Luận văn Một số biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh hàng dệt kim trong hoạt động xuất khẩu của công ty dệt kim Đồng Xuân
Sau hơn 10 năm chuyển đổi thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa nền kinh tế, xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà Nước, đó là sự chuyển hướng chiến lược và là bước ngoặt cơ bản đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng đứng vững vươn lên. Cho đến nay nền kinh tế nước ta đã đi dần vào thế ổn định và phát triển. Hoạt động trong cơ chế thị trường, tất cả các vấn đề cơ bản của doanh nghiệp đều phải được giải quyết trên thị trường. Tất cả các mục tiêu, chiến lược kinh doanh nói chung và chiến lược cạnh tranh nói riêng đều được định hướng thông qua thị trường, thị trường là nơi thử nghiệm sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong hoạt động xuất khẩu là nhân tố sống còn của doanh nghiệp. Song để cạnh tranh trên thị trường là vấn đề không hoàn toàn đơn giản do có sự tác động mạnh mẽ và rộng lớn của nhiều nhân tố khác nhau. Hơn nữa để cạnh tranh trong điều kiện kinh tế thế giới như hiện nay là vô cùng khó khăn, nhất là cạnh tranh trong ngành dệt may nói chung và mặt hàng dệt kim nói riêng, do ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, khoa học công nghệ ngày càng phát triển làm cho vòng đời công nghệ của sản phẩm bị rút ngắn càng gây sức ép cho các doanh nghiệp muốn đứng vững được trên thị trường kinh doanh, giữa các quốc gia lại có sự khác biệt về luật pháp, cách sống, văn hoá và sự nhận thức của khách hàng. những yếu tố này luôn vây quanh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đòi hỏi doanh nghiệp phải có những biện pháp để ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Đứng trước tình hình đó, các doanh nghiệp đều cố gắng tìm ra các biện pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Một trong những biện pháp đó là không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá, giảm giá thành sản phẩm đến mức hợp lý với chất lượng cải tiến, đa dạng hoá nhiều mặt hàng. Muốn làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, thiết bị, nâng cao hàm lượng chất xám chứa trong sản phẩm. Công tác này đã được các công ty chú ý nhất là từ khi có chiến lược tăng tốc của Tổng công ty dệt may Việt Nam. Nằm trong tình trạng chung đó, khả năng cạnh tranh của công ty Dệt Kim Đông Xuân còn một số vấn đề cần được nâng cao. Chính vì vậy, một số biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh mặt hàng dệt kim trong hoạt động xuất khẩu là mối quan tâm của Ban lãnh đạo công ty Dệt Kim Đông Xuân - một doanh nghiệp dệt may đầu tiên có sản phẩm xuất khẩu được cấp dấu "Chất lượng cao" của Việt Nam. Sau một thời gian thực tập và nghiên cứu tại công ty với mục đích hệ thống hoá và củng cố kiến thức đã được tiếp thu, áp dụng vào thực tiễn em đã quyết định chọn đề tài: " Một số biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh hàng dệt kim trong hoạt động xuất khẩu của công ty Dệt Kim Đông Xuân". Do đề tài mang tính thực tế cao, thời gian và kinh nghiệm nghiên cứu còn hạn chế nên không tránh khỏi những sai sót. Vì vậy, em rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của Thầy Cô giáo, các Cô Chú trong công ty Dệt Kim Đông Xuân để bản báo cáo của em được hoàn thiện. Kết cấu của bản báo cáo gồm 3 phần chính: Chương 1: Những vấn đề chung về cạnh tranh và khả năng cạnh tranh. Chương 2: Phân tích năng lực cạnh tranh của công ty Dệt Kim Đông Xuân. Chương 3: Một số biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh mặt hàng dệt kim trong hoạt động xuất khẩu tại công ty Dệt Kim Đông Xuân.