Luận văn Ngành da giầy Việt Nam trong tiến trình đổi mới
1- Sự cần thiết của đề tài Quá trình đổi mới trên đất nước ta đã tác động sâu sắc và mạnh mẽ tới các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới các ngành kinh tế, ngành Công nghiệp Da - Giầy là một trong những ngành xuất khẩu có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân về nhiều mặt như: thu hút nhiều lao động trong xã hội và có điều kiện thuận lợi trong hợp tác Quốc tế, đồng thời có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu và tiềm năng xuất khẩu lớn thu nhiều ngoại tệ về cho đất nước. Trong những năm qua, với những lợi thế của mình ngành Da - Giầy Việt nam đã tiếp nhận một cách có hiệu quả sự chuyển dịch của ngành Da - Giầy thế giới và đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên ngành còn bộc lộ nhiều nhược điểm như: Phát triển một cách tự phát, thiếu qui hoạch, mất cân đối dẫn tới hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Đặc biệt, khi chuyển sang cơ chế thị trường, hoà nhập với thế giới và khu vực, ngành Da - Giầy nước ta đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn là làm thế nào để tồn tại và ngày càng phát triển trong cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Quá trình toàn cầu hoá kinh tế, sự hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực sẽ tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội để xuất khẩu các mặt hàng của mình. Đó cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt đối với ngành Da - Giầy, khi Trung Quốc một cường quốc về sản xuất da thuộc và giầy ra nhập WTO. Các nước trong khu vực hơn hẳn ta về trình độ công nghệ cũng như kỹ thuật, nên đòi hỏi sản phẩm của ngành sản xuất ra phải có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và một điểm quan trọng hơn cả là phải hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh trên trường Quốc tế. Nếu không khi hội nhập kinh tế khu vực và Quốc tế thì sản phẩm của ngành sẽ không có chỗ đứng ở ngay cả thị trường nội địa. Vì vậy, giá nhân công rẻ mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để cạnh tranh trên thị trường giầy và đồ da thế giới. Trong bối cảnh đó, để tồn tại và phát triển vững chắc, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và phát triển ngành Da - Giầy trong điều kiện nền kinh tế hội nhập và phát triển là rất cần thiết, nhằm giúp ngành định hướng phát triển và khai thác có hiệu quả những nguồn lợi mà ngành công nghiệp mang lại. Do đó, tác giả chọn nghiên cứu đề tài : "Ngành Da - Giầy Việt Nam trong tiến trình đổi mới " nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho ngành, để ngành Da giầy Việt nam ngày càng phát triển tương xứng với vị trí và tiềm năng của nó. 2- TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Cho đến nay, ngoài Qui hoạch tổng thể phát triển ngành Da - Giầy đến năm 2010 của Bộ Công nghiệp - Tổng Công ty Da - Giầy mang tính chất quản lý. Ngoài ra trong thời gian qua cũng có nhiều bài báo, bài viết đăng trên các tạp chí bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một đề tài nghiên cứu tổng thể về phát triển ngành Da - Giầy, những mặt còn tồn tại, những định hướng dài hạn và những giải pháp chiến lược. Chính vì vậy, sau những đánh giá về thực trạng phát triển ngành Da - Giầy và phân tích những thách thức đối với ngành và cơ hội phát triển, luận văn sẽ cố gắng đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển ngành Da - Giầy Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phát triển không ngừng và nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. 3- MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN VĂN Mục đích nghiên cứu là: Từ việc làm rõ thực trạng phát triển ngành Da - Giầy hiện nay, những thách thức đối với ngành và cơ hội phát triển - luận văn đưa ra định hướng chiến lược và các giải pháp cơ bản để phát triển ngành Da - Giầy trong những năm tới. 4- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 4.1-Đối tượng Dưới góc độ kinh tế chính trị, luận văn nghiên cứu tình hình phát triển ngành Da - Giầy trong nền kinh tế thị trường Việt nam đang từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. 4.2 - Phạm vi nghiên cứu Luận văn tập trung nghiên cứu tình hình phát triển ngành Da - Giầy trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ nửa cuối thập niên 90 trở lại đây. Luận văn không đi sâu nghiên cứu mặt kỹ thuật, mà tập trung làm rõ các quan hệ kinh tế xã hội chi phối sự phát triển của ngành Da - Giầy. 5- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Vận dụng tổng hợp phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, trong đó có các phương pháp cụ thể: phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp lôgic, phương pháp thống kê toán học, phương pháp so sánh tổng hợp. 6- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN - Hệ thống hoá cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò và vị trí của ngành Da - Giầy trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. - Làm rõ thực trạng của ngành Da - Giầy Việt Nam, những thành công, những tồn tại trong phát triển ngành Da - Giầy trong những năm qua. - Đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển ngành Da - Giầy Việt Nam trong những năm tới. 7- BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo luận văn gồm ba chương. CHƯƠNG 1: THỊ TRƯỜNG DA - GIẦY THẾ GIỚI VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DA - GIẦY VIỆT NAM CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DA - GIẦY VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN NGÀNH DA - GIẦY VIỆT NAM