Văn học Nga là một nền văn học lớn, có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với lịch sử
phát triển của văn học thế giới trên nhiều phương diện. Nền văn học viết của Nga
hình thành từ thế kỉ XI, tuy nhiên văn học xứ sở bạch dương chính thức ghi danh tên
tuổi của mình vào nền văn học thế giới bằng những thành tựu rực rỡ của văn học thế
kỉ XIX. Đây là thời kì được mệnh danh là thế kỉ vàng trong lịch sử văn học Nga với
tên tuổi của A.Puskin, M.Lecmôntôp, N.Gôgôn, Ph.Đôxtôiepki, L.Tônxtôi,
A.Sêkhôp
Những năm đầu thế kỉ XX, lịch sử nước Nga bước sang trang mới với thắng lợi
của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, lật đổ chế độ Nga hoàng, đánh dấu một mốc son
trong bề dày lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau khi bình ổn cuộc nội chiến (1918 -
1922), Đảng và nhà nước Xô viết đã lãnh đạo nhân dân từng bước tiến hành công
cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Những thành quả đạt được từ kế hoạch 5 năm lần
thứ nhất, 5 năm lần thứ hai, giúp đất nước và con người Xô viết có những bước
chuyển mình lớn lao trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục đến
khoa học kĩ thuật.
90 trang |
Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 3746 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
_____________________
Giang Thị Thủy
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN
KÔNXTANTIN PAUXTÔPXKI
Chuyên ngành : Văn học nước ngoài
Mã số : 60 22 30
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. TRẦN THỊ QUỲNH NGA
Thành phố Hồ Chí Minh – 2010
LỜI CẢM ƠN
Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tôi xin chân thành cảm ơn ban chủ nhiệm
khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cùng những thầy cô đã
trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho tôi, đồng thời giúp tôi rèn luyện nhân cách
trong suốt khóa học 2006 - 2009, chương đào tạo trình sau đại học, chuyên ngành Văn học
nước ngoài.
Xin đặc biệt gửi lời cảm ơn TS. Trần Thị Quỳnh Nga - người đã tận tình hướng dẫn
tôi trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học, giúp tôi từng bước hoàn thành luận văn.
Xin chân thành cảm ơn các thầy cô thuộc Phòng Khoa học – Công nghệ sau đại học
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cùng toàn thể cán bộ, nhân viên thư
viện Trường Đại Học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện cho tôi trong
suốt quá trình thực hiện luận văn.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn sự động viên, ủng hộ của gia đình, các chị, các
em, bạn bè. Xin cảm ơn người đã lặng lẽ chia sẻ cùng tôi những giai điệu bí ẩn của tâm hồn,
cảm ơn những người bạn tuy họ không ở bên cạnh tôi nhưng tôi vẫn nhận được lời động
viên, khuyến khích của các bạn ấy, giúp tôi có thêm niềm tin trên bước đường tìm hiểu khoa
học.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 01 năm 2010
Học viên thực hiện
Giang Thị Thủy
Quy ước chung
Khi phiên âm tiếng Việt, tên của nhà văn Kônxtantin Pauxtôpxki hiện có nhiều
cách viết, ví dụ: Constantin Paustovski, Konstantin Paustovski, Konstantin
Paustovsky, Kônxtantin Pauxtốpxki, Kônxtantin Pauxtôpxki Trong luận văn này
chúng tôi xin quy ước viết tên tất cả các tác giả văn học Nga và thế giới, tên các nhà
nghiên cứu phê bình, lí luận văn học thế giới theo cách phiên âm trong Từ điển
Văn học (2003) do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá
chủ biên, nhà xuất bản Thế giới ấn hành.
Do trích dẫn từ những nguồn tài liệu khác nhau, tên một số tác giả, tên địa
danh, tên nhân vật không tránh khỏi đôi chỗ khác biệt. Để tỏ ý tôn trọng bản quyền
tác giả, chúng tôi xin được giữ nguyên văn tên những danh từ riêng này đúng như tác
giả của bài viết đã sử dụng.
DẪN NHẬP
1. Lí do chọn đề tài
Văn học Nga là một nền văn học lớn, có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với lịch sử
phát triển của văn học thế giới trên nhiều phương diện. Nền văn học viết của Nga
hình thành từ thế kỉ XI, tuy nhiên văn học xứ sở bạch dương chính thức ghi danh tên
tuổi của mình vào nền văn học thế giới bằng những thành tựu rực rỡ của văn học thế
kỉ XIX. Đây là thời kì được mệnh danh là thế kỉ vàng trong lịch sử văn học Nga với
tên tuổi của A.Puskin, M.Lecmôntôp, N.Gôgôn, Ph.Đôxtôiepki, L.Tônxtôi,
A.Sêkhôp
Những năm đầu thế kỉ XX, lịch sử nước Nga bước sang trang mới với thắng lợi
của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, lật đổ chế độ Nga hoàng, đánh dấu một mốc son
trong bề dày lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau khi bình ổn cuộc nội chiến (1918 -
1922), Đảng và nhà nước Xô viết đã lãnh đạo nhân dân từng bước tiến hành công
cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Những thành quả đạt được từ kế hoạch 5 năm lần
thứ nhất, 5 năm lần thứ hai, giúp đất nước và con người Xô viết có những bước
chuyển mình lớn lao trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục đến
khoa học kĩ thuật. Tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại,
chống lại chủ nghĩa phát xít, thế giới một lần nữa khâm phục sự vươn lên mạnh mẽ,
vượt bậc của một dân tộc kiên cường, bất khuất. Văn học luôn song hành với bước
tiến của lịch sử. Hiện thực sống và chiến đấu của nhân dân Xô viết được phản ánh
chân thực, sinh động trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong giai đoạn phong
ba bão táp của lịch sử, các tác phẩm văn nghệ Xô viết vẫn chứa đựng niềm tin mãnh
liệt vào tương lai tốt đẹp. Khuynh hướng chung của văn học Xô viết lúc bấy giờ là tái
hiện bức tranh sử thi hoành tráng có tầm khái quát rộng lớn về con người và xã hội.
Kônxtantin Pauxtôpxki đến với cuộc đời giữa lúc xã hội Nga đang trong bầu
không khí sục sôi của đêm trước trước Cách mạng tháng Mười. Ông trưởng thành
trong thời kì nước Nga trải qua những bước thăng trầm của cuộc nội chiến. Trong thế
chiến thứ Hai, ông làm phóng viên chiến tranh của mặt trận phía Nam. Ông đi nhiều,
và chủ yếu viết dựa trên những ấn tượng sống trực tiếp. Hơn nửa thế kỉ hoạt động
trên nhiều lĩnh vực: làm báo, viết văn, tham gia giảng dạy tại Học viện Gorki,
Pauxtôpxki đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, đa dạng về thể loại - tiểu
thuyết, truyện vừa, tiểu luận, chân dung văn học, đặc biệt là truyện ngắn. Hòa vào
dòng mạch chung của văn xuôi Nga hiện đại, Pauxtôpxki vẫn chọn cho mình một lối
đi riêng. Tiếp thu tinh hoa từ những bậc tiền bối trong lịch sử văn học dân tộc, không
ngừng tôi rèn bản thân, học tập kinh nghiệm từ bạn bè và đồng nghiệp, Pauxtôpxki đã
khẳng định được vị trí của ông trên văn đàn Nga bên cạnh những tên tuổi trụ cột của
dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đương thời như M. Gorki, A. Tônxtôi, A.
Fađêep, M. Sôlôkhôp
Người viết chọn đề tài này xuất phát từ lòng yêu mến văn học Nga - một nền
văn học giàu chất nhân văn, vừa trung thành với hiện thực vừa đậm chất trữ tình, một
nền văn học ca ngợi những con người kiên cường trong chiến đấu, miệt mài trong lao
động, chung thủy trong tình yêu, cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Những tác phẩm
vừa hiện thực vừa trữ tình, chất thơ trong văn xuôi cùng lối kể chuyện nhẹ nhàng của
Pauxtôpxki đánh thức những rung động mỏng manh, khẽ khàng của tâm hồn, mở ra
chiều sâu thăm thẳm của cái đẹp ẩn giấu sau những điều bình dị, giản đơn. Mỗi câu
chuyện của Pauxtôpxki là một bài ca ngọt ngào về tình yêu con người và cuộc sống.
Đặc biệt, bầu không khí trong ngần bao quanh thế giới nhân vật Pauxtôpxki để lại ấn
tượng sâu đậm trong kí ức người viết cũng như bao bạn đọc từng tiếp xúc với tác
phẩm của ông ngay từ lần đầu tiên. Vì tình yêu và niềm say mê dành cho tác giả
truyện ngắn Nga này, chúng tôi đã chọn đề tài nghiên cứu: Thế giới nghệ thuật truyện
ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki.
2. Lịch sử vấn đề
Pauxtôpxki là nhà văn Nga nổi tiếng. Với khuynh hướng lãng mạn và phong
cách trữ tình độc đáo, sáng tác của ông đã làm say mê bao thế hệ độc giả. Trong
những bài viết, giới nghiên cứu, phê bình khẳng định những đóng góp của
Pauxtôpxki và dành cho nhà văn tình cảm trân trọng, quý mến.
Tại Nga, đồng nghiệp cũng như các nhà văn thuộc thế hệ sau Pauxtôpxki đều
dùng những hình dung từ rất đẹp khi bàn về tài năng nghệ thuật của ông. Trong lời
giới thiệu Truyện chọn lọc - Kônxtantin Pauxtôpxki, Ilia Êrenbua nhận định: “Nếu
không kể đến những tác phẩm của Kônxtantin Pauxtôpxki thì nền văn học Nga đã bỏ
sót một nét đẹp hiếm có. Trong lịch sử văn học Nga có rất nhiều tài năng lỗi lạc mà
tên tuổi của họ đã được thế giới công nhận, nhưng thật khó có thể tìm được một tấm
gương tận tụy, miệt mài trong hoạt động sáng tác như Pauxtôpxki Bạn đọc yêu mến
Pauxtôpxki bởi vì lòng tốt không có giới hạn của ông dành cho con người và cuộc
đời. Trong tác phẩm của ông, con người nào cũng nhân hậu, con người nào cũng hào
hiệp, con người nào cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác. Đừng ngần ngại trao tặng
lòng yêu thương, sự chia sẻ đến mọi người xung quanh – đó là cách để được mọi
người yêu quý và kính trọng. Pauxtôpxki được mọi người nhớ mãi cũng vì thế”. 1
Nữ thi sĩ Ônga Becgôn – người mà những bài thơ tình sâu lắng của bà làm trái
tim bao thế hệ độc giả Việt Nam phải xao xuyến – cho rằng: “Không thể kể hết những
người cầm bút thuộc thế hệ chúng tôi xem Kônxtantin Pauxtôpxki như bậc thầy đáng
kính của mình. Có lẽ chính Pauxtôpxki cũng không ngờ ông có nhiều học trò đến vậy.
Bản thân tôi cũng là một học trò nhỏ của ông. Còn hạnh phúc nào hơn nếu tôi có thể
học tập từ người thầy của mình dù chỉ một chút tinh hoa từ nghệ thuật sử dụng ngôn
từ điêu luyện, có sức truyền cảm mạnh mẽ nhường ấy”2.
Pauxtôpxki được đánh giá là một trong những bậc thầy của nghệ thuật truyện
ngắn Xô viết đương đại. Bitôp khẳng định: “Liệu có cần nói gì thêm về Pauxtôpxki
khi tất cả chúng ta đều mong “đan dệt” được những truyện ngắn đẹp đẽ, trong suốt,
những truyện ngắn lương thiện đến như thế” [33, tr. 135]. Đánh giá những đóng góp
của Pauxtôpxki đối với thể loại truyện ngắn, S. Aimatôp viết: “Hãy nhớ lại
Pauxtôpxki. Trong truyện của ông, dường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Không ai
đuổi bắt ai mà cũng không ai rời bỏ ai. Vậy mà đọc truyện ta cảm thấy rất thú” [33,
tr. 147].
I.Bônđarep khâm phục tài năng của người thầy Pauxtôpxki trong việc xây dựng
tình huống truyện mà “thiếu nó thì nhân vật không có da thịt và mờ nhạt. Cái trò chơi
lạ thường sáng tối, sự phối hợp chính xác màu sắc, âm thanh, mùi vị, nhịp điệu,
1 Nguồn:
2
thanh điệu là khả năng tuyệt vời không phải luôn luôn bắt gặp trong văn học chúng
ta” [45, tr. 145]. Đặc biệt Bônđarep nhấn mạnh đến biệt tài tạo dựng bầu không khí
trữ tình như thực như mơ bao trùm khắp các sáng tác của bậc thầy truyện ngắn này.
Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn học, các dịch giả đã sớm giới thiệu
những sáng tác của Pauxtôpxki tới bạn đọc trong nước. Tập Bông hồng vàng được
xuất bản ở Nga năm 1955, không bao lâu sau, một số truyện ngắn tiêu biểu của
Pauxtôpxki đã được các dịch giả miền Nam dịch sang tiếng Việt.
Ở miền Nam, năm 1953, truyện ngắn Mưa trong bình minh do Vũ Minh
Thiều dịch được đăng trên Tập san Nhân loại do Đông Hồ chủ trương, các số 16 - 17
- 18 (Số 16 ra ngày 9 tháng 11 năm 1953).
Ở miền Trung, truyện Mưa lúc rạng đông được Bửu Kế và Cẩm Tâm dịch, in
trong tập Truyện ngắn quốc tế, nhà xuất bản Hương Bình ở Huế ấn hành năm 1955.
Ngay từ những ngày đầu, truyện ngắn Pauxtôpxki đã nhanh chóng chinh phục
được đông đảo những người yêu văn học nghệ thuật Việt Nam bởi phong cách văn
xuôi đậm chất lãng mạn, trữ tình. Trong bài “Trả lời phỏng vấn văn nghệ của Bách
khoa Sài Gòn”, số 66 ra ngày 1 tháng 11 năm 1959, tác giả Nguyễn Phúc và nhà văn
Võ Phiến khẳng định khả năng truyền cảm đặc biệt của truyện Mưa lúc rạng đông
(Truyện ngắn quốc tế do Bửu Kế và Cẩm Tâm dịch): “Khung cảnh và tâm tình nhân
vật đều mờ mờ như làn mưa bụi lúc rạng đông” [38, tr. 42], “những tình cảm trong
đó bàng bạc, vương vít khắp nơi, ở một lóe nắng, một bụi cỏ, ở tiếng nói cười trong
truyện rải rác gần như vô tình” [38, tr. 48].
Sang đầu những năm 60 của thế kỉ XX, Bông hồng vàng đã được giới thiệu ở
nước ta qua bản dịch của Vũ Thư Hiên. Với tất cả tình yêu và sự đồng cảm dành cho
những áng văn giàu chất trữ tình của nhà văn Xô viết này, Vũ Thư Hiên và Mộng
Quỳnh đã dồn hết tâm huyết để chuyển tải một cách trung thực và trọn vẹn nhất chất
văn xuôi ngọt ngào, cái duyên kể chuyện mượt mà sâu lắng trong văn phong của
Pauxtôpxki sang tiếng Việt.
Các sáng tác của Pauxtôpxki được đánh giá là có một sức hút đặc biệt. Anh
Trúc ca ngợi những sáng tác của Pauxtôpxki là kết tinh vẻ đẹp của tâm hồn Nga, tính
cách Nga. Trong Kể chuyện tác gia văn học nước ngoài, Nguyên An đề cập đến yếu
tố bất ngờ, tính ngẫu nhiên trong truyện Pauxtôpxki và khẳng định giá trị nhân văn
sâu sắc chứa đựng trong những trang viết của Pauxtôpxki có khả năng thanh lọc tâm
hồn con người. Nguyễn Hải Hà tôn vinh Pauxtôpxki là “Người dẫn đường tới cái
đẹp”. Theo ông, biệt tài của Pauxtôpxki là phát hiện và chuyển tải chất thơ trong cuộc
sống bình dị vào trang viết. Phan Hồng Giang - nhà nghiên cứu văn học, đồng thời là
một dịch giả rất tâm huyết với văn học Nga - ca ngợi Pauxtôpxki là người gom góp,
chắt chiu cái đẹp: “Như con ong chuyên cần bay cuối đất cùng trời, hút nhụy hoa
tươi, chắt chiu thành mật ngọt, Pauxtôpxki đã run rẩy đón nhận từng vẻ đẹp li ti nhất
rồi đem lại cho chúng ta những vẻ đẹp ấy với sắc màu, hương vị tươi nguyên” [35, tr.
314].
Pauxtôpxki là một trong những tác giả được các nhà văn Việt Nam chọn là tấm
gương học tập trong nghệ thuật viết truyện ngắn. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên được
đánh giá là một trong những yếu tố góp phần tạo nên chiều sâu thăm thẳm của cái đẹp
trong các sáng tác của ông. Vũ Thị Thường nhận xét về nghệ thuật miêu tả mang đậm
sắc thái hội họa trong văn Pauxtôpxki: “Đọc văn Pauxtôpxki, nhiều đoạn như xem
tranh, ông tả rừng mà vẽ lên từng cái gân lá, sau đó ông xóa đi để vẽ nên lớp sương
mù” [33, tr. 14].
Đặng Thị Hảo nhấn mạnh một phương diện nghệ thuật của truyện ngắn
Pauxtôpxki, đó là chất thơ trong văn xuôi:
“Chất thơ trong văn xuôi là một biểu hiện đặc sắc trong phong cách
nghệ thuật của Pauxtôpxki. Đó là sự kết hợp nhuần nhị cái khí sắc lãng mạn –
đặc điểm xuyên suốt từ những sáng tác đầu tay của ông – với bút pháp trữ tình
cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện, làm cho những “bài
thơ văn xuôi” của ông thấm vào hồn người một cách nhẹ nhàng, tinh tế”
[26, tr. 1341 – 1342].
Theo Phong Lê, tài năng đặc sắc của tác giả trong việc nắm bắt chất thơ lung
linh muôn màu từ hiện thực cuộc sống là yếu tố tạo nên giá trị bền vững của truyện
Pauxtôpxki giữa dòng chảy muôn trùng lớp sóng của văn học thế giới: “Có thể nói
nếu có một chất thơ đích thực nhưng khó nắm ở đời thì Paustovski chính là bậc thầy
cao nhất để nhận ra và lưu giữ được nó khiến cho mỗi chuyện đời bình dị qua ông
bỗng trở nên lung linh trong Tuyết, Cô gái làm ren, Lẵng quả thông” [29, tr. 22].
Nhìn chung, những vấn đề liên quan đến đặc trưng phong cách nghệ thuật
Pauxtôpxki không phải là quá mới mẻ. Tuy nhiên, ngoài những bài giới thiệu khái
quát vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt về thế giới nghệ thuật truyện
ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki. Vì vậy, việc đi sâu phân tích làm rõ hơn những đặc sắc
trong nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki là điều cần thiết.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi thực hiện đề tài này dựa trên việc khảo sát, phân tích các tác phẩm
của ông qua văn bản tiếng Việt. Cụ thể, chúng tôi sẽ tìm hiểu thế giới nghệ thuật
truyện ngắn Pauxtôpxki trên một số phương diện: Thế giới nhân vật, cốt truyện và kết
cấu, không gian – thời gian nghệ thuật, chất thơ trong văn xuôi. Đây là những yếu tố
tiêu biểu tạo nên dấu ấn riêng của tác giả.
Những truyện ngắn của Pauxtôpxki khảo sát trong luận văn chủ yếu được viết
bắt đầu từ những năm 1930, nở rộ nhất là thời kì trước và sau chiến tranh thế giới thứ
Hai, sau đó là các tác phẩm được sáng tác rải rác đến trước khi ông qua đời vào năm
1968. Những truyện ngắn này được in trong tập Bông hồng vàng và Bình minh
mưa.
4. Đóng góp của luận văn
Tìm hiểu những nét đặc trưng trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn
Pauxtôpxki, luận văn – trong chừng mực nhất định – đem lại cho người đọc cái nhìn
tương đối toàn diện về một gương mặt truyện ngắn đã và đang được nhiều bạn đọc
yêu mến. Đề tài khảo sát một cách hệ thống truyện ngắn Pauxtôpxki để nhận diện
phong cách nhà văn, chỉ ra những nét đặc sắc về phương diện nghệ thuật. Từ đó có
thể khẳng định những đóng góp của Pauxtôpxki đối với sự phát triển của thể loại
truyện ngắn Nga hiện đại.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp cơ bản
sau:
Phương pháp lịch sử được áp dụng trong việc tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp
sáng tác, quan niệm nghệ thuật của tác giả. Phương pháp này còn giúp chúng tôi tìm
hiểu thế giới truyện ngắn Pauxtôpxki dựa trên những đặc trưng của thể loại truyện
ngắn đã có bề dày truyền thống trong lịch sử phát triển của văn học thế giới.
Phương pháp so sánh được sử dụng nhằm làm nổi bật nét độc đáo trong thế
giới nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki qua việc đối sánh tác phẩm của ông với tác
phẩm của các nhà văn khác.
Trong khi sử dụng các phương pháp trên, chúng tôi đồng thời sử dụng thao tác
phân tích để đi sâu đánh giá tác phẩm theo hướng cảm thụ, cảm nhận.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Dẫn nhập (9 trang), Kết luận (3 trang), Phụ lục (20 trang), luận
văn được triển khai trong ba chương.
Chương 1: Kônxtantin Pauxtôpxki - Con người và quan niệm nghệ thuật (15
trang)
Ngoài phần giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp, những tác phẩm chính, chúng tôi
trình bày một số quan niệm của Pauxtôpxki về nghề văn, sứ mệnh nhà văn, kinh
nghiệm sáng tác văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng. Đây là tiền đề quan
trọng hình thành nên phong cách truyện ngắn đặc sắc của ông.
Chương 2: Thế giới nhân vật truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki (17
trang)
Chương này được triển khai nhằm miêu tả và phân tích vẻ đẹp của tâm hồn
Nga, tính cách Nga qua thế giới nhân vật trong truyện ngắn Pauxtôpxki.
Chương 3: Phương thức biểu hiện của truyện ngắn Kônxtantin Pauxtôpxki (31
trang)
Phân tích những đặc trưng nghệ thuật đặc sắc làm nên vẻ đẹp của thế giới nghệ
thuật truyện ngắn Pauxtôpxki trên một số phương diện: Cốt truyện và kết cấu, không
gian - thời gian nghệ thuật, chất thơ trong văn xuôi là nhiệm vụ đặt ra trong chương
3.
Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki có sức truyền cảm mạnh mẽ, để lại
những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Kể từ những ngày đầu tác phẩm của ông
được giới thiệu tại dải đất hình chữ S trên bản đồ thế giới, bạn đọc Việt Nam đã dành
cho Pauxtôpxki tình cảm thiết tha, trìu mến suốt dọc dài thời gian. Vì thế, luận văn
dành phần Phụ lục trình bày những suy nghĩ của bản thân về quá trình Pauxtôpxki
được đón nhận tại Việt Nam, sự tác động sâu sắc từ những trang văn của Pauxtôpxki
đến đời sống tinh thần bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ và dấu ấn Pauxtôpxki trong
sáng tác của một số nhà văn Việt Nam.
Chương 1
KÔNXTANXTIN PAUXTÔPXKI –
CON NGƯỜI VÀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT
1.1. Kônxtantin Pauxtôpxki – Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác
1.1.1. Cuộc đời
Kônxtantin Pauxtôpxki sinh ngày 31 tháng 5 năm 1892 tại Matxcơva. Gia đình
ông gốc Côdắc miền Dapôrôgiê, sau đó chuyển tới ngụ tại vùng ven sông Rôtxi, gần
tỉnh lị Bêlaia Séccôp. Thân phụ của Pauxtôpxki là một công chức thống kê trong
ngành đường sắt. Hầu như suốt cuộc đời, cha ông gắn bó với những tuyến đường sắt
phần Châu Âu của nước Nga. Do yêu cầu công việc của cha, gia đình Pauxtôpxki
thường phải thay đổi chỗ ở nên từ nhỏ nhà văn được đi đến nhiều vùng khác nhau
trên đất nước. Từ những tháng năm tuổi thơ, cuộc sống của cậu bé Pauxtôpxki đã gắn
liền với những chuyến đi.
Ông Ghêoócghi Măcximôvich - cha của Pauxtôpxki - là một người lãng mạn,
phóng khoáng. Ông rất tôn trọng thế giới tâm tư, tình cảm riêng của các con. Trong
một lá thư gửi con trai trong thời gian đi công tác xa nhà, ông viết: “Ba vẫn vững tin
rằng rồi đây trong cuộc đời, con sẽ vươn tới được những hoài bão của mình và sẽ trở
thành một con người chân chính. Hãy nhớ lấy lời khuyên mà có lần ba đã thổ lộ với
con: Đừng bao giờ đánh giá con người qua những ấn tượng ban đầu, trước khi am
hiểu tường tận mọi cảnh huống xui khiến người ta có một hành động nào đó, trước
khi có đầy đủ từng trải để hiểu hết những điều mà giờ đây con chưa thể hiểu được”
[36, tr. 288]. Mẹ của Pauxtôpxki là người có tấm lòng nhân hậu, độ lượng song cũng
rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái.
Các thành viên trong gia đình Pauxtôpxki đều yêu thơ ca, nghệ thuật. Ông nội
Măcxim Grigôriêvich là cựu chiến binh Côdăc dưới thời Nga hoàng Nicôlai I, từng
tham gia cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kì. Ông cụ thường hay kể cho Pauxtôpxki
những truyền thuyết cổ xưa, khơi dậy trong tâm hồn người cháu tình yêu văn học
nghệ thuật. Theo lời tác giả bộc bạch trong bộ tự truyện, bà ngoại ông là một người
rất yêu thơ ca. Vào dịp tác phẩm đầu tay của Pauxtôpxki được đăng báo, bà đã chúc
phúc cậu cháu trai trong nỗi vui sướng nghẹn ngào: “Hãy lao động và hạnh phúc
cháu ạ. Phải tin rằng Đức Chúa thương hại bà vì Người đ