Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí

Các phương tiện thông tin đại chúng luôn có rất nhiều người sử dụng; thêm vào đó, chúng vẫn thường được coi là mẫu mực trong việc dùng ngôn từ. Chính vì thế các sai sót về mặt này của các phương tiện thông tin đại chúng rất nhanh chóng trở thành sai sót chung của toàn xã hội. Và từ đây, nảy sinh một vấn đề khá quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức: vấn đề trách nhiệm của nhà báo trong việc nói đúng và viết đúng, nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, và cũng có nghĩa là góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, mà không ít nhà báo mới chỉ chú trọng phần nội dung chứ chưa để ý nhiều tới hình thức diễn đạt thông tin. Bởi vậy, họ bỏ qua khá nhiều lỗi về ngôn từ ở mọi cấp độ: từ, câu, đoạn văn, thậm chí ở cả bố cục toàn văn bản. Nếu điểm qua một vài tờ báo, kể cả những tờ báo lớn, chắc hẳn chúng ta sẽ tháy rõ điều này. Không nói đâu xa, ngay cả báo Văn nghệ, - cơ quan trung ương của Hội Nhà văn Việt Nam, diễn đàn của các bậc thầy về sử dụng ngôn từ - cũng tương đối thường xuyên mắc phải các lỗi như: chính tả thiếu chuẩn xác, câu thiếu thành phần nòng cốt, từ dùng không đúng nghĩa.1 Có lẽ, chẳng cần phải luận bàn, chúng ta cũng biết là những sai sót như vậy sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng tới mức nào. Ít nhất, chúng cũng làm cho hiệu quả tiếp nhận thông tin của người đọc bị giảm sút. Còn cao hơn, chúng có thể làm cho người đọc không hiểu hoặc hiểu sai vấn đề. Song, vượt lên trên tất cả là điều như chúng tôi đã nói ở trên: những sai sót này không bị phát hiện ( nghĩa là được xem như đúng ) và chúng lan truyền trong cộng đồng như một thứ dịch bệnh

doc178 trang | Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 6634 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HOÀNG ANH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRÊN BÁO CHÍ HÀ NỘI – 2003 MỤC LỤC LỜI TÁC GIẢ Cuốn sách này là tập hợp các bài viết của tác giả đã công bố trên các tạp chí và các hội thảo khoa học chuyên ngành. Nó đề cập một số vấn đề khá bức xúc nhưng chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức trong địa hạt ngôn ngữ báo chí - một địa hạt vẫn còn hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Đó là các vấn đề như: đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, sự kết hợp khuôn mẫu và biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí, cách thức tạo giá trị biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí, sự khác biệt giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả trong tác phẩm báo chí, phân loại tiêu đề các văn bản báo chí, ... Vì đây mới chỉ là kết quả của những khảo sát bước đầu cho nên cuốn sách không tránh khỏi có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, tác giả vẫn hy vọng là nó sẽ mang lại những điều bổ ích, dù chỉ nhỏ bé, cho các nhà báo, các nhà nghiên cứu và giảng dạy về báo chí, cũng như tất cả những ai có liên quan. Hà Nội, tháng 5 năm 2003 Tác giả TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ BÁO TRONG VIỆC GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT Các phương tiện thông tin đại chúng luôn có rất nhiều người sử dụng; thêm vào đó, chúng vẫn thường được coi là mẫu mực trong việc dùng ngôn từ. Chính vì thế các sai sót về mặt này của các phương tiện thông tin đại chúng rất nhanh chóng trở thành sai sót chung của toàn xã hội. Và từ đây, nảy sinh một vấn đề khá quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức: vấn đề trách nhiệm của nhà báo trong việc nói đúng và viết đúng, nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, và cũng có nghĩa là góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, mà không ít nhà báo mới chỉ chú trọng phần nội dung chứ chưa để ý nhiều tới hình thức diễn đạt thông tin. Bởi vậy, họ bỏ qua khá nhiều lỗi về ngôn từ ở mọi cấp độ: từ, câu, đoạn văn, thậm chí ở cả bố cục toàn văn bản. Nếu điểm qua một vài tờ báo, kể cả những tờ báo lớn, chắc hẳn chúng ta sẽ tháy rõ điều này. Không nói đâu xa, ngay cả báo Văn nghệ, - cơ quan trung ương của Hội Nhà văn Việt Nam, diễn đàn của các bậc thầy về sử dụng ngôn từ - cũng tương đối thường xuyên mắc phải các lỗi như: chính tả thiếu chuẩn xác, câu thiếu thành phần nòng cốt, từ dùng không đúng nghĩa...1 Có lẽ, chẳng cần phải luận bàn, chúng ta cũng biết là những sai sót như vậy sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng tới mức nào. Ít nhất, chúng cũng làm cho hiệu quả tiếp nhận thông tin của người đọc bị giảm sút. Còn cao hơn, chúng có thể làm cho người đọc không hiểu hoặc hiểu sai vấn đề. Song, vượt lên trên tất cả là điều như chúng tôi đã nói ở trên: những sai sót này không bị phát hiện ( nghĩa là được xem như đúng ) và chúng lan truyền trong cộng đồng như một thứ dịch bệnh. Vậy nhà báo phải làm gì đây để có thể hoàn thành được trách nhiệm nặng nề của mình trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Về vấn đề này, chúng tôi có vài ý kiến nhỏ như sau: 1. Nhà báo cần nắm chắc các tri thức cơ bản liên quan tới việc sử dụng tiếng Việt thuộc 4 phương diện chính là ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách. Để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta phải học một cách bài bản, nghiêm túc. Có thể học ở trường, lớp mà cũng có thể tự học. Song dù hình thức học có thế nào đi chăng nữa thì kết quả cuối cùng đạt được phải đáp ứng yêu cầu: nói đúng, viết đúng. Chưa nói đúng, viết đúng thì chưa thể kỳ vọng nói hay, viết hay được. Có những điều tưởng như rất đơn giản, nhưng nếu chúng ta không học, chúng ta vẫn có thể bị mắc lỗi. Chẳng hạn, quan hệ ngữ đoạn trong ngôn ngữ là một vấn đề hoàn toàn không khó, nhưng do không được trang bị kiến thức cần thiết, nhiều nhà báo thường xuyên ngắt đoạn sai khi nói, khi đọc. Ấy là còn chưa kể đến những mảng đầy " gai góc " thuộc phần ngữ pháp mà nếu không đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu và rèn luyện, chúng ta khó có thể làm chủ được hoạt động ngôn từ của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng Việt đúng với chuẩn mực không đồng nghĩa với sự phủ nhận hoàn toàn những sáng tạo riêng của cá nhân. Có điều, những sáng tạo ấy phải tuân thủ những quy luật nhất định, nghĩa là có cơ sở khoa học. Chẳng hạn, khi tạo ra từ mới, người ta phải dựa vào những từ đã có sẵn nào đó mà có quan hệ trực tiếp với nó về phương diện âm thanh hay ý nghĩa. 2. Nhà báo nên hạn chế tối đa việc vay mượn từ ngữ nước ngoài Có thể nói, chưa bao giờ các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài lại xuát hiện trên báo chí tiếng Việt với mật độ dày như hiện nay. Người ta sử dụng chúng khá tuỳ tiện, bất chấp người đọc, người nghe có hiểu được hay không. Thật phi lý khi nhà báo là người Việt Nam, mà để hiểu được ngôn từ của họ, nhiều lúc chúng ta phải mở từ điển song ngữ ra tra cứu. Phải chăng tiếng Việt của chúng ta nghèo nàn tới mức phải vay mượn tràn lan như vậy? Hoàn toàn ngược lại! Tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú, và trong tuyệt đại đa số các trường hợp, có thể tìm thấy các từ tương đương với các từ vay mượn từ tiếng nước ngoài ( thậm chí nhiều từ tiếng Việt còn có khả năng diễn đạt khái niệm tinh tế hơn, rõ ràng hơn ). Sở dĩ một số nhà báo không dùng từ tiếng Việt vì có lẽ họ muốn làm phong phú thêm ngôn từ của mình hoặc muốn tăng cường tính biểu cảm. Đây là dự định tốt nhưng cách làm chưa hợp lý. Sự phong phú của một chỉnh thể không thể được tạo bởi các thành tố mới lạ nhưng lại phá vỡ tính thống nhất của nó. Tương tự, tính biểu cảm không thể được tạo bởi các phương tiện cản trở quá trình nhận thức. Các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài càng trở nên khó chấp nhận hơn khi bị dùng sai, do người dùng chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa cũng như cách đọc, cách viết chúng. Vì lúc này chúng không chỉ gây nên những hậu quả như: làm giảm sút hiệu quả tiếp nhận tác phẩm, tuyên truyền cho cái sai; mà còn hạ thấp uy tín của tác giả ( người đọc, người nghe khó tránh khỏi có ấn tượng rằng anh ta là người " sính chữ ngoại " )và bằng việc đó, hạ thấp uy tín của chính cơ quan báo chí là nơi tác giả làm việc. Vậy nên chỉ còn cách là hạn chế tối đa việc vay mượn từ ngữ nước ngoài. Không phải tình cờ mà Bác Hồ của chúng ta đã dặn: " Những từ không dịch được thì phải mượn tiếng của các nước. Nhưng chỉ mượn khi thật cần thiết, và đã mượn thì phải mượn cho đúng "2. 3. Nhà báo cần có một trình độ ngoại ngữ nhất định Trình độ ngoại ngữ của nhà báo càng cao càng tốt. Nó mang đến cho nhà báo rất nhiều lợi ích, nhất là trong thời kỳ đa phương hoá, toàn cầu hoá như hiện nay. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ bàn đến một lợi ích trong số đó, ấy là ngoại ngữ giúp nhà báo hiểu rõ hơn tiếng mẹ đẻ của mình, để rồi trên cơ sở ấy, có cách ứng xử thích hợp đối với nó. Trong thực tế, sau khi học xong một ngoại ngữ nào đó, dù muốn hay không, chúng ta thường có sự liên hệ nhất định với tiếng Việt. Và dựa vào sự đối chiếu ,so sánh, nhà báo có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng tiếng Việt của chúng ta giàu đẹp chẳng kém bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Và từ đây, anh ta sẽ có tình cảm yêu quý và thái độ trân trọng hơn đối với tiếng mẹ để của mình. Những tình cảm và thái độ ấy, nếu được vun đắp thường xuyên, dần dần sẽ trở thành những phẩm chất văn hoá, thành những giá trị đạo đức của nhà báo, giúp họ trở thành những nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống những biểu hiện xem thường, coi khinh tiếng nói và chữ viết của dân tộc. Song, bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận các giá trị của ngôn ngữ nước ngoài, mà ngược lại, phải biết tiếp thu chúng để hoàn thiện thêm cho tiếng mẹ đẻ. Chẳng hạn, tính khoa học và tính chính xác cao của các ngôn ngữ Ấn - Âu ( như Anh, Pháp, Nga,...) sẽ giúp cho nhà báo sử dụng tiếng Việt một cách khúc chiết, mạch lạc, gãy gọn, tránh được sự dài dòng, cầu kỳ không cần thiết. Như vậy, rõ ràng là hiểu biết về tiếng nước ngoài cũng góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Từ xưa đến nay, người ta vẫn luôn quan niệm rằng trong việc sử dụng ngôn ngữ của một dân tộc bao giờ cũng bộc lộ tầm vóc văn hoá của nó. Mà báo chí lại là môi trường rộng lớn nhất và được xem là mẫu mực nhất để ngôn ngữ dân tộc hành chức. Vì thế, khẳng định trách nhiệm của nhà báo chúng ta trong công cuộc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiéng Việt, đồng thời đề xuất những giải pháp để họ hoàn thành trách nhiệm ấy, là việc làm cần thiết. Hy vọng, với bài viết này, chúng tôi sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu liên quan tới vấn đề trên. Chú thích 1. Nguyễn Văn Nở, Đôi điều mong muốn về tiếng Việt trên báo Văn Nghệ, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 10 / 1998, tr. 11 - 14. 2. Một số ý kiến của Hồ Chủ tịch về chữ quốc ngữ và tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, 1970, số 3, tr.38. ( Bài in trong: Báo chí- những điểm nhìn từ thực tiễn, NXB. Văn hoá - Thông tin, H., 2000, tập 1 ). CÁC TÍNH CHẤT CỦA NGÔN NGỮ BÁO CHÍ Hiện nay, ngôn ngữ báo chí đang có xu thế được xem là một phong cách chức năng trong ngôn ngữ. Trên cơ sở nhận thức rằng " phong cách là những khuôn mẫu trong hoạt động lời nói, được hình thành từ những thói quen sử dụng ngôn ngữ có tính chất truyền thống và chuẩn mực trong việc xây dựng các lớp văn bản tiêu biểu " 1, người ta đã tìm ra những luận cứ, với các mức độ thuyết phục khác nhau, để khẳng định là ngôn ngữ báo chí có những nét đặc thù, cho phép nó có vị thế ngang hàng với các phong cách chức năng khác trong ngôn ngữ như phong cách khoa học, phong cách hành chính - công vụ, phong cách sinh hoạt hàng ngày, phong cách chính luận. Vậy đâu là các nét đặc thù của phong cách báo chí? Các nhà nghiên cứu đã có ý kiến không thống nhất khi trả lời câu hỏi này. Đinh Trọng Lạc, sau khi nêu rõ các đặc trưng của phong cách báo chí ( như tính chiến đấu, tính thời sự, tính hấp dẫn ), đã chỉ ra các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí thuộc các phương diện như từ vựng, cú pháp, kết cấu2. Theo chúng tôi, đây phần lớn mới chỉ là các đặc điểm của một vài thể loại báo chí cụ thể, vì thế chúng chưa đủ tầm khái quát để có thể khắc hoạ diện mạo của cả một phong cách ngôn ngữ trong sự đối sánh với các phong cách ngôn ngữ khác. Còn tác giả Hữu Đạt cho rằng các đặc điểm về ngôn ngữ của phong cách báo chí bao gồm: 1. Chức năng thông báo, 2. Chức năng hướng dẫn dư luận, 3.Chức năng tập hợp và tổ chức quần chúng, 4. Tính chiến đấu mạnh mẽ, 5. Tính thẩm mỹ và giáo dục, 6. Tính hấp dẫn và thuyết phục, 7. Tính ngắn gọn và biểu cảm, 8. đặc điểm về cách dùng từ ngữ ( gồm cách dùng từ ngữ và cách dùng các khuôn biểu cảm )3. Dễ dàng nhận thấy là Hữu đạt không có sự phân định rõ ràng giữa các đặc điểm về chức năng của thông tin báo chí và các đặc điểm về ngôn ngữ như là phương tiện chuyển tải thông tin ấy. Chính vì thế, 8 đặc điểm mà ông đưa ra không đồng loại, chỉ có các đặc điểm thứ sáu và thứ bảy là có vẻ xác đáng hơn cả. Tuy nhiên, các quan niệm nêu trên của Đinh Trọng Lạc cũng như Hữu Đạt4 cho thấy, khi khảo sát các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, họ đều xuất phát từ góc độ chức năng của nó. Đây là hướng đi hợp lý, vì chính chức năng chứ không phải bất cứ yếu tố nào khác, quy định các phương thức biểu đạt có tính đặc thù của từng loại hình sáng tạo. Như chúng ta đều biết, chức năng cơ bản, có vai trò quan trọng hàng đầu của báo chí là thông tin. Báo chí phản ánh hiện thực thông qua việc đề cập các sự kiện. Không có sự kiện thì không thể có tin tức báo chí. Do vậy, theo chúng tôi, nét đặc trưng bao trùm của ngôn ngữ báo chí là có tính sự kiện. Chính tính sự kiện đã tạo nên cho ngôn ngữ báo chí một loạt các tính chất cụ thể như: Tính chính xác Ngôn ngữ của bất kỳ phong cách nào cũng phải bảo đảm tính chính xác. Nhưng với ngôn ngữ báo chí, tính chất này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì báo chí có chức năng định hướng dư luận xã hội. Chỉ cần một sơ suất dù nhỏ nhất về ngôn từ cũng có thể làm cho độc giả khó hiểu hoặc hiểu sai thông tin, nghĩa là có thể gây ra những gây hậu quả xã hội nghiêm trọng không lường trước được. Chẳng hạn, sau chuyến tháp tùng một quan chức cao cấp sang thăm trung quốc, một nhà báo đã viết một bài phóng sự, trong đó có câu: " Chúng tôi đã chia tay với tình hữu nghị dạt dào của hai nước Việt - Trung ". Rõ ràng, từ " với " ở đây là không thể chấp nhận được (vì cụm từ " chia tay với..." biểu đạt ý nghĩa " từ bỏ, từ giã "), cần phải thay nó bằng từ "trong" . Muốn sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác, nhà báo phải tuân thủ ít nhất 2 yêu cầu. Thứ nhất, nhà báo phải giỏi tiếng mẹ đẻ, nói cụ thể là: nắm vững ngữ pháp; có vốn từ vựng rộng, chắc, và không ngừng được trau dồi; thành thạo về ngữ âm; hiểu biết về phong cách. Thứ hai, phải bám sát các sự kiện có thực và nguyên dạng để phản ánh, không tưởng tượng, thêm bớt. Hai yêu cầu này có quan hệ qua lại hết sức mật thiết. Giỏi ngôn ngữ mà xa rời hiện thực thì ngôn ngữ có thể " kêu " những rỗng tuếch, thiếu hơi thở ấm nóng của cuộc sống vốn là thứ có sức chinh phục mạnh mẽ đối với độc giả. Ngược lại, biết rõ hiện thực nhưng kém về ngôn từ thì cũng không thể chuyển tải thông tin một cách hiệu quả như mong muốn, thậm chí đôi khi còn mắc lỗi tới mức gây hại cho người khác hoặc xã hội. Sử dụng ngôn từ trong tác phẩm một cách chính xác, nhà báo không chỉ đạt hiệu quả giao tiếp cao, mà còn góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vì số lượng người tiếp nhận các sản phẩm của báo chi đông tới mức không xác định được và họ ( nhất là trẻ em ) lại luôn xem các cơ quan báo chí là " ngọn đèn chỉ dẫn " trong việc dùng ngôn từ, cho nên ngôn ngữ báo chí càng hoàn thiện thì tiếng Việt càng có điều kiện phát triển. Tính cụ thể Tính cụ thể của ngôn ngữ báo chí trước hết thể hiện ở chỗ cái mảng hiện thực được nhà báo miêu tả, tường thuật phải cụ thể, phải cặn kẽ tới từng chi tiết nhỏ. Có như vậy, người đọc, người nghe mới có cảm giác mình là người trong cuộc, đang trực tiếp được chứng kiến những gì nhà báo nói tới trong tác phẩm của mình. Đoạn trích sau đây trong phóng sự " Hai giờ dưới lòng đất " của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một minh chứng: "...Tôi cố nén sự tự ái, ưỡn ngực tiến tới. Xì, lò thế này mà ngán gì. Đi như hầm địa đạo Củ Chi là cùng. Nhưng... sâu dần, đen dần. Rồi tất cả biến mất. Tôi lọ mọ đi. Hai tay sờ soạng tứ tung. Cốp! Lùn tịt như tôi mà cũng còn va đàu vào đá. Tôi nghĩ bụng và bắt đầu đi lom khom. Mẹ ơi, chỉ còn mình tôi thôi sao? Tống, Lực đâu rồi. Đã hết lom khom được. Phải nằm xuống, bò. Có tiếng nước róc rách. Đường lò ướt nhẹp. Tôi vớ phải một sợi dây cáp ở đầu một cái dốc. " Bám vào - ngửa người ra, tụt xuống! ". Một mênh lệnh vang lên. A! Tống, Lực đây rồi. Thì ra hai anh vẫn đi sát tôi, như có vẻ cố tình thử thách nhau một tý " cho nhà báo có thêm thực tế ". Thấy tôi thở phì phò, thợ lò bảo: " Đây là lò ngắn nhất và dễ nhất mỏ Mông Dương đấy! Dễ nhất! Tôi suýt la lên. Cả tiếng đồng hồ mới lấy được vài xe goòng than đá. Dễ nhất mà thợ lò phải bò như những con rắn mối trong hang". Một bức tranh chân thực và sinh động đã được tạo dựng nhờ sự miêu tả một loạt các hành động, các cảm giác cụ thể của tác giả. Khi đọc đoạn văn trên, độc giả thấy mình như cũng đang trải qua một cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả dưới lòng đất. Và đây chính là khởi nguồn của niềm cảm thông sâu sắc với nỗi cực nhọc trong côngviệc của những người thợ lò. Bên cạnh đó, tính cụ thể của ngôn ngữ báo chí còn nằm ở việc tạo ra sự xác định cho đối tượng được phản ánh. Như thực tế cho thấy, mỗi sự kiện được đề cập trong tác phẩm báo chí đều phải gắn liền với một không gian, thời gian xác định; với những con người cũng xác định ( có tên tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, giới tính... cụ thể ). Đây là cội nguồn của sự thuyết phục, vì nhờ những yếu tố đó người đọc có thể kiểm chứng thông tin một cách dễ dàng. Do đó, trong ngôn ngữ báo chí nên hạn chế tối đa việc dùng các từ ngữ, cấu trúc không xác định hay có ý nghĩa mơ hồ kiểu như " một người nào đó ", " ở một nơi nào đó ", " vào khoảng ", " hình như ", v. v... Tính đại chúng Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả mọi người trong xã hội, không phụ thuộc vào nghề nghiệp, trình độ nhận thức, địa vị xã hội, lứa tuổi, giới tính..., đều là đối tượng phục vụ của báo chí: đây vừa là nơi họ tiếp nhận thông tin, vừa là nơi họ có thể bày tỏ ý kiến của mình. Chính vì thế, ngôn ngữ báo chí phải là thứ ngôn ngữ dành cho tất cả và của tất cả, tức là có tính phổ cập rộng rãi. Tuy nhiên, phổ cập rộng rãi không có nghĩa là dễ dãi, thấp kém. Vì, nói như nhà nghiên cứu ngôn ngữ báo chí nổi tiếng người Nga V. G. Kostomarov: " Ngôn ngữ báo chí phải thích ứng với mọi tầng lớp công chúng sao cho một nhà bác học với kiến thức uyên thâm nhất cũng không cảm thấy chán và một em bé có trình độ còn non nớt cũng không thấy khó hiểu "5. Với ngôn ngữ không có tính đại chúng, tức là chỉ dành cho một đối tượng hạn hẹp nào đó, báo chí khó có thể thực hiện được chức năng tác động vào mọi tầng lớp quần chúng và định hướng dư luận xã hội. Và đây chính là lý do khiến cho trong tác phẩm báo chí người ta ít dùng các thuật ngữ chuyên ngành hẹp, các từ ngữ địa phương, tiếng lóng cũng như các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài. Tính ngắn gọn Ngôn ngữ báo chí cần ngắn gọn, súc tích. Sự dài dòng có thể làm loãng thông tin, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp nhận của người đọc, người nghe. Thêm vào đó, nó còn làm tốn thời gian vô ích cho cả hai bên: cho người viết, vì anh ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu truyền tin nhanh chóng, kịp thời; cho người đọc ( người nghe ), vì trong thời đại bùng nổ thông tin, người ta luôn cố gắng thu được càng nhiều thông tin trong một đơn vị thời gian càng tốt. Đấy là còn chưa kể đến việc viết dài dễ mắc nhiều dạng lỗi khác nhau, nhất là các lỗi về sử dụng ngôn từ ( thực tế khảo sát của chúng tôi cho thấy một tỉ lệ khá lớn các câu sai về ngữ pháp trong các tác phẩm báo chí có liên quan tới việc nhà báo quá ham mở rộng các thành phần phụ mà quên mất các thành phần chính của câu ). Câu nói nổi tiếng của đại văn hào Nga A. P. Chekhov có lẽ chính xác hơn cả với phong cách ngôn ngữ báo chí: " Ngắn gọn là chị của thành công "6. Tính định lượng Các tác phẩm báo chí có tính định lượng về ngôn từ vì chúng thường bị giới hạn trong một khoảng thời gian hay một diện tích nhất định. Vì thế, việc lựa chọn và sắp xếp các thành tố ngôn ngữ cần kỹ lưỡng, hợp lý để phản ánh được đầy đủ lượng sự kiện mà không vượt quá khung cho phép vè không gian và thời gian. Hiện tại, không ít báo yêu cầu phóng viên, cộng tác viên khi viết bài không được phép vượt quá một lượng chữ nhất định. Đối với những bài " không đặt trước " biên tập viên buộc phải chỉnh lý, cắt xén cho thích ứng với việc công bố. Rồi ngay trong số các cơ sở đào tạo nhà báo cũng có không ít nơi, khi tuyển sinh, đòi hỏi đối tượng dự thi phải thử nghiệm khả năng định lượng của mình thông qua việc viết một hay một số văn bản với độ dài cho sẵn. Tính định lượng của ngôn ngữ báo chí giúp cho nhà báo rèn luyện được thói quen chủ động trong việc sáng tạo tác phẩm. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện thời gian cũng như không gian được dành cho việc công bố chúng. Tính bình giá Các tác phẩm báo chí không chỉ đưa thông tin về các sự kiện, mà còn phải thể hiện công khai thái độ của tác giả đối với sự kiện thông qua sự bình giá ( có lẽ trong các thể loại báo chí chỉ có tin vắn, tin ngắn là không có tính bình giá, tức là tác giả thể hiên sắc thái biểu cảm trung tính ). Sự bình giá này có thể là tích cực mà cũng có thể là tiêu cực, song trong bất kỳ tình huống nào nó cũng được biểu đạt trực tiếp qua ngôn từ. Chẳng hạn, có nhiều bài báo đã bộc lộ rõ thái độ, cảm xúc của tác giả ngay từ tiêu đề như: " Góc tối ở thành phố cảng ", " Bông hoa Thủ đô giữa núi rừng Tây Bắc ", " Lặng lẽ quá ... liên hoan phim ", " Giai điệu buồn của một đêm nhạc trẻ ", " Đó cũng là một cách sống đẹp "...Còn trong các phần khác ( cả mở đầu, triển khai lẫn kết thúc ) những câu văn mang sắc thái đánh giá của người viết còn gặp thường xuyên hơn, nhất là ở các thể loại như bình luận, xã luận, phóng sự, ghi chép, ký... Tính biểu cảm Tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí gắn liền với việc sử dụng các từ ngữ, lối nói mới lạ, giàu hình ảnh, in đậm dấu ấn cá nhân, và do đó sinh động hấp dẫn hay ít nhất cũng gây được ấn tượng đối với độc giả. Ví dụ:
Luận văn liên quan