Đối với mỗi quốc gia dân tộc, cái quan trọng nhất, cao quí nhất là giá trị văn hoá. Văn
học là một biểu hiện của văn hóa, sản phẩm của văn hoá. Là một dạng văn hoá tinh thần,
văn học chính là nơi lưu giữ giá trị văn hoá tinh thần cho mọi thế hệ. Từ văn học hiểu thêm
về văn hoá. Đứng ở góc độ văn hoá nhìn sang văn học, văn hoá đựơc nhìn nhận một cách
tinh tế hơn, còn văn học có một nền tảng vững chắc để tồn tại và phát triển, văn học được
hiểu thấu đáo sâu sắc hơn.
Hơn đâu hết, thế giới tinh thần vô cùng phong phú của người Việt Nam, trong đó có
thế giới tâm linh thể hiện rõ nét trong văn học, từ văn học dân gian đến văn học viết. Văn
học Việt Nam thời trung đại một mặt kế thừa các giá trị tinh thần thiêng liêng trong văn học
dân gian, mặt khác phản ánh tòan diện thế giới ấy của con người Việt Nam trong suốt mười
thế kỉ tồn tại xã hội phong kiến. Trong văn học thời kì này, thông qua tài năng nghệ thuật và
vốn văn hoá truyền thống sâu rộng của các tác giả ta phần nào hiểu được niềm tin thiêng
liêng, tín ngưỡng truyền thống, phong tục tập quán, phương thức tư duy và những quan
niệm phổ biến của nhân dân – những điểm cốt lõi tạo nên giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc
của văn hoá dân tộc – văn hoá tâm linh.
Nằm trong quá trình phát triển liên tục nhưng khác với các thời kì văn học khác, văn
học trung đại Việt Nam mang những đặc trưng và qui luật riêng. Đó là một thời kì văn học
thuộc thời đại văn hoá riêng- văn hoá trung đại với mô hình thế giới, với hệ thống giá trị,
với phương thức cảm nhận, tư duy khác. Văn xuôi trung đại không nằm ngoài qui luật ấy.
Thật cần thiết phải tiếp cận văn xuôi trung đại xuất phát từ ý thức phân biệt loại hình này.
Điều đó có ý nghĩa thiết thực cho việc tìm hiểu, đánh giá, giải thích một số tác phẩm văn
xuôi tiêu biểu, khẳng định giá trị riêng của các tác phẩm, góp phần giữ gìn bản sắc thẩm mỹ,
nghệ thuật của một thời đại văn học. Đó là lí do chúng tôi chọn đề tài luân văn: “Văn hoá
tâm linh trong văn xuôi trung đại”
155 trang |
Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 11710 | Lượt tải: 9
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Văn hoá tâm linh trong văn xuôi trung đại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH
________
Hoàng Thị Minh Phương
VĂN HOÁ TÂM LINH TRONG VĂN
XUÔI TRUNG ĐẠI
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60.22.34
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS LÊ THU YẾN
Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2007
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
1. Lĩnh Nam chích quái LNCQ
2. Việt điện u linh VĐUL
3. Nam ông mộng lục NOML
4. Thánh Tông di thảo TTDT
5. Truyền kỳ mạn lục TKML
6. Việt điện u linh tục bổ VĐUL tục bổ
7. Công dư tiệp ký CDTK
8. Sơn cư tạp thuật SCTT
9. Vũ trung tuỳ bút VTTB
10. Thượng kinh kí sự TKKS
11. Tang thương ngẫu lục TTNL
12. Lan Trì kiến văn lục LTKVL
13. Hát đông thư dị HĐTD
14. Truyền kỳ tân phả TKTP
15. Vân nang tiểu sử VNTS
16. Nam triều công nghiệp diễn chí NTCNDC
17. Hoàng Lê nhất thống chí HLNTC
DẪN NHẬP
1. Lí do chọn đề tài
Đối với mỗi quốc gia dân tộc, cái quan trọng nhất, cao quí nhất là giá trị văn hoá. Văn
học là một biểu hiện của văn hóa, sản phẩm của văn hoá. Là một dạng văn hoá tinh thần,
văn học chính là nơi lưu giữ giá trị văn hoá tinh thần cho mọi thế hệ. Từ văn học hiểu thêm
về văn hoá. Đứng ở góc độ văn hoá nhìn sang văn học, văn hoá đựơc nhìn nhận một cách
tinh tế hơn, còn văn học có một nền tảng vững chắc để tồn tại và phát triển, văn học được
hiểu thấu đáo sâu sắc hơn.
Hơn đâu hết, thế giới tinh thần vô cùng phong phú của người Việt Nam, trong đó có
thế giới tâm linh thể hiện rõ nét trong văn học, từ văn học dân gian đến văn học viết. Văn
học Việt Nam thời trung đại một mặt kế thừa các giá trị tinh thần thiêng liêng trong văn học
dân gian, mặt khác phản ánh tòan diện thế giới ấy của con người Việt Nam trong suốt mười
thế kỉ tồn tại xã hội phong kiến. Trong văn học thời kì này, thông qua tài năng nghệ thuật và
vốn văn hoá truyền thống sâu rộng của các tác giả ta phần nào hiểu được niềm tin thiêng
liêng, tín ngưỡng truyền thống, phong tục tập quán, phương thức tư duy và những quan
niệm phổ biến của nhân dân – những điểm cốt lõi tạo nên giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc
của văn hoá dân tộc – văn hoá tâm linh.
Nằm trong quá trình phát triển liên tục nhưng khác với các thời kì văn học khác, văn
học trung đại Việt Nam mang những đặc trưng và qui luật riêng. Đó là một thời kì văn học
thuộc thời đại văn hoá riêng- văn hoá trung đại với mô hình thế giới, với hệ thống giá trị,
với phương thức cảm nhận, tư duy khác. Văn xuôi trung đại không nằm ngoài qui luật ấy.
Thật cần thiết phải tiếp cận văn xuôi trung đại xuất phát từ ý thức phân biệt loại hình này.
Điều đó có ý nghĩa thiết thực cho việc tìm hiểu, đánh giá, giải thích một số tác phẩm văn
xuôi tiêu biểu, khẳng định giá trị riêng của các tác phẩm, góp phần giữ gìn bản sắc thẩm mỹ,
nghệ thuật của một thời đại văn học. Đó là lí do chúng tôi chọn đề tài luân văn: “Văn hoá
tâm linh trong văn xuôi trung đại”.
2. Mục đích nghiên cứu
Thuộc vào một giai đoạn phát triển đặc biệt của lịch sử dân tộc, đối với con người thời
trung đại, bên cạnh đời sống hiện thực, thế giới hiện thực với nhiều mối quan hệ, họ còn có
một đời sống tâm linh phong phú, một thế giới tâm linh với các thế lực huyền bí, những
điều kì lạ siêu nhiên do chính con người tưởng tượng ra, mà họ tin rằng nó đang tồn tại, hiện
hữu chi phối cuộc sống. Trong nhận thức, cách cảm nhận thế giới của họ, hai thế giới ấy có
mối liên thông “thiên nhân tương dữ” hay “thiên nhân tương cảm”. Trên cơ sở đó luận văn
đi sâu tìm hiểu thế giới tâm linh- thế giới thứ hai trong “mô hình hai thế giới” trong văn học
trung đại qua các tác phẩm văn xuôi được khảo sát. Điều đó giúp ta hiểu rõ hơn chiều sâu
tâm hồn con người thời trung đại – địa hạt hợp pháp của văn chương muôn đời.
Theo hướng nghiên cứu trên, luận văn cố gắng đi hệ thống hoá những biểu hiện của
thế giới tâm linh để có cái nhìn hệ thống, toàn diện về những yếu tố ấy trong cách cảm nhận
về thế giới và con người ở một thời kì lịch sử.
Sự hình thành và phát triển của nền văn xuôi trung đại gắn liền với nền văn hoá dân
gian lâu đời, bám rễ trong truyền thống văn hoá dân tộc, đồng thời như là sự phản chiếu tư
duy nghệ thuật của nền văn học sản sinh ra nó. Do đó, luận văn đi vào phân tích và bước
đầu có những kiến giải phù hợp về nhiều yếu tố tâm linh thường bị cho là “thần bí”, “duy
tâm” hay “mê tín dị đoan”. Đành rằng sự hạn chế trong nhận thức thế giới đã sản sinh ra tín
ngưỡng, song cần có cái nhìn lịch sử về các hiện tượng văn học ấy trong tương quan với
thời đại văn hoá nó ra đời.
Với đề tài này, chúng tôi hi vọng đóng góp một phần nhỏ vào khoa học nghiên cứu
văn học Việt Nam, mảng văn học trung đại, lĩnh vực văn xuôi.
3. Lịch sử vấn đề
Trong nhiều năm gần đây, các vấn đề văn hoá, văn hoá tâm linh, mối quan hệ giữa văn
hoá và văn học thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, văn học nước nhà.
Văn hoá là cội nguồn của văn học và “văn học nghệ thuật có nhiệm vụ và có tác dụng to lớn
trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hoá cao quí ấy” (Phạm Văn Đồng). Giá trị văn
hóa, tính văn hoá luôn là một thước đo giá trị của tác phẩm văn học.
Xung quanh đề tài luận văn “Văn hoá tâm linh trong văn xuôi trung đại”, trong phạm
vi tư liệu sưu tầm được, chúng tôi điểm qua một số công trình, bài báo khoa học sau:
3.1. Nói riêng về văn hoá tâm linh, trong nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá, các tác
giả đều có đề cập các vấn đề liên quan đến văn hoá tâm linh. Tuy nhiên sự đề cập mới chỉ
dừng lại ở nêu hiện tượng, nhìn nhận khái quát.
Đầu tiên phải kể đến công trình “Văn hoá tâm linh” của tác giả Nguyễn Đăng Duy
[17]. Công trình giới hạn những vấn đề về văn hóa tâm linh người Việt ở miền Bắc trong
các lĩnh vực: tín ngưỡng thần thánh trời đất, thờ mẫu, tang ma, thờ cúng tổ tiên, các tôn giáo
Phật, Đạo, Thiên chúa giáo. Tác giả điểm qua tâm linh trong mọi mặt đời sống: cá nhân, gia
đình, tín ngưỡng tôn giáo, mê tín dị đoan...Vấn đề tâm linh trong văn học nghệ thuật có
được nhắc đến với nét nghĩa là chiều sâu tâm hồn nhưng chỉ với cái nhìn sơ giản chung cho
mọi loại hình nghệ thuật: “Tâm linh trong sáng tác văn học nghệ thuật là những hình ảnh,
biểu tượng thiêng liêng nào đó mà tác giả thể hiện được ra trong tác phẩm, làm rung động
những trái tim, ngấn lệ những tâm hồn”[17;tr38].
Gần với công trình trên là chuyên luận “Tìm hiểu văn hoá tâm linh Nam Bộ” [42]. Tác
giả Nguyễn Hữu Hiếu tập trung bàn về văn hoá tâm linh của người Việt ở Nam Bộ qua tín
ngưỡng thờ Mẫu và các lễ hội cổ truyền từ ảnh hưởng văn hoá Chăm.
3.2. Về mối quan hệ giữa văn hoá và văn học, từ văn học hiểu thêm về văn hoá, một số nhà
nghiên cứu cũng đã ít nhiều bàn đến. GS Lê Trí Viễn trong bài “Từ văn học Việt Nam thử
nghĩ về văn hoá Việt Nam” [126] đã chỉ ra điểm cốt lõi trong mối quan hệ này: “Từ văn học
nhìn vào văn hoá đều thấy thấm nhuần hai tình cảm lớn là vì nước vì dân vì con người, hai
tư tưởng lớn: yêu nước và nhân văn, nhân đạo làm cốt lõi cho bản lĩnh dân tộc”[126;tr180].
Phần tâm linh trong văn hoá Việt Nam được ông nhắc đến ở phương diện thờ cúng tổ tiên,
các vị anh hùng dân tôc, thành hoàng làng với ý nghĩa là đạo lí biết ơn kèm theo tín ngưỡng.
Tâm linh trong văn hoá Việt Nam cũng được nhà văn Sơn Nam bàn đến trong bài viết
“Nói thêm về tâm linh trong liên hệ với văn hoá Việt Nam” [80]. Theo nhà văn, tâm linh tồn
tại trong mọi mặt đời sống từ xưa tới nay, từ trong truyền thuyết, các bài văn tế, các tác
phẩm văn học, trong tục thờ cúng tổ tiên, cúng cô hồn cho tới những ca khúc về Tổ Quốc và
cả những hành động, việc làm, nghĩa cử cao đẹp của những con người bình thường trong
cuộc sống. Tâm linh ở đây chính là niềm tin của con người đọng lại trong trí nhớ và con
người luôn tâm niệm, thành kính về điều mình tin, mình làm. “Trí nhớ không phải đứng
dừng một chỗ, lâu ngày phát triển thêm rồi tồn đọng trở thành tâm linh” [80; tr130].
3.3. Đáng chú ý là hướng nghiên cứu văn học trung đại dưới góc nhìn văn hoá. Trong cuốn
“Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá” [112], nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn
đã đề xuất phương pháp nghiên cứu văn học trung đại gắn liền với “mô hình hai thế giới” -
một đặc trưng của văn hoá trung đại. Trong quan niệm của người thời cổ trung đại luôn luôn
tồn tại hai thế giới, “một thế giới hiện thực với những quan hệ xã hội và thiên nhiên có thể
nhận thức được bằng kinh nghiệm” và “một thế giới tâm linh do chính con người tưởng
tượng ra theo một nguyên lí nào đó”. Theo đó, một đặc điểm cơ bản của văn hoá phương
Đông là xem xét con người và thế giới trong mối quan hệ chặt chẽ không tách rời, xem
Thiên đạo (đạo trời) và Nhân đạo (đạo người) như một thể thống nhất. Góc nhìn văn hoá
này được tác giả nghiên cứu qua hai trường hợp Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Bình Ngô đại
cáo (Nguyễn Trãi) với những lí giải, phân tích sáng rõ, lôgic. Với Truyện Kiều gần như ông
đã “hoá giải” được chỗ mà lâu nay người ta cho là hạn chế tư tưởng của Nguyễn Du như
duy tâm, thần bí, nặng tư tưởng Thiên mệnh, nghiệp báo luân hồi...
3.4. Tâm linh trong văn học trung đại cũng được tác giả Thanh Tâm Langlet quan tâm
qua bài “Tâm linh và thơ ca Việt Nam giai đoạn cổ trung đại” [58]. Ở đây tác giả chủ yếu
dõi theo yếu tố tâm linh trong đời sống tôn giáo ở dòng thơ thiền Lí-Trần qua sáng tác của
các Thiền sư thuộc các thiền phái Nam Phương, Thảo Đường, Trúc Lâm. Bên cạnh đó là
tâm linh trong thơ của một số nhà thơ ở khía cạnh bộc lộ đời sống nội tâm (Nguyễn Trãi,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan)
Dành nhiều tâm huyết cho hướng tiếp cận thơ trung đại từ nền văn hoá truyền thống,
PGS.TS Lê Thu Yến đưa ra cái nhìn bao quát, hệ thống những yếu tố tâm linh trong thơ
Nguyễn Du với bài “ Thế giới tâm linh trong sáng tác Nguyễn Du - một biểu hiện của văn
hoá Việt” [129]. Bằng những con số thống kê cụ thể, chính xác những biểu hiện truyền
thống văn hoá tinh thần dân tộc, tác giả đã khẳng định một giá trị văn hoá truyền thống
trong sáng tác của nhà thơ lớn Nguyễn Du - thế giới tâm linh: “Thế giới này biểu hiện rõ rệt
trong sáng tác Nguyễn Du làm cho người đọc không thể không nhận ra. Một Văn Chiêu Hồn
thấm đẫm màu sắc của thế giới bên kia, một Truyện Kiều bàng bạc không gian của cõi âm
và nhất là thơ chữ Hán nhan nhản bày ra những đình, đền, miếu, mộ...” [129; tr29]. Đây
chính là một gợi ý trực tiếp cho chúng tôi chọn đề tài luận văn này.
Riêng ở bộ phận văn xuôi trung đại, PGS.TS Nguyễn Đăng Na đã có cái nhìn khái
quát, hệ thống về tiến trình phát triển của văn xuôi tự sự nói chung và các thể loại truyện
ngắn, kí, tiểu thuyết chương hồi qua bài “Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại- những
bước đi lịch sử” [77] cùng với các bài giới thiệu trong các cuốn tuyển soạn [74],[75],[76].
Sau khi khái quát đặc điểm, thành tựu văn xuôi trung đại qua ba giai đoạn, tác giả đưa ra
nhận xét khái quát: “Cùng với các loại hình văn học khác, văn xuôi tự sự đã hoàn thành sứ
mệnh lịch sử mà thời đại giao phó: phản ánh tâm linh của người Việt Nam thời trung đại”
[77; tr38].
Như vậy, cho đến nay, nghiên cứu văn hoá tâm linh, tâm linh trong văn học, nhất là
thơ ca trung đại đã được một số nhà nghiên cứu bàn đến ở những phạm vi mức độ khác
nhau. Nhìn chung các nghiên cứu đều khẳng định có tồn tại một thế giới tâm linh trong đời
sống con người Việt Nam từ xưa tới nay trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong văn học
trung đại. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn xuôi trung đại hiện vẫn chưa có công trình nghiên
cứu chuyên sâu, qui mô nào. Từ những gợi ý quí báu của người đi trước, chúng tôi mạnh
dạn đi vào tìm hiểu, tiếp cận văn xuôi trung đại Việt Nam ở góc độ văn hoá tâm linh- yếu tố
cơ bản tạo nên giá trị đặc sắc cho bộ phận văn học này.
4. Phạm vi nghiên cứu
4.1. Ở đề tài này, do điều kiện tư liệu, chúng tôi chưa thể khảo sát toàn bộ sáng tác văn xuôi
trung đại mà chỉ giới hạn ở những tác phẩm quen thuộc có xuất hiện nhiều yếu tố tâm linh,
bao gồm:
1. Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh – Kiều Phú)
2. Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên )
3. Nam ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng)
4. Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông)
5. Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ)
6. Việt điện u linh tục bổ (Nguyễn Văn Chất)
7. Công dư tiệp ký (Vũ Phương Đề)
8. Sơn cư tạp thuật (Đan Sơn)
9. Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ)
10. Thượng kinh kí sự (Lê Hữu Trác)
11. Tang thương ngẫu lục (PhạmĐình Hổ-Nguyễn Án)
12. Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh)
13. Hát đông thư dị (Nguyễn Thượng Hiền)
14. Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm)
15. Thính văn dị lục (Khuyết danh)
16. Nam thiên trân dị tập (Khuyết danh)
17. Thoái thực kí văn (Trương Quốc Dụng)
18. Vân nang tiểu sử (Phạm Đình Dục)
19. Tân đính Việt điện u linh tập (Gia Cát)
20. Việt Nam kì phùng sự lục (Khuyết danh)
21. Nam triều công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm)
22. Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)
Bên cạnh đó, để cho luận văn thêm phong phú và phục vụ việc phân tích, so sánh,
chúng tôi mở rộng liên hệ đến một số tác phẩm khác: Thiên đô chiếu (Lý Công Uẩn), Đại
Việt sử kí toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Lam Sơn thực lục và Dư điạ chí (Nguyễn Trãi), Truyện
Kiều (Nguyễn Du), Tục công dư tiệp kí (Trần Trợ), Kiến văn tiểu lục (Lê Quí Đôn), Thiền
uyển tập anh, Tam tổ thực lục và một vài tác phẩm khuyết danh khác.
4.2. Vấn đề văn bản và tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi trung đại khá phức tạp và hiện
còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy chúng tôi xin không bàn đến. Chúng tôi khảo sát các tác
phẩm dựa theo các văn bản hiện hành của các tác giả theo quan niệm phổ biến.
4.3. Trên cơ sở thống kê, phân loại các hiện tượng tâm linh trong các tác phẩm, lấy điểm tựa
là văn hoá truyền thống dân tộc (phong tục tập quán, tín ngưỡng), bước đầu chúng tôi đi
giải thích một số hiện tượng tâm linh nổi bật, qua đó thấy được ý nghĩa của chúng đối với
tác phẩm.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn chúng tôi không loại trừ phương pháp luận nghiên cứu văn học nào, song với
đối tượng nghiên cứu của mình, chúng tôi sử dụng chủ yếu một số phương pháp nghiên cứu
sau:
5.1. Phương pháp lịch sử cụ thể
Tác phẩm văn học là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử cụ thể trong tiến trình phát
triển của lịch sử dân tộc. Vì vậy phương pháp hướng đến việc tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử xã
hội, môi trường văn hoá tư tưởng chung của thời đại, mối tương tác của chúng với các tác
giả, sự ra đời của các tác phẩm để lí giải các yếu tố văn hoá trong văn học một thời đại.
5.2. Phương pháp hệ thống
Chúng tôi coi văn xuôi trung đại là một cấu trúc, một hệ thống nhỏ trong hệ thống nền
văn học trung đại bao gồm nhiều đơn vị tác phẩm và từng tác phẩm cụ thể để có cái nhìn
bao quát, đồng thời xem xét chúng trong tương quan với văn học dân gian và văn học cận
hiện đại. Phương pháp giúp ta có cái nhìn hệ thống trong quá trình nghiên cứu. Từ đó sắp
xếp các yếu tố, phân tích, lí giải mối liên hệ giữa chúng để thấy tính chỉnh thể của một câú
trúc văn hoá trong văn học.
5.3. Phương pháp phân loại thống kê
Phương pháp giúp ta tổng hợp thống kê, phân loại tần số xuất hiện của các yếu tố tâm
linh trong từng tác phẩm và đơn vị tác phẩm để thấy mức độ ảnh hưởng của nền văn hoá
truyền thống đối với sáng tác của các tác giả và cả thời đại văn học, cũng như hiệu quả của
chúng trong việc thể hiện nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
5.4. Phương pháp so sánh
Vấn đề nghiên cứu văn học trung đại nói chung hiện còn nhiều cách hiểu, lí giải khác
nhau. Phương pháp so sánh giúp người đọc thấy được điểm giống và khác nhau giữa các
yếu tố tâm linh trong từng đơn vị tác phẩm của các tác giả thuộc các giai đoạn lịch sử khác
nhau. Từ đó khẳng định giá trị đích thực của yếu tố văn hoá này trong văn xuôi trung đại nói
riêng và văn học trung đại nói chung. Qua đó thấy được đóng góp của các tác giả vào tiến
trình phát triển nền văn xuôi trung đại.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn tập trung tìm hiểu sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá truyền thống dân tộc
đối với một bộ phận văn xuôi trung đại, từ đó góp một cách lí giải tương thích một số vấn
đề trong văn học thời kì này. Đồng thời khẳng định và làm sáng tỏ giá trị đặc sắc của nó do
yếu tố văn hoá tâm linh mang lại.
7. Cấu trúc của luận văn
Chương 1: Khái quát
1.1. Khái niệm
1.2. Cơ sở hình thành yếu tố tâm linh trong văn hoá Việt Nam
1.3. Cơ sở hình thành yếu tố tâm linh trong văn học trung đại
Chương 2: Những biểu hiện văn hoá tâm linh trong văn xuôi trung đại
2.1. Những biểu hiện
2.2. Nhận xét
Chương 3: Hiệu quả thẩm mĩ của yếu tố tâm linh trong văn xuôi trung đại
3.1. Phản ánh hiện thực và thể hiện tư tưởng
3.2. Hiệu quả nghệ thuật
3.3. Yếu tố tâm linh trong văn xuôi hiện đại
NỘI DUNG
Chương 1: KHÁI QUÁT
1.1 Khái niệm
1.1.1. Văn hoá tâm linh
1.1.1.1. Văn hoá
Văn hoá (dịch từ Culture) là một vấn đề rất rộng, khó có định nghĩa nào bao quát đầy
đủ nội hàm của nó. Văn hoá bao hàm hết thảy các sinh hoạt của loài người, từ sinh hoạt vật
chất đến sinh hoạt tinh thần, sinh hoạt xã hội. Mọi hoạt động của con người và sản phẩm -
kết quả của những hoạt động ấy do con người có ý thức tác động vào tự nhiên và xã hội mà
có đều thuộc về văn hoá. Quá trình phát triển của loài người gắn liền với các hoạt động cải
biến hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Con người sáng tạo ra văn hoá và văn hoá lại
tái tạo bản thân con người.
Nhìn một cách khái quát nhất, “văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và
tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” [91;tr1100]; “văn hoá gồm tất cả
những sáng tạo kiến thiết của loài người ở trong xã hội, tất cả những cái gì không là không
phải tự nhiên, là phi tự nhiên” [2];
Văn học là một hình thái đặc biệt của văn hoá, thuộc về hệ ý thức, lĩnh vực văn hoá
tinh thần. Với đối tượng nghiên cứu là một phương diện của văn hoá tinh thần – văn hoá
tâm linh trong văn học, chúng tôi lưu ý đến một số định nghĩa sau:
Theo Bách Khoa Toàn Thư Pháp, “Văn hoá theo nghĩa rộng là tập tục, tín ngưỡng,
ngôn ngữ, tư tưởng, thị hiếu thẩm mỹ, những hiểu biết kỹ thuật cũng như toàn bộ việc tổ
chức môi trường của con người, những công cụ, nhà ở, và nói chung là toàn bộ công
nghiệp có thể truyền lại được, điều tiết những quan hệ và những ứng xử của một nhóm xã
hội với môi trường sinh thái của nó”.
Nhà dân tộc học người Anh, E.B.Tylor định nghĩa: “Văn hoá là một chỉnh thể phức
hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kì năng lực
thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội” [121].
Nhân dịp phát động thập kỷ thế giới phát triển văn hoá (1988-1997), tổ chức văn hoá
thế giới UNESCO công bố định nghĩa mới về văn hoá: “Văn hoá là tổng thể các hệ thống
giá trị, bao gồm các mặt tình cảm, tri thức, vật chất, tinh thần của xã hội. Nó không thuần
tuý bó hẹp trong sáng tác nghệ thuật mà bao gồm cả phương thức sống, những quyền con
người cơ bản, truyền thống tín ngưỡng”.
Từ các định nghĩa trên, có thể hiểu văn hoá theo hai nghĩa rộng-hẹp. Nghĩa rộng, văn
hoá bao gồm các giá trị vật chất (văn hoá vật chất) và giá trị tinh thần (văn hoá tinh thần) do
con người sáng tạo ra và tích luỹ qua hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử. Nghĩa hẹp,
văn hoá chỉ liên quan đến đời sống tinh thần của con người, tức những giá trị tinh thần nhằm
thoả mãn nhu yếu tinh thần trước hết của con người.
Với đối tượng nghiên cứu của luận văn là văn hoá tâm linh, chúng tôi hiểu và vận
dụng khái niệm văn hoá theo nghĩa hẹp là những giá trị văn hoá trong lĩnh vực tinh thần-văn
hoá tinh thần. Đó là “những di sản văn hoá đem lại nguồn cảm hứng thẩm mĩ cho con
người bằng những hoạt động của các loại hình nghệ thuật. Cụ thể là văn, thơ, hát nghề mĩ
nghệ thủ công, trò chơi nghệ thuậtCùng với các loại hình trên là phong tục, tập quán, lễ
nghi, tín ngưỡng, tết, lễ, luật tục và những hương ước, định ước và tri thức dân