Nghiên cứu thơ Lê Anh Xuân chúng tôi nhận thấy trong thơ ông có
một số hình ảnh xuất hiện nhiều lần, tần số cao như là những tín hiệu thẩm
mỹ, mang ý nghĩa biểu trưng rõ nét. Đó là hình ảnh cây dừa, dòng sông và
đất. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ định danh cho thi phẩm của mình
những “Nhớ dừa”,”Dừa ơi”,“Đuốc lá dừa”,“Hoa dừa và“Những dòng sông
anh hùng”,”Dòng sông tuổi nhỏ”,“Ánh lửa trên sông” hoặc“Đất Miền
Nam”,“Ta lại đi chân đất”
15 trang |
Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 3051 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu biểu trưng nghệ thuật trong thơ lê anh xuân qua hình ảnh cây dừa, dòng sông và đất, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu
Biểu trưng nghệ thuật trong thơ Lê
Anh Xuân qua hình ảnh cây dừa,
dòng sông và đất
TÓM TẮT:
Nghiên cứu thơ Lê Anh Xuân chúng tôi nhận thấy trong thơ ông có
một số hình ảnh xuất hiện nhiều lần, tần số cao như là những tín hiệu thẩm
mỹ, mang ý nghĩa biểu trưng rõ nét. Đó là hình ảnh cây dừa, dòng sông và
đất. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ định danh cho thi phẩm của mình
những “Nhớ dừa”,”Dừa ơi”,“Đuốc lá dừa”,“Hoa dừa và“Những dòng sông
anh hùng”,”Dòng sông tuổi nhỏ”,“Ánh lửa trên sông” hoặc“Đất Miền
Nam”,“Ta lại đi chân đất”...
Sự lan tỏa và sức ám gợi trong thơ Lê Anh Xuân một phần được dồn
nén vào những hình ảnh đơn sơ mà giàu ý nghĩa biểu trưng như thế.
Tổng hợp tất cả thi phẩm của Lê Anh Xuân, chúng tôi nhận thấy hình
ảnh cây dừa, dòng sông và đất có đặc điểm và số lần xuất hiện như sau:
TT Hình
ảnh
Đặc điểm Số lần
xuất
hiện
1
Cây
dừa
- “Xanh soi bóng”,“đứng”,“trụi cháy”,“lá dừa
chấm tóc” (Tiếng gà gáy).
- “Hai lần máu chảy”,“đứng hiên ngang”,“trổ lá
xanh”,“ru giấc ngủ”,“thắp sáng bến đò (Hoa dừa).
66
2
Dòng
sông
- “đạn nổ”,“đỏ lửa”,“vết thương đau”,“niềm vui
chiến thắng” (Tiếng gà gáy).
- “Súng nổ”,“máu đỏ bờ”,“dào dạt sóng trào”,
“sáng ngời ánh lửa”,“ngọt tiếng đò đưa” (Hoa dừa)
- “rì rào hát ca”,“ngọt ngào”,“sóng dập dìu”
(Trường
ca Nguyễn Văn Trỗi)
68
- “tươi máu đỏ”,“thở tuổi non”,“nở những đầm
sen”,“nén đau thuơng”, “thành đồng” (Tiếng gà
3
Đất
gáy)
- “nát bầm vết đạn”,“xanh màu cuộc sống”,“mẹ
hiền yêu quí”,“hiền như tuổi thơ”,“mở chiến công”
(Hoa dừa)
- “nở hoa đầy”,“nén hờn căm” (Trường ca Nguyễn
Văn Trỗi)
48
Nhìn bảng tổng hợp trên, căn cứ vào đặc điểm và số lần xuất hiện của
hình ảnh cây dừa, dòng sông và đất, ta thấy dụng ý nghệ thuật của nhà thơ
biểu thị khá rõ. Những hình ảnh ấy đã không còn là những vật vô tri nữa. Mà,
dưới ngòi bút của Lê Anh Xuân, nó trở thành những hình tượng sinh động,
tương hợp với cảm hứng trữ tình - sử thi, ngợi ca đất nước, con người và thời
đại. .
• Cây dừa, biểu trưng cho sức sống dẻo dai, bền bỉ, phẩm chất kiên
cường, thủy chung của người dân Nam Bộ.
Nếu đời sống và tâm hồn của người dân miền Bắc gắn với cây tre:
“Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà yên giữ đồng lúa chín”; thì người dân
Nam Bộ lại gắn với cây dừa. Thơ Lê Anh Xuân láy đi láy lại mô típ cây dừa
như một biểu tượng vừa đẹp vừa mạnh mẽ của quê hương. Bến Tre - quê
hương nhà thơ nổi tiếng đất dừa: “Tôi lớn lên đã thấy dừa trức ngõ / Dừa ru
tôi giấc ngủ tuổi thơ”(Dừa ơi).
Khi Lê Anh Xuân còn ở miền Bắc, cùng với :“Nhớ mưa quê hương”
là “Nhớ dừa”; nhớ dừa tức là nhớ quê hương. Cây dừa được nhân hóa như
sinh thể hữu hình để nhà thơ tỏ bày, gửi gắm niềm thương nhớ:
Dừa ơi ta muốn ôm sâu vào người
Muốn hôn màu lá xanh tươi
Phải chăng dừa đấy là người yêu thương
(Nhớ dừa)
Cũng như con người trên quê hương, cây dừa cũng biết gánh chịu đau
thương tang tóc, biết uất hận và luôn vững vàng, kiên định, lạc quan trong
những năm tháng lịch sử đầy bão tố:
Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy
Biết mấy đau thương biết mấy oán hờn
(Dừa ơi)
Lê Anh Xuân ngợi ca cây dừa là để ca ngợi người dân Bến Tre và Nam
Bộ. Trong kháng chiến gian nan, con người càng anh hùng, càng đẹp, trẻ ra
như cây dừa hút bao cay đắng “để trổ hoa trái ngọt cho đời”, con người Nam
Bộ vốn sống với cái tinh thần cao quý ấy mà cuộc đời đã đem lại cho họ.
Trong cảm hứng tự hào về quê hương bất khuất, dừa là biểu trưng cho phẩm
chất kiên cường, đức tính bền bỉ, tấm lòng thủy chung:
Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài.
(Dừa ơi)
Trong kháng chiến chống Mỹ, nếu ở Tây Nguyên có: “Rừng xà nu ưỡn
tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng…”(Nguyễn Trung Thành)
thì trên đất Bến Tre và Nam Bộ, dừa là pháo đài chống giặc; rễ dừa bám sâu
vào lòng đất như dân làng bám chặt quê hương. Và nếu cây dừa mang dáng
dấp của người dân nơi đây thì đuốc lá dừa tượng trưng cho ánh sáng của quê
hương. Nhà thơ viết bài “Đuốc lá dừa” ca ngợi một cô giáo hàng ngày róc lá
dừa bó thành đuốc thắp sáng bến đò cho bộ đội qua sông:
Bộ đội qua làng đêm mưa ướt
Đuốc lá dừa thắp sáng bến đò khuya
Khi cô giáo bị giặc sát hại, dáng hình cô trở thành ngọn đuốc soi sáng
những trang thơ của thi sĩ:
Có ánh sáng của em soi trên những trên thơ
Ánh đuốc của quê hương- ánh đuốc lá dừa.
Cảm nhận rõ ràng, dứt khoát như vậy cho nên trong thơ trữ tình của
Lê Anh Xuân không bao giờ thiếu “lửa”– ánh lửa được truyền từ những
người yêu nước, những gương đấu tranh anh dũng trên quê nhà.
• Sông và đất, biểu trưng cho vẻ đẹp trường tồn, sức mạnh vĩnh cửu,
tinh thần quật khởi của nhân dân Nam Bộ thành đồng.
Dòng sông, bến nước, con đò … bao đời nay đã trở thành biểu tượng cho
không gian làng quê Việt Nam, gắn bó mật thiết, thân thương với con người
lao động. Khó mà kể hết có bao nhiêu con sông trong thơ ca và có bao nhiêu
nhà thơ viết về con sông. Chỉ có điều, ở mỗi miền quê, mỗi thời kỳ lịch sử,
khi đi vào thơ ca, con sông lại được các thi nhân thổi vào đó những “linh
hồn”,“tính khí” với những vẻ đẹp riêng. Con sông trong thời kỳ chống Mỹ
được nhà thơ nhìn nhận như vẻ đẹp tiềm ẩn, vĩnh hằng của dân tộc:
Mang lịch sử qua trăm nghìn thử thách
Đất nước này còn tiềm ẩn những dòng sông
(Thanh Thảo)
Và cũng từ những con sông mà tỏa sáng những anh hùng, ngời lên sắc
diện một đất nước:
“Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông ...
Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh
Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh
Quê hương Việt Nam mườm mượt những cánh đồng
Mỗi con người gắn bó một dòng sông”
(Bế Kiến Quốc)
Nhưng tập trung nhiều nhất vẫn ở thơ Lê Anh Xuân. Quả thực, trong thơ
ông nhiều sông lắm rạch. Có lẽ đây là nét đặc thù của quê hương Bến Tre.
Ngay từ bài đầu tiên đưa ông lên thi đàn như “một tiếng nói mới hết sức đáng
quý,đáng yêu” (Hoài Thanh), người đọc đã bắt gặp hình ảnh con sông trong
ký ức, rất ấn tượng:
Ơi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông
(Nhớ mưa quê hương)
Cho đến khi nhà thơ đã Trở về quê nội nhưng cảm xúc với con sông quê
hương vẫn tươi mới, tràn đầy :
Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông
(Trở về quê nội)
Đó là vẻ đẹp trường tồn, vượt bao thác ghềnh thử thách khốc liệt của
chiến tranh, cũng như con người, dòng sông quê hương vẫn giữ nguyên tình
cảm thuở ban đầu: thủy chung, son sắt “Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng”.
Thơ Lê Anh Xuân chảy dào dạt như những dòng sông, những con kênh
của quê nhà. Nam Bộ nhiều sông, kênh, rạch và cuộc chiến đấu thường diễn
ra trên những dòng sông, bờ kênh ấy. Con sông, bờ kênh như những chứng
nhân về cuộc chiến khốc liệt giữa ta và giặc:
Hỡi dòng sông
Đã mấy lần
Chở xác người thân
Đi đánh giặc
Đã mấy lần
Súng nổ bờ sông
Máu thù nhuộm đỏ.
(Những dòng sông anh hùng)
Điều kỳ diệu của những dòng sông trong thơ Lê Anh Xuân là ở chỗ: sông
cùng con người chịu đựng, sẻ chia biết bao nhiêu mất mát đau thương nhưng
không chịu cúi đầu, không hề khuất phục. Sông ở đây rất đẹp bởi sông của
con người đẹp, những con người quật khởi, anh hùng. Dòng sông lại càng
đáng yêu vì dòng sông ấy ghi lại những chiến công của con người, hòa nhịp
với con người “Niềm vui chiến thắng chảy tràn bờ”, và sông cũng náo nức,
rộn rã sau những đợt đấu tranh quyết liệt với quân thù:
Thuyền trăm chiếc tiến vào thị xã
Thắng trận về sông có vui không?
Mắt ta khóc vì ta sung sướng quá
Ước gì ta bỗng hoá thành sông.
(Những dòng sông anh hùng)
Hình ảnh con sông trong thơ Lê Anh Xuân trữ tình mà quật khởi, biểu
trưng cho sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Tên tuổi một số
con sông trên quê hương Bến Tre, qua sáng tạo của Lê Anh Xuân đã trở nên
bất tử trong trang sử và trong ký ức của người dân nơi này. Đó là sông Hàm
Luông “máu giặc còn pha”, nơi có người mẹ hy sinh cả cuộc đời chở che
cho cán bộ cách mạng (Người mẹ trồng bông); là con sông Cổ Chiên in bóng
em Trì ôm thủ pháo lao vào tàu giặc (Ánh lửa trên sông); là dòng sông An
Hóa gắn với những chuyến đò của em gái đưa “lực lượng” vượt qua vùng
kiểm soát của quân thù nhờ mưu trí và lòng dũng cảm (Em gái đưa đò). Sông
trong thơ Lê Anh Xuân không chỉ là dòng sông tự nhiên mà còn là dòng sông
tinh thần, mang sức mạnh sử thi và sức mạnh thời đại.
* Cùng với dòng sông là hình ảnh của đất. Con người Việt Nam lớn lên từ
bùn đất, tầm vóc của dân tộc cũng từ bùn đất mà“đứng dậy sáng lòa”
(Nguyễn Đình Thi). Trong thơ Lê Anh Xuân, đất trở thành hình tượng đậm
nét, nói lên nhiều ý nghĩa. Ông giành tình cảm thiết tha sâu đậm khi viết về
đất:
Ta cầm nắm đất cha ông
Nghe thiêng liêng ngọn lửa hồng trong tay
(Về Bến Tre)
Đất đồng nghĩa với hồn thiêng sông núi,với quê hương và dòng tộc, với
những con người lao động đã không tiếc máu xương của mình để giữ gìn bảo
vệ:
Bao người ngã xuống nơi đây
Biết bao cay đắng đất này người ơi
(Về Bến Tre)
Do vậy, đất tiềm ẩn sức sống và sức mạnh trường tồn, vĩnh viễn của dân
tộc. Đất là lòng mẹ sinh ra những anh hùng:“Đất nghèo nuôi những anh hùng
/ Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên”(Nguyễn Đình Thi).
Đất miền Nam trong những năm chống Mỹ càng trở nên thiêng liêng, sâu
nặng, nhất là khi kẻ thù tiến hành cuộc chiến tranh có tính hủy diệt. Nhưng
giặc càng đánh phá, đất càng anh dũng kiên trung, càng sáng ngời sức quật
khởi:
Em ơi! miền Nam đó miền Nam
Đất nén đau thương thành thuốc súng
Đất gài hờn căm thành những rừng chông
Đất thành đồng đã hai lần đánh giặc.
(Đất Miền Nam)
Trong thơ Lê Anh Xuân, đất còn là tiếng vọng của lịch sử, sức mạnh của
cha ông từ ngàn năm truyền lại. Đất sôi động, rộn ràng khí thế tiến công:
Ta đang nghe tiếng lịch sử cuồn cuộn triều dâng
Như tiếng ngựa phi trong lòng đất.
(Đất Miền Nam)
Cũng mạch liên tưởng như vậy, trước Lê Anh Xuân, nhà thơ Nguyễn
Đình Thi đã có hai câu nổi tiếng:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
(Đất nước)
Đúng là về cảm hứng nghệ thuật họ đã gặp nhau trên cùng mặt phẳng.
Trong thơ Lê Anh Xuân, đất đau thương “nát bầm vết đạn” nhưng kiên
cường, quật khởi. Đồng thời đất cũng hết mực hiền từ, nhân hậu:
Nơi đây lúc dịu êm
Đất hiền như tuổi thơ
Cánh cò bay trong sắc trời lá mạ
(Anh đứng giữa Tháp Mười)
Ông thường gắn hình ảnh đất với người mẹ để ngợi ca đức tính ấy: “Đất
mẹ hiền yêu quý” (Việt Nam! Ôi Việt Nam!), hoặc“Đất là mẹ của ta / Ôi ta
yêu mẹ nhất”(Ta lại đi chân đất). Nhà thơ tỏ ra sung sướng khi được đi chân
đất, được nằm trong chiến hào mà như “nằm trong lòng mẹ ấm biết bao”. Đó
là vẻ đẹp trữ tình của đất, đất ôm ấp, chở che, tô điểm cho người anh hùng:
Ôm anh đất nở đầy hoa
Ru anh có tiếng chim ca trên cành
(Trường ca Nguyễn Văn Trỗi)
Hiểu theo nghĩa biểu trưng, Lê Anh Xuân là nhà thơ có nhiều khám phá
mới mẻ về đất: “đất ngọt nước dừa xiêm”, “đất thở tuổi non”, “đất nở
những đầm sen”, “đất nở vàng tươi”, “đất nén đau thương”, “đất nát bầm
vết đạn”, “đất chật anh hùng”, “đất mở chiến công”, “đất hiền như tuổi
thơ”…
• Kêt luận: Hình ảnh cây dừa, dòng sông và đất trong thơ Lê Anh
Xuân là những biểu trưng nghệ thuật độc đáo, sinh động. Cả ba được kết nối,
bổ sung cho nhau; trong đó đất là hình tượng trung tâm“Ta nằm trong lòng
đất chiến hào / Ta nằm trong lòng mẹ ấm biết bao” (Ta lại đi chân đất). Có
thể nói, xây dựng thành công những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng như
vậy, thơ Lê Anh Xuân đã đem đến cho người đọc và neo đậu mãi trong tâm
trí họ âm hưởng hào sảng, bi tráng về một thời chiến tranh ác liệt trên quê
hương Nam Bộ anh hùng, trên mảnh đất Bến Tre quật khởi. Đó cũng là đóng
góp rất đáng ghi nhận của Nhà thơ - Liệt sĩ Lê Anh Xuân trong nền thơ Việt
Nam thời kháng chiến chống Mỹ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sở Văn hóa thông tin Bến Tre (1996), Tuyển tập văn học chữ viết Bến Tre
(từ khởi thủy đến năm 1975), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Hoài Thanh, “Tiếng gà gáy của Lê Anh Xuân hay tấm lòng người thanh
niên miền Nam tập kết” (trong sách Hải Hà, Nhà văn trong nhà trường Lê
Anh Xuân, Nxb Giáo dục, 2002, tr.38 - 47 ).
3. Hoài Thanh, “Thơ Lê Anh Xuân hay tấm lòng một người thanh niên trên
tiền tuyến lớn”( trong sách Mười năm văn học chống Mỹ, Nxb Giải Phóng,
1972, tr. 257 - 279 ).
4. Hoàng Trung Thông (chủ biên) (1979), Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu
nước, Nxb Khoa học Xã Hội.
5. Lê Anh Xuân (1966), Tiếng gà gáy, Nxb Văn học, Hà Nội
6. Lê Anh Xuân (1969), Nguyễn Văn Trỗi , Nxb Giải Phóng.
7. Lê Anh Xuân (1969), Hoa dừa (tập thơ), Nxb Giải Phóng.