Luận văn Phân tích mức độ hài lòng của sinh viên trường Đại học Cần Thơ đối với chương trình “sinh viên vay vốn” hỗ trợ học tập
Hiện nay, tình trạng sinh viên bỏ học là một vấn đề nan giải và bức xúc của xã hội. Theo thống kê của Bộ giáo dục và đào tạo năm 2009 thì tỷ lệ học sinh sinh viên bỏ học hàng năm vì nghèo không có tiền theo học, không thể trang trải sinh hoạt phí là 0,28% tổng số sinh viên Việt Nam. Hơn nữa, học phí năm n ào cũng lên, tiền nhà trọ cũng lên theo, vật giá thì cứ leo thang mà không biết mệt. Đa số sinh viên của trường có gia đình làm nghề nông, thuộc vùng sâu, vùng xa cho nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc cho con đi học đã khó với những nông dân này, còn việc chăm sóc chu đáo cho con ăn học tới nơi tới chốn còn khó hơn. Để góp phần cải thiện, khắc phục vấn đề này thì từ năm 2003 Chính phủ, Ngân hàng chính sách xã hội và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề liên kết lại và áp dụng chương trình “sinh viên vay vốn”. Chương trình cho vay tín dụng sinh viên này với mục đích là sẽ góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời cho sinh viên có khó khăn được vay tiền phục vụ cho việc trang trải chi phí học tập, sinh học tập, mua sắm dụng cụ học tập. Ngoài ra, chương trình cho vay tín dụng sinh viên không chỉ giải quyết các vấn đề tài chính mà còn là cơ hội giúp cho sinh viên từng bước làm quen với các giao dịch tài chính qua ngân hàng, một yêu cầu không thể thiếu ở một xã hội phát triển. Việc thực hiện chương trình cho vay tín dụng sinh viên giúp cho nhà trường thuận lợi trong việc thu học phí theo quy định. Đồng thời chương trình cho vay chia sẻ áp lực đối với nhà trường trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác sinh viên – vấn đề chính sách để tập trung nhiều hơn cho công tác đào tạo.