Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong thời kỳ cực thịnh của triều Hậu Lê nhưng lại
trưởng thành ở thời kỳ rối ren nhất của lịch sử nước nhà. Những trang lịch sử nửa sau thế kỷ
XV-XVI đã ghi lại nhiều biến động về chính trị, nhiều bất công trong xã hội và kéo theo đó
là những suy đồi về đạo đức. Hầu như những nguyên tắc đạo lý của Khổng giáo bị sa sút
trầm trọng, thói đời đen bạc được phơi bày làm cho những ai có tâm huyết với đời, có kỳ
vọng trung hưng về một xã hội phong kiến càng thêm ngao ngán chán chường. Toàn bộ bức
tranh hiện thực xã hội thời ấy đã tác động sâu sắc lên những trang đời và trang thơ của nhà
thơ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng, đặc biệt là thái độ xuất xử của ông trước
thời cuộc. Ông nhập thế là để giúp nước cứu đời. Ông lui về ở ẩn là để giữ vững khí tiết,
thực hiện thú nhàn tản. Thế nhưng, thái độ ẩn dật của tác giả không trầm tư, mặc tưởng như
những nhà Nho thời Lý-Trần mà chứa đựng một “nỗi đau tình đời, vận nước”(Năm trăm
năm Nguyễn Bỉnh Khiêm một nỗi đau tình đời, vận nước-Nguyễn Phan Quang)[78, tr.148],
thái độ “nhàn” của ông là thể hiện cái dũng khí “dĩ bất biến ứng vạn biến” của những bậc
chân Nho.
107 trang |
Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 6846 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Quan niệm nhân sinh trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
VÕ THỊ THANH TÂM
QUAN NIỆM NHÂN SINH TRONG THƠ
NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS-TS. ĐOÀN THỊ THU VÂN
Thành phố Hồ Chí Minh - 2007
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong thời kỳ cực thịnh của triều Hậu Lê nhưng lại
trưởng thành ở thời kỳ rối ren nhất của lịch sử nước nhà. Những trang lịch sử nửa sau thế kỷ
XV-XVI đã ghi lại nhiều biến động về chính trị, nhiều bất công trong xã hội và kéo theo đó
là những suy đồi về đạo đức. Hầu như những nguyên tắc đạo lý của Khổng giáo bị sa sút
trầm trọng, thói đời đen bạc được phơi bày làm cho những ai có tâm huyết với đời, có kỳ
vọng trung hưng về một xã hội phong kiến càng thêm ngao ngán chán chường. Toàn bộ bức
tranh hiện thực xã hội thời ấy đã tác động sâu sắc lên những trang đời và trang thơ của nhà
thơ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng, đặc biệt là thái độ xuất xử của ông trước
thời cuộc. Ông nhập thế là để giúp nước cứu đời. Ông lui về ở ẩn là để giữ vững khí tiết,
thực hiện thú nhàn tản. Thế nhưng, thái độ ẩn dật của tác giả không trầm tư, mặc tưởng như
những nhà Nho thời Lý-Trần mà chứa đựng một “nỗi đau tình đời, vận nước”(Năm trăm
năm Nguyễn Bỉnh Khiêm một nỗi đau tình đời, vận nước-Nguyễn Phan Quang)[78, tr.148],
thái độ “nhàn” của ông là thể hiện cái dũng khí “dĩ bất biến ứng vạn biến” của những bậc
chân Nho.Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện không chỉ là
một cây đại thụ của nền thơ ca mà còn là cây đời tỏa bóng đạo đức. Ông sống giữa cuộc đời
đảo điên nhưng lại là tấm gương sáng về nhân nghĩa. Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ
một quan niệm nhân sinh với những triết lý vô cùng sắc sảo, thâm sâu vượt thời gian của tác
giả. Bình về những triết lý này là điều mà bao năm qua các nhà nghiên cứu, phê bình đã làm
và ngày nay là điều mà chúng tôi mong muốn đóng góp một chút gì đó vào việc tìm hiểu
thêm về nhà hiền triết.
1.2. Ngày nay, đất nước Việt Nam đang vận động trong thế kỷ XXI, tuy không có những
phong ba về mặt chính trị nhưng mấy ai dám khẳng định trong cuộc sống hiện tại không có
cảnh con người chạy theo vật chất mà quên đi nét đẹp tâm hồn. Cuộc sống tinh thần, đạo lý
thánh hiền, truyền thống dân tộc có bị lung lay hay không giữa một xã hội đang hội nhập về
mọi mặt ? Khi công cuộc toàn cầu hóa văn hóa đang diễn ra rất phức tạp, khi cơn bão táp
của nền kinh tế thị trường đang làm cho không ít người chỉ biết lấy vật chất làm thước đo
giá trị con người thì lúc ấy mấy ai quan tâm đến đạo lý làm người. Khi thế lực đồng tiền và
văn hóa thực dụng lên ngôi, thì mấy ai sẽ còn nhớ đến những tinh hoa dân tộc ẩn dưới lớp
bụi thời gian. Vì vậy,“ trong thời buổi xô bồ, náo loạn, quay quắt, bề bộn”(Một danh nhân
văn hóa lớn thế kỷ XVI-Lê Quốc Sử)[78, tr.164], việc đi vào tìm hiểu quan niệm nhân sinh
trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Bởi cái nhìn triết
lý về cuộc đời của ông ngày xưa vẫn còn ảnh hưởng đến hậu thế, vẫn có tác dụng hữu hiệu
cho sự phân định những điều thật-giả; tốt-xấu; thiện-ác; đúng-sai đang diễn ra hàng ngày
hàng giờ trong cuộc sống của chúng ta.
Tất cả những vấn đề trên đều là những vấn đề lí thú cần nghiên cứu để hiểu sâu hơn về
nhà hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm, để bày tỏ tinh thần trân trọng di sản văn hóa quá khứ,
trân trọng một tấm gương cao quí xưa. Đó chính là những lý do mà chúng tôi chọn làm đề
tài nghiên cứu trong luận văn này.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Nguyễn Bỉnh Khiêm được người đời xưng tụng là “cây đại thụ tỏa bóng gần suốt cả thế
kỷ XVI”. Cuộc đời và thơ văn của ông là đề tài khá hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu. Cho
nên, tính đến thời điểm ngày hôm nay, ngoài một số bài viết lẻ tẻ trên Tạp chí Văn học, còn
có nhiều công trình nghiên cứu về thời kỳ lịch sử phức tạp và cuộc đời có nhiều mâu thuẫn
của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Nguyễn Bỉnh Khiêm về tác gia và tác phẩm-Trần Thị Băng Thanh-Vũ Thanh tuyển
chọn và giới thiệu. Gồm 67 bài viết tập trung nghiên cứu theo từng phương diện: Nguyễn
Bỉnh Khiêm giữa thế kỷ XVI đầy biến động; Triết nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm-Tư tưởng và
nhân cách ; Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nhà thơ; Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tâm thức thế nhân xưa
và nay. Những bài viết này thể hiện nhiều phát hiện khoa học lý thú và những lời bình sắc
sảo của các học giả.
Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc–Viện khoa học xã hội –
Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, đóng góp 28 bài viết có chiều sâu, với nhiều tư liệu có giá
trị về Nguyễn Bỉnh Khiêm: Thân thế và hoàn cảnh lịch sử ; Tư tưởng và Thơ văn; Một số
vấn đề khác có liên quan đến Trạng Trình.
Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập-Nguyễn Khuê. Đây là một công trình
nghiên cứu và phiên dịch có giá trị mới mẻ. Công trình bao gồm bốn phần. Phần thứ nhất,
tác giả đã trình bày những nét đại cương về hoàn cảnh lịch sử, về cuộc đời, về những tác
phẩm chữ Hán, tác phẩm chữ Nôm, Sấm ký. Phần thứ hai, tác giả đi vào khai thác tình cảm,
tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phần thứ ba là những nhận xét về hình thức nghệ thuật
và giá trị nội dung của Bạch Vân am thi tập, đồng thời đã khẳng định vị trí và ảnh hưởng
của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử văn hóa dân tộc, trong lòng dân tộc Việt Nam. Phần
thứ tư là 102 bài thơ trong Bạch Vân am thi tập đã được tuyển dịch khá công phu.
Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm- Đinh Gia Khánh (chủ biên), tập trung trích 161 bài thơ
Nôm và gần 100 bài thơ văn Việt Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tập sách có lời giới thiệu
của tác giả với những lời nhận xét chung khá thuyết phục về nội dung tư tưởng và nghệ
thuật thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Triết lý nhàn dật và tự tại trong sách Nguyễn Bỉnh Khiêm-danh nhân văn hóa-Trần
Đình Hượu. Tập trung bàn khá thú vị về lối sống nhàn, tự tại của nhà hiền triết.
Tập kỷ yếu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được thực hiện nhân lễ kỷ niệm 500
năm năm sinh của ông. Bao gồm 52 bài tham luận xoay quanh những vấn đề “luôn luôn có
một ý nghĩa thời sự, là những vấn đề còn để ngỏ chứ chưa khép lại”(Lời nói đầu-Trạng
Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm). Những bài viết đề cập đến nhiều vấn đề về Nguyễn Bỉnh Khiêm
và được sắp xếp theo một hệ thống chủ đề gồm bốn phần: phần thứ nhất nói về thời đại và
quê hương Vĩnh Bảo; phần hai là những bài bình thú vị về con người và tư tưởng Nguyễn
Bỉnh Khiêm; phần ba đề cập sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bỉnh Khiêm với những lời
bình sâu sắc về nội dung và nghệ thuật thơ. Cuối cùng là những ý kiến trân trọng về vị trí
của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tâm thức con người hiện nay.
Bạch Vân Quốc ngữ thi tập- Sống Mới của Nguyễn Quân thì chỉ làm rõ thêm một số
vấn đề về thân thế và sự nghiệp tác giả; nêu thêm mấy nghi vấn về Thái ất thần kinh, Thái
Huyền, kinh Dịch, sấm ký Trạng Trình; những ý kiến sơ lược của tác giả về xã hội thời
Nguyễn Bỉnh Khiêm và những lời bình ngắn lướt qua về nội dung-nghệ thuật một vài bài
thơ.
Ngoài ra, còn có những công trình nghiên cứu có giá trị khác viết về Nguyễn Bỉnh
Khiêm của Bùi Duy Tân, Bùi Văn Nguyên, Mai Cao Chương, Mai Quốc Liên, Vũ Tiến
Quỳnh, Vũ Tiến Phúc, Trần Lê Sáng, Vân Trình Mỗi một tác giả nhìn nhận về Nguyễn
Bỉnh Khiêm ở góc độ khác nhau, mỗi một lời bình khá lí thú và hấp dẫn đã mở ra rất nhiều
vấn đề mới. Dù những bài viết đó có mang tính chủ quan hay khách quan hoặc chưa đi sâu
vào một khía cạnh nhưng đều tập trung vào vấn đề chính: tư tưởng và tình cảm của Nguyễn
Bỉnh Khiêm. Chính những nhận định khá sắc sảo của các nhà nghiên cứu đi trước và được
nêu sau đây sẽ làm nền vững chắc để cho luận văn này ra đời :
Mai Quốc Liên khẳng định: “ .Nguyễn Bỉnh Khiêm được xem như Giang, Hán trong
các sông, như ánh mặt trời thu, cây đại thụ của đạo đức, văn chương thế kỷ XVII”. (Nguyễn
Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc)
Trần Thị Băng Thanh, Vũ Thanh cho rằng : “Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà nho có bản
lĩnh, một trí giả. Tìm đến với sự nhàn dật chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm về với cái
vụng, cái chuyết mà theo quan niệm của Nho gia, đã được điều chỉnh bởi quan niệm của đạo
Lão, mới là bản chất tự nhiên của sự vật Chính quan niệm nhàn dật đạt tới ý vị triết học đó
đã tạo nên một Nguyễn Bỉnh Khiêm-Bạch Vân cư sĩ tự do, tự tại, giản phác, hồn nhiên, lạc
quan, khỏe khoắn, rất hiếm thấy trong làng thơ nhàn thời trung đại” (Sức sống của thơ ca và
tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Riêng Lê Trọng Khánh-Lê Anh Trà có những ý tưởng trân trọng khi phát hiện quan
niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “tính chất nhàn tản của Nguyễn Bỉnh Khiêm
thực chất không phải yếm thế, xu thời, ích kỷ và hoàn toàn hưởng lạctư tưởng nhàn tản
của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những khía cạnh tích cực, phù hợp với tư tưởng hành đạo của
Nho giáo. Cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một lối phản ứng của tầng lớp nho sĩ bất lực
trước thời cuộc lúc bấy giờ, phản ứng bằng hình thức tiêu cực, nhưng vẫn bao hàm một nội
dung đấu tranh bằng phương pháp theo lẽ tự nhiên.”(Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nhà thơ triết lý)
Còn Nguyễn Khuê nhận định : “Thơ ông là tiếng nói rất chân thực rất nhân bản
của một nhà hiền triết trước cảnh ngộ, nhân sinh, thiên nhiên vũ trụ; là một nỗ lực
hướng tới chân, thiện, mỹ. Vì thế, tiếng nói ấy mãi mãi vang vọng trong tâm hồn dân
tộc”(Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập)
Trong Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nhà thơ lớn thế kỷ XVI, Nguyễn Phương Chi có lời bình khá
thuyết phục về Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thơ văn ông là khát vọng hòa bình, là nỗi lo lắng về
tương lai của đất nước, là nỗi hoài nghi trật tự phong kiến, một trật tự mà đến thế kỷ XVI đã
bị xáo trộn”.
Và khi bàn về Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Nguyễn Quân cũng có khẳng định: “Lại nữa,
cụ có chủ trương là chủ trương vô sự, nghĩa là không để có sự gì rắc rối, chớ đâu phải là chủ
trương vô vi nghĩa là không làm gì hết, cứ việc phó mặc cho con tạo xoay vần ..Có thể
nói sự lánh đời, nhưng còn khuyên đời, còn mong ước đời và vẫn không quên ơn vua chúa,
không phụ tình nước non.”
3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Trong tiến trình khảo sát, ngoài việc tiếp thu thành quả của những công trình đi trước,
chúng tôi tiếp tục đi vào nghiên cứu sâu hơn quan niệm nhân sinh trong thơ của Nguyễn
Bỉnh Khiêm, hướng tới một số vấn đề sau:
1. Đi vào nghiên cứu thời đại và tiểu sử của Nguyễn Bỉnh Khiêm để tìm hiểu cơ sở
khách quan, chủ quan của việc hình thành quan niệm nhân sinh.
2. Khảo sát thơ chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm để tìm hiểu quan niệm
nhân sinh của ông thể hiện như thế nào? Tìm hiểu quan niệm nhân sinh của Nguyễn Bỉnh
Khiêm trong sự đối sánh với tư tưởng các nhà thơ khác.
3. Nhận xét ý nghĩa tích cực và tiêu cực trong quan niệm nhân sinh của Nguyễn Bỉnh
Khiêm.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Phương pháp lịch sử-xã hội
Phương pháp Mác-xít khẳng định mối quan hệ giữa văn học và xã hội, giữa văn học
và thời đại, giữa cá nhân và thời đại. Vì vậy, người viết đặt tác giả vào bối cảnh lịch sử-xã
hội thế kỷ XV-XVI để nghiên cứu. Tham khảo những tài liệu có độ chính xác cao, có sự
đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình qua quá trình tiếp nhận. Nhưng xin mạn phép
là không tham dự vào cuộc tranh luận để phân định
ai đúng ai sai mà chỉ đưa ra ý kiến cá nhân để chia sẻ cách hiểu riêng về một tác gia.
4.2. Phương pháp hệ thống
Phương pháp này giúp cho người nghiên cứu có cái nhìn tổng quan đối với vấn đề
đang nghiên cứu. ở đây, quan niệm nhân sinh trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được biểu
hiện cụ thể qua cuộc đời, tư tưởng, cách sống và tình cảm trước hiện thực khách quan.
Người viết sẽ sưu tầm những tài liệu có liên quan và sắp xếp có hệ thống khoa học. Phân
loại thơ theo từng đề tài nhằm thể hiện cụ thể quan niệm nhân sinh của tác giả.
4.3. Phương pháp đối chiếu so sánh
Sử dụng phương pháp này để khẳng định rằng thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự tiếp
nối và phát triển truyền thống văn học Việt Nam. So sánh đối chiếu những điểm tương đồng
và dị biệt với thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phùng Khắc
Khoan.nhằm phân tích sâu hơn tư tưởng của nhà thơ.
4.4. Phương pháp phân tích - tổng hợp
Trong quá trình khảo sát, sẽ đi tìm những yếu tố lặp đi lặp lại, xác định những yếu
tố nổi bật làm nên quan niệm nhân sinh. Phân tích từng câu thơ, bài thơ nhằm làm bật lên tư
tưởng, tình cảm của tác giả.
5. GIỚI HẠN ĐỀ TÀI, PHẠM VI NGHIÊN CỨU
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Từ trước đến nay, có thể nói chưa có tác gia nào chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi thời
cuộc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho nên muốn hiểu rõ quan niệm của ông, trước hết phải
khảo sát thời đại ông đang sống. Quan niệm nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể
hiện trong 100 bài thơ chữ Hán và 161 bài thơ chữ Nôm. Bên cạnh đó, người viết cũng lưu
ý tới điểm gặp gỡ về quan niệm nhân sinh của tác giả với các nhà thơ trước và sau
ông.Trong quá trình nghiên cứu người viết sẽ tham khảo những công trình nghiên cứu về
Nguyễn Bỉnh Khiêm từ trước tới nay, tham khảo thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến,
Phùng Khắc Khoan.
5.2. Giới hạn đề tài
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là khảo sát quan niệm nhân sinh trong thơ
Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hướng đi cụ thể là từ xa đến gần từ cái chung đến cái riêng.Vấn đề
nghiên cứu được khảo sát từ hoàn cảnh lịch sử-xã hội, từ tư tưởng Nho, Phật, Đạo, từ truyền
thống văn hóa dân tộc, từ cuộc đời - sự nghiệp đến quan niệm nhân sinh của nhà thơ và sau
đó là so sánh với các nhà thơ khác. Từ đó người viết sẽ đưa ra cách hiểu về ý nghĩa tích cực
và tiêu cực trong quan niệm nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cuối cùng, vì khả năng có hạn, luận án chưa có điều kiện đề cập tới những giai thoại,
toàn bộ Lý học trong Thái ất Thần kinh, sấm Trạng Trình. Tài liệu nghiên cứu chủ yếu dựa
vào tập Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm của Đinh Gia Khánh biên soạn và Tuyển dịch Bạch
Vân am thi tập của Nguyễn Khuê.
6. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
Từ hệ qui chiếu lấy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc làm chuẩn, chúng tôi soi
vào những tác phẩm thơ ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm để tìm hiểu sâu hơn quan niệm nhân
sinh của ông như một giá trị văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đóng góp
thêm một số ý kiến về ý nghĩa tích cực và tiêu cực trong quan niệm nhân sinh của Nguyễn
Bỉnh Khiêm.
7. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
Luận văn chia làm 3 phần :
7.1. Mở đầu
7.2. Nội dung : có 2 chương. Bao gồm:
Chương 1: Những tiền đề của quan niệm nhân sinh trong thơ Nguyễn Bỉnh
Khiêm.
Chương 2: Các khía cạnh của quan niệm nhân sinh trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
7.3. Kết luận
CHƯƠNG MỘT
NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA QUAN NIỆM NHÂN SINH TRONG THƠ
NGUYỄN BỈNH KHIÊM
1.1. Hoàn cảnh lịch sử thế kỷ XVI
Xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XV và thế kỷ XVI xuất hiện những dấu hiệu khủng
hoảng trầm trọng về mọi phương diện. Chính những biến động về chính trị, về xã hội cũng
như về kinh tế đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, đến tư tưởng và thái độ xuất xử của
Nguyễn Bỉnh Khiêm.
1.1.1. Về chính trị
Ngay từ thuở ấu thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được sống trong cảnh thái bình thịnh
trị của nhà Hậu Lê. Đó là thời Lê Thánh Tông (húy Tư Thành, niên hiệu Hồng Đức 1470-
1497). Đến khi Lê Hiến Tông (húy Tăng, niên hiệu Cảnh Thống 1497-1504) qua đời, mầm
mống suy vong của một triều đại bắt đầu xuất hiện. Lê Hiến Tông truyền ngôi cho con thứ
ba là Thuần tức vua Lê Túc Tông (niên hiệu Thái Trinh 1504). Nhưng Lê Túc Tông chỉ làm
vua được sáu tháng đã qua đời, thời kỳ hoàng kim của nhà Lê chấm dứt.
Triều đình tôn người anh thứ hai của Túc Tông là Tuấn lên ngôi tự là Lê Uy Mục (niên
hiệu Đoan Khánh 1505-1509). Kế vị chưa bao lâu, Uy Mục đã làm nhiều điều bạo ngược,
tin dùng bọn hoạn quan và ngoại thích giết hại hoàng thân, ăn chơi hoan lạc. Trong Lịch
triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã viết: “Nhà vua đam mê tửu sắc, ưa việc tàn
sát”[Quyển VI, 7, tr.43]. Phó sứ nhà Minh là Hứa Thiên Tích sang nước ta, chứng kiến cảnh
bạo ngược, đã làm thơ:
An Nam tứ bách vận vưu trường,
Thiên ý như hà giáng quỷ vương?[7, tr.44]
Cuối năm 1509, Giản Tu công Lê Oanh trốn khỏi ngục, cùng với Nghĩa quốc công
Nguyễn Văn Lang khởi quân ở Thanh Hóa, đánh vào Đông Đô bắt giết Uy Mục rồi lên làm
vua, xưng Tương Dực đế (niên hiệu Hồng Nhuận 1510-1516). Nhưng Tương Dực cũng bạo
ngược, hoang dâm, tư thông với các cung nhân triều trước, sống xa hoa phung phí (sai Vũ
Như Tô xây ngôi điện một trăm nóc và Cửu trùng đài trong nhiều năm liền). Trong Lịch
triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cũng viết: “nhà vuaăn chơi vô độ, xây cất
nhiều cung điện, khiến cho dân oán, giặc dã nổi khắp nơi, gây nên thảm họa nguy
vong”[7, tr.45]. Sứ thần nhà Minh là Phạm Hy Tàng gọi là Trư vương, loạn vong không
lâu nữa sẽ tới.
Ứng với lời tiên đoán đó, giặc giã nổi lên khắp nơi, chia bè kết phái đóng ở từng vùng:
năm 1511, tại Kinh Bắc có Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng khởi binh ở huyện Đông Ngạn,
Gia Lâm; vùng Sơn Tây có Trần Tuân dấy binh chiếm cứ Hưng Hóa; năm 1512 Lê Hy,
Trịnh Hưng và Lê Minh Triết nổi quân ở Nghệ An; năm 1515 nổi lên ở Tam Đảo có Phùng
Chương, Đặng Hân, Đặng Ngật ở Ngọc Sơn; năm 1516 Trần Công Minh nổi dậy ở huyện
Yên Lãng; Trịnh Ân và Lê ất ở Thanh Hóa. Đặc biệt đội quân của Trần Cảo rất hùng
mạnh. Trần Cảo tự xưng là Đế Thích giáng sinh tiến chiếm Hải Dương, Đông Triều, Bồ Đề.
Quân triều đình nhiều lần đi đánh mà vẫn không diệt được.
Năm 1516, Trịnh Duy Sản cùng với Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mượn cớ đi đánh
Trần Cảo, kéo quân vào cung bắt giết Lê Tương Dực, cùng với triều đình lập con Mục ý
Vương là Quang Trị mới 8 tuổi lên ngôi. Nhưng Quang Trị làm vua mới được 3 ngày lại bị
Trịnh Duy Đại giết ở Tây Kinh. Sau đó, Trịnh Duy Sản lập con Cẩm Giang vương là ỷ lên
làm vua, tức là Lê Chiêu Tông (niên hiệu Quang Thiệu 1516-1522) rồi rước vua vào Tây
Kinh. Lợi dụng sự rối loạn trong triều, Trần Cảo đem quân về chiếm Đông Đô, tự lên ngôi
hoàng đế niên hiệu Thiên ứng. Triều đình cử Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy
và Trần Chân tiến đánh Đông Đô. Trần Cảo yếu thế bỏ chạy lên Lạng Nguyên. Trịnh Duy
Sản kéo quân truy đánh và bị giặc giết. Do thế lực yếu, Trần Cảo chạy lên đóng quân ở
Lạng Sơn rồi sau đó ở Bồ Đề. Theo Trần Xuân Sinh trong Việt Sử kỷ yếu thì Trần Cảo
“Thấy sự nghiệp không thành, giao binh quyền cho con là Trần Thăng (có sách chép là Trần
Cung) rồi cắt tóc đi tu”[48, tr.290]. Nghĩa quân dần dần tan rã. Trong thời gian này, chẳng
những chiếc ngai vàng đã bao lần thay ngôi đổi chủ mà mâu thuẫn trong nội bộ phong kiến
diễn ra càng lúc càng gay gắt: Trịnh Duy Đại và Trần Chân mưu phản, âm mưu bại lộ bị
giết; Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy chia bè kết phái, đem quân đánh lẫn nhau. Năm 1518,
bộ tướng của Trần Chân là bọn Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Ang đem quân
đánh phá kinh thành. Chiêu Tông cho vời Nguyễn Hoằng Dụ ra dẹp loạn nhưng Hoằng Dụ
không ra. Trước tình thế đó, Chiêu Tông phải giao binh quyền cho Vũ Xuyên hầu Mạc
Đăng Dung. Như vậy, rõ ràng mầm họa của triều Hậu Lê bắt đầu xuất hiện từ năm 1518.
Mạc Đăng Dung tiến thân từ thời vua Uy Mục, được phong tước Vũ Xuyên bá từ thời vua
Tương Dực và nhanh chóng được Chiêu Tông thăng làm Vũ Xuyên hầu, cử đi trấn thủ Hải
Dương. Sau khi tảo thanh được bọn loạn thần, Mạc Đăng Dung nắm hầu hết binh quyền từ
trong triều đến ngoài quận. Từ đấy, Đăng Dung chuyên quyền, tìm mọi cách lần lượt giết
chết những người tâm phúc của vua như Đô ngự sử Đỗ Nhạc và phó Đô ngự sử Nguyễn
Dự.Năm 1519, khi Nguyễn Sư làm phản, lập Lê Do làm vua đóng ở Từ Liêm. Nguyễn
Hoằng Dụ cùng với Mạc Đăng Dung đem quân chinh phạt, bắt được Lê Do; chiêu dụ tướng
Nguyễn Kính, Nguyễn Ang, Hoàng Duy Nhạc; dẹp cuộc nội loạn của Vũ Nghiêm Uy ở
Tuyên Quang (1520); phá tan đoàn quân của Trần Cung ở vùng Kinh Bắc, Thái Nguyên
(1521) và Lê Bá Hiến, Lê Khắc Cương ở Đông Ngàn. Từ thời điểm này, có thể nói rằng
Mạc Đăng Dung đã trở thành một