Vị từ (VT) – một từ loại được coi là có tính phổ quát – với vai trò là thành tố thiết yếu trong việc tạo
câu (đơn vị giao tiếp cơ bản của con người), trở thành một trong những đối tượng nhận được sự quan tâm
đặc biệt của các nhà ngôn ngữ học. Có thể nói, không có một công trình về ngữ pháp nào mà lại bỏ qua
việc giới thiệu, khảo sát VT. Tuy nhiên, VT và những phạm trù liên quan cũng nằm trong số những vấn đề
còn gây nhiều bất đồng trong giới nghiên cứu trước đây cũng như hiện nay. Những công trình khảo sát về
VT cho thấy từ loại này đã được tiếp cận từ rất nhiều hướng, rất nhiều khía cạnh khác nhau. Mỗi hướng
tiếp cận cho ta những phát hiện khác nhau. Ngay trong một hướng tiếp cận, những đặc điểm, những khía
cạnh liên quan đến VT cũng được nhìn nhận rất khác nhau giữa các tác giả
186 trang |
Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 2316 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Phạm trù nội động/ ngoại động trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
LÊ KÍNH THẮNG
PHẠM TRÙ NỘI ĐỘNG/ NGOẠI ĐỘNG
TRONG TIẾNG VIỆT
(SO SÁNH VỚI TIẾNG ANH)
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN NGÔN NGỮ
Mã số: 62.22.01.01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng
2. PGS.TS. Hoàng Dũng
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2009
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng luận án này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và dẫn
chứng đưa ra trong luận án là hoàn toàn trung thực và không sao chép từ bất kì một công
trình nào.
Tác giả luận án
LỜI TRI ÂN
Tôi xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước hết tới PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, người thầy đã hướng dẫn
tôi luận văn thạc sĩ và là người hướng dẫn 1 luận án này. Ngoài những động viên lớn lao ở phương diện
tinh thần, chính thầy là người đã giúp tôi lựa chọn đề tài, hướng dẫn phương pháp làm việc khoa học; đưa
ra những gợi dẫn quí báu đối với từng chương mục của luận án này.
Tôi xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới PGS.TS Hoàng Dũng, người tham gia tập thể hướng dẫn
luận án này. Thầy đã cho những lời khuyên quí báu giúp tránh được những sai lầm mà một người mới bước
vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học như tôi rất dễ phạm phải.
Tôi xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới PGS.TS Trịnh Sâm, người đã động viên, giúp đỡ tôi rất
nhiều trong quá trình học tập, quá trình thực hiện luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Có được luận án này tôi đã nhận được sự giúp đỡ quí báu cả về tri thức và tinh thần của GS.TSKH Lý
Toàn Thắng, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, GS.TS Hoàng Trọng Phiến, PGS Hồ Lê, PGS. TS Đặng Ngọc
Lệ, PGS.TS Nguyễn Công Đức, TS Hoàng Cao Cương, PGS.TS Dư Ngọc Ngân, TS. Trần Hoàng, TS.
Nguyễn Thị Ly Kha, TS. Đỗ Thị Bích Lài, TS. Nguyễn Văn Bằng. Chính các thầy cô là những người
không tiếc công sức đọc và góp những ý kiến quí báu cho bản thảo luận án này.
Tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn chân thành tới Khoa Ngữ Văn, Phòng KHCN-Sau ĐH trường ĐHSP Tp
Hồ Chí Minh. Khoa và Phòng đã dành cho tôi những điều kiện tốt nhất trong quá trình học tập, nghiên cứu
từ khi tôi là học viên cao học đến nay.
Nhân đây tôi cũng xin gửi lời tri ân sâu sắc tới Trường CĐSP Đồng Nai, đơn vị tôi công tác. Ban
Giám hiệu, cán bộ các phòng ban và tập thể khoa Xã hội đã dành cho tôi những điều kiện thuận lợi nhất
trong suốt 3 năm thực hiện luận án vừa qua.
Cũng sẽ không thể hoàn thành luận án nếu tôi không nhận được sự giúp đỡ của đại gia đình tôi, bạn bè
thân hữu – những người đã có sự giúp đỡ quí báu về cả tinh thần lẫn vật chất. Tôi xin gửi tới họ những lời
tri ân chân thành nhất.
QUY ƯỚC TRÌNH BÀY
1. Để giản tiện trong trình bày, một số từ ngữ thường lặp lại trong luận án sẽ được chúng tôi viết tắt
như sau:
BN Bổ ngữ
NĐ Nội động
NgĐ Ngoại động
VT Vị từ
Một số ký hiệu khác:
Dấu / hay, hoặc (chọn từ phía trước hoặc phía sau gạch xiên)
Dấu + có
Dấu – không (có)
Dấu ± có hoặc không (có)
Dấu có thể chuyển thành, hay tương đương với
2. Trong các ví dụ, những câu có đánh dấu * là những câu không chấp nhận được. Những câu có đánh
dấu ? là những câu không tự nhiên. Những từ trong ngoặc đơn là những từ có thể lược bỏ mà không
làm cho câu thay đổi về phương diện “có thể” hay “không thể” được người bản ngữ chấp nhận.
3. Các ví dụ được đánh theo thứ tự trong từng chương. Khi muốn tham chiếu về ví dụ ở chương khác
sẽ có chua thêm tên chương phù hợp.
4. Tên gọi các đơn vị chức năng cú pháp sẽ được viết chữ thường hoặc viết tắt nếu dùng thường
xuyên (chẳng hạn, chủ ngữ, BN) riêng Đề, Thuyết được viết hoa để tránh nhầm lẫn với tên gọi này
được dùng với nghĩa khác; tên gọi các vai nghĩa sẽ được viết hoa ở chữ đầu (chẳng hạn, Đích).
5. Trong luận án, một số chỗ chúng tôi dùng Đề/ chủ ngữ để chỉ một ngữ đoạn chức năng làm chủ ngữ
trong ngôn ngữ thiên chủ ngữ (chẳng hạn, tiếng Anh) và làm Đề trong ngôn ngữ thiên chủ đề (chẳng hạn,
tiếng Việt) – Đề, chủ ngữ được hiểu là những đơn vị chức năng cú pháp. Khi Đề (hoặc đề ngữ) được
dùng với tư cách là một đơn vị thuộc bình diện cấu trúc thông tin của câu, chúng tôi sẽ có chú thích
thêm.
DẪN NHẬP
0.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Vị từ (VT) – một từ loại được coi là có tính phổ quát – với vai trò là thành tố thiết yếu trong việc tạo
câu (đơn vị giao tiếp cơ bản của con người), trở thành một trong những đối tượng nhận được sự quan tâm
đặc biệt của các nhà ngôn ngữ học. Có thể nói, không có một công trình về ngữ pháp nào mà lại bỏ qua
việc giới thiệu, khảo sát VT. Tuy nhiên, VT và những phạm trù liên quan cũng nằm trong số những vấn đề
còn gây nhiều bất đồng trong giới nghiên cứu trước đây cũng như hiện nay. Những công trình khảo sát về
VT cho thấy từ loại này đã được tiếp cận từ rất nhiều hướng, rất nhiều khía cạnh khác nhau. Mỗi hướng
tiếp cận cho ta những phát hiện khác nhau. Ngay trong một hướng tiếp cận, những đặc điểm, những khía
cạnh liên quan đến VT cũng được nhìn nhận rất khác nhau giữa các tác giả.
Trong giới Việt ngữ học, rất nhiều nhà nghiên cứu dựa trên các quan niệm, đường hướng tiếp cận
khác nhau đã bàn về ngữ pháp nói chung và VT nói riêng. Rất nhiều tác giả đã cố gắng xác định các tiêu
chí để nhận diện VT cũng như đề xuất các hướng miêu tả, phân loại VT. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có
tác giả nào đặt trọng tâm chú ý vào việc khảo sát phạm trù nội (NĐ)/ ngoại động (NgĐ) – một phạm trù
quan trọng, được coi là gắn bó mật thiết với VT. Nhìn chung các công trình nghiên cứu Việt ngữ chỉ điểm
qua về phạm trù NĐ/ NgĐ khi đề cập tới từ loại VT hoặc khi thảo luận về một số cấu trúc câu.
Luận án xác định đối tượng nghiên cứu là phạm trù NĐ/ NgĐ trong tiếng Việt và những vấn đề cơ
bản có liên quan. Cụ thể, luận án sẽ khảo sát một cách hệ thống các biểu hiện, các đối lập của phạm trù
NĐ/ NgĐ trong tiếng Việt; đồng thời đối chiếu với những vấn đề tương ứng trong tiếng Anh để tìm ra
những tương đồng, dị biệt cơ bản nhằm tìm thêm luận cứ cho việc biện giải phạm trù NĐ/ NgĐ trong tiếng
Việt.
0.2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
0.2.1. Trên thế giới, phạm trù NĐ/ NgĐ đã được chú ý từ lâu. Phạm trù này thường gắn với việc
phân loại động từ trong các công trình ngữ pháp cổ điển. Các tác giả thuộc trường phái ngữ pháp Hy
Lạp cổ đại (như Aristotle, Thrax, Dyscolus, v.v.), trường phái La Mã cổ đại (như Donatus, Priscian,
v.v.), ngữ pháp Ấn Độ cổ (như Panini, v.v.) không chỉ đề cập tới vấn đề phân loại, tới việc xác định vị
thế động từ trong hệ thống từ loại mà còn bàn cả về vấn đề phân chia động từ thành nội động từ và
ngoại động từ (x. [83, tr.18-76]). Phạm trù NĐ/ NgĐ được các nhà ngữ pháp trung cổ và các nhà ngữ
pháp hiện đại không ngừng tìm hiểu. J. Vendryès đã phải nói rằng: “Sự phân biệt ấy (NĐ/ NgĐ) được
các nhà ngữ pháp luôn dùng đến; nó có vẻ tự nhiên đến nỗi người ta chẳng buồn định nghĩa nữa, người
ta bảo tự nó thế.” [dẫn theo 82, tr.95]. Nhìn chung trên thế giới, phạm trù NĐ/ NgĐ được hiểu rất khác
nhau.
0.2.1.1. Trước những năm 30 thế kỷ XX, các định nghĩa về phạm trù NĐ/ NgĐ thường dựa trên
tiêu chí nghĩa. J. Nesfield (1898) cho rằng: “một động từ là NgĐ khi mà hành động không dừng ở Tác
thể (agent), mà đi qua một cái gì khác” còn “một động từ là NĐ khi mà hành động dừng lại ở Tác thể
và không đi từ Tác thể tới bất cứ cái gì khác” [185, tr.64]. Với cách hiểu như vừa trình bày trên, phạm
trù này chỉ áp dụng cho một số động từ thuộc nhóm động từ hành động. Tuy nhiên trong thực tế nhiều
động từ [–hành động] có chủ thể không hề tác động đến sự vật khác (như: know ‘biết’, see ‘nhìn’, love
‘yêu’, v.v), vẫn được coi là NgĐ [185, tr.64-65]. Vì thế, các nhà ngữ pháp bấy giờ đã phạm phải nhiều
mâu thuẫn khi đề cập đến phạm trù này.
0.2.1.2. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, gắn với khuynh hướng ngữ pháp cấu trúc, NĐ/ NgĐ lại
được coi là phạm trù ngữ pháp thuần túy. Sau khi đã tách những động từ không có nghĩa từ vựng (động
từ nối và động từ tình thái), các nhà ngôn ngữ học chia động từ có ý nghĩa từ vựng thành hai loại: động
từ NgĐ và động từ NĐ. Các động từ được coi là NgĐ khi nó kết hợp với một bổ ngữ (BN) trực tiếp,
các động từ còn lại là NĐ ([155, tr.305]; [192, tr.117]; [193, tr.5])1. Trong nỗ lực hình thức hoá, khách
quan hoá các tiêu chí nhận diện, các nhà ngữ pháp học thời kì này đã cố gắng xác lập những dấu hiệu
hình thức trong việc định nghĩa, cũng như phân loại, miêu tả động từ NĐ và NgĐ. Tuy nhiên, việc sử
dụng duy nhất tiêu chí hình thức ngữ pháp đã khiến cho việc phân loại, miêu tả gặp nhiều khó khăn,
đặc biệt với các ngôn ngữ không biến hình (x. mục 1.5).
0.2.1.3. Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, các nhà ngôn ngữ học tiếp tục dành sự quan tâm
đáng kể đến phạm trù NĐ/ NgĐ.
Các nhà ngôn ngữ học thuộc trường phái ngữ pháp tạo sinh xác định NĐ/ NgĐ dựa trên cơ sở sự
chi phối trật tự và tầng bậc (order and hierarchical dominance) các thành tố. Theo đó, chủ ngữ là một ngữ
đoạn danh từ bị chi phối trực tiếp bởi câu còn BN trực tiếp là ngữ đoạn danh từ bị chi phối trực tiếp bởi
ngữ động từ. Câu NgĐ là kiểu câu có một chủ ngữ và một BN trực tiếp (x. [199, tr.11]). NĐ/ NgĐ được
xem như là một phạm trù gắn chặt với câu. Ngữ pháp tạo sinh cũng cho rằng mô hình câu NgĐ như đề
cập trên là mô hình cơ bản (cấu trúc sâu), ở các mô hình cú pháp khác (cấu trúc bề mặt) vai trò của các
thành tố có thể thay đổi. Trong một số ngôn ngữ, nhất là các ngôn ngữ có trật tự không phải là SVO và
các ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ tác cách (ergative), quan hệ giữa các thành tố trong cấu trúc không
nhất thiết tuân theo kiểu chi phối như các nhà ngữ pháp tạo sinh đề xuất ở trên.
Nhiều nhà ngôn ngữ học đã có đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu phạm trù NĐ/ NgĐ từ
góc độ loại hình khi đi tìm sự đánh dấu cách trên các ngữ đoạn chức năng (chủ ngữ [NĐ, NgĐ], BN
trực tiếp) cũng như tìm hiểu sự phù ứng của VT với các thành phần chức năng đó. Công trình tập thể
quy mô về “Chủ ngữ và Chủ đề” (‘Subject and Topic’) do Ch. Li chủ biên (1976) có một số bài viết đề
1 Một số tác giả còn thêm tiêu chí khả năng biến đổi sang dạng bị động. Một VT NgĐ bao giờ cũng có thể tham gia vào cấu trúc bị
động [200, tr.8-15].
cập tới sự đánh dấu cách trên chủ ngữ, chủ đề cũng như sự phù ứng của động từ với các ngữ đoạn chức
năng trong các loại hình ngôn ngữ. Mặc dù không trực tiếp bàn về phạm trù NĐ/ NgĐ nhưng những
nhận xét về đặc tính, sự thể hiện các thành phần có liên quan đến động từ đã góp phần soi sáng, định
hướng ít nhiều cho việc tìm hiểu phạm trù NĐ/ NgĐ nói riêng và VT nói chung. Sau đó, hàng loạt
công trình tương tự tiếp tục khảo sát một cách chi tiết những vấn đề liên quan đến phạm trù NĐ/ NgĐ.
Có thể nêu ra các bài viết của E. Moravcsik (1978) về sự đánh dấu cách trên ngữ đoạn làm BN trực
tiếp [181], về sự phù ứng của động từ [182], của T. Givón (1978) về tính [±xác định] của các thành
phần chức năng [151], v.v. Điều cần ghi nhận là những nghiên cứu của họ đã cho thấy tìm hiểu phạm
trù NĐ/ NgĐ cần phải chú ý tới cả đặc điểm ngữ nghĩa của các thành phần chức năng gắn với VT.
Một điểm mốc quan trọng trong việc nghiên cứu phạm trù NĐ/ NgĐ là công trình của P. Hopper
và S. Thompson đăng trên tạp chí “Language” (Ngôn ngữ) số 2 năm 1980. Trong bài viết này, các tác
giả đã đưa ra một chùm mười tiêu chí nhằm nhận diện phạm trù NĐ/ NgĐ. Tùy theo mức độ thỏa mãn
các tiêu chí đã nêu, tư cách của VT cần xét sẽ được xác định. Phạm trù NĐ/ NgĐ được các tác giả xem
là gắn chặt với câu và nó bị chi phối đáng kể bởi các nhân tố hoàn cảnh sử dụng (những nhân tố thuộc
về dụng pháp).
Một số tác giả đã xem NĐ/ NgĐ không chỉ là phạm trù ngữ pháp mà còn là phạm trù ngữ nghĩa,
gắn với cấu trúc ngữ nghĩa của VT. Chẳng hạn, khi định nghĩa VT NgĐ, T. Givón (1984) đã sử dụng
cả cơ sở cú pháp ([±BN trực tiếp]) và cơ sở ngữ nghĩa (số lượng và kiểu vai nghĩa của các tham tố).
Theo ông, “những VT có một chủ ngữ Tác thể (agent subject) và một BN trực tiếp Bị thể (patient
direct-object) là những VT NgĐ” [152, tr.91]. Việc kết hợp cả hai tiêu chí này đã tạo ra một cách hiểu
mới có giá trị giải thích và vận dụng rất hiệu quả. Và tiến xa hơn, tác giả đã đưa ra khái niệm NgĐ điển
hình (prototypical transitive verbs) và NgĐ kém điển hình (less prototypical transitive verbs) để phân
chia VT NgĐ. Bằng cách này, tác giả đã kế thừa được lối phân loại truyền thống (căn cứ vào nghĩa)
nhưng cũng không làm mất đi tính triệt để, khoa học trong quá trình nhận diện, phân loại VT.
Một hướng tiếp cận rất đáng lưu ý liên quan tới phạm trù NĐ/ NgĐ là quan niệm của trường
phái Ngữ pháp Chức năng hệ thống mà người khởi xướng là M. Halliday. NgĐ/ chuyển tác
(transitivity) không được hiểu như là một phạm trù của động từ mà là một phạm trù thuộc về mệnh
đề/ cú (clause). Đó là một “hệ thống ngữ pháp nhằm phân thế giới khái niệm thành một tập hợp các
kiểu quá trình (process types)” [29, tr.205]. Chuyển tác được hiểu là cách tổ chức các mô hình cú
pháp liên quan đến (i) lựa chọn một quá trình (một kiểu động từ); (ii) lựa chọn các diễn tố (kiểu và số
lượng các tham tố bắt buộc); (iii) lựa chọn các chu tố (kiểu và số lượng các tham tố tự do) [142,
tr.299]. Kết quả của việc lựa chọn trên là sự hình thành của một trong ba quá trình: quá trình vật
chất, quá trình tinh thần, quá trình quan hệ. Như vậy chuyển tác là kiểu mô hình cú pháp liên quan
chặt chẽ đến phương diện nghĩa (thể hiện thế giới kinh nghiệm bên ngoài). Cách hiểu chuyển tác như
trên có nhiều khác biệt so với cách hiểu thuật ngữ NgĐ (với tư cách là một phạm trù ngữ pháp của
VT) mà luận án đề cập tới vì thế thuật ngữ chuyển tác và nội hàm của nó chỉ được xem là một cơ sở
tham khảo thêm trong các phần sẽ trình bày tiếp theo.
Y. Testelec (1998) khi bàn về các tiêu chí nhận diện phạm trù NĐ/ NgĐ, đã đưa ra nhận xét
chung về cách hiểu phạm trù này trong giới ngôn ngữ học đồng thời đề xuất một số tiêu chí nhận diện.
Theo tác giả, hiện có hai hướng phân loại ngữ pháp cơ bản: (i) dựa trên những đặc tính thuộc về hình
thức của từ, không dựa vào hoặc dựa rất ít vào ngữ nghĩa; (ii) dựa trên những đặc tính ngữ nghĩa kiểu
như động vật tính (animateness). Tác giả cho rằng lối phân loại NĐ/ NgĐ giống với lối phân loại các
đơn vị từ vựng, là lối phân loại dựa vào tư cách cú pháp của chúng – một lối phân loại cho thấy có sự
giao thoa (overlap) ít nhiều giữa các ngôn ngữ. Cũng trong công trình này tác giả đã cho rằng theo
quan niệm truyền thống phổ biến nhất hiện nay thì “những động từ có diễn trị BN trực tiếp (direct
object valency) được gọi là những động từ NgĐ, những động từ không có diễn trị BN trực tiếp là động
từ NĐ”. Để tránh những vấn đề rắc rối về mặt lí thuyết cũng như trong miêu tả cụ thể liên quan đến
khái niệm BN trực tiếp, một số nhà loại hình học đã sử dụng các khái niệm phổ quát dựa trên cơ sở
ngữ nghĩa, theo đó “một nhóm VT nhỏ, những VT hủy diệt và tạo tác (verbs of destruction and
creation), được coi là NgĐ ở dạng cơ bản có thể thấy trong tất cả các ngôn ngữ. Và, bất kì VT nào đòi
hỏi cấu trúc tương tự như các VT này đòi hỏi thì đều được gọi là NgĐ.” [210, tr. 29]. Đồng ý với quan
điểm cho rằng NĐ/ NgĐ có thể được xác định dựa trên cơ sở ngữ nghĩa (semantic base), tác giả đã đi
sâu bàn thảo về giá trị của hai tiêu chí có liên quan đến phạm trù NĐ/ NgĐ, đó là tính “bị ảnh hưởng”
(affectedness) và tính “chủ ý” (control). Dựa trên các tiêu chí này, ông đã đưa ra một bảng phân loại
các VT gồm tám loại dựa trên hai tiêu chí trên [210, tr.37]. Lối phân loại dựa trên đặc điểm ngữ nghĩa
của các vai nghĩa mà tác giả đề nghị cũng còn nhiều điểm cần trao đổi.
0.2.2. Ở Việt Nam, thái độ của giới Việt ngữ học đối với phạm trù NĐ/ NgĐ có thể chia thành hai
khuynh hướng chính sau.
0.2.2.1. Một số nhà Việt ngữ học phủ nhận sự tồn tại phạm trù NĐ/ NgĐ. Trong số này, có người
phủ nhận sự tồn tại từ loại trong tiếng Việt, do đó, NĐ/ NgĐ, vốn gắn với VT, cũng không được nhắc
tới. Quan niệm này có thể tìm thấy trong các công trình của M. Grammont & Lê Quang Trinh (1911),
H. Maspéro (1912), Hồ Hữu Tường (1949), Nguyễn Hiến Lê (1952), v.v.
Nguyễn Hiến Lê sau khi phân tích một số ví dụ trong tiếng Việt cũng như so sánh đối chiếu với
các ngôn ngữ biến hình đã cho rằng tiếng Việt không có từ loại nhất định. Lí do ông đưa ra là các từ
của tiếng Việt có thể tham gia vào các vị trí cú pháp khác nhau mà không thay đổi hình thái: “[] rất
nhiều tiếng đứng ở đây thuộc vào tự loại này, đứng chỗ khác lại thuộc vào tự loại khác mà không hề
thay đổi tự dạng. Ta có thể nói bất kì một danh từ, động từ, tĩnh từ nào cũng có thể biến loại được”, và
ông cho rằng sở dĩ “[] từ trước đến nay có những tiếng chưa biến là chỉ vì chưa có cơ hội nào để
biến đó thôi.” [50, tr.28].
Một số nhà Việt ngữ học tuy chấp nhận có từ loại trong tiếng Việt nhưng không đề cập tới, hoặc
phủ nhận phạm trù NĐ/ NgĐ ([56], [57], [211]). Chẳng hạn, L. Thompson cho rằng: “sự lưỡng phân
quen thuộc các động từ tiếng Anh thành những động từ ‘cần BN’ và những động từ ‘không cần BN’ là
không tồn tại trong tiếng Việt.” [211, tr.220].
0.2.2.2. Phần lớn các nhà Việt ngữ học có đề cập tới phạm trù NĐ/ NgĐ nhưng ở mức độ đậm
nhạt khác nhau và sử dụng những thuật ngữ khác nhau.
Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm dựa vào mối quan hệ của động từ với BN đứng sau
đã chia động tự (động từ) thành hai tiểu loại: động tự có túc từ và động tự không có túc từ. Theo tác
giả, có một số động từ cần phải dùng thêm những tiếng để “làm cho lọn nghĩa” (tức động tự có túc từ),
còn một số khác khi biểu diễn một cái thể hay một sự biến hiện thay đổi không cần túc từ” (tức động tự
không có túc từ) [43, tr.91]. Dù lấy tiêu chí nghĩa – trọn nghĩa hay không trọn nghĩa – nhưng cách gọi
có túc từ hay không có túc từ cho thấy các tác giả có chú ý tới mối quan hệ cú pháp của động từ khi
phân loại.
Trà Ngân Lê Ngọc Vượng cũng phân chia động từ theo hướng Trần Trọng Kim, Bùi Kỉ, Phạm
Duy Khiêm đã đề xuất. Theo ông, động từ có thể thuộc về hai loại tự động từ và thi động từ. Hai thuật
ngữ này cũng được định nghĩa dựa vào tiêu chí ngữ nghĩa – cú pháp. Tự động từ là “một động từ chỉ
một hành động mà không cần có bổ túc cũng trọn nghĩa” còn thi động từ là “động từ chỉ một hành
động do chủ động làm ra mà không chịu lấy, nên phải có một bổ túc trực tiếp hay gián tiếp mới trọn
nghĩa”. Có lẽ ảnh hưởng của lối phân loại phương Tây mà ông tiếp tục chia thi động từ thành hai thể
thụ động và tha động. Tuy nhiên ông cũng thấy sự phân biệt này chỉ là tương đối và ông cũng đã đề
cập tới một số trường hợp chuyển loại [62, tr.88-90].
Bùi Đức Tịnh, tác giả của “Văn phạm Việt Nam”, lấy tiêu chí phân loại là “dựa vào phương diện
ý nghĩa”. Từ đó ông chia động từ ra làm bốn loại: động từ viên ý, động từ khuyết ý, động từ thụ trạng,
trợ động từ. Ngoại trừ hai loại sau tương đương với động từ tình thái, động từ nối theo cách hiểu hiện
nay, hai loại đầu lần lượt là NĐ và NgĐ. Tác giả cho rằng động từ viên ý là những động từ “chỉ dùng
một mình với chủ ngữ cũng có thể làm nên một câu trọn nghĩa” [100, tr.179] tuy không đi với túc từ
nhưng chúng có thể đi với những bổ túc ngữ chỉ hoàn cảnh; trong khi đó động từ khuyết ý “[] tự nó
không đầy đủ. Nó cần được một danh từ hay một đại từ bổ túc” (tr.180). Danh từ hay đại từ này là
những BN thuộc động (tức BN trực tiếp) hay BN can động (tức BN gián tiếp) (tr.181).
Các (nhóm) tác giả trên sử dụng những thuật ngữ khác nhau và đưa ra những tiêu chí có vẻ trái
ngược nhau (thể hiện ở cách gọi tên: hoặc nghiêng về mặt nghĩa, hoặc nghiêng về mặt hình thức) nhưng
thực ra đều có nét chung là đề cập tới cả hai tiêu chí khi phân loại. Sự dị biệt lớn tập trung ở việc Bùi
Đức Tịnh chia động từ thành bốn tiểu loại trong khi Trà Ngân và nhóm Trần Trọng Kim triệt để lưỡng
phân.
Học giả Phan Khôi lại chia động từ tiếng Việt ra làm 3 loại: NĐ, NgĐ và chuẩn động từ. Bàn về
phương diện ý nghĩa của NĐ, ông cho rằng: “sự tác động từ trong phát ra là đ