Luận văn Xác định khả năng tích luỹ sinh học (bioavailability) của một số kim loại nặng trong bùn lắng của kênh rạch thành phố Hồ Chí Minh
Kim loại nặng trong bùn là một trong các nguồn ô nhiễm cần phải xử lý. Trong khi các chất ô nhiễm hữu cơ bị phân huỷ tự nhiên nhanh hay chậm bởi các loại VSV có trong bùn thì các kim loại nặng như Cd, Cu, Hg, Pb, Zn, thì gần như không bị phân hủy và sẽ ngày càng tích luỹ trong bùn. Các kim loại nặng có thể hay tham gia vào chuỗi thức ăn, tích lũy trong các thủy sinh và cuối cùng là trong các loài động vật trong đó có con người (quá trình tích luỹ và tăng cường sinh học). Ngoài ra, từ bùn lắng các kim loại nặng có thể tái linh động, khuếch tán vào trong nước mặt, nước ngầm Tuy nhiên, trong tổng số hàm lượng kim loại xác định được trong bùn lắng thông thường chỉ có một phần có thể có khả năng linh động, hoà tan và đi vào hệ sinh thái. Kim loại nặng tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau: ion, tạo phức với các oxit và hydroxit, kết hợp với các khoáng vật sét. Trong đó, hợp phần có khả năng linh động nhất là các ion tự do. Các hợp phần khác như phức hữu cơ, hợp chất oxit và hydroxit Fe/Mn, .là những hợp phần khá linh động, từ đó kim loại có thể bị hấp thu bởi thực vật. Ngược lại, các hợp phần kim loại bền vững như dạng tồn tại trong cấu trúc các hợp chất silicat thì rất bền vững và sẽ không bị hấp thu. Ở thành phố HCM, theo số liệu điều tra trước đây, khối lượng bùn lắng cần nạo vét của riêng lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã lên tới 1,5 triệu m 3 (Triết, 2000). Trong bùn thải đô thị đã tích tụ một lượng lớn các kim loại nặng so với hàm lượng nền (Maqsud, 2004, Triết, 2000). Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây mới chỉ đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại chưa nghiên cứu vào độ linh động của kim loại. Do đó, vấn đề xác định dạng tồn tại của kim loại nặng, độ linh động của kim loại nặng là những nghiên cứu hết sức cần thiết.