Một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng, tái định cư
Vai trò của đất đai đối với nền sản xuất xã hội ngày càng được nhìn nhận đầy đủ, toàn diện và khoa học, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, các ngành các cấp hết sức quan tâm. Đất đai ngày càng trở nên có giá thông qua sự tích tụ giá trị thặng dư theo thời gian do có sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội và con người. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2001 – 2010: “. Hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa .” (Mục tiêu IV), “. Hình thành thị trường bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.” để “. Hình thành đồng bộ và tiếp tục phát triển hoàn thiện các loại thị trường đi đôi với xây dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế.”, Tổng cục Địa chính đã xây dựng và từng bước hoàn thiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai 1993 (năm 1998), sửa đổi bổ sung lần thứ hai trình Quốc hội thông qua taịo kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khoá X (năm 2001), cùng với các Bộ, ngành liên quan thể chế hoá Luật đất đai vào Luật sửa đổi, bổ sung xây dựng hệ thống các văn bản dưới luật, các chế độ chính sách, tạo lập hành lang pháp lý cơ bản để thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất đai trong cả nước. Quá trình đổi mới, cùng với nhịp độ hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài không ngừng gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Để thực hiện các mục tiêu này, vấn đề thu hồi đất là yếu tố tiên quyết được Nhà nước ghi nhận tại Điều 27 - Luật Đất đai 1993 và cụ thể hoá chính sách trong Nghị định 22/1998/NĐ - CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 22/CP).