Luận văn Nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở tỉnh Đắk Nông

1. Tính cấp thiết của đề tài Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là con đường tất yếu để biến một nước có nền nông nghiệp lạc hậu như nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần cao. Để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách thành công cần có nhiều tiền đề cần thiết, trong đó nguồn nhân lực là tiền đề quan trọng nhất. Vì vậy, xây dựng một nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng là yếu tố quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nhất là trong điều kiện nước ta đã gia nhập WTO thì điều đó càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt và hết sức cấp thiết. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chương trình mang tính chất chiến lược về đầu tư và phát triển con người của riêng mình hướng theo một nguyên tắc chung là: Đặt con người vào trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội, sự thừa nhận vai trò quan trọng và quyết định của nhân tố con người trong phát triển kinh tế - xã hội vừa mang ý nghĩa bước ngoặt của tư duy nhân loại, vừa mở ra một triển vọng mới cho tất cả các nước. Sự thành bại của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước đang tùy thuộc vào những bí quyết về đào tạo, sử dụng và phát huy nhân tố con người. Đắk Nông là một tỉnh vùng dân tộc thiểu số miền núi, mới được thành lập từ 31/12/2003, trên cơ sở chia tách từ tỉnh Đắk Lắk cũ thành 02 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Với diện tích tự nhiên 651.438 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 163.324 ha, diện tích đất lâm nghiệp 382.519 ha; gồm 06 huyện, 01 thị xã với 61 xã, phường, thị trấn, dân số trên 400.000 người, gồm 31 dân tộc anh em (dân tộc thiểu số chiếm khoảng 31%). Nằm trên vùng đất Bazan màu mỡ, tỉnh Đắk Nông rất thuận lợi cho việc phát triển Nông, Lâm nghiệp. Có hệ thống sông Sêrêpok và sông Đồng Nai với tiềm năng thủy điện dồi dào. Là khu vực đầu nguồn của nhiều sông suối, nên trên địa bàn tỉnh có nhiều cảnh quan kỳ thú để phát triển du lịch. Đặc biệt có nhiều mỏ khoáng sản Bôxít lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã được Chính phủ xúc tiến đầu tư với các đối tác. Tỉnh có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, song mặt bằng văn hóa và trình độ dân trí thấp, phân bố dân cư và nguồn nhân lực chưa phù hợp với yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng suất lao động thấp, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm 33,7%, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc tại chỗ (DTTC) so với tổng số hộ của đồng bào DTTC chiếm 64%; sản xuất hàng hóa chưa phát triển, ở một số nơi còn mang nặng tính tự cung tự cấp, chưa đáp ứng yêu cầu của việc chuyển nền kinh tế sang giai đọan CNH-HĐH. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ I đã đánh giá: “Mức sống của nhân dân nhìn chung còn thấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vùng sâu, vùng xa. Lao động kỹ thuật được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số lao động xã hội” [8, tr.29]. Ngày nay, khả năng cạnh tranh, phát triển của một quốc gia, một địa phương phụ thuộc vào đội ngũ lao động có học thức, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và trình độ tay nghề cao. Quá trình phát triển của lịch sử xã hội ngày càng chứng tỏ tri thức và khả năng con người đang trở thành nhân tố then chốt cho sự phát triển. Nhân lực không chỉ đơn thuần là một trong những nguồn nhân lực của sản xuất, mà còn là chủ thể có khả năng tổ chức, sử dụng tốt hơn các nguồn lực khác. Việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của CNH, HĐH trên địa bàn vùng dân tộc miền núi, vừa mới thành lập như Đắk Nông, đang là vấn đề cấp thiết, góp phần làm cho khoa học công nghệ được đưa vào sản xuất sớm hơn, hiệu quả hơn, tạo ra năng lực cạnh tranh, thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH, giúp tỉnh Đắk Nông rút ngắn được khoảng cách trình độ phát triển so với các tỉnh lân cận và các địa phương khác trong cả nước. Từ những lý do trên, tôi chọn đề tài “Nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở tỉnh Đắk Nông” làm đề tài luận văn thạc sĩ Kinh tế. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Vấn đề nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho CNH, HĐH nói riêng, trong những năm gần đây đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu: - TS. Đoàn Văn Khải (2005), “Nguồn nhân lực con người trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam”, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội. - Tiến sĩ Vũ Bá Thể, Học viện Tài chính (2005), “Phát huy nguồn nhân lực con người để công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội. - Phạm Minh Hạc (1996), “Vấn đề phát triển con người trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. - Nguyễn Công Toàn (Tạp chí Triết học 5/1998), “Mấy suy nghĩ về phát huy nguồn lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. - Vương Quốc Được (1999), “Xây dựng nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở thành phố Đà Nẵng”, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ngoài ra các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã có nhiều bài viết đăng trên tạp chí Cộng sản, tạp chí Quản lý kinh tế. Về nguồn nhân lực cho CNH, HĐH. Nhưng nhìn chung, những công trình nghiên cứu trên, chủ yếu là đề cập nhiều đến nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp, các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng, chưa có công trình nào nghiên cứu dưới góc độ của môn kinh tế chính trị, đề cập đến việc phát triển nguồn nhân lực làm cơ sở cho việc thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH của một tỉnh vùng dân tộc thiểu số vừa mới thành lập, dân cư thưa thớt, phân bố không đều, còn đang có rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, xuất phát điểm kinh tế ở trình độ thấp. như tỉnh Đắk Nông. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài này ở đây vẫn còn là vấn đề mới. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn 3.1. Mục đích Hệ thống hoá những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá làm cơ sở để phân tích thực trạng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Đắk Nông - một tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa mới thành lập, đề xuất phương hướng, quan điểm và các giải pháp chủ yếu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH ở tỉnh Đắk Nông. 3.2. Nhiệm vụ Để đạt mục đích nói trên, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài tập trung vào những vấn đề sau: - Làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm, các nhân tố ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nguồn nhân lực; vai trò của nguồn nhân lực và yêu cầu về nguồn nhân lực đối với CNH, HĐH. - Phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh Đắk Nông: Đánh giá về số lượng, chất lượng, tình hình sử dụng nguồn nhân lực cho CNH, HĐH của Tỉnh từ khi được thành lập đến nay. - Trên cơ sở những phân tích về lý luận, thực tiễn phát triển NNL, đề xuất các giải pháp phát triển NNL cho CNH, HĐH ở tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2015, 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn - Nghiên cứu mối quan hệ giữa nguồn nhân lực với CNH, HĐH trên địa bàn Đắk Nông - một tỉnh miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa mới được thành lập. - Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông từ khi chia tách đến nay (01/7/2004 đến 01/7/2005) và đề xuất giải pháp xây dựng nguồn nhân lực cho giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo để thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn dựa trên nền tảng thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp trừu tượng hoá khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài ra còn sử dụng phương pháp nghiên cứu thực tế, tổng hợp, thống kê, phân tích. 6. Đóng góp khoa học của luận văn Luận văn làm rõ thêm về khái niệm, vai trò của NNL cho CNH, HĐH. Làm rõ đặc điểm NNL cho CNH, HĐH trong điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của một tỉnh vùng dân tộc miền núi nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó đề xuất phương hướng, giải pháp hình thành và phát triển NNL cho sự nghiệp CNH, HĐH ở tỉnh Đắk Nông, làm tài liệu tham khảo cho các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền địa phương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn công tác đào tạo cán bộ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn gồm 3 chương, 9 tiết.

doc91 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 2548 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở tỉnh Đắk Nông, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan