Luận văn Thực trạng và những giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản
1. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/ 03/1973. Trong 30 năm qua, quan hệ kinh tế giữa hai nước không ngừng phát triển trong đó quan hệ thương mại ngày càng được tăng cường mạnh mẽ. Đặc biệt từ khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, Nhật Bản đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Quá trình phát triển thương mại giữa hai nước có thể chia làm ba giai đoạn ; 1973 - 1986, 1987 - 1992, 1993 cho đến nay với hai bước ngoặt quyết định vào năm 1987 và 1992. Trước năm 1987, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn được duy trì nhưng nói chung không ổn định và còn ở mức độ thấp. Trong giai đoạn này, buôn bán giữa hai nước gia tăng từ năm 1973 đến năm 1978, sau đó giảm đi trong những năm 1979 - 1982. Sau đó đến năm 1986, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển trở lại. Từ năm 1987, Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với công cuộc đổi mới chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường và thực hiện chính sách mở cửa. Đây là bước ngoặt lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế cả đối nội cũng như cả đối ngoại. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng bước vào một giai đoạn mới với hai đặc trưng là sự tăng lên vững chắc về khối lượng buôn bán và sự quan tâm ngày càng cao của các nhà kinh doanh và các công ty Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam. Năm 1992 là năm đầu tiên giá trị buôn bán giữa hai nước đạt trên 1 tỷ USD. Từ năm 1992 cho dến nay- những năm đầu tiên của thế kỷ thứ 21, quan hệ thương mại giữa hai nước liên tục có sự phát triển khả quan mặc dù có sự suy giảm trong hai năm 1998 - 1999 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á. Nguyên nhân cơ bản nhất, quan trọng nhất thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ là hoàn cảnh môi trường quốc tế và khu vực thuân lợi; công cuộc đổi mới của Việt Nam với các chính sách kinh tế đối ngoại năng động, phù hợp với xu thế phát triển thời đại và lợi ích của cả hai bên Nhật Bản - Việt Nam . Đương nhiên, đó mới chỉ là những nguyên nhân có tính khách quan bên ngoài đối với Nhật Bản. Điều cần lưu ý là về phía chủ quan Nhật Bản: sự chuyển hướng chiến lược trong chính sách đối ngoại nói chung và chính sách kinh tế đối ngoại nói riêng của Nhật Bản đối với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng kết hợp với các sự kiện chính trị quan trọng khác như Mỹ huỷ bỏ chính sách cấm vận thương mại chống Việt Nam ( tháng 2/ 1994), Mỹ tuyên bố bình thường quan hệ với Việt Nam( tháng 7/ 1995) và Việt Nam gia nhập ASEAN( tháng 7 / 1995) . Tuy nhiên , quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua còn nhiều hạn chế như tỷ trọng xuất nhập khẩu trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là chưa hợp lý dẫn đến Việt Nam luôn xuất siêu, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nước còn nhiều bất cập .Vì vậy nhiều vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu như : tại sao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng lên một cách nhanh chóng nhưng tỷ trọng của nó trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại tăng giảm thất thường? Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản đã tương xứng với tiềm năng vốn có của hai nước hay chưa? Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản. Mặc dù cho đến nay trong quan hệ thương mại Việt - Nhật vẫn còn khó khăn, song trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá thương mại, gần đây Nhật Bản cũng đã có một số động thái tích cực, đó là liên minh tự do thương mại với một số quốc gia như Singapo, Canađa, Chilê và Mêhicô và Nhật cũng đang nỗ lực xúc tiến việc thành lập khối mậu dịch tự do với ASEAN, nhằm mở rộng hơn nữa vai trò cường quốc kinh tế ở khu vực châu Á. Đây là một thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Nhật Bản vì cho đến tận cuối những năm 1990, Nhật Bản vẫn cứng rắn không tham gia một thoả thuận thương mại song phương nào mà chủ yếu chỉ dựa vào các tổ chức đa phương như Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Chính vì thế, hy vọng rằng trước những yêu cầu mới của bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá các hoạt động kinh tế, sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Nhật Bản cùng với sự kiện kỷ niệm trọng thể 30 năm ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản trong năm 2003, trong tương lai gần hai nước sẽ ký kết hiệp định về thương mại song phương, khi đó quan hệ thương mại Việt - Nhật càng có điều kiện phát triển mạnh hơn nữa. Đương nhiên để đạt được sự phát triển như vậy, về phía Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực thực hiện có hiệu quả cao nhất các giải pháp cơ bản về phát triển ngoại thương Việt Nam nói chung và thương mại Việt - Nhật nói riêng. 2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Ở Việt Nam từ trước đến nay các công trình của một số các tác giả nghiên cứu liên quan đến quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản là : - Đỗ Đức Định, “ Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996. - Trần Anh Phương, chương 4: “ Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong những năm 1990 “ trong cuốn sách: Quan hệ kinh tế Việt Nam- Nhật Bản trong những năm 1990 và triển vọng ( Vũ Văn Hà chủ biên ), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000. - Ngô Xuân Bình - Hồ Việt Hạnh , Chương 2 - mục 2.4. “ Quan hệ kinh tế Nhật - Việt năm 2001” trong cuốn sách “ Nhật Bản năm đầu thế kỷ XXI ” , Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002. - Nguyễn Duy Dũng , “ Năm 2002: quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển ổn định ”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á , số 1(43) 2- 2003. - Nguyễn Xuân Thiên, “ 20 năm quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản ” , Tạp chí Con số và Sự kiện số 1/1995 v.v. Các công trình trên đây đã nghiên cứu về quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian một số năm của thế kỷ 20 . Các công trình nói trên đã nghiên cứu thực trạng quan hệ thương mại Việt - Nhật , thuân lợi và khó khăn và có đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn, bất cập đó tuy nhiên các công trình nói trên mới chỉ đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn trong khoảng thời gian mà các tác giả nghiên cứu mà khoảng thời gian đó đã qua, mặt khác vấn đề mà các tác giả nghiên cứu chỉ là một nội dung trong công trình mà các tác giả nghiên cứu hoặc nêú có tách riêng thì mới chỉ dừng ở một bài báo, một chương sách. nên tính khái quát là rất cao, không đi sâu nghiên cứu một cách sâu sắc, vì thế không thể giải quyết được một cách căn bản các vấn đề đặt ra trong quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản. Cho nên tác giả luận văn nghiên cứu vấn đề này ở một phạm vi nghiên cứu rộng hơn và sâu sắc hơn của một luận văn cao học. Hướng tiếp cận của luận văn là nghiên cứu trực tiếp thực trạng quan hệ thương mại Việt- Nhật trong giai đoạn hiện nay, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, đề xuất những giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa phù hợp với những lợi ích kinh tế, chính trị của Việt Nam và Nhật Bản. Nhưng luận văn không tách rời, cô lập quan hệ thương mại Việt Nam- Nhật Bản mà đặt trong quan hệ tác động qua lại với các vấn đề kinh tế chính trị khác như đầu tư, ODA, hoạt động chính trị và ngoại giao. 3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quan hệ thương mại Việt Nam- Nhật Bản, góp phần phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng sâu sắc hơn. 4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU - Đối tượng nghiên cứu : Nghiên cứu quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản. - Phạm vi nghiên cứu : Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản có từ thế kỷ XVI - XVII nhưng luận văn tập trung phân tích quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản từ năm 1976 đến nay. 5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Ngoài các phương pháp cơ bản được sử dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu như duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, trừu tượng hoá khoa học, luận văn còn sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp phân tích và trường hợp đặc biệt sử dụng phương pháp phân tích so sánh, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu. 6. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN - Phân tích những cơ sở lý luận và thực tiễn của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản. - Làm rõ những đặc điểm nổi bật của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản, xu hướng vận động và phát triển. - Đề xuất những giải pháp đối với Việt Nam để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản. 7. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương: CHƯƠNG 1 : Cơ sở lý luận và thực tiễn của quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản CHƯƠNG 2 : Thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản CHƯƠNG 3 : Những giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản