho học sinh Tiểu học nói riêng là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Với tư tưởng đó, chúng tôi chọn đề tài "Một số biện pháp bồi dưỡng năng lực kiến tạo kiến thức toán học cho học sinh Tiểu học" nhằm xác định một số thành tố cơ bản của năng lực kiến tạo và lựa chọn một số biện pháp nhằm bồi dưỡng những năng lực đó cho học sinh Tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học toán ở Tiểu học. 2. Mục đích nghiên cứu Chúng tôi nghiên cứu đề tài này nhằm mục đích: 2.1. Xác định một số thành tố cơ bản của năng lực kiến tạo kiến thức toán học của học sinh Tiểu học. 2.2. Lựa chọn, xây dựng một số biện pháp nhằm bồi dưỡng, phát triển hệ thống những năng lực đó cho học sinh Tiểu học. 3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu 3.1. Khách thể nghiên cứu: Hoạt động dạy học toán của giáo viên và học sinh Tiểu học thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. 3.2. Đối tượng nghiên cứu: Năng lực kiến tạo kiến thức Toán học và biện pháp bồi dưỡng năng lực kiến tạo kiến thức Toán học cho học sinh Tiểu học. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, đề tài giải quyết các nhiệm vụ sau đây: 4.1. Nghiên cứu các quan điểm về trí tuệ trong Tâm lý học và lý luận dạy học nói chung, dạy học toán để làm căn cứ đề xuất các thành tố cơ bản của năng lực kiến tạo kiến thức Toán học. 4.2. Khảo sát nội dung, chương trình toán ở Tiểu học, thực trạng dạy và học toán theo quan điểm kiến tạo ở các trường Tiểu học vùng khó khăn thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. 4.2. Xác định một số biện pháp dạy - học, xây dựng kế hoạch bài học, tổ chức thực nghiệm để kiểm chứng tính khả thi của các biện pháp. 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết Nhằm mục đích tiếp cận nghiên cứu trí tuệ trong các trường phái Triết học, Tâm lý học để làm căn cứ xác định các năng lực kiến tạo; đồng thời nghiên cứu lý luận dạy học nói dung, dạy học toán (nói riêng) theo quan điểm kiến tạo để làm cơ sở tiếp cận một số biện pháp dạy học thích hợp vào dạy và học toán ở Tiểu học. 5.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn Nhằm mục đích khảo sát hoạt động dạy và học toán ở các trường Tiểu học thuộc vùng khó khăn huyện Tân Kỳ làm cơ sở xác định thực trạng dạy và học toán theo quan điểm kiến tạo. 5.3. Nhóm phương pháp thống kê toán học Nhằm mục đích thống kê các số liệu thu được qua tìm hiểu thực trạng, các kết quả điều tra trước và sau thực nghiệm, làm cơ sở đánh giá tính đúng đắn và khả thi của giả thuyết khoa học của đề tài. 6. Phạm vi nghiên cứu Hoạt động dạy và học toán theo quan điểm kiến tạo ở các trường Tiểu học thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. 7. Đóng góp của đề tài 7.1. Làm rõ thực trạng dạy và học toán theo quan điểm kiến tạo ở một số trường Tiểu học thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. 7.2. Xác định được một số thành tố cơ bản của năng lực kiến tạo kiến thức toán học của học sinh Tiểu học. 7.3. Xây dựng một số biện pháp dạy học nhằm bồi dưỡng năng lực kiến tạo kiến thức toán học cho học sinh Tiểu học. 8. Giả thuyết khoa học Nếu xác định được một số thành tố của năng lực kiến tạo kiến thức toán học của học sinh Tiểu học, từ đó xây dựng một số biện pháp bồi dưỡng năng lực đó cho học sinh Tiểu học thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Toán ở Tiểu học. 9. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn bao gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn Chương 2: Một số biện pháp bồi dưỡng năng lực kiến tạo kiến thức Toán học cho học sinh Tiểu học. Chương 3: Thực nghiệm sư phạm.

doc105 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 3905 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Một số biện pháp bồi dưỡng năng lực kiến tạo kiến thức toán học cho học sinh Tiểu học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan