Trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, mối quan hệ của Việt Nam với các nước
bên ngoài, đặc biệt là với Trung Hoa láng giềng là hết sức quan trọng và phức tạp. Việt Nam
luôn là đối tượng bị xâm lấn trong chính sách bành trướng lãnh thổ xuống phía nam của các
triều đại phong kiến Trung Hoa. Mỗi khi chiến tranh xảy ra, quan hệ láng giềng giữa hai nước
lại trở nên rất căng thẳng. Khi chiến tranh kết thúc, dù thắng trận nhưng Việt Nam thường chủ
động giảng hoà, thiết lập mối quan hệ thân thiết trở lại với Trung Hoa. Trong quan hệ ngoại
giao với Trung Hoa, Việt Nam luôn tỏ ra là nước nhỏ, thần phục Trung Hoa để mong tránh xung
đột, giữ vững sự ổn định của quốc gia, tập trung lực lượng cho công cuộc xây dựng đất nước, bảo
vệ lâu dài nền độc lập tự chủ của mình. Đồng thời với mối quan hệ chính trị ngoại giao, mối
quan hệ về kinh tế giữa hai nước cũng luôn được duy trì. Trung Hoa có nền văn minh lâu đời,
ảnh hưởng rất lớn đối với các nước bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Sự giao lưu, ảnh hưởng về
kinh tế, chính trị, văn hoá giữa hai nước Việt Nam – Trung Hoa đã diễn ra liên tục do có nhiều
thuận lợi về đặc điểm cư dân và lãnh thổ
117 trang |
Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 1625 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Quan hệ kinh tế của Việt Nam với trung hoa trong các thế kỉ XI – XIX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Thị Ngọc Yến
QUAN HỆ KINH TẾ CỦA VIỆT NAM VỚI
TRUNG HOA TRONG CÁC THẾ KỈ XI – XIX
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60 22 54
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. TRẦN THỊ THANH THANH
Thành phố Hồ Chí Minh – 2010
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả
nêu trong Luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào
khác.
Tác giả luận án
Nguyễn Thị Ngọc Yến
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài:
Trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, mối quan hệ của Việt Nam với các nước
bên ngoài, đặc biệt là với Trung Hoa láng giềng là hết sức quan trọng và phức tạp. Việt Nam
luôn là đối tượng bị xâm lấn trong chính sách bành trướng lãnh thổ xuống phía nam của các
triều đại phong kiến Trung Hoa. Mỗi khi chiến tranh xảy ra, quan hệ láng giềng giữa hai nước
lại trở nên rất căng thẳng. Khi chiến tranh kết thúc, dù thắng trận nhưng Việt Nam thường chủ
động giảng hoà, thiết lập mối quan hệ thân thiết trở lại với Trung Hoa. Trong quan hệ ngoại
giao với Trung Hoa, Việt Nam luôn tỏ ra là nước nhỏ, thần phục Trung Hoa để mong tránh xung
đột, giữ vững sự ổn định của quốc gia, tập trung lực lượng cho công cuộc xây dựng đất nước, bảo
vệ lâu dài nền độc lập tự chủ của mình. Đồng thời với mối quan hệ chính trị ngoại giao, mối
quan hệ về kinh tế giữa hai nước cũng luôn được duy trì. Trung Hoa có nền văn minh lâu đời,
ảnh hưởng rất lớn đối với các nước bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Sự giao lưu, ảnh hưởng về
kinh tế, chính trị, văn hoá giữa hai nước Việt Nam – Trung Hoa đã diễn ra liên tục do có nhiều
thuận lợi về đặc điểm cư dân và lãnh thổ.
Hiện nay, việc nhận thức lịch sử Việt Nam một cách đầy đủ, chính xác đòi hỏi người
nghiên cứu cần tiếp cận nhiều nguồn tư liệu lịch sử khác nhau, cần có thêm những kiến giải
khoa học, những nhận định thỏa đáng. Việc nghiên cứu về mối quan hệ kinh tế của Việt Nam
với Trung Hoa trong một thời kỳ lịch sử sẽ góp phần cung cấp thêm tư liệu, làm phong phú thêm
tri thức lịch sử trong lĩnh vực này, đồng thời đối với tác giả luận văn có thể góp phần nâng cao
kiến thức, trình độ chuyên môn, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu và giảng dạy.
Trong quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới hiện nay, quan hệ về kinh tế được
đẩy mạnh sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác cùng phát triển kinh tế với các nước, giúp Việt Nam
có thêm những bước tiến mới về kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho
người dân, đồng thời bảo vệ được nền độc lập tự chủ của mình. Những bài học lịch sử về mối
quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa trong thời phong kiến cũng góp phần giúp Việt
Nam rút ra những kinh nghiệm quí báu vận dụng vào việc phát triển nền kinh tế hiện nay và
tương lai. Bên cạnh đó, các nước bên ngoài cũng có cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về các chính
sách kinh tế đối ngoại của nhà nước Việt Nam, từ đó có các kế hoạch, chính sách thiết lập các
mối quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam.
Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn trên, tôi quyết định chọn vấn đề quan hệ kinh tế của
Việt Nam với Trung Hoa trong thời kì phong kiến làm đề tài nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp
chương trình cao học của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
Mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa chủ yếu được đề cập với nội dung trao
đổi hàng hoá, vật phẩm giữa hai nước, trong đó có nhiều hình thức trao đổi như sau:
- Nhân dân thực hiện việc buôn bán, trao đổi hàng hoá dọc theo biên giới của hai nước và
hải cảng, giang cảng của Việt Nam.
- Nhà nước thực hiện việc trao đổi hàng hoá, vật phẩm qua hình thức cống phú, trong các
hoạt động ngoại giao.
Ngoài ra, quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa còn thể hiện qua việc lĩnh hội và
tiếp thu những kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, trong cách thức
mua bán, trao đổi hàng hóa,
Với quan niệm về nội dung quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa như trên, những
thăng trầm trong mối quan hệ về chính trị của Việt Nam với Trung Hoa và do nhận thức hạn chế
của thời phong kiến về kinh tế thương nghiệp, đặc biệt là ngoại thương, tài liệu ghi chép về
quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa khá ít ỏi. Có thể kể một số công trình tiêu biểu:
Đại Việt sử kí toàn thư do Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê biên soạn, là tài liệu biên
niên các sự kiện lịch sử của nước ta từ thời Lý đến thời Lê Sơ, có những đoạn ghi chép rải rác,
lẻ tẻ về các hoạt động đi sứ, việc cống phú và các sự kiện giao thương của Việt Nam với Trung
Hoa.
Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, biên soạn vào thời Nguyễn ở thế kỷ
XIX, ghi chép các sự kiện lịch sử của Việt Nam theo từng nội dung khác nhau từ thời Lý cho
đến hết thời Lê, trong đó, phần Quốc dụng chí (quyển XXX – XXXII) ghi chép việc đúc tiền,
dùng tiền, chế độ thuế khoá của nhà nước, phần Bang giao chí (quyển XLVI – XLVII) ghi chép
mối quan hệ với các nước, trong đó có Trung Hoa, về các năm đi sứ, thực hiện triều cống, danh
sách vật cống, Đây là nguồn tư liệu có giá trị cho việc nghiên cứu vấn đề quan hệ kinh tế của
Việt Nam với Trung Hoa trong thời phong kiến.
Các tác phẩm của Quốc sử quán triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Quốc triều
chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, đã cung cấp những thông tin lịch sử theo hình thức
biên niên về chính sách kinh tế, những hoạt động ngoại giao (trong đó có quan hệ kinh tế) của
các vua Nguyễn.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn tập hợp các chỉ dụ của vua
Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức (1802-1883), các tấu sớ của quan lại, các bản đình nghị của
triều thần đã được nhà vua phê chuẩn và ban hành,... phản ánh nội dung lịch sử ở thời Nguyễn
theo từng cơ quan nhà nước và chức năng của việc quản lý nhà nước bấy giờ, trong đó phần
Bang giao có nội dung về các quan hệ với nước ngoài. Những ghi chép tương đối có hệ thống,
có liên quan đến quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa dưới thời Nguyễn thuộc các
quyển: Từ quyển 128 đến 131 ghi chép rõ các lần nhà Nguyễn cử người đi sứ, danh mục các lễ
phẩm, cống phẩm, phản ánh mối quan hệ trao đổi, buôn bán hàng hóa, vật phẩm thông qua
con đường ngoại giao. Quyển 44 – 49 ghi chép các khoản thuế của nhà nước. Quyển 53 ghi chép
về pháp luật và tiền tệ. Quyển 54 ghi chép về các kho chứa, các đơn vị đo lường, các lệnh
cấm, Quyển 64 – 67 ghi chép các sản vật, đồ dùng nhà nước thu mua từ Trung Hoa như lụa
Tàu, các vị thuốc, các thứ quả, vật dụng,...
Tác phẩm Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỉ XVII, XVIII và đầu XIX của Thành Thế Vỹ do
Nhà xuất bản Sử học xuất bản năm 1961 có đề cập hoàn cảnh trong nước và thế giới liên quan
đến ngoại thương của Việt Nam trong các thế kỉ XVII, XVIII, XIX, đồng thời nêu khái quát tình
hình ngoại thương của Việt Nam cũng như cách thức mua bán, trong đó có quan hệ buôn bán với
Trung Hoa.
Cuốn sách Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn của tác giả Nguyễn Thế
Anh có chương thứ năm viết về thương nghiệp, trong đó có đề cập đến nền ngoại thương và vai
trò của thương nhân Hoa kiều trong nền ngoại thương Việt Nam dưới triều Nguyễn. Tác phẩm
do Nhà xuất bản Trình Bày, Sài Gòn xuất bản năm 1968.
Tác phẩm Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc (thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI) của Tạ
Ngọc Liễn có chương hai đề cập đến vấn đề sách phong và triều cống trong quan hệ Việt Nam
– Trung Hoa, trình bày tương đối khái quát về các lễ vật cống trong thời kì đầu nhà nhà Lê,
chương ba đề cập đến quan hệ buôn bán giữa Việt Nam và Trung Hoa ở thế kỉ XV – đầu thế kỉ
XVI rất chi tiết. Đây là tác phẩm có giá trị tham khảo cho việc nghiên cứu mảng đề tài này. Tác
phẩm do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội xuất bản năm 1995.
Tác giả Đỗ Bang với Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn do Nhà xuất bản
Thuận Hoá xuất bản năm 1997, đã khai thác hiệu quả nguồn tài liệu gốc từ Đại Nam thực lục và
Mục lục Châu bản triều Nguyễn, đề cập về vấn đề giao thông, tiền tệ, đo lường và chính sách
của nhà Nguyễn đối với thương nghiệp, trong đó có buôn bán với Trung Hoa.
Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII là công trình nghiên
cứu của Li Tana – một nhà nghiên cứu Việt Nam học người Trung Hoa. Trong tác phẩm này, tác
giả viết về thành phần thương gia và tiền tệ, thương mại ở vùng đất Đàng Trong dưới thời các
chúa Nguyễn, trong đó có hoạt động buôn bán của người Hoa ở Đàng Trong. Sách do Nguyễn
Nghị dịch, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 1999.
Tác phẩm Buôn bán qua biên giới Việt – Trung. Lịch sử – Hiện trạng – Triển vọng do Ngô
Minh Hằng chủ biên, có chương một đề cập ngắn gọn đến quan hệ buôn bán qua biên giới của
hai nước Việt Nam – Trung Hoa từ thời kì đầu thành lập nhà nước cho đến thế kỉ XX. Qua tác
phẩm, người đọc nắm được sơ lược toàn bộ mối quan hệ buôn bán qua biên giới hai nước Việt
Nam – Trung Hoa trong lịch sử. Sách do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 2001.
Bộ sách Bang giao Đại Việt (5 tập) của tác giả Nguyễn Thế Long đã khắc hoạ lại bức
tranh ngoại giao của Việt Nam với các nước ở các triều đại phong kiến Việt Nam qua từng câu
chuyện riêng biệt, trong đó ghi chép nhiều về mối quan hệ với Trung Hoa. Trong tác phẩm, tác
giả đề cập đến quá trình quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Trung Hoa dưới các hình thức đi
sứ, nộp cống, báo tin, chúc mừng, Tác giả cũng nêu các sự kiện sứ giả học hỏi kĩ thuật tiến bộ
của Trung Hoa về chỉ dạy cho người Việt, hoặc trong những lần đi sứ, các sứ giả đem hàng
trong nước theo bán và mua hàng hoá từ Trung Hoa về. Bộ sách do Nhà xuất bản Văn Hóa
Thông Tin xuất bản năm 2005.
Ngoài ra, về vấn đề quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa trong thời kì phong
kiến, còn có nhiều tài liệu khác đề cập:
- Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn của Đỗ Bang, Nhà xuất bản
Thuận Hoá, Huế năm 1998.
- Việt Nam thế kỉ XIX của Nguyễn Phan Quang, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh
năm 2000.
- Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập do Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu
Hãn chủ biên, Nhà xuất bản Giáo Dục năm 2003.
Một số bài viết trong các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Nghiên cứu kinh tế có liên quan đến
lĩnh vực nghiên cứu vấn đề:
- “Vài nét về công thương nghiệp triều Nguyễn” của Chu Thiên, Tạp chí Nghiên cứu lịch
sử (số 33), năm 1961.
- “Nhà Nguyễn với các thương nhân người Hoa thế kỉ XIX” của Trương Thị Yến, Tạp chí
Nghiên cứu lịch sử (số 3), năm 1981.
- “Sản xuất hàng hoá và thương nghiệp ở Nam Bộ thế kỉ XVII – đầu XIX” của Lê Văn
Năm”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (số 5+6), năm 1988.
- “Thương nghiệp ở nông thôn Việt Nam truyền thống: mấy hiện tượng đáng lưu ý” của
Nguyễn Quang Ngọc, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế (số 5), năm 1989.
- “Vài nét về thương nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX” của Trương Thị Yến, Tạp chí
Nghiên cứu lịch sử (số 6), năm 1993.
- “Hải cảng miền Đông Bắc và hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỉ XVII (qua các
nguồn tư liệu phương Tây)” của Hoàng Anh Tuấn, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 1), năm 2007.
Như vậy, đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập vấn đề quan hệ kinh tế của Việt Nam
với Trung Hoa trong các thế kỉ XI đến XIX ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nhìn chung, vấn đề
liên quan thường được đề cập hoặc trình bày lẻ tẻ về thời gian hoặc giới hạn trong một không
gian nhất định và thường được trình bày trong tình hình ngoại thương nói chung của Việt Nam
chứ chưa chủ yếu tập trung vào đối tượng buôn bán là Trung Hoa. Vì vậy, một công trình
chuyên khảo về mối quan hệ kinh tế với Trung Hoa trong các thế kỉ XI – XIX trong lịch sử Việt
Nam là một nhu cầu cần thiết đối với người nghiên cứu và học tập lịch sử. Luận văn này được
thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những tư liệu, những kết quả nghiên cứu và các kiến
giải khoa học của các công trình nói trên đồng thời làm rõ các vấn đề sau:
- Những điều kiện về tự nhiên, xã hội tác động đến mối quan hệ kinh tế của Việt Nam
với Trung Hoa.
-Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của hai nước Việt Nam – Trung Hoa có liên quan đến
quan hệ kinh tế của hai nước.
- Quan hệ về kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa qua các thời kì lịch sử.
- Vai trò của quan hệ kinh tế với Trung Hoa trong lịch sử Việt Nam, (mặt tích cực và hạn
chế).
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Như tên đề tài đã chỉ rõ, luận văn này tập trung nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế của
Việt Nam với Trung Hoa trong thời kì phong kiến độc lập của Việt Nam (từ thế kỉ XI đến cuối
thế kỉ XIX), cụ thể từ khi thành lập vương triều Lý năm 1010 mở ra thời kì phát triển của quốc
gia Đại Việt về mọi mặt, đến năm 1884, khi triều Nguyễn kí hàng ước với thực dân Pháp, đất
nước ta rơi vào vòng đô hộ.
Trong mối quan hệ với Trung Hoa, những chủ trương, chính sách và quá trình lịch sử được
xem xét từ phía quốc gia Đại Việt và các vương triều Đại Việt.
4. Phương pháp nghiên cứu:
Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi sử dụng phương pháp lịch sử để phản ánh bản thân
sự kiện lịch sử cần nghiên cứu, đồng thời kết hợp với phương pháp lôgic để nhận thức được bản
chất của sự kiện lịch sử trong mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Trung Hoa. Ngoài ra, các
phương pháp khác như thống kê, phân tích các số liệu được áp dụng nhằm góp phần hệ thống
hoá các sự kiện.
5. Cấu trúc của luận văn:
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo, nội dung của luận văn gồm ba
chương:
Chương 1: Điều kiện tự nhiên – xã hội của quan hệ kinh tế với nước ngoài của Việt Nam.
Chương 2: Quan hệ của Việt Nam với Trung Hoa về mặt kinh tế.
Chương 3: Vai trò lịch sử của quan hệ kinh tế với Trung Hoa.
CHƯƠNG 1:
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN – XÃ HỘI CỦA QUAN HỆ KINH TẾ VỚI NƯỚC NGOÀI CỦA
VIỆT NAM
1.1. Điều kiện tự nhiên:
1.1.1. Vị trí địa lí:
Việt Nam là một quốc gia nằm ở rìa phía Đông của bán đảo Đông Dương, thuộc Đông
Nam Á lục địa. Diện tích của Việt Nam khoảng 331.700 km2. Đọc trên bản đồ vị trí địa lí, Việt
Nam nằm trong phạm vi của 3302’ bắc và 8030’ bắc, kéo dài từ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh
Hà Giang) đến xóm Mũi (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Điểm cực Tây nằm ở 102010’ kinh
đông (xã Apa Chải, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Điểm cực đông trên đất liền là ở 109024’
kinh đông trên bán đảo Hòn Gốm (tỉnh Khánh Hòa). Phía Bắc Việt Nam giáp với Trung Hoa,
phía Tây giáp với Lào và Campuchia, phía Đông và Nam giáp với biển Đông (Thái Bình
Dương). Lãnh thổ Việt Nam có đặc điểm hẹp về chiều ngang và có đường bờ biển chạy dài từ
Bắc tới Nam (dài 3.260 km). Do đó, ngay từ thời cổ đại, ở Việt Nam đã hình thành các mối quan
hệ về kinh tế, chính trị, xã hội với các nước láng giềng, trong đó có nước Trung Hoa rộng lớn ở
phía Bắc.
Việt Nam nằm trên những con đường biển quốc tế đi từ Ấn Độ Dương lên Bắc Thái Bình
Dương, từ bán đảo Đông Dương đến các quần đảo của châu Đại Dương, khống chế một ngã tư
đường biển trọng yếu. Việt Nam nằm ở vị trí giữa hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Hoa,
lại là nơi tiếp giáp của hai vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Do đó, ngay từ rất
sớm Việt Nam đã nắm giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong hoạt động giao lưu kinh tế, văn
hoá giữa Đông và Tây, Nam và Bắc.
Việt Nam có vị trí trung chuyển, trú đỗ trên con đường biển thuộc hệ thống thương mại
châu Á, có vị trí thuận lợi nằm trên đường giao thương giữa Trung Hoa với Ấn Độ và thế giới
phương Tây, cóù đường bờ biển dài, nhiều vùng vịnh kín gió là điều kiện thuận lợi để xây dựng
các cảng biển cho tàu bè qua lại, neo đỗ, tiếp thêm lương thực, nước uống. Mặc dù Việt Nam
không phải là đích đến cuối cùng trên con đường giao thương quốc tế, song các thương nhân Ấn
Độ và phương Tây đến Trung Hoa và ngược lại cũng đều ghé đến Việt Nam như một trạm dừng.
Ở đây, họ cũng tìm thấy những nguồn lợi kinh tế lớn qua việc trao đổi buôn bán hàng hóa và
sản vật nên ngay từ rất sớm ở Việt Nam đã có sự trao đổi giao thương qua đường biển với các
nước bên ngoài.
Đặc biệt, biên giới đất liền Việt Nam giáp giới với Trung Hoa rất dài (1.400 km) trên
toàn bộ vùng Tây Bắc – Bắc và Đông Bắc, chung đường bờ biển dài và chịu chế độ bán nhật
triều là điều kiện thuận lợi để cư dân hai nước qua lại buôn bán. Từ đó, các tụ điểm buôn bán
dọc theo biên giới của hai quốc gia được hình thành gọi là các bạc dịch trường như: Vĩnh Bình,
Hoành Sơn (ở Việt Nam), Khâm Châu, Liêm Châu (ở Trung Hoa) và các hải cảng Phố Hiến,
Hội An, Hà Tiên, Các địa điểm này diễn ra hoạt động buôn bán tấp nập của cư dân hai nước
Việt Nam, Trung Hoa trong suốt tiến trình lịch sử lâu dài.
1.1.2. Tài nguyên, thổ nhưỡng:
Việt Nam nằm trong vành đai nóng quanh năm nhận được một lượng nhiệt rất lớn của
Mặt Trời, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22 đến 270 C. Ngoài nhiệt ra, Việt Nam quanh năm
cũng nhận được một lượng ẩm rất lớn. Độ ẩm tương đối dao động từ 80 đến 100% với lượng
mưa đều đặn hàng năm. Đất nước trải dài giáp biển nên chịu ảnh hưởng rất lớn của chế độ gió
mùa. Nhờ có lượng bức xạ mặt trời và độ ẩm phong phú như trên nên rừng rậm rạp và có nhiều
tầng, cây cối quanh năm ra hoa kết quả, ruộng đồng mỗi năm làm được từ hai đến ba vụ. Do đó,
ở Việt Nam có nguồn sản vật, khoáng vật rất phong phú như giáng hương, trầm hương, tốc
hương, song