Luận văn Một số biện pháp chủ yếu nhằm giảm tổn thất điện năng trong quản lý truyền tải và phân phối điện năngcủa công ty điện lực Hà nội
Điện năng là một loại sản phẩm có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vị trí quan trọng đó thể hiện ở chỗ: điện năng là năng lượng đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế quốc dân, điện năng là năng lượng được sử dụng nhiều nhất so với các dạng năng lượng khác trong lĩnh vực sản xuất, là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong quá trình sản xuất để thực hiện nhiều phương pháp công nghệ khác nhau trong quá trình chế tạo sản phẩm và các hoạt động dịch vụ khác. Điện năng còn là sản phẩm tư liệu tiêu dùng vô cùng quan trọng trong lĩnh vực sinh hoạt của con người. Chính vì thế là sự phát triển của sản xuất cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, sự gia tăng về dân số và mức sống của nhân dân tăng lên là nhân tố tác động mạnh mẽ, làm tăng nhu cầu sử dụng điện trên thị trường hàng hoá. Xét về sự tăng trưởng của sản xuất điện năng trong nền kinh tế quốc dân cho ta thấy: ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, trong giai đoạn đầu của nền công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước thì thấy tốc độ tăng trưởng của ngành điện đều có mức tăng nhanh hơn so với các ngành kinh tế khác. Ở nước ta sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng để xây dựng phát triển kinh tế đất nước, Đảng và nhà nước ta đã tập trung vào việc khôi phục và phát triển ngành điện, đề ra phương châm phát triển cho ngành điện là: ”Điện phải đi trước một bước” để làm tiền đề cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển. Do tính chất đặc biệt của sản phẩm điện năng, nên quá trình sản xuất lưu thông phân phối và tiêu thụ dều diễn ra đồng thời, từ quá trình sản xuất đến hộ tiêu dùng được truyền tải và phân phối trên hệ thống khép kín bằng các đường dây-trạm biến áp có tính chất đồng bộ cao. Trong quá trình truyền tải và phân phối điện năng đã sinh ra sự tổn thất rất lớn. Đó là bộ phận cấu thành chi phí lưu thông của sản phẩm ngành điện. Tỉ lệ tổn thất điện năng trong truyền tải phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: Sản lượng truyền tải, trình trạng kỹ thuật và công nghệ của các thiết bị truyền tải, phân phối và trình độ quản lý. Việc giảm tổn thất điện năng là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong ngành điện nói chung và công ty điện lực Hà nội nói riêng. Ở nước ta đặc biệt là các thành phố lớn do có sự tác động mạnh mẽ của nhiều nhân tố trên nên tỷ lệ tổn thất trong quá trình truyền tải rất lớn. Ở nước ta hiện nay cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong sản xuất và tiêu thụ điiện năng cũng đang được triển khai với những bước đi thích hợp, nhằm lập lại nề nếp chính quy trong vận hành, sửa chữa, bảo quản, sử dụng các thiết bị, đường dây và trạm, đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn và kinh tế. Đồng thời chống hiện tượng tiêu cực trong phân phối và sử dụng điện đã và đang đặt ra hàng loạt các vấn đề mới cần giải quyết triệt để và cấp bách trong khâu quản lý thanh tra giám sát điện năng nhằm sử dụng hợp lý và tiết kiệm điện năng trong truyền tải và phân phối điện. Do đặc điểm của ngành điện nước ta, nên cần phải chống độc quyền ngành, điều đó cần dược thể hiện qua các khía cạnh như: Chống tiêu cực trong việc xây dựng mạng lưới điện để đi tới treo công tơ ở các hộ tiêu dùng, đưa ra chính sách giá điện hợp lý. Mặt khác cần đặc biệt quan tâm tới việc chống tổn thất điện năng phát sinh từ nguồn qua mạng lưới tới hộ tiêu dùng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, những nhiệm vụ chính của công ty điện lực Hà nội là phải giảm tổn thất điện năng trong phạm vi lưới điện công ty quản lý. Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn trên và qua thời gian khảo sát thực tập, em thấy ngành điện nước ta nói chung và công ty điện lực Hà nội nói riêng, việc giảm tổn thất điện năng là yêu cầu cấp bách,đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các ngành các cấp. Vì vậy trong thời gian thực tập tại công ty điện lực Hà nội em đã chọn đề tài: “ Một số biện pháp chủ yếu nhằm giảm tổn thất điện năng trong quản lý truyền tải và phân phối điện năngcủa công ty điện lực Hà nội ” Nội dung đề tài ngoài lời mở bài và kết luận ra, nội dung báo cáo thực tập được trình bày trong ba phần chủ yếu sau: Phần thứ nhất: Tính tất yếu khách quan của việc giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải và phân phối từ nguồn phát đến các hộ tiêu dùng. Phần thứ hai: Phân tích tình hình quản lý quá trình truyền tải -phân phối điện năng và thực trạng tình hình tổn thất điện năng của công ty điện lực Hà nội trong thời gian qua. Phần thứ ba: Một số giải pháp chủ yếu nhằm giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải và phân phối điện năng ở công ty điện lực Hà nội.