Luận văn Nghiên cứu biện pháp xử lý, tận dụng cao su phế thải

Cao su là loại vật liệu có những tính chất quý giá. Khác với các vật thể rắn, cao su có độ bền cơ học thấp hơn nhưng có đại lượng biến dạng, đàn hồi lớn hơn nhiều lần. Khi có ngoại lực tác dụng, có những sản phẩm cao su có khả năng biến dạng hàng chục lần so với kích thước ban đầu, kích thước ban đầu lại được thiết lập ngay sau khi loại bỏ ngoại lực. Khác với các chất lỏng được đặc trưng bằng độ bền cơ học vô cùng nhỏ và đại lượng biến dạng chảy nhớt không thuận nghịch lớn, cao su trong nhiều lĩnh vực được sử dụng như là một vật liệu chịu lực có đại lượng biến dạng đàn hồi nhỏ. Sự đa dạng của lĩnh vực sử dụng, chủng loại sản phẩm, tính năng kỹ thuật của cao su và các sản phẩm cao su cho chúng ta thấy rằng cao su là loại vật liệu không thể thay thế được [1]. Chính vì vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền công nghiệp, nhu cầu sử dụng các sản phẩm được sản xuất từ các hợp chất cao phân tử nói chung và cao su nói riêng tăng lên một cách mạnh mẽ. Song song với việc đó là một lượng lớn phế thải từ vật liệu này đang được gia tăng một cách nhanh chóng. Theo ước tính, lượng phế phẩm hàng năm của các vật liệu tổng hợp chiếm trung bình 60% số lượng sản xuất ra. Các sản phẩm này rất khó phân huỷ, chúng tồn tại từ năm này sang năm khác tạo ra một lượng rác thải khổng lồ nằm trong các bãi rác của thành phố lớn. Điều này đang là một mối lo, một vấn đề thời sự của xã hội. Vấn đề được đặt ra ở đây là phải xử lý chúng như thế nào cho hợp lý nhất: vừa mang lại thêm của cải vật chất, vừa tránh được ô nhiễm môi trường. Do vậy, từ nhiều năm nay, trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu để xử lý, tận dụng các vật liệu polyme phế thải nói chung và cao su phế thải (CSPT) nói riêng. Các công trình này đã góp phần làm giảm thiểu khối lượng rác phải thu gom và tiêu huỷ, mang lại cơ hội làm việc cho những người nghèo, bảo tồn những nguồn lực có hạn và bảo vệ môi trường sống trong sạch. Ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu xử lý, tận dụng polyme phế thải nói chung và cao su phế thải nói riêng chưa được chú ý nhiều. Theo thống kê của Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) thì ở Hà Nội mới chỉ có khoảng 5% vật liệu polyme phế thải được thu gom và tái sử dụng bằng các biện pháp đơn giản ở các làng Triều Khúc, Trung Văn, Minh Khai [2]. Còn các phế thải từ các sản phẩm cao su thì hầu như chưa được quan tâm đến. Trước tình hình như vậy, chúng tôi chọn đề tài “Nghiên cứu biện pháp xử lý, tận dụng cao su phế thải” để thực hiện luận văn tốt nghiệp với mục tiêu đưa ra được biện pháp xử lý, tận dụng thích hợp để có thể tái sử dụng các loại cao su phế thải nhằm tiết kiệm nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường.

doc65 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2349 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nghiên cứu biện pháp xử lý, tận dụng cao su phế thải, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên